Dỡ chà – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
David Nguyễn/Viễn Đông
Khi có dịp đi xuống Miền Tây sông nước Cửu Long, người ta thường bắt gặp những đống chà lớn nhỏ ven sông. Mặc dù những đống chà ít nhiều cản trở dòng chảy, nhưng nó là cái hồn của sông nước Cửu Long. Nghề chất chà, dỡ chà tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mang lại nguồn cá thiên nhiên cho các bữa ăn trong gia đình người dân Nam bộ. Phần lớn người tham dự dỡ chà hay làm chung với nhau. Một đống chà lớn từ 10 đến 20 thước vuông là nơi ăn ở của nhiều loại tôm cá. Tôm cá thích trú ẩn nơi đây vì được “chủ nhân” cho ăn thường xuyên. Trước những ngày dỡ chà vài ba tuần, thức ăn còn dồi dào hơn nữa để tôm cá rủ nhau tớ ngày một nhiều. Để tạo vẻ tự nhiên, chủ chà còn mang lục bình, rau muống thả trong đống chà để dụ cá đến ở… rồi sau đó dùng lưới bao quanh để dỡ chà bắt cá.
Treo lưới lên cao cho cá không nhảy được ra ngoài – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Có khi trúng, thu hoạch được cả trăm ký cá. Còn trước đây 10, 15 năm khi trúng mùa, một đống chà dỡ có khi được vài tấn cá là chuyện bình thường.
Nghề lặn chà
Hồi còn nhỏ, tôi cũng từng đi lặn mò cá, có khi dỡ chà, nên trong tiềm thức hễ Tết đến là nhớ chuyện bắt cá cùng với đám bạn trong xóm khoảng vài chục thằng. Có lúc chúng tôi bơi xuồng đến cặp bên ngoài lưới bao quanh đống chà, chờ cá bên trong nhảy ra rơi vào xuồng mình thì được xem như là cá của mình. Còn bên trong hàng chục thanh niên ở trần trùng trục lặn xuống lấy chà lên chất lại bên ngoài lưới. Cứ như vậy họ lặn hụp từ sáng sớm đến xế chiều mới xong chà. Các tay lặn thay phiên nhau, người nầy lặn thì người kia lấy chà và ngược lại.
Người lặn đưa cây chà ra ngoài lưới – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Đặc biệt trong lúc dỡ chà có một vài người chuyên lặn gài đăng. Gài đăng là để cá không ra được bên dưới, lưới được thu nhỏ lại từ từ, lúc nào cũng sôi động và hối hả. Khi miệng đăng vừa khép kín cũng là lúc các chú cá to nhỏ đua nhau phóng lên loạn xạ, táo bạo nhất là cá cốc, cá chài, mè vinh, cá ngựa, cá bông…
Người ở trên ghe chất lại chà mới – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Những người dỡ chà hằng ngày ở trần ngâm mình dưới nước rồi lại phơi nắng – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Một số con bạt mạng rơi trúng phóc vào lưới hoặc xuồng, vùng vẫy. Thỉnh thoảng, một vài con thuộc hàng “vô địch nhảy cao” bay vút lên không, vượt qua “cửa tử” khiến mọi người ngẩn ngơ tiếc nuối.
Dỡ chà cần 15, 20 thanh niên – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Vài năm gần đây chuyện chất chà không còn là một nghề kiếm sống khá giả nữa, vì cá dưới sông rạch bây giờ cũng ít hơn trước, nên cá thu được không còn mang đi bán kiếm được nhiều tiền như lúc trước. Ngày nay, người dân chất chà là vì yêu nghề và cá thu được thường chia nhau ăn mấy ngày Tết. Những người làm nghề lặn chà thường là những người có hơi dài, họ lặn rất giỏi nên trong vùng hễ có ai bị chìm xuống, rớt đồ vật xuống sông là được mời đến lặn nhờ, có khi cũng chỉ lấy vài chục ngàn mua rượu để bạn nhậu uống. Bí quyết của nghề chất chà là chọn nơi sông sâu, nước xoáy, có dòng chảy mạnh để dọn nền chất chà. Chất xong, bà con bắt đầu thả lục bình hoặc rau muống để tạo sự yên tĩnh. Gần Tết, muốn dụ cá về nhiều, bà con thường rải mồi nhử cá và giữ cho dòng nước không bị khuấy động.
Một người chờ cá nhảy ra ngoài – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Theo tín ngưỡng dân gian, những người làm nghề hà bá cũng có ông tổ. Do vậy mà hằng năm, những người sống nghề sông nước đều cúng Bà Cậu và binh tôm tướng cá. Ngoài ra, dân dỡ chà cũng có những điều kiêng cữ. Chẳng hạn như đang lúc hành nghề, những người trong cuộc không được nói những điều xui xẻo như “coi chừng cá nhảy, coi chừng cá đâm”. Hoặc như gặp cá ngát, dân chài lưới thường gọi là “sư phụ” vì ngạnh cá này rất độc, ai mà bị đâm đều đau nhức suốt mấy ngày liền, phải nấu chè ăn cho đỡ nhức. Họ tin rằng “có kiêng ắt có lành”.
Dỡ chà tưng bừng cả xóm
Dỡ chà bắt cá khiến cả xóm náo nức. Người đến lặn bắt hoi, người đến xem la ó, người đến chờ mua cá lớn, người bơi xuồng đến cặp lưới chà bên ngoài chờ cá phóng ra ngoài vô xuồng mình… và vui nhất là khi lưới được kéo lên (rạng) cá nhảy tứ tung, phải dùng đến rổ lưới lớn mới xúc cá bỏ vào rộng cá.
Gần đến giờ bắt cá – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Dỡ chà vô cùng vất vả, gặp những hôm sương mù gió lạnh, nhiều người phải cởi áo và hớp một ly rượu trắng hoặc một chén nước mắm trước khi xuống nước cho đỡ lạnh. Tuy vậy, làm xong công việc, niềm vui lớn nhất của họ là được ngồi bên nhau chia cá, nhận tiền thù lao, và bắt cá lên làm một bữa nhậu linh đình.
source
VienDongDaily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét