Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Chùa Tà Cú Phan Thiết


Chùa Tà Cú Phan Thiết
Cập nhật lúc 8:33:17 PM - 03/09/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

(Tiếp theo và hết)


w-H1-281.jpg

Tượng Tổ Hữu Đức


Toàn bộ ngôi chùa đang thời kỳ thi công tái thiết. Chánh điện 3 tầng mái, khu nhà đông nhà tây hai tầng mái, sau chánh điện là nhà Tổ. Tất cả đồ tế tự, tượng ảnh đều dời về ngôi nhà tạm bên hông. Tuy thợ thầy đang làm việc, mà chùa vẫn yên tĩnh, tôi vào nhà phụ lễ Phật. Có hai bà huơ huơ hai bó nhang trên tay miệng lẩm bẩm cầu xin, khói tỏa mịt mù(8). Chờ hai bà ra, tôi lẳng lặng đảnh lễ mà không thắp nhang. Vừa cúi đầu lạy thì nghe tiếng chuông trên bàn Phật vang lên, tôi giật mình, thẳng người lạy thứ hai, tôi thấy một vị Tăng trong bộ áo lam đang thỉnh chuông. Lúc tôi hoàn tất ba lạy, thì vị Tăng cũng vừa quay lui khuất sau bàn thờ. Lễ Phật thường có thỉnh chuông, hoặc tự mình, hoặc do người khác giúp. Tôi vòng ra nhà sau có ý tìm gặp nhà sư để hỏi đôi điều.

w-H2-281.jpg

Nhìn xuống chân núi Tà Cú

w-H3-281.jpg

Mái chùa Tà Cú

w-H4-281.jpg

Thầy Minh


Sau gian thờ Phật là nhà nghỉ của chùa. Tôi đang tần ngần có ý dò xem, thì nhà sư lúc nãy bước ra; nhà sư còn trẻ tướng người đạo mạo chững chạc. Tôi định chào hỏi vài câu rồi đi, nên không ngồi xuống ghế; nhưng Thầy cố nài, tôi đành ngồi xuống:
- Thưa Thầy, lâu nay nghe tên chùa Tà Cú nay mới có dịp đến thăm. Thưa Thầy hình như tên chùa trước kia là Trà Cú?
- Đúng vậy, tuy nhiên sách vở viết Tà Cú, lý do đó là tiếng Chăm, tên của ngọn núi này. Ở đây có 4 ngọn núi: Tà Đặng, Tà Dôn, Tà Ban, Tà Cú, bốn ông Tà ở bốn núi. Sư Tổ sáng lập chùa, thêm chữ r thành Trà Cú.
- Thưa, Thầy là trụ trì chùa?
- Không, tôi là thầy Minh, trợ lý sư bà BaLa trụ trì.
- Thưa Thầy, trước khi có cáp treo, đường lên chùa ở lối nào?
- Cũng theo hướng của cáp treo. Hồi đó trai trẻ có thể đi chừng 2 tiếng, còn thường phải 3, 4 tiếng. Do mất thì giờ như vậy, nên khách lên đây phải ở lại hôm sau mới xuống.
- Thưa Thầy, chùa trùng tu khá qui mô, như vậy chừng nào mới hoàn mãn?
- Phải 4 năm nữa.
- Thưa chùa có tài liệu gì xin Thầy để cho một tập.
- Hiện thì không còn, chú cho địa chỉ khi nào có tôi gởi cho.
Tôi ghi địa chỉ và xin gửi chút đỉnh lệ phí, nhưng thầy Minh từ chối không nhận. Thầy còn hướng dẫn tôi đi xem tượng của Sư Tổ mới tạc bằng đá xanh.
- Chú đã thấy tượng Sư Tổ mới làm chưa?
- Dạ chưa.
- Đi, chú lên coi tượng lớn và đẹp lắm.
Thầy Minh dẫn tôi vào nhà Tổ. Toàn phạm vi trùng tu được chăng bạt che kín, khách chỉ đi vòng ngoài khu vực đang thực hiện để lên xem tượng Niết Bàn. Nhà tổ khá rộng, ngổn ngang vật liệu, phần sườn đúc chưa xong, chính giữa có pho tượng bằng đá xanh cao cỡ 3 mét, trong tư thế kiết già, toàn pho tượng toát lên nét từ bi tự tại. Tôi nghĩ, phải là tác phẩm của một nghệ sĩ điêu khắc có tâm Phật. Nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát đồ sộ nhưng thiếu nét đạo hạnh, gây phản ứng ngược đối với người xem. Người tạc tượng Phật Thánh, không chỉ biết đục đẽo, mà còn phải thể nhập được tinh thần của đạo lý mới đạt.
Chánh điện, nhà Đông nhà Tây, nhà Tổ, mái lợp ngói vảy cá đỏ tươi, sóng mái đắp đầu rồng cách điệu theo dạng mũi hài, nhẹ nhàng mà nghệ thuật. Kiểu rồng cổ điển râu ria, mắt mũi lồ lộ, rườm rà kém trang nghiêm. Phần sườn bên trong từ cột kèo xuyên trến, đúc toàn xi măng sắt thép, không có gì bằng gỗ.

w-H5-281.jpg

Tượng Niết Bàn

Sau khi giảng giải cho tôi đôi điều, thầy Minh trở lại trai phòng, tôi men theo đường mòn đi xem tượng Phật. Du khách nối đuôi quanh co lần từng bậc đá. Có những em bé theo chị, theo mẹ, lẽ ra không nên, bởi nguy hiểm có thể đến bất ngờ. Lên được một đoạn, nhìn xuống thấy toàn cảnh ngôi chùa: Mái ngói đỏ giữa rừng cây xanh lá trong ánh nắng mai, dưới xa là đồng bằng mênh mông tận chân trời. Nơi đây du khách đã cảm thấy nhẹ nhõm Thân-Tâm, dù không muốn cũng tạm quên tất cả, để hòa mình với thiên nhiên, lắng đọng giây phút, thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày. Trong không gian vắng lặng, chúng ta chiêm ngưỡng những pho tượng chư Bồ Tát và chư Phật một cách trọn vẹn: Thẩm mỹ và tâm linh. Trong ánh nắng mai, những góc mái chùa nổi bật nét nghệ thuật cổ kính về đại thể và mới mẻ ở chi tiết sáng tạo. Một hình ảnh theo tôi nghĩ, không thể có dưới đồng bằng. Đi tìm di tích hay danh lam, đôi lúc chỉ cần khám phá một vài chi tiết nhỏ cũng mãn nguyện rồi.
Đầu tiên là tượng Địa Tạng Vương cao lớn, nét mặt hiền từ, tượng trắng toàn thân, cả đài sen cao mấy mét, tất cả đặt trên bệ xây 4 bậc quét vôi vàng. Ai qua cũng dừng lại đảnh lễ. Ngài là vị Bồ Tát tiếp dẫn hương linh lúc quá vãng. Kế đến là khu tượng Di Đà Tam tôn. Nhóm tượng xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: Tượng Phật A Di Đà ở giữa cao 7 mét, bên trái là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và bên phải tượng Bồ Tát Đại Thế Chí đều cao 6,5 mét, cách thiết trí qui mô hơn tượng Bồ Tát Địa Tạng. Dưới chân mỗi tượng có lư nhang, bệ thờ và thùng phước sương. Lên nữa là tượng Niết Bàn, tượng Phật Thích Ca nằm, bức tượng lớn nhất Việt Nam (9), được khởi công từ năm 1960. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc làm bằng bê tông, sơn trắng (loại chống thấm nước), dài 49 mét, cao 7 mét, hoàn chỉnh trong đợt trùng tu năm 1963. Tượng nằm trên bệ cao, giữa rừng cây xanh, chung quanh vắng lặng, không một sinh hoạt nào khác của con người. Trước tượng có khoảng sân rộng, có bệ cúng hương, có ghế đá cho du khách nghỉ chân. Quanh năm không khí ở Tà Cú trong lành, mát mẻ. Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22 độ C. Theo tài liệu về địa chất, thì xưa kia nơi này là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại. nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt cho những người bệnh gan hoặc bệnh ngoài da. Chính Tổ khai sơn Sư Trần Hữu Đức (1812-1887), pháp danh Thông Âm, pháp hiệu Hữu Đức từ Phú Yên một mình vượt núi, xuyên rừng vào Bình Thuận, dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) vừa tu hành vừa bốc thuốc. Ông đã góp nhiều công sức chăm lo Phật sự ở nhiều chùa tại Bình Thuận như chùa Cổ Thạch, Linh Sơn (Tuy Phong), Phước Hưng (Phan Thiết) và một số chùa ở đảo Phú Quý. Năm 1872, nhà sư lên núi Tà Cú tu trong một hang đá (sau này gọi là hang Tổ). Mãi 7 năm sau, những người đi rừng mới khám phá ra hang đá nơi tu hành của nhà sư và đã góp công của để xây dựng một thảo am cho sư. Từ đó cho đến lúc mất, sư Hữu Đức không xuống núi nữa; vừa tu hành vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng. Được 16 năm thì sư Hữu Đức viên tịch (ngày 5-10-1887). Sau đó sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, nay này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn và chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên.

w-H6-281.jpg

Tượng Phật và Bồ Tát

Nhiều người ao ước được một lần đến chùa Tà Cú lễ Phật, được chụp một tấm ảnh kỷ niệm trước tượng Niết Bàn. Ngày nay nhờ có cáp treo, chuyện không còn khó khăn và cũng không tốn kém bao nhiêu, ai cũng có thể đến chiêm ngưỡng một thắng tích vừa bày tỏ lòng tín ngưỡng của mình. Điều nên nói là về lâu dài, giữ sao cho cảnh trí luôn luôn được nghiêm trang, thanh tịnh, không nên biến nơi tôn nghiêm thành chốn chợ trời.
Trần Công Nhung
06 - 2010

(8). Phần đông bá tánh cứ nghĩ đốt nhang thật nhiều mới tỏ được lòng thành, quên rằng khói nhang do tẩm hương liệu độc hại cho sức khỏe. Nhiều chùa ngày nay chỉ cho cắm nhang vào lư lớn trước sân.
(9). Tại tu viện Liễu Quán (San Diego) của Hòa Thượng Nguyên Đạt, cũng có tượng Niết Bàn tạc bằng đá xanh từ Biên Hòa đưa sang. Tượng dài 50 mét.


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp
nh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách xin Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260. email:trancongnhung@yahoo.com, Website: www.ltcn.net
source
VienDong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét