- Bốn mươi năm “phá” cầu Bình Lợi
-
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Trước năm 1975, ở Sài Gòn, cầu Bình Lợi từng nổi tiếng là ‘cây cầu tuyệt mệnh’. Trung bình mười người tự tử ở cầu Bình Lợi, không dưới sáu người vĩnh viễn làm khách thủy cung. Sau năm1975, ngoài danh tiếng cũ, cầu Bình Lợi còn được biết tới như hang ổ của ‘cái chết trắng’. Cả một ‘tập đoàn’ hùng hậu tham gia mua bán, kéo theo con nghiện khắp nơi tụ về chích choác tưng bừng. Đầu năm 2007, khi đại gia đình ‘bà trùm’ Nguyễn Thị Hòa đứng trước vành móng ngựa lãnh 5 án tử hình, 2 án chung thân thì thành tích tiêu thụ 55 ký heroin của họ mới thực sự làm dư luận khiếp sợ.
Ngoài hai ‘đặc sản’ tự tử và buôn bán ma túy – bản thân cầu Bình Lợi cũng góp phần đáng kể tạo nên ác cảm cho khách phương xa. Do hiện cầu đang được sửa chữa, ngoại trừ xe lửa vẫn chạy trên đường ray chính giữa, còn xe gắn máy (hai chiều) phải dồn về một bên. Người đi bộ, bị xe ép, đành đi sát vào thành cầu. Nhưng thành không có lưới chắn, thanh lan can thưa rếch, nếu muốn tự tử, to cỡ con voi, vẫn có thể lao từ trên cầu xuống, qua các thanh chắn này dễ dàng.
Có lần lái xe trên chiếc cầu trăm tuổi này đúng vào lúc xe lửa chạy qua, bên dưới dạ cầu hai chiếc xà lan trôi lừng lững, nóc xà lan cách gầm cầu chừng nửa thước, chung quanh xe gắn máy ken dầy… thấy cây cầu run run oằn oại trên dòng sông sâu, trong tiếng gầm rú đinh tai của đủ loại động cơ, kẻ viết bài bất giác đem lòng kính phục những người can đảm trèo lan can cầu gieo mình xuống dưới. ‘Can đảm là phải dám sống, dám đương đầu, chứ tự tử thế là trốn chạy, là hèn nhát chứ can đảm gì. Tôi không cho ai chết hèn vậy. Kiểu gì cũng cố cứu bằng được.’ Người tuyên bố câu trên, gần bốn mươi năm nay, là một ông thuyền chài bình thường – ông Nguyễn Văn Chúc.Nhiều câu hỏi – Một con người
Đến đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh hỏi ông Ba Chúc, ai cũng biết. Nếu hỏi ông Chúc ở đầu hẻm khu phố 2, còn được người dân sốt sắng đưa tới tận ‘nhà’ ông – một chiếc ghe khá cũ, cặp sát mé sông. Chính tại đây, kẻ viết bài đã có cuộc trò chuyện thoải mái, dễ chịu với ông Chúc. Gió sông lùa vào khoang thuyền mát rượi. Lục bình xanh rì trôi theo con nước, sóng vỗ nhẹ. Người hỏi cứ hỏi. Người trả lời cứ giọng Bắc thủng thỉnh, giẽ giàng:
“Ông bố tôi quê Vĩnh Phú, di cư vào Nam từ năm 1954. Tôi học hết lớp hai, đủ biết đọc biết viết là nghỉ, theo bố đi chài cá. Lớn lên chẳng đi lính ngày nào. Lấy vợ sớm, đẻ liền năm con ‘vịt giời’. Bây giờ hai đứa lớn lấy chồng, hai đứa giữa buôn bán nhì nhằng, đứa út vẫn đi học. Nhà ở Gò Vấp, nhưng chỉ khi có việc mới về qua. Còn suốt ngày hai vợ chồng ở đây, dưới thuyền này. Nắng gắt lại lên trú nhờ hiên thềm trong xóm. Công việc của tôi hiện tại là coi sóc 12 chiếc phao tiêu của cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và cầu Sài Gòn, không để rác bám vào phao, không cho phao trôi khỏi vị trí, không để thuyền bè va đập, không để tắt đèn ban đêm… Mỗi tháng triệu rưỡi tiền lương. Sống được.”
Lý lịch của ngư phủ Chúc, cán bộ đường sông Chúc, nếu chỉ có thế sẽ rất bình thường, nhưng thêm chi tiết ‘gần bốn mươi năm cứu người tự tử, vớt xác trôi sông’thì bản lý lịch ấy, thoắt chốc trở nên đẹp đẽ lạ thường.
Ngồi trong ‘nhà’ trông lên chiếc cầu Bình Lợi màu xám hiền lành, tôi hỏi ông Chúc (có lẽ nhiều người cũng chung câu hỏi này) cầu Bình Lợi hơn những cầu khác ở điểm nào mà dân chán đời lại hay chọn Bình Lợi gieo mình – do nước chảy chảy xiết, do lòng sông sâu, lắm đá ngầm, hay do có quỷ ma chèo kéo, rủ rê? Ông Chúc bảo không phải, nhưng cũng thú nhận không hiểu tại sao. Ông nói thêm ‘đầu cầu bên này, chỗ mình ngồi, là thuộc Bình Thạnh. Sang đầu cầu kia, thuộc Thủ Đức. Nhưng hầu hết người tự tử thường chọn nhảy bên phía Bình Thạnh. Do vậy, tôi cũng đậu ghe phía Bình Thạnh. Ngày cũng như đêm, hễ nghe ‘tùm’ là lao ghe máy ra, vớt người ngay. Mỗi năm vớt được bao nhiêu người? Không chừng! Năm ít thì vài người, năm nhiều gần cả chục. Người tự tử rất ghét bị can thiệp nên thường chọn đêm, nhất là đêm mưa gió, không trăng sao, để mò ra cầu. Biết vậy, nên càng đêm, càng mưa to, vợ chồng tôi càng giỏng tai, tỉnh ngủ.
Ai phân công bác trực cầu cứu người? Làm gì có ai! Thấy sờ sờ trước mắt, không cứu không chịu được, thì cứu thôi. Tính từ lần đầu, mười mấy tuổi, thấy chiếc ghe chở mía bị đụng chìm trên sông Sài Gòn, bơi ra cứu được hai vợ chồng, hai đứa con, tới nay năm mươi mấy tuổi, tính tôi vẫn cứ vậy, thấy khổ, thấy chết là cứu tới cùng. Nhưng nói thật, cứu lên gặp đàn ông bảnh bao, quần áo sang trọng, thế nào tôi cũng tát cho một cái vào mặt khi tỉnh rồi mới khuyên gì thì khuyên. Khuyên thế nào? Mình ít học, nghĩ sâu xa gì đâu. Thấy con kiến đang bò ở mép ghe, chỉ luôn vào con kiến bảo, nó bé mọn thế, còn muốn sống. Anh thế kia mà đòi chết, chẳng hèn hơn nó sao! Có lẽ cách khuyên của tôi cộng với những trải nghiệm khủng khiếp khi lâm tử cũng phần nào có tác dụng nên chưa thấy người nào đã ‘bị’ tôi vớt lên, lại cố nhảy xuống thăm Hà Bá lần nữa. Người nước ngoài à, không có. Việt kiều cũng không. Chỉ người trong nước, đủ giọng, đủ quê khác nhau. Thế bác có sổ ghi chép không? Làm gì phải sổ chứ (các báo trong nước ‘đổ hô’ là ông Chúc có lập sổ). Cứu người là chuyện để quên đi chứ đâu phải để nhớ mà cần sổ sách. Mà giả có muốn hỏi tên tuổi, nhà cửa để ghi sổ cũng khó vì thường khi được vớt lên người nào không mê man thì cũng sợ lạc thần mất vía. Hầu hết không mang giấy tờ tùy thân. Có hỏi, họ cũng giấu tung tích. Mình hiểu họ ngại phiền phức nên họ nói đến đâu nghe đến đấy, không nói thì thôi, cũng ít hỏi cặn kẽ.
Đàn ông và đàn bà, già và trẻ, độc thân và có gia đình… ai tự tử nhiều hơn ai? Câu hỏi mang tính định lượng, định tính của dân điều tra xã hội học, quả có làm khó ông Chúc ít nhiều. Ông nghĩ một chút rồi thực thà bảo nhiều quá không nhớ hết. Đại khái đàn ông hay chết vì thua cá độ bóng đá, làm ăn thất bát, nợ không trả nổi. Đàn bà thì buồn gia đình, giận chồng con. Mấy cô gái trẻ, trạc đám con ông, là vừa đáng thương, vừa đáng giận nhất vì nông cạn, cả tin, dễ tự ái – thi rớt, bố mẹ quất mấy roi, tự tử! Bị Sở Khanh lừa, có chửa rồi bỏ rơi, tự tử! Cũng có đứa ở nhờ họ hàng để đi làm. Mất việc ‘bà ngoại bảo không đem tiền về, thì đừng ăn nữa’. Thế là tủi, khóc chán rồi mò ra cầu Bình Lợi.
Làm phúc có được gì không? Cũng có! Có người cám ơn, người nhận làm bố nuôi, người sau đó trở lại thăm, cho quà. Nhưng cũng không ít người mắng mỏ vì phá hỏng ‘kế hoạch’ của họ. Họ ăn vạ, bắt đền kiểu ‘tôi đã không còn nhà để về. Ông cứu tôi sống, thì ông phải nuôi tôi.’ Rồi bác có nuôi không? Nuôi chứ! Vợ con bác để yên cho nuôi à? Ông Chúc gãi đầu cười ‘không, cũng cằn nhằn nhiều! Lắm lúc còn bảo ghê.’ Sao lại ghê? Thì thỉnh thoảng, gặp xác chết trôi thối hoắc, trương phềnh, tôi cũng vớt lên, lo giúp tống táng.
Kín đáo nhìn quanh chiếc ghe khá sạch sẽ ngăn nắp của vợ chồng ông Chúc, kẻ viết bài không hình dung nổi khoảng rộng chỉ bằng chiếc chiếu kia lại đảm nhiệm cùng lúc chức năng của phòng cấp cứu, phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ…Biết ý, ông Chúc tháo từng mảnh sạp, để lộ khoang thuyền bên dưới với bếp dầu, nồi xoong, chén bát, hũ gạo lỉnh kỉnh. Chỉ cuộn dây thừng để đầu thuyền, ông giới thiệu luôn ‘nó là cái để cứu người đấy. Cứu thế nào? Thì buộc một đầu vào mình, một đầu vào thuyền. Khi nhảy xuống vớt người xong lại phăng theo dây, bơi về. Không có dây mà lặn đại xuống, gặp người to khoẻ, họ dẫy dụa, vùng vẫy ghê lắm. Mắc vào họ như mắc vòi bạch tuộc, gỡ chưa xong thì hết hơi, chết luôn dưới nước.
‘Giả dụ tôi đang đứng trên cầu Bình Lợi, cạnh tôi cũng đứng vài người. Làm sao bác phân biệt ai đứng chơi, ai chán sống sắp tùm.’ Nghe kẻ viết bài hỏi cắc cớ, không chút ngắc ngứ, ông Chúc đáp ngay ‘nó là cái nhẽ thế này chị ạ, đã sắp chết, không ai vội vàng. Họ đứng lâu lắm, toàn cắm đầu nhìn xuống nước. Sau đó là chắp tay vái tứ phương.’ Vái à? Thật đấy, trước lúc ‘cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh’ có lẽ họ biết họ có lỗi, nên phải vái tạ lỗi. Tôi ngồi dưới ghe trông lên, đến đoạn họ trèo lan can cầu, thì giựt máy đuôi tôm, lao ra, kịp vớ lấy mái tóc lòa xòa trong nước, kéo lên ngay. Cũng có khi cái máy dở chứng, giật một phát, không nổ, hai phát không nổ, thì buộc dây vào mình, cứ thế nhảy xuống, bơi ra. Thường là cứu kịp. Nhưng cũng có khi không. Nhìn trong nước, mới thấy họ đảo lia lịa, chân tay khua loạn xạ nhưng thoắt cái đã mất hút. Những trường hợp đó, tôi ‘hò’ người trên bờ nhảy xuống phụ rà soát kỹ lòng sông, dài lên tận cầu Bình Triệu. Không thấy, trở về thuyền, suốt đêm tôi không tài nào chợp mắt được, bứt rứt như phạm phải tội trọng. Bác theo đạo sao? Vâng! Ông Chúc gạt tấm vải che, để lộ khung ảnh Chúa Cứu Thế. Tên thánh của Bác là Phê rô chị ạ.Ước mơ
Nhìn lên bờ sông, nơi có chiếc cầu chắp nối bằng vô số mảnh ván đầu thừa đuôi thẹo, đong đưa theo từng bước chân người di chuyển, kẻ viết bài băn khoăn ‘để thế này không được, bác có tuổi rồi, đi đứng khó khăn, chưa kể những khi cứu người đêm hôm mưa gió gấp gáp mà cầu yếu quá, phải sửa đi, kẻo nguy hiểm’. Biết vậy, nhưng chưa có điều kiện chị ạ! Nói giả dụ nếu trời cho trúng số thì bác có chịu sửa ghe sửa cầu tử tế hơn không? Ông Chúc cười ‘sống già từng này tuổi, thấy nhiều thứ phù phiếm, bọt bèo lắm rồi. Chả dám mong trúng số, chỉ mong Chúa cho sức khoẻ, để tiếp tục cứu người. Ông Hà Bá, ông ấy bắt người, mình lại cứu người, trêu cho ông ấy giận chơi…’
Dù chính quyền nơi cư trú không hỗ trợ, khen thưởng (ngay việc dựng cái chòi sát bờ sông để làm nơi trú nắng, sơ cứu người bị nạn, dù ông Chúc đã xin, phường 13 cũng không cho) nhưng tiếng lành cứ liên tục đồn xa, thu hút không ít phóng viên báo đài tới chụp ảnh, viết bài. Tính từ năm 2006 tới nay, ông Chúc đã xuất hiện trên báo viết, báo điện tử, đài truyền hình HTV9 nhiều lần (lần gần nhất cách nay hai tuần). Trở thành người ‘vua biết mặt, chúa biết tên’ cũng hơi phiền vì gần như không còn thì giờ riêng tư, đi đâu, làm gì cũng có người chỉ trỏ, nhưng mà vui chị ạ. Vợ con tôi, nghe khách gọi chồng mình, bố mình là hiệp sĩ, anh hùng, ‘ngư phủ đại hiệp’ gì gì ấy, cứ bưng miệng cười. Mà cả tôi, tôi cũng buồn cười. Chị tính, mình hèn mọn thất học, không làm được chuyện to tát, chỉ lâu lâu nhảy xuống vớt người, đáng gì mà khen. Ai ở vào cảnh tôi, lại chẳng làm thế.
Chia tay ông Chúc, chia tay người anh em Kitô giáo có nụ cười hiền lành, tâm hồn ngay thật, khiêm tốn, chia tay cây cầu và giòng sông ly biệt, trở về, mang theo hình ảnh ‘Chồng chài vợ lưới con câu. Sông Ngô bể Sở biết đâu bến bờ. Khi nên tay kiếm tay cờ. Không nên ta cũng chẳng nhờ một ai’, kẻ viết bài bỗng cảm nhận nhiều hơn, rõ hơn về vẻ đẹp của người đời, cuộc đời – một vẻ đẹp không cần tìm đâu xa.(NTLA)source
Việt Tribune
pix-source
vnafmamn
Tags: | Edit Tags Monday March 30, 2009 - 05:47am (EDT) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments - Sài gòn…hẻm!
-
Sài gòn…hẻm!
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Chưa bao giờ Sài gòn lại kẹt xe dữ dội như hiện nay. Bất cứ giờ nào đường xá cũng dầy đặc xe cộ. Để không lỡ buổi họp làm ăn, vào lớp không trễ, khám bệnh đúng lịch hẹn, rước dâu ngay giờ lành…đòi hỏi người Sài Gòn phải thuộc nhiều đường hẻm. Hẻm Sài Gòn- tiếng Hà Nội gọi là ngõ (nhỏ hơn ngõ, từ ngõ tẽ vào thì gọi là ngách), tiếng Huế gọi là kiệt – có lắm điều hay.
Từ đầu hẻm vào
Bất cứ là hẻm to hay nhỏ, hẻm nội hay ngoại thành, hẻm Việt hay Hoa, hẻm mới hay cũ, hẻm quan hay dân thì ‘cơ cấu’ hẻm Sài Gòn cũng na ná giống nhau. Trấn ngay đầu hẻm là đội quân xe ôm, đôi khi treo tấm biển ‘tổ xe ôm tự quản’ (khách xa không hiểu nghĩa ‘tự quản’ là gì. Xin mách, nó là ‘tình báo’, có chức năng cung cấp tin chích choác, rải truyền đơn, ăn cướp ăn trộm, chứa bạc chứa gái cho công an). Nếu hẻm rộng chừng đôi ba thước thì đầu hẻm thường ‘mọc’ thêm quán cà phê, bún cháo, mì miến. Gọi quán, nhưng chỉ vài cái ghế gỗ, ghế nhựa, đôi khi không có bàn, hoặc lấy ghế làm bàn, kê dọc theo vách tường căn nhà đầu hẻm, Người ngồi ăn uống có thể bị xe cộ ra vào hẻm va quẹt, móc áo quần đầu tóc bất cứ lúc nào. Trên cao, có thể treo biển quảng cáo các loại, cũng có thể là cờ báo hung tin. Nếu nhà đạo Thiên chúa thì treo cờ đen, còn đạo Phật, hay không có đạo thì cờ ngũ sắc. Sáng kiến treo cờ đầu hẻm này rất tiện, vì giúp người đi viếng đám dễ dàng nhận biết điểm đến thay vì phải dò dẫm tìm số nhà lâu lắc.Hẻm số 158 Sài Gòn ngày nay.Photo NTLAnh/Việt Tribune
Dọc theo hẻm lớn, có cột đèn, có tường gạch trơn tru, thì thể nào cũng có mấy địa chỉ khoan cắt bê tông, hút hầm cầu, dạy thêm mọc tùm lum trên đó. Ngày xưa, hẻm có thể ‘đêm khuya ngõ sâu như không mầu’ như Phạm Đình Chương đã tả trong bài hát ‘Xóm Đêm’. Ngày nay, bước chân vào hẻm nội đô Sài Gòn sẽ thấy khác vì đèn cao áp sáng sủa, nền đường hầu hết tráng xi măng, tráng nhựa. Từ khi thành phố có chủ trương mở rộng, nâng cấp hẻm để giảm kẹt xe, dễ chữa cháy, bớt ngập lụt thì hàng loạt hẻm Sài Gòn được ‘lên đời’. Ngoài đường lớn có gì, trong hẻm có đó, cũng trường học, chùa chiền, chợ búa, phòng mạch bác sĩ, tiệm uốn tóc. Taxi, xe gắn máy, xe ba gác bấm còi, xả khói mù trời, chạy như ăn cướp. Điển hình là hẻm Cô Giang thuộc phường 2 quận Phú Nhuận. Đầu hẻm có xe ôm, quán chè cháo, cà phê. Đi vào hai thước, bên tay trái, tới lăng Võ Di Nguy (một khai quốc công thần của vua Gia Long, tước Bình Giang Quận Công, lăng do đích thân Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đứng ra xây). Thêm chục thước nữa, là nhà thờ Phú Hải. Từ đó dài tới cuối hẻm là chợ (sau năm 75, nhiều đời chủ tịch phường 2 đã thề dẹp chợ này nhưng rốt cuộc không thành). Nhà dân hẻm đồng thời là quán ăn, tiệm chạp phô, tiệm may, tiệm thuốc tây, lò bánh mì Người lạ vào hẻm Cô Giang không khác chim chích vào rừng, chỉ cần qua hai ba dãy nhà khuất khúc là lạc ngay sang địa phận hẻm Cô Bắc, Xưởng Nhôm, không thôi sang chùa Bà Đầm. Còn lùi lại, quẹo bên phải sẽ vào xóm Mả, xóm Cầu tiêu. Đi thêm một đỗi là gặp chùa Từ Vân, rồi tới nhà cũ của nghệ sĩ Kim Cương. Cũng có thể lái xe từ hẻm Cô Giang, luồn lách một hồi, sang thấu cư xá Chu Mạnh Trinh- nơi cư ngụ của các văn nghệ sĩ giầu có, nổi danh trong làng báo, làng văn, làng nhạc trước 75 như Phạm Duy, Duyên Anh, bà Tùng Long, Tuấn Khanh Từ cư xá này ra, đụng liền Ngã tư Phú Nhuận.Hẻm bình dân
Đã là người Sài Gòn, không ai không từng ở hẻm. Ở chung thân mãn kiếp, hay tạm thời thì cũng là ở. Nhưng không phải bạ loại hẻm nào cũng an cư được, mà còn phải xem người ở là ai. Nếu thu nhập trung bình, làm nghề tự do, thì thích hợp nhất, có lẽ nên chọn những hẻm thuộc quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình.
Nhà trong những hẻm này diện tích thường nhỏ, kiểu ‘hai nhà ba vách’, ít thò thụt nhấp nhô, ít nuôi chó mèo. Nhiều nhà ‘tam đại đồng đường’ chen chúc, ban ngày túa đi kiếm sống, tối tụ về đủ mặt, mặc quần áo ‘thiếu vải’, bưng cơm ra đầu hè vừa ăn vừa ‘tám’ chuyện ngoại tình, đổi tiền đô, vàng lên giá, du lịch nước ngoài, sữa hàm lượng đạm thấp, sửa mũi bơm ngực… Hạng nhất là mấy vụ bán độ bóng đá, đời tư diễn viên, hậu trường chính trị… ngồi nghe hãng thông tấn hẻm ‘bình loạn’, bảo đảm sướng tai bằng mấy báo đài chính thống. Nhất là khi các ‘bình loạn gia’ đã ‘sương sương’ rượu thuốc, mực nướng, hột vịt lộn.
Mỗi hẻm, tuỳ vị trí địa lý mà toát ra một mùi riêng – hẻm chợ Ông Tạ có mùi chó thui, hẻm góc Cao Thắng – Điện Biên Phủ lừng lẫy mùi cari, bột quế, bột hồi, xóm ‘Đường rầy xe lửa’ đường Thích Quảng Đức thoảng mùi bánh tráng nướng, hẻm chùa Vĩnh Nghiêm sực nức mùi nhang… Nhưng hẻm xóm nào cũng chung những tiếng rao của đội quân xe đạp, gióng gánh. Sáng hay đêm, mưa hay nắng, hòa bình hay tao loạn thì cũng những tiếng rao ‘chưng – gai – giò’, bánh mì nóng giòn, chè đậu đen nước dừa đường cát, tầu hũ, mài dao kéo, đấm bóp, keo dính chuột, vé số chiều xổ, ve chai. Tiếng rao, giọng rao, nội dung rao càng ‘độc’ càng dễ bán được hàng, nhất là khi cất lên đúng giờ nhất định, thì còn được người mua đồng hóa với chiếc đồng hồ. Chẳng hiếm vụ án được khai với công an ‘lúc đó tui đang ngủ lơ mơ, nghe rao ‘chó bán đi, mèo để lại’ biết là ba giờ trưa. Tính ngồi dậy thì nghe la bớ người ta…’.
Hẻm bình dân so với hẻm giầu, hẻm ngoại kiều, có vẻ ấp ủ trong mình nhiều hỉ nộ ái ố nhất. Đó là nơi ở chung ở lộn, giấu tung tích, gây dựng cơ sở của ‘các bố nằm vùng’. Đồng thời là nơi náu nương của nghệ sĩ lang thang, độc đáo như nhà văn Sơn Nam xóm Hói- Gò Vấp, nhà thơ Bùi Giáng trong hẻm Lý Thái Tổ (hồi ở cùng thầy Thanh Tuệ nxb An Tiêm). Rồi Mạc Can, Kiên Giang (Hà Huy Hà), Ngô Vũ Cầu Kẻ mất, kẻ sắp ‘lên đường’, kẻ sống thiên nhai hải giác.Hẻm ngoại
Khác hẻm nội, các hẻm ngoại thành – gần làng đại học, khu công nghiệp, sân bay, tuy không có lịch sử lâu đời, nhưng lại được tiếng năng động nhờ dịch vụ cho thuê phòng, thuê gác, thuê nhà. Chủ nhà sẵn lòng sắm vai gác dan kiêm tạp vụ, nấu cơm tháng cho khách. Điển hình là khu vực phường 4 quận Tân Bình gần sân bay Tân Sơn Nhất. Người quận 5, quận 6, quận 11 quen sống chật chội như hang chuột, có dịp đến hẻm Nguyễn Cảnh Dị phường 4 cứ suýt soa ‘chết thật! hẻm gì toàn 8 thước 10 thước, to đẹp hơn đường cái’. Chủ nhà ở đây rất chiều khách, nhất là khách ngoại. Hôm nay nhà cuối hẻm gọi thợ đập phần nhà ngang, xây nối với phòng khách ‘theo yêu cầu của thằng Kim Choo Song’, mai tới phiên nhà đầu hẻm chí chát phá nhà, xây lại, ‘kính hóa’ toàn bộ cửa lớn cửa bé vì ‘ông Wang Zhong đòi thế’. Người trong các hẻm ‘có yếu tố nước ngoài’ này vô hình trung phân chia làm ba hạng. Chủ nhà người Bắc, là đảng viên, cán bộ quân đội, nhân viên sân bay. Người thuê nhà là Hàn Quốc (70%). Người buôn bán, làm dịch vụ, làm ‘Ôsin’ nói tiếng Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định. Ba hạng, ba thân phận khác nhau, không qua lại giao du, chỉ nhờ đồng tiền làm gạch nối duy nhất. Nay thuê, mai dọn đi. Nay giá này, mai giá khác. Nay cho ở, mai dọa đuổi. Cứ thế ỏm tỏi, ì xèo. Lâu dần, hẻm toàn mặt lạ. Không tình nghĩa, không hỏi chào, không sợ dư luận.
Cũng là hẻm ngoại, nhưng không phải ngoại quốc, mà chỉ ngoại tỉnh. Dân hẻm toàn công nhân mới mất việc, đang tìm việc, bị giãn việc, sống lắt lay như lá vàng sắp rụng ở Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè. Vào hẻm như lạc vào thế giới khác – rặt mùi mì gói, tiếng than vãn, tiếng thở dài, sụt sịt. Lướt qua dãy phòng thấp, chia ngăn như chuồng gà tạm bợ, mỗi ngăn đủ kê chiếc giường, cái valy, nồi cơm điện và chiếc quạt máy, một chị bạn đi cùng xót xa hỏi kẻ viết bài ‘làm sao họ sống nổi nhỉ’. Câu hỏi đáng bị đánh đòn vì người hỏi tỏ ra có quốc tịch… cung trăng, nghĩa là không hiểu thực tế chút nào. Cụ Bá, ngồi chơi đầu hẻm, 78 tuổi, cười hệch hạc phô hàm răng cải mả cho biết ‘cả nhà, con gái, con trai, các cháu, vị chi 7 người, thuê cái phòng 4mét x 4mét, nóng hầm hập, điệïn nước rất yếu, cầu xí không có. Mưa xuống nước ngập đen ngòm, đồ chất hết lên giường. Mẹ con bà cháu ngủ ngồi suốt. Thế mà gần bảy trăm ngàn một tháng’. Nhìn không thấy tên đường, tên hẻm, kẻ viết bài hỏi cụ Bá ‘nó là cái hẻm gì hả cụ’. Bà cụ quê Hà Nam cười cười, nói dằn từng tiếng, nặng trịch ‘Hẻm gì, hẻm không tên, hẻm khổ, hẻm chết đói chứ hẻm gì!
.......Sài gòn đang ở vào những ngày cuối tháng hai. Nhiệt độ vọt lên 35 độ, nóng nung người. Đi ngoài đường bụi mù mịt, xe nhích từng bước mỏi mệt, kẻ viết bài chỉ mong rẽ vào những con hẻm mang tên cây cỏ xanh tươi, tìm chút bóng mát và sự yên tĩnh. Nhưng còn đâu! Những hẻm Cây Điệp, Ngã ba Vườn Lài, Cây Da Sà (‘sà’ là thấp xuống, đọc ‘xà’ không đúng), đường Hàng Thị (đường phía trước chợ Bà Chiểu, trồng hàng cây thị), Hàng Sanh, (Sanh là tên một loại cây, nay quen đọc Hàng Xanh với nghĩa màu xanh!), Hàng Gòn, Hàng Keo đều đã không còn, hoặc đang trong tình trạng ‘hồn Trương Ba, da hàng thịt’.
Cuộc sống đô thành, nói cho cùng, như dòng sông mải mốt chảy. Hẻm cũng là dạng mạch sông, mạch máu, mạch đời. Nó cũng phải chảy, dù khó nhọc, đục ngầu, bập bềnh rều rác. Ngồi trên bờ…hẻm, người yếu vía, có lẽ đừng soi mặt mình xuống đó.(NTLA)source:
Việt Tribune
pix-source:
VNAF MA MN.©
Tags: | Edit Tags Monday March 16, 2009 - 02:54am (EDT) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments - SAIGON AS WE REMEMBERED
- Tags: | Edit Tags Wednesday March 4, 2009 - 01:40am (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments
- Một thoáng sông nước Tây Đô
- MaistyletCấp 1
Joined: 27 May 2008 Posts: 51 Posted: Thu Dec 11, 2008 10:17 am Chị Tú mới đi Cần Thơ hả. Khung cảnh nhìn bình yên va đẹp wá ha...
_________________
Joy or hapiness,its within yourselfcamtuModeratorJoined: 26 May 2008 Posts: 969 Location: Hành tinh của những ngôi sao xanh Posted: Thu Dec 11, 2008 11:54 am ừ, Cần Thơ mát mẻ, không khí trong lành giữa cái nhộn nhịp của 1 thị trấn đã phát triển lên thành thị.
Nhưng giữa cái ồn ào đó, vẫn có những hình ảnh kiếm sống lặng lẽ dễ bắt gặp bên sông
Những dòng sông chở nặng phù sa, chở niềm hy vọng của người dân chài. Và 9 nhánh cùng đổ về hạ nguồn Mê Kông
Cái cảm giác chòng chành chòng chành khi ngồi trên thuyền, cũng lắm điều thú vị.
_________________
Hãy đi với tôi, bạn sẽ được tỏa sáng.sourcecamtuModeratorJoined: 26 May 2008 Posts: 969 Location: Hành tinh của những ngôi sao xanh Tags: | Edit Tags Tuesday February 17, 2009 - 08:38pm (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments - Sài Gòn hạ nêu
-
Sài Gòn hạ nêu
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Sau lễ hạ nêu mùng bảy tết, vẻ xuân của Sài Gòn giảm nhiều. Trong tâm thức người Sài Gòn, cây nêu – biểu trưng của tết – đã được hạ xuống. Trong khi người Hà Nội vẫn lũ lượt trẩy hội Chùa Hương, thì bánh chưng, dưa hấu, chậu hoa, bia lon Sài Gòn cái nào thanh toán được đã thanh toán, cái nào lên xe rác đã lên. Đường phố nhanh chóng lấy lại nhịp sống hối hả những ngày trước tết. Xe cộ lại kẹt cứng, lô cốt lại mọc tua tủa trên các trục giao thông chính, bến xe miền đông miền tây lại ầm ào những chuyến xe chở người lao động nhập cư trở về thành phố.
Vào lại Thành phố hay từ Thành phố đi? Năm nay đi hay về “cùng 1 nghĩa như nhau”. Buồn bã, mỏi mệt và lèo tèo hành lý.Photo NTLAnh/Việt Tribune
Dư âm Tết
Nếu ai nghĩ người Sài Gòn làm việc cật lực ngay sau ngày Chủ nhật 1/2 thì kẻ đó chỉ có thể là người nước ngoài, hoặc người … cõi trên. Trong thực tế, dù nhiều cơ quan công sở xí nghiệp đã mở cửa hôm mùng năm nhưng cán bộ đến cơ quan lác đác, chỉ ngồi một lát, trông trước trông sau, chưa hết buổi đã rủ nhau về ăn tết muộn. Chủ một hợp tác xã xe khách trẻ tuổi, từ trong tết đã ‘hạ lệnh’ cho nhân viên ‘mùng tám tết, đi làm lại, nhớ đem bộ bài cào theo. Nội bộ mình đánh lấy hên’. Lệnh đánh bài lấy hên của anh này, coi vậy vẫn hiền hơn các ‘bố’ phụ trách cơ quan X. Tiếng một ‘bố’ có vẻ thủ lĩnh, vọng to ra tận ngoài đường, nghe rõ mồn một ‘Nghe phân công này! tám thằng đi bốn xe, điểm tập kết – nhà ông Tư. Chiều mát, lên thăm trại gà cha Sáu, làm bữa nhậu. Tối về tao chơi phỏm (tá lả)… ’ Một người dân, xịch xe trước cơ quan, nghe lọt tai ‘lịch công tác’ này, lắc đầu tiu nghỉu.
Trong câu chuyện của những người ăn tết muộn, dù trong quán xá tưng bừng hay nhà riêng tuềnh toàng thì tiết mục ‘nhìn ra thế giới’ cũng hằn dấu muộn phiền. Các ông tranh nhau dẫn nhiều tin trong luồng ngoài luồng rằng kinh tế Mỹ đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập niên trở lại đây; tổng thống Pháp lo sốt vó vì hơn 2 triệu người tham gia biểu tình đòi chính phủ giải quyết hàng loạt bất cập trong lương bổng, công ăn việc làm; Trung Quốc hơn 20 triệu lao động nhập cư thất nghiệp; các tập đoàn lớn của Nhật đóng cửa, thải người; hội nghị diễn ra ở Davos – Thụy sĩ năm ngày liền, qui tụ hơn 2,000 nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới, vẫn chẳng đâu vào đâu
Còn chút hương vị Tết ở Sài Gòn.Photo NTLAnh/Việt Tribune
Trong bối cảnh u ám như vậy, diện mạo kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng, tuy không đến mức ‘tươi như hoa héo’ song vẫn chưa tới nỗi nào. Bên cạnh những tin buồn công nhân mất việc, doanh nghiệp đóng cửa, báo chí loan tin từ đầu tháng 2-2009 trở đi, các doanh nghiệp có vốn dưới 20 tỉ đồng sẽ được vay vốn sản xuất từ ngân hàng với lãi suất thấp, được hỗ trợ giảm 4% lãi suất trong thời hạn từ ngày 1-2 tới 31-12-2009. Hỏi chuyện anh Phương, chủ một doanh nghiệp may thêu nhỏ ở quận Tân Bình, về chủ trương mới này anh Phương cho biết vấn đề cốt tử của giới làm ăn nhỏ và vừa như anh hiện nay là các đơn đặt hàng, chứ không phải vốn. Không có đơn đặt hàng thì công nhân không có việc làm. Không việc làm thì dù ngân hàng có hạ lãi suất xuống dưới 9% như hiện nay cũng không dám vay. Vì vay dễ nhưng lúc trả, không biết lấy đâu ra tiền để trả’.
Trên những con đường Quang Trung, Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu – Gò Vấp năm nay những tấm bảng ‘chiêu quân’ quen thuộc không thấy xuất hiện. Mọi năm hiện tượng công nhân lãnh lương lãnh thưởng tết rồi là ‘biến’, ăn tết xong không trở lại đã gây khó khăn về nhân sự cho các xí nghiệp, cơ sở làm giầy da, túi xách, đồ nhựa, may xuất khẩu. Vì thế, cứ tầm mùng ba mùng bốn tết trở đi, người dân Gò Vấp, Thủ Đức, Quận 7, Nhà Bè lại thấy những tấm bảng tuyển nhân công treo ngoài cổng nhà máy, xí nghiệp.
Năm nay hiện tượng chiêu quân không có vì tính tới hết tháng 1-2009, trong khi Hà Nội vẫn tưng bừng lễ hội thì Sài gòn đã có gần 60 doanh nghiệp ngưng hoạt động, 25 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, đẩy 10,000 công nhân vào cảnh ‘nước lọ cơm niêu, liêu xiêu chết đói’. Ngoài những người chọn giải pháp ‘ta về ta tắm ao ta’, số đông vẫn bám trụ thành phố, chờ cơ hội mới. Hỏi chuyện các chị em bán thúng mủng bằng tre, quê Thanh Hóa, một chị trạc ngoài ba mươi tuổi, vẻ từng trải, thay mặt chị em ‘phát ngôn chính thức’ rằng sau tết ngoài quê là lúc nông nhàn, tiền khó kiếm nên phải vào lại Sài Gòn. Các chị khoe ‘lăn lóc chán rồi, thừa kinh nghiệm xoay xở. Không ai trong chúng em có dưới ba bốn nghề trong tay – (cả giúp việc nhà, buôn gánh bán bưng cũng được kể là nghề).
Sài Gòn với hơn một triệu người nhập cư đến từ các địa phương khác, nếu ai cũng quyết tâm như các phụ nữ Thanh Hóa này, xem ra truyền thống ‘ăn rau má, phá đường tàu’ thời chống Mỹ vẫn chưa bị ‘đề mốt’. Và Việt Nam có thể ưỡn ngực “lép” tự hào rằng Việt Nam cũng khó khăn, nhưng không hề có biểu tình, người lao động Việt Nam không hề bị bỏ mặc…(!)
Vẫn còn sắc xuân
Tạm yên lòng với tương lai, người Sài Gòn cho phép mình xả hơi thư giãn với hai lễ hội sắp tới. Lễ hội thứ nhất là lễ hội Nguyên tiêu của đồng bào người Hoa quận 5.
Đây là lễ hội của người Hoa nhưng từ lâu đã được đông đảo người Việt hưởng ứng, coi như lễ hội của mình. Những ngày này, vào Chợ Lớn du khách sẽ cảm nhận không khí chuẩn bị rất rõ rệt. Đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, chùa Ông Bổn, chùa Bà đều treo đèn lồng kết hoa, để khi trăng rằm tháng giêng ló dạng, thì đồng loạt thắp sáng, biến Chợ Lớn – Sài Gòn thành viên da châu rực rỡ lung linh.Cùng hội hoa đăng, là các tiết mục múa lân sư rồng của các đội lân nổi tiếng như Nhân Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường trong sân Nhà Văn hóa quận 5 – nơi năm nào cũng đăng cai tổ chức lễ hội Nguyên tiêu cho người Hoa với nhiều hoạt động phong phú như triển lãm thư pháp, quốc hoạ, múa lân sư rồng, hát Hồ Quảng, chơi trò đố đèn truyền thống
Sau Nguyên tiêu năm ngày là một lễ hội khác, nhỏ hơn, nhưng lãng mạn và đậm mầu sắc riêng tư hơn, dành riêng cho những đôi tình nhân đủ mọi lứa tuổi- lễ hội Valentine 14 tháng 2
Khác với Nguyên Tiêu có mùi Tầu, Valentine này lại có mùi Tây. Ở Việt Nam lễ Valentine du nhập chưa lâu, chưa phổ biến rộng rãi, chủ yếu chỉ dừng lại ở giới thanh niên sinh viên học sinh (cá biệt cả học sinh học tiểu học!). Những đôi vốn xưa kia là tình nhân, bây giờ đã nên vợ chồng, trước ngày lễ Valentine 14-2 đều ít nhiều lơ đãng (hay giả bộ lơ đãng!). Anh bạn vong niên của kẻ viết bài, một phóng viên tuổi đã ‘băm mấy nhát’ khoát tay, tuyên bố ’sắp tới ngày Phụ nữ Quốc Tế 8 tháng 3, túi tiền sắp ‘nứt toạc móng heo’. Bây giờ bập vào cái 14 tháng 2, hy sinh cho cách mạng thế là quá sớm, không ngu vậy được!’.
May cho anh cu phóng viên, phát ngôn trong chỗ thân tình, chứ không, nhóm từ ‘hy sinh cho cách mạng quá sớm, không ngu vậy được’ lọt vào tai một đảng viên nào đó thì chắc đã rầy rà to.
Kẻ viết bài không có tư cách lạm bàn thêm về lời phát biểu của anh cu phóng viên, mà chỉ ngồi làm chuyện phất phơ nho nhỏ đầu năm. Đó là giải thành công câu đố ‘con trâu có mấy tên’ của đứa cháu. Xin mách nhỏ bạn đọc nhé: Con trâu có ba tên cả thẩy cơ đấy. Lúc bé, nó tên nghé. Khi thành món phở, nó tên phở…bò. Bán thịt trâu ế, đem phơi khô, nó lại tên là khô…nai. Ly kỳ thế đấy!
Có lẽ trong cuộc sống này, còn không ít đồ vật, sự việc cũng ‘one in three’ như con trâu này, dám lắm! (NTLA)
source:
Việt Tribune
Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009
Bốn mươi năm “phá” cầu Bình Lợi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét