Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Tết Sài gòn


February 19, 2010


NGUYỄN THỊ LAN ANH/Việt Tribune

Mùng một Tết, Sài gòn rất ít xe. Đường phố vào buổi sáng yên tĩnh, sạch sẽ và tràn ngập hoa xuân. Sau những ngày vất vả lo Tết, sáng mùng một, người Sài Gòn hầu hết dậy muộn, ra đường còn muộn hơn, thậm chí nhiều người còn hoàn toàn bế môn để được tự do… bế nhau.

Ngày Tình Nhân
Nói vậy vì mùng một Tết trùng với Ngày Tình Nhân 14 tháng 2 khiến nhiều hoạt động mua bán hoa quà, du ngoạn, ăn uống, vui chơi ngoài trời dành cho những kẻ trúng mũi tên của thần Cupid – thần tình yêu – bị tết cổ truyền “lấn sân” hết. Tuy thế, thống kê sơ bộ cho thấy, trường hợp tìm “cõi riêng” tại gia không phải là đa số. Vì ngay trên đường Nguyễn Du, kẻ viết bài chứng kiến và kịp ghi hình cảnh một ông tây già mua hoa âu yếm trao tặng bà đầm (cũng già) của mình. Trong Hội Hoa Xuân Tao Đàn cũng không ít cặp vợ chồng sắp hàng chờ đến lượt mình chui vào trái tim kết bằng lá xanh, nhờ kẻ viết bài “chụp một tấm cho thật tình tứ vào”. Không chọn biểu tượng trái tim, không tặng chocolate hay hoa hồng để thay lời muốn nói vì “xưa lắm rồi”, hai bạn trẻ đứng xem viết thư pháp ở nhà văn hóa Thanh Niên đã chọn áo cặp. Chàng có công mua. Nàng có công mặc. Mùng một, rủ nhau dung dăng dung dẻ chốn đông người trong một mầu áo chung như muốn tuyên bố với thiên hạ về “nỗi chung, chung cả đến tình riêng”của mình.

Biểu tượng đường hoa xuân Canh Dần (đầu đường Nguyễn Huệ) Photo NTLan Anh/Việt Tribune

Xuất hành đầu năm
Coi hướng, chọn giờ xuất hành, đối với người lớn tuổi, người làm ăn buôn bán, là rất quan trọng vì quyết định vận hạn cả năm. Để biết hướng tốt, giờ tốt nhiều người tới các “shop” tử vi trước chùa Vĩnh Nghiêm, bỏ ra một ngàn đồng mua tờ tử vi photocopy lem nhem. Tùy theo tuổi gì, nam mạng hay nữ mạng, tờ tử vi sẽ cho biết phải đi hướng nào, giờ nào để nghinh đón tài thần, phúc thần. Người không tin bói toán lại có cách xuất hành khác- đi chùa lễ Phật vào giờ giao thừa, trở về tự xông đất lấy. Chùa Phổ Quang – Tân Bình năm nay đặc biệt đông khách giờ giao thừa do có tượng Quan Âm tạc bằng ngọc thạch lớn nhất, công phu nhất, quý nhất Việt Nam, mới được cung nghinh về cho Phật tử chiêm bái (trước khi đưa ra Đà Nẵng an trú luôn). Khuôn viên đồ sộ của chùa Phổ Quang ngày thường rất thanh tĩnh, trang nghiêm, từ khi “chứa” tượng Phật, chưa được một ngày, tính từ giữa đêm ba mươi tới sáng ngày mùng một, đã biến thành chợ bán kinh sách, nhang, hoa, tượng ảnh, chim chóc, thêm đội quân hành khất, giữ xe, móc túi…Tất cả thi nhau hành nghề, tạo nên sự nhếch nhác, bẩn thỉu, và bất an cho chốn thiền môn. Trước cảnh này một Phật tử có tuổi ngao ngán nhận xét “Lễ Phật mà không thấy Phật, chỉ thấy chen lấn chụp giật. Đúng là cõi Ta Bà!”

Nhiều cái để xem
Mùng một, mùng hai, mùng ba đi trên đường phố Sài Gòn ai khó tính nhất cũng phải khen sạch sẽ và nhiều hoa tươi. Không có cảnh kẹt xe, không có bụi mù mịt và những bộ mặt cáu gắt, căng thẳng. Rạp xi nê chiếu các phim phù hợp với tuổi teen như Những nụ hôn rực rỡ, Khi yêu đừng quay đầu lại, Công chúa teen và ngũ hổ tướng…Giá vé hơi cao-70.000 đồng – nhưng một nhóm học sinh lớp chín, đứng chờ mua vé ở rạp Tân Sơn nhất đã cười toe toét nói “tết có tiền lì xì, lo gì”. Cũng tâm trạng “tết có tiền lì xì, lo gì” người tiêu dùng ít cò kè, thắc mắc khi sử dụng dịch vụ tráng phim, rửa hình, giữ xe, mua “cafe togo”, ăn vặt vỉa hè, ủng hộ nghệ sĩ đường phố. Nói tới “nghệ sĩ đường phố” trong ba ngày tết, người ta hiểu là đám múa lân. Hiểu thế đúng nhưng chưa đủ vì năm nay, ngoài đám múa lân còn thêm đám múa…”Thượng”- người Kinh gọi người thiểu số là người Thượng. Ngay mùng một tết, trước nhà thờ Đức Bà, xuất hiện một đám múa Thượng như thế. Họ từ tỉnh Bình Phước đem xuống Sài Gòn đầy đủ một dàn chiêng, một dàn nữ vũ công thiểu số chính hiệu (không rõ thuộc tộc nào, Stiêng hay Mạ?) thu hút rất đông khách xem, trong đó hầu hết là người nước ngoài. Một chiếc gùi được ông trưởng đoàn đặt phía trước. Khách đứng xem tự động bỏ tiền vào đó. Đến gần, tò mò nhìn vào gùi, kẻ viết bài thấy bất nhẫn vì trong lòng gùi rộng lớn chỉ lác đác vài tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng (50 cent), 20.000 đồng (1đôla) trong khi người đứng xem đông dễ đến năm bảy chục người. Đoàn múa Thượng, dù sao cũng còn may, vì kiếm được tiền. Chứ đoàn thần tài chúc xuân mới thật là dị hợm. Thấy nhiều nhà làm ăn hay mời lân đến múa lấy hên, múa khai trương đầu năm rồi thưởng tiền hậu hĩnh, năm nay, nhiều người nảy ra sáng kiến: qui tụ dăm bảy đứa tiểu yêu, cho mặc áo đỏ, bịt khăn đỏ, đánh trống đi rong, thấy nhà nào mở cửa là xông vào. Một anh thần tài đội mão, mang râu chúc tết gia chủ trong tiếng trống rộn ràng. Chủ biết điều lì xì. Chúng cám ơn, đi ngay. Nếu không sẽ đứng lì nện trống cho rách màng nhĩ cả xóm. Nói về loại “nghệ sĩ mới” này, các thành viên của hai đội lân danh giá nhất Sài Gòn là Nhơn Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường chỉ nhún vai, cười im lặng với nghĩa “miễn bình luận”.

Biểu tượng đường hoa xuân Canh Dần ( đầu bến Bạch Đằng) Photo NTLan Anh/Việt Tribune

Một điểm thu hút nhiều khách tham quan trong ngoài nước nhất, “đốt” nhiều phim của giới quay phim chụp ảnh nhất, phải kể tới đường hoa Nguyễn Huệ. Từ năm Ất Dậu 2005 đến nay, năm nào cũng vậy, cứ quãng 28 Tết tới mùng ba Tết, Sài Gòn lại hình thành một đường hoa ngay địa điểm trước đó nhiều năm liền từng là chợ hoa Nguyễn Huệ. Có tiệm bán tranh thêu ngay khu vực Nguyễn Huệ, vô hình trung là giám khảo tất cả những lần diễn ra đường hoa các năm Dậu – Tuất – Hợi – Tý – Sửu, và bây giờ là Dần, anh L. nhận xét “Năm nào cũng mấy cái lu gốm, chong chóng, đèn lồng, cầu tre, ao sen, ruộng lúa, cũng đủ thứ hoa chi chít chằng chịt từ đầu tới đít con đường. Coi lần đầu còn thấy lạ, thấy đẹp. Coi riết ngán”. Nói như anh L.có vẻ “mất lập trường, sai đường lối”, phải nói là đường hoa mỗi năm mỗi đẹp hơn, hoành tráng hơn, chứng tỏ đất nước nói chung, Sài gòn nói riêng, luôn phát triển, phồn vinh năm sau cao hơn năm trước. Đối tượng được chụp ảnh nhiều nhất trên trục đường hoa, đồng thời là linh hồn đường hoa, chính là con vật cầm tinh của năm mới tính theo âm lịch. Năm trước là trâu đất bằng gốm, trang điểm theo kiểu tranh Đông Hồ. Năm trước nữa là chuột đan kết bằng mây tre, lục bình. Năm nay là đôi hổ bằng sơn mài, vàng choé. Có lẽ vì nhằm minh hoạ chủ đề Xuân Bình Minh, đôi hổ con đứng con nằm đều không có vẻ dũng mãnh mà ngược lại hết sức đù đờ, kiểu hổ giấy (!). Nhiều du khách đến từ Châu Âu (lúc này đang giá rét) tỏ ra bị choáng ngợp vì bạt ngàn hai màu vàng – đỏ của hoa cúc, hoa mào gà và hoa mai, những loại hoa tiêu biểu của phương nam quanh năm nắng nóng. Họ phơi trần da thịt đến mức tối đa, giữa giờ Ngọ, đi chơi đường hoa, thản nhiên cười nói, chụp ảnh, trong khi người bản xứ trùm áo lên đầu, trú nắng bằng bất cứ phương tiện gì có được. Hỏi chuyện các trẻ bán bong bóng đang ngồi núp dưới đám bong bóng sặc sỡ khổng lồ, các em cho biết mỗi cái bong bóng từ mười tới hai chục ngàn. bán mỗi buổi lời bằng hai ba ngày thường. Tết, đối với các em là rong ruỗi ngoài đuờng, “vừa bán vừa coi người ta ăn Tết”.

Bán hoa khổ lắm! “Coi người ta ăn Tết”, câu nói này khiến kẻ viết bài nhớ lại ngày 29 Tết, đã nghe nhiều chủ ghe hoa kiểng đậu bến Bình Đông nói tương tự- “Tết này có môn coi người ta ăn Tết chứ mình đừng hòng có Tết mà ăn”. Một cô gái lui cui tưới mai trên ghe cho biết “Tụi em ở Bến Te (Tre) lên. Mấy năm trước ghe cặp bến này, lên thẳng Chợ Lớn bán rất tiện. Năm nay chỗ đó là đại lộ Đông Tây, cấm lên. Phải lên bên phía quận 8. Mà bên quận 8, lề đường quá nhỏ, người bán dưa hấu, quần áo…ngồi chật hết. Mình đâu có chỗ…” Vậy phải làm sao? Chết ngắc chứ làm sao! Câu trả lời của người Bến Tre phản ánh một thực tế đau lòng. Ghe bầu lớn hai tầng, tầng trên tầng dưới chật kín tắc kiểng, mai vàng, bon sai. Bị nhốt dưới ghe hầm hơi, tất cả hoa kiểng đều rũ đầu, xuống sắc. Thương cây, xót của, chủ ghe đành bắc ván lên bờ, mua từng thùng nước ngọt xuống tưới. Người mua (đứng phía bên Chợ Lớn) theo đó xuống coi hàng, trả được giá xong đi lên. Chủ ghe canh chừng đội bảo vệ (đóng trên bờ) ngó lơ sẽ khiêng cây lên sau. Trả tiền, buộc cây đều hối hả sợ sệt như đi ăn trộm. Đứng xa xa, một khách chỉ chậu mai vàng uốn thế “phản phong hồi đầu” rất đẹp, hỏi giá. Ở dưới ghe, vọng lên tiếng đáp “Năm chục ngàn. Thương thì mua giùm, đừng trả giá”.

hôi hoa bằng xe ba gác. Photo NTLan Anh/Việt Tribune

Cũng cùng cảnh bi đát với đồng nghiệp bán hoa ở bến Bình Đông là dân Hải Dương bán đào ở công viên Hoàng Văn Thụ và dân Sa Đéc, Gò Vấp, Cái Mơn bán hoa cúc hoa mai ở công viên Lê văn Tám. Trước Tết, nhà vườn nào cũng kêu oai oái vì thời tiết ấm lạnh thất thường, thêm nhuận một tháng khiến hoa lớp nở sớm, lớp bị “lạc quẻ”. Họ dự đoán thị trường hoa sẽ ít ỏi, và hoa sẽ cao giá, người Sài Gòn sẽ không có hoa mà chơi. Nào ngờ, giờ chót hoa ùn ùn đổ về Sài Gòn. Trăm người bán mới có một người mua. Ba mươi Tết, vào 12 giờ trưa, khi ban quản lý các công viên yêu cầu người bán hoa trả lại mặt bằng cho công nhân vệ sinh quét dọn thì số phận của muôn hồng ngàn tía ngay lập tức rơi vào vòng bi thảm. Chứng kiến cảnh hôi hoa bằng xe hơi, xe ba gác, xe gắn máy, thậm chí khiêng chạy bộ, ở công viên Lê Văn Tám, nhiều Việt kiều đã bụm mặt quay chỗ khác vì thương hoa, thương người trồng hoa, bán hoa. Chị Tuyết, chủ một quầy hoa cúc, khản đặc tiếng, khua tay ngăn cản trong tuyệt vọng mấy người đàn ông đang lao vào ôm, xách, lôi kéo hết sức thô bạo các chậu hoa cưng của chị – một giờ đồng hồ trước đó còn có giá 70.000 đồng/chậu. Cảnh hôi hoa giữa lòng Sài Gòn được tiếng là giầu có, hào hoa, chịu chơi, quả là một sự tàn nhẫn, khó coi hết sức. Càng khó coi hơn khi “lễ hội hôi hoa” chấm dứt, thiên hạ đi hết, để lại chiến trường toàn chậu hoa đỗ ngã, bông hoa lăn lóc, cành hoa bị quăng quật, giầy xéo tan nát. Kỳ lạ thay, trong ba ngày Tết, ở Hội Hoa Xuân Tao Đàn hoa được chiêm ngưỡng bằng con mắt nhà nghề, được chấm điểm, tôn vinh; ở đường hoa Nguyễn Huệ hoa được trình bầy, xếp đặt thành biểu tượng văn hóa thành phố, thì ở các chợ hoa công viên, hoa lại bị thẳng tay cướp bóc chà đạp. Té ra hoa cũng có số phận! Cũng là Thúy Vân, Thúy Kiều! Và Tết Canh Dần, ở Sài Gòn, hình như không chỉ có toàn mặt phải, niềm vui, và lẽ công bằng![NTLA]
source
Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét