Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Thành phố Phan Thiết


Thành phố Phan Thiết
Cập nhật lúc 6:53:54 PM - 20/08/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung / ViễnĐông

w-1.jpg

Sông Cà Ty.


Năm 1693, đạo quân của Chúa Nguyễn do Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1) đi qua đừng chân tại đây, theo gót đoàn quân nhiều người dân các vùng đã đến đây lập nghiệp. Trải qua trên 300 năm, Phan Thiết đã phát triển thành một thị xã sầm uất có dân cư đông đúc.

w-2.jpg

Lưới trên bờ.


Sông Cà Ty chảy qua thành phố, có ba chiếc cầu, tiện việc qua lại nhưng về thẩm mỹ đặc thù theo tôi không có. Cầu treo vóc dáng hơi thô so với dòng sông, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Dục Thanh hài hòa hơn. Từ cầu Trần Hưng Đạo nhìn ra bến cảng…, ghe đánh cá ngổn ngang lộn xộn, tuy có màu sắc mà “đội hình” không đẹp, không “bắt mắt”, như khi đứng trên cầu Trần Phú nhìn xuống bến cảng Cù Lao (Nha Trang). Đặc biệt ghe Phan Thiết sơn đường viền chạy theo mạn và mũi thuyền màu vàng nghệ, phần chìm sơn nâu, phần nổi để nguyên màu gỗ và không ghe nào vẽ mắt. Tôi thích lối trang trí đơn giản mà nghệ thuật của làng ghe Phan Thiết.
Hai con đường (Trưng Trắc, Phạm Văn Đồng) chạy dọc theo sông Cà Ty làm cho thành phố Phan Thiết trở nên chững chạc duyên dáng hơn xưa. Buổi chiều dân chài thả lưới cá lên lề đường để rà soát lại trước khi đưa xuống ghe, lưới đỏ thắm dài thườn thượt hàng chục mét, hình ảnh quen thuộc mà màu sắc mới và bạo - Nghệ thuật trong lao động – Nhưng, không hiểu màu đỏ có hấp dẫn cá hơn màu xanh chăng.
Phan Thiết cũng có nhiều công trình xây dựng mới (sau 75), tượng đài công thự, vườn chơi cho trẻ em loại “bỏ túi” ngoài trời, khép nép bên công viên (2). Đại lộ chạy ra Mũi Né tập trung các công sở, ngân hàng... Phan Thiết không hề có nạn kẹt xe, tiếng còi cũng ít và điều đáng khen là người dân rất tôn trọng luật lệ giao thông. Tôi để ý tại ngã tư đèn đỏ, tất cả xe cộ kể cả xe đạp, ba gác... đều dừng sau vạch trắng, và chỉ chạy lúc đèn bật xanh; trong khi Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội... nhiều xe “thô sơ”, xe gắn máy, nhất là xe đạp, cứ chạy tỉnh bơ bất chấp đỏ xanh. Và, tệ hại hơn, đèn đỏ còn 5 giây mới qua xanh, còi xe gắn máy đã nổi lên inh tai. Cùng thì người Việt, tại sao Phan Thiết làm được!

w-3.jpg

Xóm chài.


Nhìn qua, đó là điểm nổi của Phan Thiết, đi sâu vào đời thường thì phần lớn vẫn còn thấp, nghèo, chen chúc... Đứng trên cầu Dục Thanh nhìn xuống xóm nhà ven sông, cảnh chẳng khác gì xóm Cồn, Cửa Bé Nha Trang. Qua các phố, phần đông buôn bán nhỏ, quán cơm, bún cháo bình dân là nhiều (3). Đã mấy lần tôi rảo tìm Phở mà không thấy, có người bảo phở chỉ quanh khu chợ và buổi sáng thôi. Người lại nói có “phở đêm”, rất đông khách. Cà phê thì san sát, quán liền quán. Cà phê thuốc lá có lẽ dân Việt Nam phải được xếp hàng đầu. Tôi đã một đôi lần vào cà phê máy lạnh để trốn nóng và nhờ wifi, nhưng phải chịu trận hít khói thuốc. Đây là thứ “văn hóa” quái đản mà ngoài Việt Nam không ai có, học đòi văn minh máy lạnh, nhưng phun hơi độc (khói thuốc) để luyện phổi. Về âm thanh người Việt cũng thuộc hạng “siêu sao”, la hét kiểu nào cũng nghe thoải mái (4). Phan Thiết nhiều khách sạn và hình như lúc nào cũng đầy khách. Tôi lưu lại mấy ngày mà đã phải ở 3 nơi. Khách sạn Khánh Vi 19 đường Nguyễn Tương, Tân Hưng A2 Lê Quí Đôn, Anh Khôi 150 Thủ Khoa Huân... ; đúng ra chỉ là nhà trọ, phòng nghỉ. Phòng tuy có trang bị nhiều thứ, mà vẫn nghèo nàn. Máy lạnh chỉ để trang trí, chẳng có tí hơi, đã thế khách vừa ra là người làm vào tắt điện. Chiếc quạt gắn trên tường chạy cành cạch, phòng lầu 3 lầu 4 mà không thang máy, không điện thoại; mỗi khi cần gì phải dùng điện thoại cầm tay, nếu không phải lên xuống rất bất tiện và mất thì giờ... Điều tệ hơn là cách trang phục theo lối người nhà, “lấy công làm lời”, nên nhiều lúc không lịch sự tí nào (do không am hiểu). Không riêng gì Phan Thiết mà trên toàn quốc, số đông “khách sạn tự phát” đều thế cả. Với tôi chẳng có gì phiền, dừng chân một hai bữa nghỉ qua đêm sao cũng được, ngày thì lang thang đây đó. Điều đáng nói là người mình không tôn trọng nguyên tắc, không chịu sống thực cái mình có, lúc nào cũng muốn thổi phồng, hô phong hoán vũ, nên lắm chuyện cười mà đau (nôm na: Thích khẩu, bánh vẽ). Trong việc mua bán, mặc cả luôn luôn “đảm bảo”, nói cho xuôi để lấy tiền, rồi cười trừ xin thông cảm. Đã thế lại có bệnh sĩ diện, làm le, chơi nổi.

w-4.jpg

Thành phố Phan Thiết.


Thành phố Phan Thiết chạy xe gắn máy chừng nửa tiếng là hết. Nhưng Phan Thiết có nhiều điểm rõ nét để đi (xem) chứ không thuộc loại “hữu danh vô thực”: Khu du lịch Tà Cú, Mũi Né, Hòn Rơm Bàu Trắng, đảo Phú Quí, trường Dục Thanh. Tận dụng thời gian, tôi chạy ra Mũi Né (5). Nhiều lần đi về giữa Sài Gòn - Nha Trang, xe đò có trạm nghỉ ăn trưa ở Mũi Né, tôi chẳng còn lạ gì. Mũi Né ngày xưa mới là miền đất của làng chài, là đồi cát của nghệ thuật. Hồi thập niên 60, nhiều nhà nhiếp ảnh Việt Nam đoạt huy chương, giải thưởng nhờ đồi cát Mũi Né. Hồi ấy đường đi toàn cát, rừng dừa thì chạy dài theo bờ biển, cảnh nên thơ. Đồi cát thì mênh mông và trinh nguyên đúng nghĩa. Đồi cát thời xa xưa như nàng Tiên của làng ảnh, mỗi lần nghe “đi Mũi Né”, tưởng như đi vào nơi chốn linh thiêng huyền ảo. Bây giờ làm gì còn Mũi Né thuở ban đầu. Vậy nhưng du lịch quảng cáo nghe rất kêu: “Mũi Né là một dãy đồi đất thoai thoải và bãi cát ven biển rộng, thoáng mát với những rặng dừa tuyệt đẹp. Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm”. Y như quảng cáo Thác Mai Định Quán, kiếm cơm bằng cách dối trá là bệnh phổ biến của thời đại hôm nay (6). Mũi Né ngày nay đã được ráp nối bằng các “mô hình tiền chế”, Hotel, Resort, Restaurant... làm gì còn rừng dừa, làm gì nhìn thấy biển xanh. Kho tàng tác phẩm nhiếp ảnh (đồi cát) thì nay là nơi xả rác, nơi cho trẻ con trượt chơi bằng tấm nhựa mỏng. Con người xâm thực dần, nhà hàng khách sạn lan dần mãi về Hòn Rơm. Phố xá phát triển đã đưa thiên nhiên vào hộp, biến thiên nhiên thành món trò chơi thô thiển. Điều này chẳng riêng gì Mũi Né, Nha Trang hết 2/3 bãi biển bị che kín bởi nhà hàng để kinh doanh, trong khi các nước có bờ biển, không ai dại dột xây cất nhà cửa như kiểu Việt Nam.
Nghe nói Bàu Trắng cảnh đẹp, tôi đi tìm, phải chạy thêm trên 40 km mới gặp. Bàu Trắng, được kể như một thắng cảnh của Bình Thuận, thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết 65 km về phía Đông Bắc. Đoạn đường từ QL 706 rẽ đi Bàu Trắng, nhiều chỗ lởm chởm đá, hai bên đường trống trơn hoang vắng, đúng là còn nguyên sơ. Bàu Trắng là một hồ nước ngọt, có từ lâu đời, nằm giữa vùng đồi cát mênh mông. Từ xưa, người dân quen gọi là Bàu Ông, Bàu Bà. Bàu Trắng khá rộng, nơi sâu nhất 19 mét, quanh bờ có nhiều sen mọc. Một bãi dương đẹp ven bờ phía Đông, bên hồ sen, đồi cát, phong cảnh thật hữu tình. Nhưng, cũng vì miếng ăn, con người đã bắt đầu cắt xén chia chác, xâm phạm và làm sứt mẻ nét tổng thể của phong cảnh. Lều quán dựng ngay lối đi ven bờ, hoặc dưới rừng dương. Con người không bao giờ để thiên nhiên nguyên vẹn, nhìn qua tôi thấy ngành du lịch và nhà cầm quyền địa phương không có kế hoạch gì về nơi này, và chẳng mấy chốc Bàu Trắng sẽ biến thành Bàu Đen.
Nghĩ thì nghĩ vậy, chứ cũng nên thưởng thức chiêm ngưỡng cái hiện có. Một cô gái mặc chiếc áo dài trắng đang thướt tha đi tới, tôi không bỏ lỡ cơ hội:
- Chào cô, hình như cô đi một mình.
- Dạ em có hẹn với chị bạn.
- Vậy trong lúc chờ đợi, tôi nhờ cô chụp một vài tấm hình.
- Dạ được, nhưng em không biết chụp sao cho đẹp đâu.
- Không, không phải chụp cho tôi.
- Vậy cho ai?
- Ý tôi muốn nhờ cô làm người mẫu, chẳng hạn cô đi dưới rừng dương hay ngồi đứng ven bờ hồ...
- Thôi chú nhờ người khác, em chưa bao giờ làm chuyện này, kỳ lắm.
- Không sao mà, cứ tự nhiên như lúc nãy cô đi từ ngoài vào, nếu tôi không nói mà chụp thì cũng đã có ảnh rồi.
Người thiếu nữ do dự, tôi xem như đã dàn xếp xong:
- Đây, em lui lại chỗ gốc dương phía xa rồi đi tới, đi tự nhiên như không hay biết.
Màn một bắt đầu, người mẫu lui tới hai lần rồi chạy ngang cho tà áo tung bay. Màn hai ngồi bên hồ, bây giờ cô gái như đã quen việc, không còn ngại ngùng, mà tỏ ra thích thú. Chụp thêm mấy ảnh chân dung, ảnh ngồi xuống bãi cỏ bên hồ, vừa lúc bạn cô gái đến tìm, tôi cảm ơn và chia tay người mẫu.
Nhìn lần cuối quang cảnh Bàu Trắng, cảnh hoang sơ, thích hợp cho gia đình nghỉ mát, cho nhóm bạn cắm trại hoặc du khách dừng chân chốc lát, chứ không có gì để ở lại lâu hơn. Tôi vội quay về bến cảng để hỏi tàu sáng mai đi Phú Quí.

Trần Công Nhung

06 - 2010

(1). Nguyễn Hữu Cảnh, Khai Quốc Công Thần (QHQOK tập 11).

(2). Có lẽ do tư nhân vì trông sơ sài nhếch nhác lắm. 5 phút cỡi ngựa, ngồi xe... 4.000 đồng.
(3). Dường như ở Phan Thiết người ta ít ăn phở, tôi tìm khắp nơi mà chẳng thấy. Một chị bán cháo gà cho hay chỉ sáng sớm mới có. Và một hàng phở đêm gần chợ.
(4). Bước vào thiên niên kỷ mới rồi mà “văn hóa loa”, vẫn còn khắp nơi từ thôn quê đến thành thị, ngay giữa thủ đô Hà Nội, nơi có trình độ văn hóa cao nhất nước. Có lẽ quen nghe thứ âm thanh “loa công cộng”, nên các quán cà phê, kem, lúc nào cũng mở volume tối đa. Hai buổi tối ở Phan Thiết, tôi được một cô người mẫu đưa đi cà phê Mộc trên đường Lê Quí Đôn và kem máy lạnh Sài Gòn Nelly đường Tôn Đức Thắng, nửa chừng phải bỏ chạy, vì không sao chịu nổi thứ âm thanh đấu bò, thời trang của tuổi trẻ hôm nay.

(5). Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. "Mũi" là cái mũi đất nhô ra biển; "Né" có nghĩa là tránh. Nơi đây có sự hài hòa giữa màu cát vàng màu biển xanh, ấm áp và trong lành, thu hút du khách.
Cũng có tên gọi từ huyền thoại của người Chăm: Công chúa Út của vua Chăm là công chúa Chuột - tương truyền vùng đất này của người Chăm, xưa kia lau sậy mọc um tùm. Công chúa Chăm năm 16 tuổi mắc bệnh nan y, về sau dựng Am để tu tại Hòn Rơm. Từ đó lấy biệt danh là bà Nà Né - lâu dần người dân đọc trại chữ Nà Né thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út - Mũi là mũi đất đưa ra biển.
Tên Hòn Rơm cũng phát xuất từ sự tích: Hòn Rơm là tên một núi nhỏ vẫn còn hoang sơ, nằm tại phường Mũi Né. Núi này có một loại cỏ ống dài khoảng 0,50m; vào mùa nắng lớn, cỏ bị cháy khô, màu vàng. Người dân đi biển ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng khô vàng giống như một đụn rơm khổng lồ, nên mới gọi là Hòn Rơm.
Hòn Rơm có rất nhiều bãi tắm dành riêng cho du khách. Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2 v.v… Nhưng hầu hết các bãi tắm này đều dành riêng cho du khách nội địa; du khách ngoại quốc đều tập trung tại khu resort cao cấp nằm phía trên. Các bãi tắm này hiện nay đang bị ô nhiễm, các quan chức liên quan trong ngành chưa có biện pháp giải quyết, khiến cho khu du lịch này đang dần dần “chết” .
(6). Thác Mai, trang 130 QHQOK tập 10. Nhờ khoa học phát triển nhanh, sự dối trá phổ biến rộng, ai cũng nói dối, nói dối lâu ngày thành nói thật. Mọi người biết là dối nhưng cứ xem như thật. Nếu nói thật thì không giống ai, và khó mà tồn tại.


Sách đã in:
Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.


Độc giả muốn có sách xin Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O. Box 254 Lawndale, CA 90260.
email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
ViễnĐông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét