Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Nhà cụ Phan Bội Châu


Nhà cụ Phan Bội Châu
Cập nhật lúc 7:13:11 PM - 18/02/2011
Bài và ảnh: Trần Công Nhung/Viễn Đông

304-h1.jpg

Ngã ba đi Nam Đàn.

Nhân viên khách sạn chỉ sơ đường đi Nam Đàn: Hà Huy Tập ra QL1A, vào hướng Nam khoảng vài cây số có ngã ba lớn, rẽ phải là QL46 lên Nam Đàn, đúng 19km. Đường không xa, nhưng chưa hình dung được khó khăn thuận lợi, tôi vẫn đi sớm, dù trời còn nắng gắt.
Trước đây, thường nghe tiếng vùng Nghệ An Hà Tĩnh đời sống khắc khổ, nhiều phức tạp bất an cho người ở xa tới. Thực tế, tôi thấy thành phố khá hiền lành, rất ít xe, buôn bán không có gì nhộn nhịp, hàng rong hè phố cũng không nhiều như Hà Nội Sài Gòn, không làm cho người đi đường ngột ngạt căng thẳng thần kinh. Đến ngã ba, đúng có đường đi Nam Đàn. Mới rẽ qua một đoạn gặp lúc tàu chạy qua, đường phải đóng. Ngay đây nhiều quầy bán bánh mì, giống kiểu dọc đường về miền Tây. Mỗi địa phương một khác, miền Tây bánh mì dựng nghiêng trên một giá cây, từ xa trông như một một tấm phên màu vàng; ở Vinh bánh mì cho vào túi nilon lớn 10 ổ, 20 ổ (vệ sinh hơn), xếp lên hai thùng xốp liền nhau, sao phải hai thùng xốp mà không dùng một chiếc bàn nhỏ? Thời buổi “văn minh hiện đại”, sinh hoạt đời thường thứ gì cũng “nâng cấp”, ngay cả tình cảm con người, trong giao tiếp lúc nào cũng văn hoa bóng bẩy, chỉ khác trước một điều là bên trong những hào nhoáng đối xử là mưu mô lừa nhau. Người (...) bây giờ, khi nghe ai than phiền về lương tâm đạo đức, thì câu trả lời là: “Nay làm gì có lương tâm, đạo đức thì được ‘nâng cao’ thành đạo tặc. Từ đó hầu hết mọi người thuộc lòng thuyết ‘mackeno’”. Và, thế gian lại truyền nhau câu: “lá rách đùm lá tả tơi”, còn lá lành trên cây cao trăm trượng luôn luôn tỏa sáng vầng thái dương, không màng chuyện trần thế!


304-h2.jpg

Đường đi Nam Đàn.

Ra khỏi thành phố vài cây số là đồng ruộng, ruộng đồng chẳng khác mấy ngày xưa, cày cấy, gặt hái, từng mảnh lẻ tẻ cò con, dù (...) luôn luôn hô hào “cơ khí hóa, hiện đại hóa” nông thôn. Nói vậy nhưng đôi lúc cũng chộp được tấm ảnh coi khá hay. Miền Bắc thường có cảnh tháp chuông nhà thờ nhọn hoắt nổi bật trên nền núi xanh, làm cho cảnh trí có ý nghĩa thêm, chứ không hoang dã trần tục. Khoảng 3 giờ tôi đến thị trấn huyện Nam Đàn, nhà cụ Phan nơi nào thì chịu, phải vào một quán nước. Anh chủ quán tiếp tôi như một người “tham quan” (1) mà quên chuyện mua bán. Vừa nghe tôi hỏi: “Anh biết ngôi nhà xưa của cụ Phan Bội Châu chỉ giùm”, anh vui vẻ mời tôi ngồi, mang ra bình trà và chỉ dẫn đường đi: “Có hai cách lên nhà cụ Phan Bội Châu, một là chú thẳng đường này lên mấy cây số đến xã Đông Liệt, chú hỏi, người ta sẽ chỉ chú vô thôn Nam Sa, nhà cụ ở đấy. Hai là chú đi theo đường đê trong đây, chừng cây số rẽ ra chợ Nam Đàn là tới nhà cụ Phan”.

304-h3.jpg

Đồng ruộng bên QL 46.

304-h4.jpg

Trẻ con và vụ mùa.

Tôi lấy giấy ghi chép, anh lại bảo: “Chú đưa đây em vẽ đường cho chú”. Anh vẽ loằng ngoằng, vừa giải thích: “Chú theo con đường trước mặt đi thẳng, chú sẽ thấy đám ruộng của cụ ngay chân đê, lên đê rẽ phải, chỉ mấy phút là đến chợ Nam Đàn, nhà cụ Phan gần đấy”. Anh chủ quán thật nhiệt tình, tôi cảm ơn đi ngay và mua theo một chai nước ngọt cho phải lẽ (2). Chạy xe trên đê, thế nào cũng có cái để chụp ảnh, đường qua thị trấn thì phố xá quá thường. Lúc vào xóm, gặp một ông lão đầu bạc phơ, tôi hỏi thêm cho chắc, không ngờ khơi đúng nỗi “bức xúc”, ông tả oán với tôi một thôi dài: “Cụ Phan Bội Châu là thầy của ông (...), đáng lẽ phải được tôn vinh xứng đáng, vậy mà có mỗi nhà lưu niệm xã muốn xây trên miếng đất của cụ người ta cũng không cho, họ đành mang về huyện…”. Ông già còn kể lể nhiều thứ, nhưng tôi phải cảm ơn đi cho kịp giờ. Nếu phải nghe thì (...) này muôn trùng chuyện, mấy ngày đêm kể cũng không hết. Lên đê gặp ngay cảnh ngày mùa, một đám trẻ đang kéo một xe lúa mới gặt, tôi thấy chúng hồn nhiên với công việc đáng ra dành cho trâu bò, hoặc của người lớn.
Xuống đê, y như lời anh chủ quán, qua một khu phố, là thấy nhà cụ Phan. Tôi đứng trước cổng tre nhìn một lúc, nhìn mái nhà tranh tưởng chừng không bao giờ có dịp thấy lại. Hai hàng chè tàu (3) xanh dày, lối vào nhà để nguyên đất vàng (4). Dù chỉ một góc nhỏ của quê hương, trong giây phút cũng cho tôi cảm xúc đậm đà, một niềm vui như thời còn nhỏ dại. Đẹp và thân yêu.

0304-h5.jpg

Nhà cụ Phan.

Làng tôi, bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre rung bên mấy hàng cau. Đồng quê mơ màng ...

(Làng tôi, nhạc Chung Quân)

(Còn tiếp)
Trần Công Nhung
06 - 2008


(1). “Tham quan” hay “quan tham” trước 75, có nghĩa “ông quan tham quyền cố vị, bóc lột dân lành. Ngày nay trong (...) có nghĩa: quan sát, tham khảo? Nôm na là du lịch, vãn cảnh. Nói về chữ nghĩa trong nước ngày nay vô cùng “phong phú”, nhiều sáng tạo lạ đời, phải một cuốn sách dày mới kê ra hết. “Nội y” là thầy thuốc nội khoa? thầy thuốc trong triều đình? Không phải: nghĩa là quần lót (y như y phục, nội là trong) tương tự: Nội tệ ngoại tệ, nội tình ngoại tình... cao điểm, thấp điểm. Có lẽ nói thế cho có “văn hóa”? Nhưng trên đại lộ Hàm Nghi (Sài Gòn), một câu quảng cáo to tướng: “bệnh đái tháo đường…”. Đã có nhiều bài viết mô tả “văn hóa (...)” luân lưu trên Internet, phơi bày một hiện trạïng văn hóa thê thảm chưa từng có.
(2). Những gì vô chai hay lon ở (...) thì không nên dùng. Các đại gia ngày nay chỉ ăn phở 35 Mỹ kim một tô. Phở không có phụ gia, thịt bò Úc. Đã có lần tôi phải trả 90 nghìn đồng cho một đĩa bíp téc (steak), đắt gấp 4 lần nơi khác, hỏi mới biết: “Thịt bò Úc nhập cảng”.
(3). “Chè tàu” một loại cây thân xương cứng, lá nhỏ và nhiều, từ Huế trở ra, người ta thường trồng hai bên lối đi vào nhà. Ngoài Bắc thường trồng dâm bụt. Trúc cũng có trồng, nhưng thường dành cho nơi ở của các nhà nho. “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” (Nguyến Khuyến).
(4). Sợ mai kia lại “nâng cấp” lát gạch, lát đá thì hỏng ngay.
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét