Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Chùa Tà Cú Phan Thiết


Chùa Tà Cú Phan Thiết
Cập nhật lúc 6:29:35 PM - 28/08/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

w-280h1.jpg

Cáp treo lên núi Tà Cú.

Trước 75, tôi thường nghe nhiều người hành hương đến chùa Tà Cú, một ngôi chùa trên núi cao ở Phan Thiết, ngôi chùa có tượng Niết Bàn lớn nhất nước. Phan Thiết thì quá quen, lại dễ đi, nhưng không hiểu sao mãi đến năm nay tôi mới có dịp. Đến Phan Thiết, việc đầu tiên, tôi tìm thăm một bạn ảnh đàn anh, anh Ngô Đình Cường, đường Nguyễn Trường Tộ. Xa nhau quá lâu, tôi chẳng còn nhớ số nhà và mang máng Nguyễn Trường Tộ đâu quanh quanh khu gần chợ... Hỏi không ai biết, có thể đường đã đổi tên, người cũng chắc gì còn. Một bà bán cơm đầu hẻm lại biết rất rõ: “Ổng bị tai biến mà còn khỏe, nhà ổng trong đường này này”. Bà chủ quán vừa nói vừa chỉ con đường ngay bên cạnh.

w-280h3.jpg
Khu du lịch Tà Cú.


Đường Nguyễn Trường Tộ nhỏ xíu như ngày trước, nhà cửa buồn hiu, chạy xe vào một đoạn đã thấy hiệu ảnh Đình Cường. Trí óc dù sắc bén bao nhiêu cũng bị bụi thời gian phủ mờ, gặp nhau phải hàn huyên một lúc, anh mới nhớ. Lúc nhận ra nhau, anh lại nhớ những chi tiết rất nhỏ: “Tôi thích tác phẩm Trở Lòng (1) của anh, catalogue Thế Giới Trẻ Em tôi còn giữ”. Tôi đùa khen anh một câu: “Bao nhiêu người đổi đời, anh vẫn nguyên vóc dáng tuổi tác”. Anh đưa tay dở cái mũ trên đầu, cười: “Ngày xưa tôi hói đầu, nay đầu vẫn hói”. Hói đầu thì nhiều người, nhưng tôi thấy anh Cường hói đặc biệt hơn bởi khuôn mặt anh tròn vo.

w-280h2.jpg
Lên núi Tà Cú.



Chuyện thăm viếng xong, tôi hỏi qua chùa Trà Cú, anh gọi người con rể ra chỉ dẫn cho tôi. “Chùa Tà Cú (2) chứ không phải Trà Cú. Chú đi xe buýt hay chạy xe máy rất tiện. Chùa Tà Cú ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam cách Phan Thiết khoảng 28km. Trên núi Tà Cú có chùa Linh Sơn Trường Thọ, bình dân thường gọi chùa Núi, sách vở ghi: Chùa Tà Cú. Ngày nay có cáp treo, vé lên xuống 50 nghìn, không còn phải leo trèo mất sức, mất thời gian”. Nghe mà mừng, nếu phải leo núi thì cũng ngại mặc dù năm trước tôi đã lên núi Thần Đinh cao chưa từng thấy (3).
Năm giờ sáng hôm sau, từ thành phố Phan Thiết tôi chạy xe gắn máy mất 40 phút, đến cây số 28 có cổng chào ngay ngã ba: Du Lịch Cáp Treo Tà Cú – Hân Hoan Chào Đón Quí Khách. Từ cổng vào núi chừng cây số, đường hai chiều cách nhau bằng dải bồn hoa, có trụ đèn nê-ông, lối trang trí na ná khu du lịch Cần Giờ, Đồ Sơn... hoa lá cành cho vui mắt khách. Từ ngoài cổng chào nhìn đỉnh núi cao mờ mờ trong mây, tôi có cảm giác mình sắp làm công việc của một nhà thám hiểm. Núi xanh mù mù thế kia thì biết tìm chùa nơi đâu.

w-280h4.jpg

Nhà ga cáp.


Khu du lịch gồm nhiều gian, đầu tiên là nhà hàng, quầy vé, nhà xe. Đã có một vài xe đò đi theo đoàn, họ đang dùng điểm tâm, cười đùa vui vẻ trong nhà hàng. Tôi đưa xe vào gửi, 2.000 đồng, rồi trở lại mua vé 65 ngàn đồng để lên núi Tà Cú. Tôi hỏi cô bán vé: “Nghe nói vé 50 ngàn mà?” – “Dạ, 50 ngàn vì hồi đó chưa có xe đưa khách ra nhà ga cáp”. Hỏi cho biết chứ cũng chẳng hơn thua gì, điều đáng nói là lối làm ăn của “nhà nước ta” ưa xé lẻ để tính tiền, chứ không muốn lấy trọn gói. Tỉ như mua vé tàu tại ga Hà Nội 700 ngàn đi Nha Trang, khách đi tiểu phải trả 2.000 đồng. Chuyện giữ xe ở đây là nằm trong tổ chức du lịch, sao lại phải trả thêm tiền gửi xe.

w-280h5.jpg

Thùng rác.


Tôi vào cổng chính của “Khu du lịch Tà Cú”, cổng tam quan mô phỏng cổng nhà chùa, nhưng cách điệu rườm rà, ô tròn, ô vuông, nét cong, nét thẳng, một lối kiến trúc không biết thuộc trường phái kiến trúc nào; lạ mắt chứ chẳng ý nghĩa gì. Bên trong cổng có nhiều công trình hoa viên trang trí qui mô, nhiều quầy bán đồ lưu niệm, có nhà ga cáp trên đồi đá. Đặc biệt dọc theo lối đi có những chiếc bàn gỗ, bên dưới là hai ngăn chứa rác: Một bên dành cho “Chất thải tiêu hủy (Non recyclable)”, một bên dành cho “Chất thải tái chế (Recyclable)”. Tuy vậy tôi thấy khách vứt cả chai nhựa vào ngăn “non recyclable”. Người mình có tính dễ dãi, không bận tâm ba chuyện nhỏ nhặt.
Tôi đi về phía có hai chiếc xe điện đang chờ khách, đây là loại xe của Trung Cộng, chạy êm không máy nổ, mấy năm trước lên Lào Cai tôi đã qua Hà Khẩu, thị trấn biên giới của Trung Cộng, thuê riêng một chiếc dạo chơi quanh thành phố (4).
Trong lúc đợi thêm khách cho đủ chuyến tôi hỏi anh xe:
- Khu du lịch này thuộc tư nhân hay nhà nước?
- Trước là thuộc Tổng Cục Du Lịch, sau cổ phần hóa, 19% nhà nước, còn lại của công nhân viên làm ở đây.
Một đoàn khách kéo ra, từng xe (10 người), chạy vào nhà ga trên đồi cách xa chừng cây số. Tại đây cũng nhiều quầy lưu niệm, bán các thứ tranh ảnh. Từng tốp người lướt qua chẳng ai mua gì... Khách đã chật nhà ga mà cáp vẫn treo yên một chỗ, hỏi sao chưa chạy mới biết “đang chỉnh lại hệ thống...”. Nhân viên làm công việc “phục vụ khách” buồn hiu như người đi “cải tạo” (5), khách hỏi không muốn trả lời. Cuối cùng tôi cũng được lên một cabin, cáp di chuyển êm (6), lên, lên dần, cảnh rừng nguyên sinh đẹp lạ lùng. Từ trên nhìn xuống nhiều cây cao hàng chục mét mà lá nhỏ li ti, có những cây màu lá trắng, có cây thân uốn rất mỹ thuật, có cây thẳng đứng to như cột đình. “Rừng vàng”. Đúng vậy! Song không khéo giữ gìn thì chẳng mấy chốc “rừng vàng” sẽ trở thành núi trọc đồi hoang. Trước mắt biết bao nhiêu “rừng vàng” là những món hàng béo bở cho kẻ có quyền mua qua bán lại. Đã nghe tiếng kêu: “Rừng chảy máu”!
Lúc cáp vừa lên, toàn cảnh núi Tà Cú ngược sáng, chân núi thật sắc nét rồi nhạt mờ dần trong sương mai, tia nắng hình rẽ quạt, đẹp lung linh, cảnh ít thấy dưới đồng bằng. Tôi đưa máy chụp, một vài em bé cũng chụp. Ngày nay máy ảnh như điện thoại ai cũng có, chỉ trừ ông bà già lụm khụm. Máy ảnh càng phổ biến, giới chụp dạo càng ít đi.
Cáp dừng ở nhà ga cách chùa không xa nhưng đường đi phải quanh co một đoạn mới tới cổng. Cổng chùa thấp thoáng qua lá cây trông rất đẹp và gợi cảm, đến gần chỉ là tam quan đơn giản, mái ngói mũi hài, bốn cột trơn, chia thành ba lối đi, 1 chính 2 phụ không cửa đóng. Có thể chùa đang tái thiết, nên cổng chưa hoàn tất. Phải lên mấy chục bậc tam cấp mới đến sân chùa. Do thế núi nên mặt bằng, các hạng mục của chùa nằm ở độ cao khác nhau. Trước khi lên sân chùa, có Bửu Tháp Tổ khai sơn (6) ngay bên phải. Tấm bảng giới thiệu tháp Tổ của Sư Bà Ba La đã quá cũ, tróc sơn phai màu. Bửu Tháp ba tầng tương đối nhỏ.

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
06 – 2010

(1). Giải Chao Mờ 1970.
(2). Tà Cú là gọi theo âm của tiếng Chăm, nên nhiều cách viết khác nhau: Tà Kou, Tà Kú, Tà Cú...
(3). Núi Thần Đinh trang 135 QHQOK tập 10.
(4). Trạm quan thuế Lào Cai trang 105 QHQOK tập 8. VN cấm loại xe 4 bánh Daihashu thì xe điện TQ ào sang VN. Tương tự năm nay (2010), VN điện ngày có ngày không, quạt bình TQ bán chạy như tôm tươi.
(5) Một du khách kể lại trên Internet: 10g sáng ngày 5 – 4 - 2010 tôi mua 2 vé khứ hồi cáp treo lên núi Tà Cú thăm viếng chùa Linh Sơn Trường Thọ, lúc xuống cáp chạy được nửa đường thì chậm dần và dừng hẳn. Tôi hoảng hồn, mở vé ra xem, không có 1 dòng tin tức nào hướng dẫn khi gặp trục trặc, kể cả số điện thoại nóng nguội hay số điện thoại của công ty quản trị cáp treo. Tôi chợt nhớ là điện thoại có GPRS và lập tức tra Google ngay, lùng sục mãi sau 5 phút, may mắn có 1 trang cũng nói về việc Khu du lịch này cũng bỏ rơi một đoàn khách trong đó có 1 em bé 2 tuổi.
Tìm được số 0623869109 có người nghe máy, cô này trả lời là do không có ai đi nên tắt máy nghỉ, tôi nghe xong muốn xỉu; một cô khác gọi điện thoại lại và nói rằng do trục trặc cúp điện nên mới bị dừng, và nói chịu khó chờ, hơn 25 phút treo giữa trời. Xuống đến ga tôi thấy chỉ có 1 nhân viên nam ngồi trong phòng điều khiển nghe điện thoại, anh này bước ra cho biết cáp bị kẹt thắng phải dừng lại sửa (?)
Đến phòng kế hoạch gặp 2 cô, tôi phản ảnh tình hình và được trả lời do cúp điện. 3 lý do: Dừng nghỉ vì không khách – Kẹt thắng cần sửa chữa– Cụp điện ráng chờ - 3 lý do khác nhau đều vô lý. Thật không thể chấp nhận kiểu làm ăn của 1 Công ty du lịch như thế.
(6). Cáp treo được thiết kế theo công nghệ của hãng Doppelmayr (Áo), hãng đã lắp đặt cáp treo Xuân Hương - Đà Lạt. Cáp treo Tà Cú có 25 cabin, mỗi cabin 6 người, tốc độ 5m/giây. Công suất tối đa 35 cabin.


Sách đã in:
Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách xin Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260 email:trancongnhung@yahoo.com, Website: www.ltcn.net
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét