Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Muôn mặt Tết Sài Gòn


February 13, 2010


NGUYỄN THỊ LAN ANH/Việt Tribune

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Canh Dần. Ba con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi ở khu vực trung tâm thành phố đã được trang hoàng đèn hoa lộng lẫy. Đặc biệt đoạn đường Nguyễn Huệ dài gần một cây số, từ bùng binh trước toà Đô Chính cũ dài xuống bến Bạch Đằng đang được thi công gấp rút để đến ngày 28 tết [thứ Năm 11/2/10], Sài Gòn có được một con đường hoa mang chủ đề Xuân Bình Minh, nơi mọi người có thể dạo chơi, ngắm nhìn những loài hoa đẹp nhất, trưng bày theo các tiểu cảnh tiêu biểu cho ba miền đất nước.

Những sạp bán cờ xí, bao lì xì, đồ trang hoàng cây mai...mọc lên rất nhiều trên đường phố. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Hoa và quà biếu

Sự sống động của các loại chợ đêm họp vào những ngày cận tết không chỉ mời gọi ống kính du khách nước ngoài mà ngay cả dân bản địa cũng bị cuốn hút. Đối với người lớn tuổi, yêu hoa cảnh thì không đâu thú vị bằng các công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, 23 tháng 9, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng, Gia Định, nơi qui tụ hơn 6,000 ngàn gian hàng hoa đến từ các tỉnh thành khác nhau. Nếu khu vực Tao Đàn qui tụ đủ loại lan hiếm quí trong và ngoài nước, công viên 23 tháng 9 mạnh về hoa mai hoa cúc thì công viên Hoàng Văn Thụ lại được coi là thủ đô của hoa đào miền Bắc. Tại đây, từng gốc đào được chằng dây, quây nilon, xếp sát vỉa hè sạch sẽ thoáng mát, rất tiện cho khách đi xem, đi mua. Gặp một liền anh quan họ Bắc Ninh ngồi canh hàng trăm gốc đào. Anh than mấy hôm liền chỉ toàn người hỏi giá, chê đắt rẻ, chứ không mua. Đã vậy gặp cái nóng trên 34 độ của Sài Gòn, nhiều cây đào đã bung hết nụ. Được hỏi về thị trường mai tết năm nay, nghệ nhân Dương Đức Thành từng sống chết với nghề hoa kiểng hơn hai chục năm qua cũng lắc đầu chán nản. Năm ngoái trời lạnh, mai không nở dù đã đốt bóng đèn hơ ấm cả đêm. Năm nay, vừa nhuận một tháng lại lũ lụt, mưa nắng thất thường khiến gần 40% mai nở trước tết, 20% chưa thấy nụ. Công xá cả năm, chưa kể phân tro, bón tưới coi như đổ sông đổ biển. Chỉ một chậu mai vàng “coi được”, cao hơn thước rưỡi, ông Thành nói năm ngoái bán 800.000 đồng coi như đã có lời, năm nay khách trả 1.200.000 vẫn chưa đủ vốn, không bán được.

Chợ hoa đào ở công viên Hoàng Văn Thụ. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Chở giao quà tết. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Mua hoa trang trí tuy đẹp nhưng không phải là yêu cầu bức thiết nhất khi so với thực phẩm tết và quà biếu tết. Thị trường quà biếu năm nay, theo chủ sạp bánh mứt Thanh Xuân chợ Tân Định thì 80% trà, cà phê, nho khô, bánh bơ, đâu phụng, hạt điều… là hàng Việt (riêng mặt hàng hạt dưa sau khi báo đăng tin có trộn nhớt thải để tạo độ bóng, trộn hóa chất công nghiệp tạo mầu đỏ thì hầu như khó tiêu thụ). Rượu vang các loại dao động từ 80.000 đồng tới 400.000 đồng, Whiskey Mỹ trên 400.000 đồng, Cognac Pháp từ 500.000 đồng tới 2.000.000 đồng. Anh Hà, nhân viên giao hàng của siêu thị Big C, vừa lúi húi chất quà lên xe vừa nhận xét “năm nay lượng khách tặng giỏ quà tết với đơn giá 500.000 đồng trở lên rất nhiều. Hình thức biếu xén của người Sài Gòn càng ngày càng lịch sự. Không còn lỉnh kỉnh tay xách nách mang cặp rượu, con gà, hay trái dưa hấu mà cứ ngồi tại cơ quan xem catalogue, chọn hàng rồi gọi điện tới siêu thị đặt hàng”. Trong các chợ truyền thống như chợ Bến Thành, Đa kao, Bà Chiểu, Tân Định…các sạp bán tôm khô, dưa kiệu, mứt tết, quần áo, đồ cúng…bắt đầu phong trào “ngủ sạp”. Không gian các chợ ngày thường vốn đã nhỏ hẹp, trong tuần lễ sát tết càng chật chội. Chỗ nào cũng đông đúc người đi chơi, đi mua. Người bán mạnh dạn trữ thêm hàng, mở thêm quầy. Người mua cũng mạnh dạn móc hầu bao với tâm lý mua sớm giá còn nới. Đợi sát tết thùng bia Heinekein 330.000 đồng, ký mứt dừa 70.000 đồng, sẽ tăng cao mà chưa chắc muốn mua đã có.

Người nghèo chờ tết

Những mặt hàng gạo, mì gói, dầu ăn…tuy không đáp ứng trực tiếp nhu cầu tết nhất nhưng cũng được tiêu thụ mạnh. Một Việt kiều Úc, học trò kẻ viết bài, sau chục năm làm ăn khấm khá ở “Meo Bờn” năm nay về quê nhà đón tết. Việc làm đầu tiên của anh chàng, không phải là mở tiệc liên hoan theo lệ thường, mà là mua ngay 800 kí gạo, bốn thùng dầu ăn, đường, bột ngọt…đi làm từ thiện. Anh ta bảo sang sớt chút đỉnh cho người nghèo để tết của họ tươm tất hơn. Nhóm bạn trẻ trường Đại học Marketing cũng cùng chí hướng đó. Một em sinh viên kể “Tết, đối với tụi em, ngoài việc đi làm kiếm thêm tiền thì còn tiết mục…đi xin ăn – xin họ hàng, trường học, bà con khu phố, các công ty quen biết, nói chung gặp đâu xin đó, cho gì lấy đó, rồi đem phân phát cho trẻ em bán báo, đánh giầy, người ăn xin tật nguyền, người nghèo neo đơn…

Khu trung tâm quận 1 đã trang hoàng lộng lẫy đèn hoa, đón tết Canh Dần. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Mở thêm quầy bán tết.

Nhân nói tới người nghèo neo đơn, kẻ viết bài liên tưởng tới 13.000 gia đình nghèo ở Sài Gòn đang nóng lòng chờ nhận quà tết của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể. Những gia đình này đều có thu nhập từ 6 triệu tới 12 triệu đồng/năm, nhà cửa tuềnh toàng, gia cảnh khó khăn. Đồng tiền bát gạo từ thiện đến với họ vào những ngày cuối năm rất cần thiết. Mà chả cứ người nghèo Sài Gòn, người nghèo sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên…đâu cũng vậy. Còn nhớ (...), kẻ viết bài đến thăm buôn Bkẻ của tộc người Mạ – Lâm Đồng, ông trưởng buôn K’Thanh chỉ bãi đá khô cằn ven suối Tiên cho biết năm truớc đây còn là nương rẫy xanh tốt. Sau lũ chỉ còn trơ đá sỏi, muốn trỉa bắp phải qua bên kia suối, vào núi phát nương mới. Ông nói “Thiếu ăn nhiều. Thiếu nước còn nhiều hơn. Ai cũng nghèo”. Đi trên con đường nhựa duy nhất chạy giữa buôn, qua 40 nóc nhà xơ xác, già làng K’Sór 89 tuổi, tưởng kẻ viết bài là (...), níu lấy nói thẳng “(...) xuống, đừng cho ý kiến nữa, cho gạo đi, để buôn mình ăn Tết”. Hỏi lương bổng, trưởng buôn bảo mỗi tháng được 150.000 đồng (chưa tới 10 đôla!). Già làng không có lương, bù lại “chết được khiêng to”. Vào chơi nhà trưởng buôn, thấy trên là mái tôn, dưới là bàn thờ Thiên Chúa, ngoài ra chẳng có của nả gì. E chừng ngoài 150.000 đồng lương tháng, ông K’Thanh không biết cách cào cấu, bóp nặn dân như các đồng nghiệp dưới xuôi. Ông bảo “Xã kêu đi họp bàn việc tết, mình không có xe đạp, đi bộ 10 cây số, xuống nơi người ta về hết rồi. Mình cũng về”.

Tầu xe về tết

Một trong những khu vực có mầu sắc tết nhất Sài Gòn phải kể đến sân bay, bến xe, bến tầu. Bến xe Miền Đông trong tuần lễ cuối năm, luôn quá tải với hàng vạn hành khách quây quanh dẫy quầy vé, đa số là người buôn bán, đi làm đi học quê Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Hai vợ chồng anh thợ hồ tên Trung đùm đề hành lý chen vào quầy vé Ninh Bình. Một tên cò mồi sấn tới vỗ vai hỏi “Ninh Bình hả, lấy đúng giá 800.000 đồng. Ra xe đi luôn. Xếp hàng làm quái gì cho lâu lắc”. Nhìn đôi vợ chồng đi như chạy theo tên cò mồi, anh bảo vệ bến xe cười thương hại. Anh cho biết “trung bình một buổi sáng, chúng nó bắt khách ngay trong khu vực bán vé cũng được vài chục người. Ra ngoài bến, dài theo quốc lộ 13, thêm vài chục nữa. Vợ chồng nhà kia sẽ phải ngồi dài cổ trên xe vài tiếng. Đến trưa chưa chắc xe đã ra khỏi Sài Gòn. Cái giá 800.000 đồng đến nửa đường sẽ thành 1.000.000 đồng. Không chịu thì xuống”.

Ga “xe đò bay” Tân Sơn Nhất ngày 25 tết cũng đông người, hầu hết chờ đón thân nhân từ nước ngoài. Ai cũng bồn chồn đi lại quanh những bảng điện tử báo chuyến bay. Điện thoại reo liên tục, chuyện nở như ngô rang. Ngồi bên cạnh nghe thiên hạ sự, kẻ viết bài cảm nhận được hết những chuyển động muôn mặt của Sài Gòn. Bà này than đi nhuộm tóc, sắm hai cái áo, thêm đôi giầy hết có 300.000 đồng, về bị chồng chửi “già mất nết”. Ông nọ u sầu vì bác sĩ phán gan “có vấn đề”, tết cấm đụng tới đồ uống có cồn. Chị kia kể đi tảo mộ ở Bình Hưng Hòa – bước vào cổng, đầu nậu thu 100.000 đồng. Muốn quét mộ, phải thuê chổi 10.000. Muốn rửa mộ, mua hai gáo nước 10.000 đồng. Muốn đốt tiền âm phủ, cúng trái cây… đều phải thuê 10.000 đồng vì “nếu không thế, khi mình về, tụi nó sẽ phá mộ”.

Trên đường dẫn từ ga “xe đò bay” Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố, con đường Nam Kỳ Khởi nghĩa dài 4 cây số, qua ba quận Tân Bình – Phú Nhuận, quận 1 đã phong quang hẳn. Nhiều lô cốt đã biến mất, xe cộ lưu thông dễ dàng hơn, trong đó có cả xe ba gác, loại xe đã chính thức bị cấm lưu thông từ ngày 1 tháng 1 vừa qua. Một anh lái ba gác chở cây cảnh thuê, trong khi chờ mối, đã cảm thán “Tết là chỗ này đi, chỗ kia đến. Chỗ này tiêu tiền, chỗ kia thu lãi. Là đổ xô mua những thứ không thật cần. Mời mọc nhau ăn nhậu những thứ không thật hợp khẩu. Rủ nhau chơi những trò không thật thú vị, đua nhau nói những điều không thật cần thiết. Cứ như vậy, hết chục ngày (công chức, học sinh nghỉ tết 10 ngày ), hết sức khoẻ, hết tiền bạc, lại hùng hục đi cày cho đến tết năm sau. Ai cũng khổ sở, mệt mỏi, lo lắng vì chạy tết, mà bảo thôi tết, dẹp tết, lại chẳng ai nghe. Thế mới kỳ!”[NTLA]

******************

source

NGUYỄN THỊ LAN ANH/Việt Tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét