Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Đình Hoành Sơn


Đình Hoành Sơn
Cập nhật lúc 6:56:57 PM - 29/04/2011
Bài và ảnh Trần Công Nhung/Viễn Đông

314h1.jpg

Đình Hoành Sơn

Theo lời hướng dẫn của bác nhân viên trực đền Hồng Sơn (1) tôi theo đường 558 đến cuối đường rẽ trái qua câu sắt Yên Xuân đi về xã Khánh Sơn huyện Nam Đàn, nơi tọa lạc đình Hoành Sơn. Đoạn đường không xa, chừng 20km song phải qua nhiều khúc quanh co, lúc chạy qua làng, khi chạy trên đê, phải thăm chừng luôn mới không lạc hướng.
Tôi thầm nghĩ, đình thì nơi nào cũng na ná nhau thôi. Cái thú ở đây là được đến vùng xa lạ, cảnh vật có nhiều sắc thái khác thường, lòng luôn háo hức tìm kiếm khám phá cái mới. Sự đổi thay của cảnh quan lôi cuốn và đánh thức mọi giác quan của người đi đường. Nhờ thế khách lữ hành không hề thấy mệt mõi trái lại lúc nào và nơi đâu cũng đáng biết đáng ghi.
Lúc qua cầu Yên Xuân, nhìn xuống dòng sông Lam, phải nói đẹp lạ lùng dù nước sông màu vàng đục. Ngay hạ lưu mà dòng sông uốn khúc mấy lần, hình ảnh uyển chuyển êm đềm. Những con đò hiền hòa kề bên nhau từng cụm như cùng chuyện trò. Mui đò miền này hơi khác trong Nam, mui bằng tre đan không lợp lá, phía mũi cao hơn và hai ba lớp cơi lên nhau trông như cái mai con trút. Tôi dừng lại một lúc để thưởng thức vẻ đẹp của dòng sông Lam, dòng sông của thi ca không của làng chài. Rất tiếc tôi không là thi sĩ để có đôi câu ngợi ca dòng sông và con đò xứ Nghệ. Con đò nơi đây khác với con đò của cụ Cao Bá Quát khi có ý dèm pha làng thơ xứ Huế: “Ngán cho cái mũi vô duyên. Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”. Những con đò trên sông Lam không có “mùi” mà đầy thi vị.

314h2.jpg

Sông Lam

Sông Lam núi Hồng (Lĩnh) là biểu tượng đã đi vào hồn người xứ Nghệ:
“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh,
nhớ dòng sông La (một nhánh của sông Lam), nhớ biển rộng quê ta...”.
Qua Cầu Yên Xuân tôi men theo đê sông Lam, nhìn xuống dọc dòng sông, nhiều thuyền bôm cát cho ngành xây cất. Qua một đoạn, bãõi bồi từng nhóm người đang nhổ đậu phụng (lạc). Tuy công việc đồng áng mà rất nhàn nhã, chỗ vài ba người, không vội vã như ngày mùa lúa chín. Thuở trước thấy trong sách truyện hay mô tả tiếng hò cô lái đò trên sông, tiếng hát trên đồng của chị đi cấy, ngày nay tuyệt nhiên không thấy gì, kể cả tiếng chim trời, con người lầm lũi với công việc. Cảnh có đẹp và yên bình mà vắng lặng. Có thể do cuộc sống chắt buộc quá nên không mấy ai còn nghĩ đến chuyện hát hò? Ngày nay nông dân từ từ được thị hóa, một số ra đồng bằng xe máy xe đạp, quần jean, màu sắc như đi hội, xuống ruộng mang ủng, không chân trần như ngày xưa. Trên đê một con bò vàng nằm nhai lại cạnh chiếc xe máy đỏ chói, một hình ảnh mới của đồng quê hôm nay.

314h3.jpg

Mùa đậu phụng (lạc)

Lúc đến gần một xóm làng thì sên xe nổi lên “reẹc reẹc” tôi có cảm giác sên muốn đứt. Tôi giảm tay ga, thả xe lăn từ từ xuống đường rồi dắt bộ vào làng. Tôi bắt đầu lo, chỗ quê mùa vầy liệu có ai sửa xe chăng. Mấy phút sau có người đạp xe qua tôi hỏi: “Trong làng có ai sửa xe không chị”? – “Chú vô một khúc nữa có nhà sửa xe”. Tôi thở phào, và nỗi mệt mỏi lo âu tan biến ngay. Tiệm sửa xe là một mái nhà gạch nhỏ, trước sân có dựng tấm bảng “Sửa xe máy”. Dắt xe vào sân tôi gọi to: “Sửa dùm xe đi”, “Sửa dùm xe...”, la to thế mà chẳng ai lên tiếng. Chắc thợ sửa xe đi cuốc đất cũng nên. Gọi thêm mấy lần nữa, không thấy gì, tôi bắt đầu nản và chẳng biết xoay xở sao thì đúng lúc có một anh chàng đi ra, tôi phản ứng ngay: “Sửa xe gì mà kêu muốn chết” – “Dạ nay là ơ rô 82 mà chú”. Tôi bật cười, à thì ra ông này mãi dán mắt vào TV, giải World Cup Euro 82. Thảo nào. Tôi cười giả lả:
- Coi dùm sên xe chú nó kêu quá.
- Dạ được, chú chạy xe trong Nha Trang ra hả?
- Sao cháu biết?
- Số 79 của Nha Trang, cháu trước kia có làm việc trong đó.
- Thế hả, ừ giúp chú tí.

314h4.jpg

Chạm trổ đầu cột

Tự nhiên tôi thấy yên tâm hơn như thể gặp người quen. Anh thợ mang đồ nghề ra và bắt đầu việc kiểm tra “sự cố”.
- Xích chú gần đứt, may chớ đứt là bể máy luôn.
- Vậy hả, giờ sửa được không?
- Dạ, cháu cắt một mắt rồi nối lại, không sao.
Anh thợ loay hoay tháo bánh tháo sên, lâu lâu sai cháu bé 3 tuổi chạy lấy thứ này thứ nọ. Tôi ngạc nhiên thấy con bé hiểu hết công việc của bố. Xích xong đến bạc đạn, tôi bảo thay luôn. Tất cả chỉ 80 nghìn đồng. Tôi đưa anh luôn 100 nghìn (5 đô). Giữa chôn quê mùa hoang vắng mà có người giúp cho như vậy là quá hên. Tôi hỏi đường vô đình Hoành Sơn, anh thợ cho biết còn mấy cây nữa.
Tuy xe đã sửa, tôi cũng không dám chạy nhanh, không lên đê mà chạy dưới đường làng, đường nhựa mát bóng tre xanh. Chỉ mấy phút đã thấy bảng “Đình Hoành Sơn.Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia” cắm trên bờ đê, đối diện cổng đình. Tôi hơi ngạc nhiên, cổng đình mà như cổng nhà ở, tường thì thấp chừng 1 mét, ai leo vào cũng được. Cổng khóa bằng xích sắt. Dưới tàn mấy cây bàng trước sân, mái đình oằn oằn, tường vôi trắng, trông thiểu não, không có vẻ gì là di tích. Lui tới không thấy ai. Lát sau có người đi qua cho hay “Chú vô theo hẻm bên hông đình, ra sau có nhà bác bảo vệ”. Tôi dắt xe luồn ra sau vườn chuối, thấy có bà già đang sàng sảy dưới hiên mái nhà tranh. Tồi lần đến và hỏi nhỏ: “Thưa bác tôi muốn hỏi thăm bác bảo vệ đình”. Bà già ngưng tay nhìn tôi mọât lúc, tôi nói rõ thêm: “Tôi ở xa nghe tiếng đình Hoành Sơn nên đến thăm”. Bấy giờ bà già mới lên tiếng:
- Ông nớ đi khỏi rồi.
- Dạ chừng nào bác ấy về?
- Không biết mô.

314h5.jpg

Sửa xe

Tôi năn nỉ bà già: “Tôi ở tuốt Nha Trang ra đây thăm Đình, bác có cách gì mở dùm cửa cho tôi vào xem ít phút thôi. Vì tôi còn phải chạy vào Đồng Hới hôm nay”. Bà già nghĩ ngợi một lúc rồi vô nhà xách xâu chìa khóa ra giao cho tôi: “Cái ni là khóa cổng, cái ni khóa cửa đình…”. Tôi rất mừng mang chìa khóa đi ngay.
Mặt tiền đình Hoành Sơn hơi tối, chỉ có cửa gỗ bàn khoa gian giữa, trên cửa treo bảng nội qui:
Nội quy
Bảo vệ di tích đình Hoành Sơn
1 Mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ di tích văn hóa đình Hoành sơn đã được nhà nước xếp hạng số 92 ngày 10 – 7 – 80
2 Cấm: Chăn thả gia súc hoặc đưa rơm rạ, vật chất khác vào để trong khu vực đình.
Cấm: khai thác đất đá chặt phá cây cảnh trong diện tích được nhà nước và địa phương qui hoạch quản lý di tích.
3 Khách đến lễ tự, tham quan phải báo cho bảo vệ di tích biết và chấp hành các hướng dẫn của nhân viên bảo vệ không tự tiện chuyển dời di vật của đình.
4 Ai vi phạm nội quy trên phải chịu trách nhiệm theo pháp lệnh.
UBND xã Khánh Sơn
Pháp lệnh số 14 ngày 4.4.1984

314h6.jpg

Bàn thờ trong đình


Hai bên cửa chính, xây tường và trổ thêm 2 cửa “pa nô”â nhỏ. Trông bên ngoài, đình không có gì đặc biệt. Mở cửa vào trong tôi càng ngạc nhiên hơn, mấy gian trống trơn, không trống không cờ, bàn thờ là bệ xây trơ trọi có mấy pho tượng Phật lớn nhỏ bày biện lộn xộn, một bát nhang sơ sài. Tất cả bụi phủ một lớp dày. Tôi có cảm tưởng như đình bỏ hoang. Nhưng, xem kỹ thì thấy đình có mấy điểm đặc biệt:
- Cột đình bằng gỗ lim, có 32 cột, đường kính trên 40 phân, 12 cột cái cao trên 5 mét. 20 cột con cao gần 4 mét.
- Các đầu kèo và cột đều có chạm trổ công phu tỉ mỉ, lối chạm của đình Hoành Sơn khá đặc biệt: Không chạm thẳng tròn cột mà chạm riêng và gắn vào, do đó trông rất mạnh mẽ và uy nghiêm.
Vì không gặp người bảo vệ nên không biết Thành Hoàng của đình là vị nào, và nguồn gốc ban sơ của đình do ai xây dựng. Về sau tìm hiểu qua sử liệu được biết đình Hoành Sơn là một kỳ công trong kiến trúc và cũng có giai thoại rất lạ trong thời kỳ tạo lập.

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
Tháng 6 - 2008


(1) Đền Hồng Sơn đã đăng
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét