LTS: Khác với loạt bài phóng sự hiện thực của tác giả Trần Công Nhung, bài viết của ông Lê Thanh Sơn có thể được coi như một chuyện vui đầu năm, giúp quí độc giả giải trí đầu năm Canh Dần.
Hang thờ cọp.
Bài: Lê Thanh Sơn
Vài dòng giới thiệu
Thông thường, báo Xuân mỗi năm đều có những chuyện về con giáp của năm đó. Năm Tỵ nói chuyện rắn, năm Mão chuyện mèo, năm Dần chuyện cọp. Trên phim ảnh người ta hay nhắc đến cọp, sư tử, tê giác... ở các nước châu Phi. Thực ra dã thú ít nhiều, nước nào cũng có. Riêng cọp ở Việt Nam thì Khánh Hòa nổi tiếng từ lâu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”.
Cọp nổi tiếng đến độ người ta lập miếu thờ : “Miếu ông cọp” trong xã Phước Đồng, sông Lô. Sông Lô hay Diamond Bay là khu du lịch lớn nhất nhì ở Khánh Hòa. Theo người dân địa phương cho biết, trước đây khu vực này có hai miếu, miếu ông Cọp và miếu Cậu. Khi phá núi, phóng đường xây dựng Diamond Bay, chủ nhân khu du lịch đã dời miếu ông Cọp về chung với miếu Cậu. Hiện nay miếu nằm trong khuôn viên khu lịch, ít ai biết. Khách qua đường chỉ thấy một tảng đá cao, trên có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là miếu Cậu. Vào trong (phải xin phép, phải giải thích đủ điều, người gác mới cho chụp hình) mới thấy ngôi miếu nhỏ mới cất,. bên cạnh có hang đá thờ mấy tượng cọp. Để biết thêm nhiều chuyện vui về cọp, xin giới thiệu quí độc giả: “Năm Dần nói chuyện cọp” của một bạn văn trong nước: Anh Lê Thanh Sơn.
Trần Công Nhung
Trước khi đặt chân đến Nha Trang, tôi có tìm đọc một quyển địa phương chí. Theo nhà thơ Quách Tấn, ban đầu ông đặt tên tập sách này là “Nước non Khánh Hòa”, song sợ trùng tên với nơi này nơi khác và xét thấy: “Khánh Hòa có nhiều trầm hương nhất của các tỉnh miền Trung nên ông lấy tên sách: Xứ Trầm Hương”.
Trong Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn đã dành nhiều trang viết về cọp, về ma. Có lẽ thuở xa xưa ở Khánh Hòa cọp nhiều vô kể, “cọp ở Ổ Gà lại nhiều hơn các vùng sơn lâm trong tỉnh. Truyền rằng cọp kéo ra từng đoàn như đoàn bò”. Các cụ lão thành ở Đồng Nhơn, nhớ lại: “Những ngày hè, khi mặt trời sắp lặn xuống núi, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau trèo lên cây me cổ thụ ở ven làng nhìn vào bìa rừng xem cọp. Một hôm có 2 con cọp đi qua, đùa giỡn vờn nhau rồi ra bờ rộc uống nước”.
Miếu ông Cọp.
Thuở Nha Trang – Khánh Hòa còn hoang sơ ‘núi liền núi, sông liền sông’ chưa có đô thị, phố xá đông đúc, cọp đi rông cả ngày lẫn đêm – gặp trâu, bò, heo, gà, vịt đều ‘xơi’ tất. Mùa Hè nắng, nóng cọp thường xuống biển, xuống sông bơi lội, bắt cá, bắt tôm ăn cho lạ miệng. Cọp rất khoái các món hải sản tươi sống. Ở khu rừng sát dưới chân núi Cù Hin (Nay là khu du lịch 4, 5 sao mang tên Diamond Bay). Cù Hin ngày ấy là một dãy rừng nguyên sinh ngập mặn – cây bần, cây đước dày đặc, rễ nó đan xen chằng chịt như mắc võng, cọp thường leo lên đó ngồi rình mồi. Gặp gió nồm hiu hiu, cọp ngủ quên, nước từ từ dâng lên, cua tôm kéo tới, trong đó có một con cua huỳnh đế, thấy hạ bộ của cọp lòng thòng dưới nước, giương càng sắc lẻm thiến đứt luôn. Đau như hoạn, cọp vùng vẫy, cào cấu, gầm thét rồi cắm đầu chạy một mạch lên rừng.
Phòng hội nghị của Diamond Bay.
Cũng tại nơi đây, có những đêm trăng, khi thủy triều rút xuống, cọp kéo từng đoàn ra bãi cát diễn hành. Thấy ốc tai tượng (Có con to như cái cối xay đá, nặng đến vài tạ) há miệng phục kích, nhìn thấy “bộ lòng” đỏ hỏm như tảng thịt bò, cọp thèm nhỏ dãi nên thò tay vào, liền bị ốc ngậm chặt. (Hai hàm răng ốc tai tượng rắn hơn hai thanh sắt). Do vậy, dù cọp có cố vùng vẫy đến mấy cũng không tuột ra được, đành phải nằm xụi lơ như bị sụp hầm. Đến khi thủy triều dâng lên, cọp bị chết ngộp. Một thời gian, xác cọp bị trương phình rồi thối rữa, biến thành thức ăn cho loài hải sản. ‘Cá ăn kiến, kiến ăn cá’, là qui luật muôn đời của thế giới động vật, chứ đâu phải chúa sơn lâm là không bị kẻ yếu xé xác? Và khi đói, cọp còn mò vào làng bắt trộm heo, bị người ta lập mưu bắt sống thường xuyên. Nhưng bắt cảnh cáo để dạy cho nó một bài học rồi thả ra, chứ không có chuyện giết thịt, lột da, nhồi bông, hoặc đem xương nấu cao như quân đồ tể ngày nay. Nhờ không bị con người sát hại,
cũng không bị nguy cơ tiệt chủng, lại đẻ như gà, nên giống cọp phát triển rất nhanh. Có thể nói, trong số động vật hoang dã, chỉ có cọp là hung hăng trong chuyện giao phối hơn hết.
Chuyện kể rằng từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, ở làng Đồng Nhơn, Vĩnh Trung, Nha Trang, có cha con ông Sáu Bô từng cất chòi cao trong rẫy để nằm quan sát cọp làm tình. Ông nói trước khi làm chuyện ấy, nó gầm rống, cào cấu đến phát sợ. Và mỗi lần nó “xáp lá cà” thì dù đất rung trời sập cũng không thả. Các nhà nghiên cứu về loài dã thú cho biết, khả năng tình dục của loài cọp rất cao, cứ 5 phút chúng có thể “chiến đấu” một lần. Nhiều khi cọp cái bắt cọp đực “làm việc” hơn 100 lần mỗi ngày. Do vậy dân gian mới truyền nhau uống rượu “pín” cọp, thì bản lĩnh đàn ông chẳng thua gì cọp. Người ta nói rằng, nếu cọp thuần chủng ở Khánh Hòa thì rất hiền, thậm chí còn giao du thân thiết với người, “ở các nơi gần núi rừng, cọp thường ra chơi cùng các em mục đồng. Đôi bên coi nhau như người trong tứ hải, có gì ngon đều đãi nhau. Một hôm một em bé chơi nghịch lấy tay bóp dái cọp chúa đau điếng, cọp thét lên một tiếng, bỏ chạy về núi một hơi. Cả bầy thất kinh, ùn ùn chạy theo hết, từ đó không dám làm thân cùng người nữa, và hễ thấy người thì nguýt một cái rồi tránh xa”. Nhưng từ khi khai thông tuyến đường sắt Bắc – Nam, có một đoàn tàu lửa chạy chầm chậm ngang qua địa phận PY (lối chắn Hảo Sơn dưới chân Đá Bia), một bầy cọp đói nghe tiếng heo kêu, chó sủa trên tàu, đã ùa tới chiếm cả một toa tàu, bám vào tận ga Nha Trang. Sau đó không lâu, giống cọp này sinh sôi nảy nở, bành trướng khắp nơi và trở nên hung ác, thao túng khắp nơi, đôi khi còn tấn công cả người.
Tương truyền rằng trong thời kỳ chống Pháp, tại vùng chiến khu Đá Bàn ở Ninh Hòa có tổ trinh sát, sau một ngày hành quân mệt mỏi, tối lăn ra ngủ như chết. Có người sợ muỗi đốt, cẩn thận lấy chăn xi-ta cuộn tròn kín mít. Nửa đêm, có một ông cọp nhảy vào vồ gọn người nằm trong chăn. Hai người còn lại hoảng hốt giương súng bắn đuổi theo. Sau một lúc căng thẳng, lại nghe có tiếng khua nước, rồi tiếng lá khô sột soạt, hai người tưởng con cọp khi nãy quay trở lại, liền lên đạn rom róp “không phải, đừng bắn, đừng…”. Sau đó, ông bạn bị chết hụt quýnh quáng nói trong hơi thở, “nhờ, nhờ tiếng súng và tiếng la hét truy đuổi của các cậu, lúc con cọp ôm tớ vượt qua suối, tớ vùng vẫy, choài đạp thí xác, nó hoảng quá đánh rơi “con mồi” xuống nước.
Miếu Cậu
Ngoài Vạn Ninh, dưới chân Đèo Cả, có vợ chồng anh nông dân thường hờn giận nhau, đêm đêm bà vợ bỏ chồng con chui vào bụi rậm nằm ngủ. Nửa đêm, cọp ra động cát ngắm trăng, thấy người nằm co ro một mình, nó không bỏ lỡ cơ hội, liền cõng bà ta lên Đèo Cả. Từ khi bị cọp tha mất vợ, anh chồng rất hối hận, đau buồn, thỉnh thoảng cũng đến nơi vợ ông bị cọp vồ trước đó than khóc - một thời gian sau thì người đàn ông này cũng đổ bệnh chết thảm thiết – dân trong làng chôn cất ông ngay chỗ bà vợ ông nằm khi xưa, và đặt tên cho động cát này là đồi Cô Đơn. Đã từ bao đời nay, “đồi Cô Đơn” là nơi hò hẹn của biết bao cặp tình nhân – hằng năm hễ đến ngày tình yêu, hoặc ngày lễ, ngày Tết, là từng đôi trai tài, gái sắc từ các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh, đưa nhau lên đồi Cô Đơn...
Cọp Khánh Hòa là “chuyện dài nhiều tập” kể mãi không hết. Và ở Khánh Hòa thời xa xưa nơi nào cũng có cọp, có ma. Cọp và ma còn nhảy vào văn học:
“Mã Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt,
Phước Hải Xuân về cọp thưởng mai.”
Giá được gặp lại nhà thơ Quách Tấn, tôi sẽ mạnh dạn đề nghị có thể đổi tên “Xứ Trầm Hương” thành Xứ Cọp Ma”.
source
VienDongDaily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét