Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Sài Gòn và ‘hàng ngoại’ ngày nay


Sài Gòn và ‘hàng ngoại’ ngày nay
Sunday, September 26, 2010



Sài Gòn Cô Nương/Người Việt

Hệ thống siêu thị Metro đã làm ăn ở Việt Nam, trong đó hầu hết là hàng ngoại. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

“Hàng ngoại” là cách gọi các loại hàng ngoại quốc vào VN bằng con đường nhập cảng chính thức đi qua hàng rào quan thuế, hoặc lậu thuế bằng cách luồn lách qua biên giới, qua hàng xách tay...

Nhiều nhất là hàng tiêu dùng, hàng kim khí điện máy, thực phẩm đóng gói, vải vóc quần áo,... chiếm lĩnh hầu hết thị trường VN. Gần đây, nổi bật ô tô, xe gắn máy, điện thoại iPhone,... ồ ạt tràn vào VN. Nhiều nhãn hiệu cao cấp nước ngoài về quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ... cũng xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Hàng xa xỉ giá cao vọt hẳn nên rất ít người với tới như: Ðồ chơi trẻ em giá từ vài trăm ngàn đến bạc triệu, quần jean hơn một triệu... nằm ở siêu thị sang trọng dành cho số ít người giàu nơi mà ngay cả dạo chơi, “hóng mát,” người nghèo cũng không dám bước chân vào.

Vừa túi tiền hơn là hàng Thái lan, Ðài loan, Indonesia... Những xứ láng giềng này không những cung cấp hàng hóa giá thấp mà còn rất phong phú đủ mọi thứ không thiếu thứ gì. Nhiều nhất từ Ðông Nam Á do vị trí láng giềng gần gũi, không tốn nhiều thời gian, công sức vận chuyển là hàng Mã Lai, Singapore, Hongkong...

Hàng Thái Lan, Trung Quốc có mặt ở Tịnh Biên (An Giang), hàng Trung Quốc tung hoành độc chiếm chợ Tân Thanh (Lạng Sơn), hàng Thái, Lào, Trung Quốc ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)... Tuy nhiên điểm mặt khắp nơi bán sỉ, bán lẻ thấy ngay áp đảo là hàng Trung Quốc.

Vì sát kề một bên nên hàng Trung Quốc dễ dàng vào Việt Nam đâu có cần phải làm thủ tục xuất nhập khẩu. Cứ đường bộ mà đi. Chợ biên giới được chính thức lập ra. Bên cạnh đó, đoàn quân cửu vạn hàng ngày kìn kìn thồ, vác theo mọi ngõ ngách lối mòn, cắt rừng, băng núi chuyên chở hàng lậu hàng trăm tấn mỗi ngày.

Hàng Trung Quốc trước kia gọi là Trung Cộng tức hàng Tàu không thiếu thứ gì. Ðồ chơi của con nít trừ hàng cao cấp Lego, búp bê Barbie... dành cho số ít khá giả và hàng VN là vài món đồ chơi bằng gỗ, bằng nhựa đơn điệu, màu sắc xám xịt không thể nào trụ nổi với cơn bão táp đồ chơi Trung Quốc. Từ cửa tiệm lớn đến tấm bạt dã chiến trải dưới đất ở mọi ngôi chợ chồm hổm đều bán hàng Tàu: từ hàng kim khí điện máy: TV, đầu máy cassette, bàn ủi, radio... đến hàng gia dụng: bộ ly tách, chén đũa, đèn pin... cho tới... hạ cám: dép, guốc, tất vớ, tăm xỉa răng... thảy đều hàng Trung Quốc.

Cứ đi ra ngoài đường nhìn quanh chẳng có món hàng nào bày ra trước mắt mà không dán nhãn “Made in China.”

Hình thức hàng ngoại lại rất hấp dẫn: vừa nhẹ, vừa đẹp, vừa xinh, vừa gọn... Ngoài đường hầu như không còn thấy ai mặc quần áo vá. Bà hàng cá “lên” áo hai dây đính hột đá, ông vé số áo pull Cá sấu, cô bồi bàn quần xệ... nếu không phải quần áo cũ SIDA vài ngàn một chiếc thì đều là hàng Trung Quốc. Bộ đầm xòe màu mè kết ren đính hột dành đi đám giá hơn trăm ngàn, áo gió trời lạnh nhún bèo xinh xắn chỉ ba chục ngàn... cũng là hàng Tàu. Hàng Tàu rẻ không thể tưởng tượng được. Với dân số một tỷ ba, giá nhân công thấp và tính cần cù nhạy bén kinh doanh. Nhiều người Việt không sản xuất trong nước mà sang Trung Quốc đặt hàng. Số lượng ít mấy họ cũng làm, mẫu mã thay đổi mấy cũng chịu và giá nào cũng ừ...

Chủng loại hàng hóa phong phú, giá rẻ mạt, rẻ còn hơn cho nhưng đúng là “tiền nào của nấy,” chất lượng hàng Tàu luôn bị mang tiếng.

Chị Linh đi du lịch phía Bắc. Tận dụng cơ hội đến khu chợ biên giới nổi tiếng bán hàng rẻ. Bà bạn dặn dò kỹ lưỡng:

“Chị không biết coi máy móc chớ mua TV, cát-sét làm chi, bây giờ đang mùa mưa, cứ mang về mấy chục cây dù đi mưa với một rổ điện thoại di động nhét dưới thùng xe, đâu có sợ choán chỗ. Mấy thứ đó thông dụng ai cũng cần, lúc nào cũng hút hàng, coi như mình gỡ tiền tàu xe du lịch...”

Các loại “hàng Tàu” nhập lậu với giá rẻ mạt. (Hình: H.A/Người Việt)

Ghé chợ biên giới Tân Thanh. Chị Linh thấy người ta mua sắm như điên mà hoa cả mắt. USB dung lượng 2G bốn chục ngàn đồng, dù mười lăm ngàn một cây. Bà bạn quân sư thật chí lý, kẹt là chị không có máu buôn bán nên cứ ngắm nghía hết hàng này đến hàng khác rồi... thôi. Về tới Sài Gòn mới hú hồn vì USB thì câm điếc, còn dù long gọng vứt thùng rác nguyên bó. Riêng mền bông Trung Quốc giá trăm ngàn một chiếc, về tới Hà nội giá đã tăng trăm ba, hí hửng dùng được hai tuần thì mền bung chỉ, toạc vải, bông rơi lả tả vứt đi thật tiếc người ta bỏ bao nhiêu công để làm nên những món hàng dối gạt như vậy.

Ðúng là Trung Quốc chuyên sản xuất những loại hàng đẹp mã nhưng chất lượng không phải chỉ xấu mà còn nguy hại cho sức khỏe: Xe gắn máy gãy cổ, đũa gỗ gây ung thư, dép cao su đi trong nhà khiến lở loét da, đồ chơi trẻ có nồng độ chì cao, vải gây dị ứng da, cả giày cao cấp do Trung Quốc làm nhái giày Ý cũng có thể gây bệnh ung thư phổi... Cuối năm ngoái, hơn hai chục giáo viên và học sinh ở Thanh Hóa bị ngộ độc hóa chất trong đồ chơi “hạt nở” của Trung Quốc. Dị ứng, viêm da là những ca thường gặp ở bệnh viện Da Liễu và Nhi Ðồng từ hàng hóa Trung Quốc.

Thức ăn “Made in China” cũng đặc biệt: Lẩu Tàu một gói nhỏ sáu ngàn đồng nấu được cả nồi nước dùng, vừa ngọt như hầm nhừ mấy ký xương vừa hít hà thơm điếc mũi nên không phải chỉ các bà nội trợ mua về nấu nướng, mà cả hàng quán từ vỉa hè cho chí tiệm ăn nhà hàng lớn đều mua về dùng, giá sỉ còn rẻ dữ dội hơn; Sudan là chất nhuộm công nghiệp được chứng minh gây ung thư cho chuột và thỏ được dùng trong son môi, trong tương ớt, bột ớt, trong thức ăn gia cầm khiến trứng có màu đỏ thắm tuyệt đẹp; trái cây cam quýt lê táo “trường sinh” bày bàn thờ hương nến, thời tiết nắng oi nóng nực cả tháng trời vẫn đẹp mơn mởn, bổ ra ăn vẫn giòn ngon, chừng hai tháng... trở lên mới hỏng bên trong nhưng bên ngoài đúng là “bất tử,” màu sắc không hề suy suyển. Hoành thánh là món ăn đặc sản của người Hoa cũng có thuốc trừ sâu trong đó, kem đánh răng chứa chất diethylene glycol (DEG) cao gấp năm mươi lần hàm lượng an toàn cho phép đã gây tử vong người ...

Bà Hà xách giỏ ra chợ cẩn thận hỏi cà rốt củ nào trồng ở Ðà Lạt, củ nào xuất xứ Trung Quốc. Người bán trả lời dễ ợt nhìn là biết liền, củ cà rốt sạch sẽ, mập mạp, hồng hào đẹp như trong phim hoạt họa đích thị hàng Trung Quốc; còn củ nào quắt queo, đầy mắt, đầy rễ, đất đỏ dơ bám đầy mình là hàng Ðà Lạt. Cho nên ai chọn củ cà rốt èo uột mới là người... sành ăn! Riêng trứng nhìn bằng mắt chịu thua, quả nào nhìn cũng giống nhau.

Nếu thích “chưng” vẫn dùng hàng Trung Quốc. Anh Tài giáo viên thương thằng con sáu tuổi dữ lắm bấm bụng mua một chiếc máy bay điều khiển tự động giá một trăm ngàn. Giá đó khá cao nên máy bay nhìn đẹp lắm, màu trắng bạc, từng chi tiết tỉ mỉ đẹp không chê vào đâu được. Chỉ có điều vừa cất cánh lên đúng nửa thước thì rớt phịch xuống, văng bánh xe nằm thẳng cẳng dưới đất. Sau lần cất cánh duy nhất đó, chiếc máy bay chui thẳng vào nằm luôn trong hangar là chiếc tủ búp phê kê ngoài phòng khách.

Bởi “mất uy tín” quá nên hàng Trung Quốc phải nhái các nhãn hiệu khác. Ông Ất xem quảng cáo trong TV máy hút bụi Tây Ban Nha khuyến mãi với giá cực rẻ, được dịp ít tiền dùng món đồ xa xỉ nên ông bèn điện thoại đặt mua ngay. Nhân viên giao hàng đến nhà gặp hôm cúp điện.

Theo đúng tinh thần “vọng ngoại” miễn hàng của Tây, không phải hàng ta đương nhiên là thứ tốt nên ông trả tiền ngay, khỏi chờ thử. Nào ngờ, tối đến có điện, thì máy đứng ỳ ra chẳng thèm hắt hơi lấy một tiếng. Cả nhà săm soi tìm mãi mới lòi ra hàng chữ “Made in China” ở góc kẹt chiếc máy. Ðiện thoại hỏi thì được hãng trả lời hàng Tây Ban Nha nhưng sản xuất bên Tàu.

Ngoài ra đồ chơi Trung Quốc dán nhãn Singapore, xe gắn máy Tàu nhái hàng Nhật, nào là: Waver, Dreamer, Hongda... Mới nhác qua tưởng Wave, Dream, Honda... Người đi loại xe này nâng xe như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chạy nhẹ nhàng, tránh dằn xóc, vì đã từng nhiều trường hợp sứt càng gãy gọng gây tai nạn, thương tật. Giá xe chỉ bằng một phần ba xe chính hãng, không đủ tiền mua xe thật thì người ta đành đi chiếc xe nhái cho nó... đỡ ghiền vậy.

Trước kia, trẻ con bú sữa đặc có đường nếu con nhà nghèo hoặc Dielac trung bình hay Guigoz nếu nhà khá khá. Khoảng chục năm lại đây, đời sống thị dân khá lên, lại có chính sách mỗi nhà chỉ có một đến hai con nên dân có tiền thi nhau đi mua sữa ngoại để chứng tỏ đẳng cấp. Sữa càng đắt càng tốt, trẻ càng thông minh. Sữa nhiều tiền tới đâu, trẻ thông minh tới đó!

Bây giờ nhiều hãng sữa tha hồ lựa chọn. Rồi sữa F. 1 dành cho bé từ 6 tháng đến 8 tháng, F. 2 cho bé từ 8 đến 10 tháng, F. 3 từ 10 đến 12 tháng... Rồi cạnh tranh nhau nhau hàng sữa này có thêm chất DHA, ARA làm cho trẻ thông minh, học giỏi, chất Prebiotic giúp tăng cường hệ tiêu hóa, chất Palatinose làm cho bé học hỏi không ngừng, Omega 3, Omega 6 cho trẻ năng động...

Sữa vẫn uống thường ngày vẫn tưởng là xuất xứ từ các nước chuyên nuôi bò sữa như Úc, Hà Lan, Ðan Mạch... tới bây giờ mới té ngửa là lắm khi sữa Úc nhập từ... Bắc Kinh. Giờ thì vụ sữa Trung Quốc gây sạn thận mới tá hỏa. Sữa của họ bị phát hiện nhiễm melamine, một loại hóa chất vốn chỉ dùng cho việc sản xuất chất dẻo và phân bón. Sữa Trung Quốc vào được lãnh thổ VN mới bắt đầu biến hóa. Thời buổi này bao bì là chuyện nhỏ nên ruột là sữa Trung Quốc đâu có ai biết, còn hộp thì muốn sao được vậy. Các kho chứa đầy bao sữa bột Trung Quốc chiết ra hộp thiếc dán nhãn. Người tiêu dùng chuộng Made in... nào thì người bán dán nhãn Made in ... đó. Toàn là Made in New Zealand, Made in Australia, Made in Holland...

Nhiều kho chứa bột sữa Tàu có date tháng 9, 2008 giờ này còn ở trong kho, đến lúc ra thị trường bán lẻ thì chắc chuyển lên thành date tháng 9, 2010 !!!

Hàng ngoại là vậy nhưng hàng hóa VN chẳng thèm nhúc nhích chớp lấy thời cơ. Khó đổ tại cho tâm lý sính hàng ngoại của người dân khi hàng nội kém về chủng loại, số lượng lẫn chất lượng. Cho nên chất lượng kém cỏi mấy hàng ngoại vẫn bình chân như vại và hàng Việt Nam khoanh tay nhìn...

source

NGUOI-VIET Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét