Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Bút ký Trường Kỳ: Sàigòn, Bangkok, Cămpuchia, v.v... (5)

Bút ký Trường Kỳ: Sàigòn, Bangkok, Cămpuchia, v.v... (5)
Bút ký Trường Kỳ: Sàigòn, Bangkok, Cămpuchia, v.v... (5) magnify


Kim Anh và tác giả cùng anh “ca sĩ kẹo kéo”


Chắc bạn cũng từng nghe nhắc nhở tới những nhà hàng như Ngọc Sương hay Song Ngư cũng là những nơi bán đồ biển, mặc dù còn có thêm nhiều của ăn, vật lạ khác. Đồng ý là nổi tiếng, tiếp đãi lịch sự và món ăn có ngon. Nhưng hai nơi đó cũng nổi tiếng là những cái máy chém rất ngọt. Tuy vậy mà cả 2 lúc nào cũng tấp nập những người là người.

Trong số có những khách du lịch Nhật, Đài Loan hay Đại Hàn đi theo “tour”, được xe bus chở tới từng nhóm hàng chục người. Chỉ cần một nhóm ào vô đã thấy tiệm đầy nghẹt những người.

Đặc biệt là Song Ngư rất thành công trong việc khai thác nguồn khách du lịch nước ngoài đi “tour”. Và các tài xế mỗi lần chở khách tới như thế dĩ nhiên là được “bồi dưỡng” xứng đáng. Lại còn được bồi bổ thêm các món sơn hào hải vị, tha hồ đớp hít no nê. Hai nhà hàng này cũng là nơi lui tới của những đại gia hoặc những Việt kiều có tiền rủng rỉnh và khóai tỏ ra là những tay biết ăn xài.

Còn Việt kiều lèng xèng như tôi và bạn thì đã xuống giá từ lâu. Sức mấy còn có tư cách đặt chân vô những nơi này. Nhất là sau khi từng có vài lần bị chặt ngọt sớt.

Chẳng hạn như một lần tôi trót dại chơi một con tôm hùm, đã phải móc ra khoảng 50 “đô” mà cảm thấy đau lòng con quốc quốc. Mang chuyện này kể cho những bạn bè sành ăn ở Sài Gòn thì bị chửi là... ngu, là đần. Ai bảo bầy đặt sài sang, bị chặt là đáng kiếp. Với 50 “đô” như vậy, ta có thể chi cho một bữa tiệc hải sản linh đình cho khoảng 4, 5 người với đầy đủ bia bọt thoải mái.

Cam phận ngu si, từ đó chẳng còn đóng vai Việt kiều làm chi cho hao tiền, tốn bạc. Ta làm người Việt Nam đi chơi sướng hơn là Việt Kiều. Nhất là đi cùng với những tay thổ công của đất Sài Thành, rành rẽ về ăn uống thì còn gì bằng. Lần trước cũng mấy tên này đã đưa đến những tiệm hải sản nổi tiếng mà lại vừa ngon, vừa rẻ như Bến Đò ở gần Thủ Đức hoặc Năm Ri ở Biên Hòa, vv...

Lần này là tiệm hải sản có cái tên rất lãng mạn là Biển Nhớ, nằm trên đường đi tới khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Dĩ nhiên, Biển Nhớ không phải là một nơi lịch sự, sang trọng. Nhưng cũng không nằm trong thành phần những quán ăn bình dân.

Nó vào hạng thường thường bậc trung, với chỗ ngồi thoáng mát, vừa ở trước cửa, vừa ở trong nhà rất sáng sủa với một tầng lầu khang trang, sạch sẽ. Những món hải sản ở đây cũng chẳng khác gì những nơi bạn và tôi đã đến. Quan trọng hay không là ở cách pha chế, nêm nếm hoặc theo dõi những món nướng hay hấp để làm sao cho vừa chín tới là lấy ra ngay.

Chẳng hạn như món ốc leng xào dừa nơi nào chẳng có, nhưng mùi vị món này ở Biển Nhớ rất là đậm đà mỗi khi để con ốc vào miện hút một cái chụt! Quá đã! Sò huyết nướng thì vừa hé miệng vỏ là đã được lấy ra khỏi vỉ nên còn ngọt và dòn với mầu đỏ tươi. Chứ không đen sì và khô quắt queo nếu bị để lâu hơn trên vỉ chỉ chừng vài giây. Hơn nhau chính ở chỗ đó!

Nghêu hấp cũng vậy. Phải sóc nồi lên xuống đều đặn thế nào, phải lấy nồi ra khỏi bếp đúng lúc làm sao để có được một đĩa với những con nghêu vừa hé mở mới là điệu nghệ. Như vậy con nào con nấy mới tròn trịa, căng phồng nhựa sống. Cầm cả vỏ múc đẫm nước mắm pha ớt, đường, tỏi, dấm sao quá tuyệt vời!

Chem chép nướng với mỡ hành cũng là một món khiến người ăn rất khoái khẩu ở đây. Mỡ hành được rưới lên trên mỗi con chem chép đầy đặn và đẫy đà, thoang thoảng mùi cháy. Lại còn được rắc thêm đậu phọng, hỏi sao cầm lòng cho đặng? Thế là nguyên một đĩa đi một cái vèo. Tính ra chỉ hơn 1 “đô” một đĩa. Vậy còn chờ gì mà không gọi thêm!

Biển Nhớ còn có cả món ốc ngón tay, có nơi còn gọi là ốc “thánh chỉ”, có hình dạng dài như một ngón tay, từa tựa như thánh chỉ nhà vua ban xuống cho thần dân. Vật thì ta vạn, vạn tuế thánh chỉ để sực thả dàn cả chục cái thánh chỉ, vừa dòn, vừa ngọt với mỡ hành và đậu phọng tràn trề trên mặt. Còn món cua lột là món không lấy gì làm rẻ ở hải ngọai.

Nhưng ở Sài Gòn thì mặc dù là một món khá cao cấp nhưng vẫn còn nhẹ nhàng chán. Món này ở Biển Nhớ được coi là một món đặc biệt, rất được mọi người chiếu cố. Món này ngon hơn cả là nướng hoặc tẩm bột chiên ăn với rau “sà lách xoong”. Nguyên cả con cua, không có phần nào bị coi là phế thải. Chân, càng và mai cua được sơi tuốt luốt. Đã gọi là cua lột tức cua vỏ mềm (soft shell crab) thì ta phải khai thác hết thôi kẻo phí của trời.

Chuyến đi này còn khám phá thêm được một địa điểm ăn nghêu, sò, ốc, hến khác cũng hấp hẫn và lại còn có không khí văn nghệ vô cùng hào hứng. Địa điểm này nằm tuốt bên Thị Nghè, nơi một bãi đất trống trên đường Ngô Tất Tố, đường đi ngoắt nghéo và khá nhiêu khê.

Địa điểm này do một tay chơi trẻ tuổi, dễ thương người Hải Phòng giới thiệu. Ở tận quê hương của ốc và sò là bến cảng danh tiếng miền bắc, vào đến trong nam cũng biết được địa điểm này cũng là hay. Tên anh là Đạt. Chả biết ý trời đưa đẩy thế nào mà anh lại gặp gỡ Kim Anh “Mùa Thu Lá Bay” trong lần cô về Việt Nam hát và ở lì từ trước Tết cho mãi đến nay, ngoài một lần trở lại California vỏn vẹn ít ngày.

Đặc biệt hơn nữa, tuy Đạt là người miền bắc vào nam sau năm 75, nhưng lại rất ái mộ giọng ca của Kim Anh. Đạt cho biết anh có không thiếu một bản nhạc nào do Kim Anh trình bầy với một bộ sưu tập tới cả trăm nhạc phẩm của cô ca sĩ, trong giới gọi thân mật là Kim Anh...Tầu!

Đạt quen với Kim Anh trong một lần đến nghe cô hát ở phòng trà Văn Nghệ, được coi như nơi hát thường trực của cô hiện nay. Từ đó trở đi Đạt trở thành người luôn sát cánh với Kim Anh ở bất cứ nơi nào. Kim Anh đâu thì Đạt đó, Đạt đó thì Kim Anh đây, thật là khắng khít.

Như vậy, lần Kim Anh rủ vợ chồng tôi đi ăn nghêu, sò, ốc, hến ở cái địa điểm không tên này, dĩ nhiên là có mặt Đạt. Và chính anh là người đưa đường dẫn lối. Nếu không, khó mà tìm ra. Ấy thế khi đến nơi, bãi đất trống nằm ổ cuối một con hẻm lớn đó đã lổn nhổn những người, quây quần quanh những chiếc bàn thấp lè tè. Nhìn thấy bàn ghế thấp như vậy, tôi không khỏi ái ngại khi phải vác cái bụng nặng nề và to tổ chảng này ngồi xuống. Thôi, cũng đành chịu khó, biết sao bây giờ.

Vừa ngồi, vừa phải xoay tới xoay lui cho khỏi vướng víu, cho đỡ tức bụng, mệt thấy bà! Nhưng bù lại, chung quanh có bạn, có bè lại thêm có chút hơi men cùng những món mồi ngon miệng nên quên mất tiêu cái thùng nước lèo dù có bị tức anh ách. Đầu hẻm là sạp bầy bán đủ lọai nghêu, sò, ốc. Phía trong là nhà bếp với bếp lò nướng, nồi hấp lỉnh kỉnh họat động không ngừng nghỉ.

Nơi nhậu nhẹt nào mà chẳng ồn ào. Nhưng cái ồn ào ở đây không quá sức sôi nổi như tại những làng nướng hay quán nhậu sân vườn. Một thứ ồn ào vừa phải, dễ chịu vì khách hàng đến đây không phải là những tay nhậu “chuyên nghiệp” mà là những người phần nhiều đi trong một nhóm gồm những người trong gia đình hay tùng nhóm thuộc thành phần sinh viên hay công nhân.

Ngoài những món thường gặp ở bất cứ nơi bán nghêu, sò, ốc, hến nào, nơi địa điểm ăn nhậu lộ thiên với một khoảng trên một chục bàn này còn có món chân gà và càng ghẹ tẩm muối ớt nướng, đi rất ngọt với “Ken” hoặc “Tiger”. Sau vài cái “Ken” là Kim Anh chuyện trò huyên thuyên. Cô cho biết sống ở Sài Gòn vui quá xá, rất thích hợp với bản tính phóng khóang và khoái giang hồ vặt của cô.

Đang lúc Kim Anh hứng chí thì có một chương trình văn nghệ diễn ra, khiến cô càng khoái hơn. Chắc bạn cũng từng có lần được thưởng thức màn văn nghệ này khi lang thang tại một số địa điểm nhậu nhẹt bình dân về đêm mà dân Sài Gòn gọi là văn nghệ kẹo kéo.

Như tên gọi của nó, đây là chương trình văn nghệ hát bằng Karaoke do những anh bán kẹo kéo thực hiện để gây sự chú ý nơi khách hàng. Tôi đã từng được thưởng thức nhiều chương trình văn nghệ kẹo kéo như vậy, đặc biệt có lần xôm tụ hơn cả là với chương trình gồm ông bố và 2 cô con gái là ca sĩ. Ngoài ra, 2 cô còn thay phiên nhau làm MC giới thiệu tiết mục trình bầy của ca sĩ bố cũng như ca sĩ chị hay em, lớp lang ra phết. Trong khi một trong hai cô đi từng bàn mời dân nhậu mua kẹo kéo tráng miệng!

Lần này chỉ trần sì có một anh bán kẹo kéo còn trẻ măng với một “hệ thống âm thanh” rất... to mồm, nhưng cũng rất rõ ràng mỗi khi phát ra tiếng hát của anh với những nhạc phẩm thưởng được trình bầy bởi Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh, vv...

Hệ thống âm thanh lưu động này được chế tạo tân tiến với “hệ thống ánh sáng” gồm đèn nháy lấp lánh và lập lòe xanh đỏ rất vui mắt. Cái micro không giây của anh chàng này cũng vào loại khá nên đã làm nổi bật hơn tiếng hát vốn mạnh mẽ và truyền cảm đến không ngờ của anh khiến dân nhậu vỗ tay quá sức.

Sau này hỏi ra mới biết, những đồ nghề đó được chế tạo từ những phụ tùng bán ở nơi được gọi là chợ điện tử trên đường Nhật Tảo tức Da Bà Bầu ngày xưa. Tôi đã từng mê man nơi những sạp hàng bán máy móc, phụ tùng điện tử này trong một lần về Sài Gòn cách đây 2 năm. Bạn cần bất cứ thứ gì cũng có thể tìm được tại đây. Nếu khi bạn không kiếm ra, cứ đặt hàng, rồi sẽ có người thông báo cho bạn khi có hàng. Máy nghe nhạc, loa, karaoke hoặc micro không giây hay có giây loại mới te hay cũ xưa như trái đất cũng đều có tại chợ điện tử Nhật Tảo.

Khu chợ này khiến tôi liên tưởng đến thành phố chuyên bán máy móc điện tử tại thành phố Akihabara, gần Toky đã khiến mình hoa cả mắt khi đến đây lần đầu tiên cách nay đã 28 năm. Cho đến nay vẫn không sao quên được. Nói vậy thôi, chứ khu chợ điện tử Nhật Tảo chẳng thấm tháp gì với Akihabara, nhưng chỉ hơn một điểm là có rất nhiều nguồn hàng có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác, chứ không phải toàn là sản phẩm “Made in Japan” như tại thành phố điện tử bên Nhật kia.

Trở lại với anh bán kẹo kéo. Cứ sau 2, 3 bản anh lại đi từng bàn bán kẹo. Đang trong lúc nhậu cao điểm, mấy dân nhậu nào có ai ăn ngọt bao giờ. Nên có người trả tiền xong rồi tặng lại kẹo cho anh. Có người mua hàng chục cái kẹo kéo với giá 1000 một cái, bỏ túi đưa về nhà cho con nít nó mừng. Đến bàn chúng tôi, anh trúng mối khi những ngưởi trong bàn mua ủng hộ đến mấy chục cái kẹo được bọc trong giấy thành những cây kẹo dài hơn một tấc.

Kẹo kéo bây giờ văn minh hơn kẹo kéo của các chú Ba Tầu trước kia nhiều. Không còn cảnh đứng giữa đường dùng hai tay nhào bột tùm lum, sau đó kéo dài ra và bẻ kêu đến “cắc” một cái như làm show với ruồi, nhặng bay quanh phụ diễn ào ào. Bây giờ được gói ghém đàng hòang, bề ngoài coi bộ sạch sẽ lắm. Nhưng cứ khuất mắt, không thấy cảnh ô uế là vui rồi.

Giới thiệu Kim Anh, anh kẹo kéo tỏ vẻ không tin, tưởng chúng tôi đùa. Nhưng khi Kim Anh cất tiếng hát lên với “Mùa Thu Lá Bay” thì anh kẹo kéo lấy làm ngạc nhiên và thú vị vô cùng. Sau đó lại cùng anh song ca vài đọan của một số ca khúc khác khiến anh quên cả đi bán kẹo. Anh không ngờ tối hôm đó chương trình văn nghệ kẹo kéo của mình lại có phần trình diễn của ca sĩ hải ngọai mới hách!

Nhưng rồi cũng đến lúc anh phải chạy show đến một nơi khác vì chương trình văn nghệ kẹo kéo của anh không thể kéo dài quá khuya vì cần phải để cho dân chúng trong vùng cần sự yên lặng để nghỉ ngơi. Từ khoảng 7 giờ tối trở đi, một đêm trung bình anh chạy 4 shows, mỗi show kéo dài nhiều lắm là trên nửa tiếng. Thời gian còn lại dành cho vấn đề di chuyển, đạp xe từ nơi này đến nơi khác cũng đủ sặc gạch. Lại phải kéo theo nguyên dàn hệ thống âm thanh, ánh sáng cùng với mấy trăm cây kẹo kéo cùng 2, 3 quyển albums danh sách nhạc Karaoke mà anh thuộc như cháo.

Tỉ mẩn hỏi chuyện, được anh kẹo kéo này cho biết hành nghề như anh cũng phải chia khu vực hẳn hoi, láng cháng vi phạm đến lãnh thổ của một “ca sĩ” khác là không có được. Rừng nào cọp nấy, cứ thế mà thi hành theo đường lối giang hồ!

Tò mò hỏi thêm, được anh cho biết thu nhập hàng đêm trung bình cũng vào khỏang gần 20 chục đô. Sau khi trừ đi vốn liếng làm kẹo chẳng là bao nên cũng còn rủng rỉnh. Cái vui ở chỗ là có phương tiện phát huy khả năng văn nghệ của mình. Chả may tối nào Sài Gòn bị lụt lội, đường xá đi lại khó khăn thì tối hôm đó phải nằm khoèo ở nhà ca bài... “Nỗi Buồn Gác Trọ”!

Nhân bàn về văn nghệ kẹo kéo, nói luôn tới nền văn nghệ được gọi là văn nghệ hè phố cho tiện vì cùng nằm trong cả một... thể lọai! Nếu từng la cà nhiều tại các nơi ăn uống về đêm ở Sài Gòn, nhất là những quán nhậu bình dân với bàn ghế kê ngoài lề đường, bạn sẽ có cơ hội khám phá ra nhiều tài năng văn nghệ không ngờ.

Các trung tâm nhạc hải ngọai nếu cử người đi khám phá những giọng ca mới nhưng không còn trẻ vì phần lớn đều đã xấp xỉ tuổi tri thiên mệnh, chắc chắn sẽ tìm ra không thiếu những giọng ca sồn sồn nhưng tài nghệ chẳng thua kém một số những giọng ca được gọi là nhà nghề. Tác giả sẽ tình nguyện làm công tác này hoàn toàn miễn phí!

Bạn cũng cần hiểu rằng không phải tất cả những nghệ sĩ thuộc nền văn nghệ hè phố đều là những... hành khất đại hiệp hoặc những tay bán vé số, hay khai thác thương tật của mình để van xin lòng thương hại của thiên hạ hầu kiếm chút tiền. Tôi đã từng gặp 3 người, 2 nam, một nữ xách cây guitar đến những quán nhậu để ca hát, đàn địch cho vui. Đàn hát xong, được khách khứa cho tiền nhưng nhất định từ chối dù rằng tình trạng nghèo túng được nhìn thấy rõ qua vẻ bề ngoài.

Mời ngồi vào bàn, uống vài ba ly thì OK. Tiền bạc không mấy quan tâm. Có nơi giải tỏa sở thích yêu văn nghệ của mình hoặc một sự ẩn ức nào đó mới là mục đích chính. Dĩ nhiên, những nhạc phẩm trình bầy bởi các nghệ sĩ hè phố không cần phải thông qua sự đồng ý của Thông Tin Văn Hóa gì hết ráo. Mất công thấy bà. Vậy là cứ vô tư với “Anh Không Chết Đâu Anh”. “Người Ở Lại Charlie”, “Chiều Hành Quân” hay “Tình Anh Lính Chiến”, vv... lia chia.

Tác giả nào, ta cũng “chơi” tuốt. Bất kể là Duy Khánh, Trần Thiện Thanh hoặc Trầm Tử Thiêng. Cứ dứt bản là khán giả vỗ tay ào ào, kể cả những khán giả trông có vẻ như “ông nhà nước” thuộc một ngành, một bộ nhưng có tinh thần “văn nghệ quần chúng” ra phết. Cũng có khi những ca sĩ đó còn trình bầy rất tới những ca khúc nhạc trẻ ngọai quốc của thời 60, 70 xa xưa mới khiến tôi ngạc nhiên không ít.

Này nhé, “Beautiful Sunday”, “ Love Story” hoặc “ Speak Softly Love”, vv... mới là hết xẩy. Lại còn rất rành rẽ về sinh họat ca nhạc ở Việt Nam trước năm 75, kể cả nhạc trẻ, mới đáng nể.

Những nghệ sĩ hè phố theo phái thuần túy văn nghệ có tên là anh Hải, Tiến và một chị tên Dung cho biết họ luôn luôn bị hiểu lầm là những tay hành khất, dùng tiếng đàn, giọng ca mua vui cho thiên hạ để mong được đồng ra đồng vào. Nhưng sau một thời gian, khách hàng hay những chủ nhân của những nơi họ thường ghé đến biết rõ họ hơn nên sinh ra có nhiều cảm tình với những người trong thành phần những nghệ sĩ hè phố này. (còn tiếp)

(TVTS - 1156)

Tác giả: Trường Kỳ

source

TiVi Tuan San

Tags: | Edit Tags
Monday April 13, 2009 - 05:51am (EDT) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét