Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Một ngày Vu Lan ở Sài Gòn


September 04, 2009


Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune

Hướng dẫn nhóm bạn vừa Mỹ rặt vừa Mỹ lai đi xemVu Lan Sài Gòn – dù chỉ một ngày ngắn ngủi, đối với kẻ viết bài không dễ chút nào vì các bạn cứ đòi ‘dĩ lễ vi tiên, dĩ hội vi thứ, dĩ thực vi hậu’, dịch nôm là đi chùa trước hết, kế tới tham dự vài nghi thức, tục lệ lễ Vu lan, cuối cùng mới nếm thử đồ chay.

Khách ăn buffet chay ở nhà hàng Vân Cảnh.Photo NTLANH/Việt Tribune

Đi chùa
Sài Gòn có nhiều cơ sở thờ tự ở lẫn với khu dân cư, rất tiện cho việc lễ bái của Phật tử lớn tuổi ngại xe cộ đường xá. Ngoài các chùa cổ Việt-Hoa có tiếng trước đây, các chùa mới sau này đều to rộng, mái chùa cong vút, chạm trổ cầu kỳ bằng xi măng. Vài chùa ‘xi măng hóa’ khá đẹp là chùa Vĩnh Nghiêm quận 3, chùa Phổ Quang quận Tân Bình và chùa Kim Sơn quận Phú Nhuận. Năm nay, để đón mừng đại lễ Vu Lan, chùa trên địa bàn Sài Gòn, dù theo hệ phái Phật giáo nào, đều trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, làm lễ đài trang nghiêm. Đi lễ chùa nhỏ trong xóm ấp, không khí trang nghiêm, thân tình. Khách và trụ trì chùa đều biết nhau. Các chùa lớn không được vậy. Ngoài sân chùa, trong chính điện chỗ nào cũng rác và nhang khói mù mịt. Khách thản nhiên mang giầy dép vào nơi hành lễ, vô hình trung các động tác quì lạy đều miễn hết. Người ta đứng rì rầm ‘tâm sự’ với Phật tổ, huơ huơ bó nhang to như bó củi,’cuốc’ sơ sơ mấy nhát rồi ‘chôn’ luôn vào lư hương. Khói cuộn lên như khói cháy nhà. Nước mắt nước mũi trào ra
May sao, ngoài sân chùa, không khí dễ thở hơn. Các em nhỏ trong Gia đình Phật tử ríu rít mời chào những bông hoa cài áo. Hai ngàn đồng một bông hoa bằng giấy – hoa trắng cho người mất mẹ, hoa đỏ cho người còn mẹ. Rất mừng, năm nay, mầu hoa đỏ tràn ngập sân chùa Vĩnh Nghiêm, Dược Sư, Xá Lợi, Phổ Quang tạo nên một cảnh rất cảm động.
Đám bán chim cá phóng sinh ‘đến hẹn lại lên’ ngồi thành dãy trong sân chùa. Chim sẻ phóng sinh ba chục ngàn mười con vẫn có nhiều người mua nhưng không đắt hàng bằng cá. Muốn mua cá, chỉ cần gọi điện thoại trước. Đúng hẹn, ‘nhà cá’ có mặt, giao hàng. Năm chục ngàn một ký cá rô, cá bống nhỏ (trên 60 con) đựng trong thùng hay bọc nilon. Người phóng sinh thuê thuyền, đem cá ra giữa giòng trút xuống. Thế là xong! Suốt tháng Bảy – đông nhất là ba ngày 14, 15, 16 – bến cá chùa Diệu Pháp không lúc nào ngớt người lui tới. Chỗ này xếp mấy bọc cá bảy mầu, chỗ kia hai giỏ cá trê, sát bực lên xuống sông, hơn chục thùng sắt vuông đầy lươn, ếch, cá bống. Ông lái đò cho thuyền ra vào liên tục. Ông cho biết lúc cao điểm mình ông thả vài tấn cá các loại là thường.

Kinh sách – cải lương
Đứng trước rừng sách báo, tranh thư pháp, băng đĩa nhạc, đồ thờ tự, trang sức, áo tràngbán trong phòng kinh sách thiền viện Vạn Hạnh, chùaVĩnh Nghiêm, chùa Phổ Quangkhách đi lễ hoa mắt vì so với trước, những thứ hỗ trợ cho người đi tu quá phong phú, mua sắm quá dễ dàng.
Món quà tặng được chọn lựa nhiều nhất năm nay, có lẽ là tiểu phẩm Bông Hồng Cài Áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh do nhà xuất bản Thanh Niên tái ấn hành. Nhớ lại đâu hồi 40 năm trước, khi mới ra mắt lần đầu, tiểu phẩm này đã rất nổi tiếng. Từ đó đến nay, Bông Hồng Cài Áo chưa bao giờ nhạt phai hương sắc trong lòng những thế hệ con cái hiếu kính cha mẹ. Cùng là quà tặng như Bông Hồng Cài Áo nhưng hiếm hơn, được coi là ‘hàng độc’, chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, là hộp thẻ kinh Pháp Cú và hộp thẻ kinh Khuyến Tu.
Về hình thức, hộp thẻ kinh Pháp Cú chứa 423 thẻ kinh, mỗi thẻ có kích thước bằng một card visit, mặt này in một bài kinh Pháp Cú (bản dịch của Tịnh Minh), mặt kia in một trong 112 hình Phật Thích Ca Mâu Ni chụp trực tiếp từ các pho tượng Phật khắp thế giới. Còn hộp thẻ kinh Khuyến Tu chứa 500 thẻ kinh. Mặt trước in một bài kinh hoặc kệ khuyến tu, mặt sau in một trong 112 hình Phật-Bồ Tát. Hai hộp thẻ kinh đều được in màu, trình bày mỹ thuật trên giấy cứng láng. Giá 100.000 một bộ.
Kẻ viết bài tìm gặp người thực hiện công trình này – một Việt kiều ở Houston, chị N. K Chị K. cho biết, từ năm ngoái, nhân dịp Vesak Hà Nội 2008 – thông qua ban tổ chức – chị từng cúng dường đại biểu đến từ các nước, mỗi vị một hộp thẻ kinh làm quà tặng. Năm nay, nhờ một hòa thượng trụ trì đứng tên giấy phép, chị tiếp tục ấn tống 1,000 hộp thẻ kinh Pháp Cú, 1,000 hộp thẻ kinh kệ Khuyến Tu vừa tặng các chùa vừa đáp ứng Phật tử quen biết. Cách sử dụng thẻ kinh rất đơn giản – mỗi ngày rút tình cờ trong hộp ra một thẻ (như kiểu lắc ống xin xăm). Được thẻ có lời kinh gì, hình Phật gì, bài học đạo đức gì, người rút sẽ tự suy nghiệm. Một ngày. Nhiều ngày. Một thẻ kinh. Nhiều thẻ kinh. Cứ thế, Phật tính được khơi lên dần.

Dâng cúng mẹ Quan Âm ở chùa Phổ Quang- nhân lễ Vu Lan .Photo NTLANH/Việt Tribune

‘Mua kinh sách nhiều nhưng không có thì giờ đọc. Phải chi có hình thức nào hấp dẫn, dễ nhớ, dễ thuộc kinh Phật mà khỏi đọc thì tốt hơn.’ Bắt mạch được nhu cầu của các Phật tử này, giới điện ảnh, sân khấu đã nhanh chóng có sản phẩm đáp ứng. Năm trước là bộ phim ‘Duyên trần thoát tục’ nói về cuộc đời Đức Phật. Năm nay vở cải lương ‘Thái tử A Xà Thế’ được dàn dựng. Lấy tích thái tử Xà Thế ở Ấn Độ, thời Phật Thích ca còn tại thế, vì ham ngôi báu đã âm mưu giết cha. Âm mưu bại lộ, vua cha chẳng những không hài tội thái tử, ngược lại còn nhường ngôi. Lên làm vua, việc làm đầu tiên của thái tử là giam cha vào ngục cho chết dù vợ và mẹ hết lời van xin. Đến khi nhà vua có con, nghĩ lại biết thương cha mẹ, sám hối tội lỗi thì đã muộn… Ở buổi tổng duyệt, ‘Thái tử A Xà Thế’ cho thấy sự đầu tư khá công phu về mọi mặt, hứa hẹn thành công lớn lúc công diễn ở Sài Gòn- Đà Lạt trong vài ngày tới.

Ăn chay
Nói tới lễ Vu Lan, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua tiết mục ăn chay. Cùng rằm tháng Giêng, rằm tháng Mười thì rằm tháng Bảy được coi là dịp ăn chay thích hợp nhất. Có nhiều cấp độ chay. ‘Bản lĩnh’ nhất ‘chơi’ nguyên tháng, nửa tháng, thường thường thì ba ngày 14, 15, 16. Bét nhất mới một ngày 15. Có người ăn chay vì vái xin một điều gì trước đó, được toại nguyện, bây giờ ăn ‘trả ơn’. Có người vì ‘rằm lớn, ăn cả nhà để lấy phước’. Người khác ăn vì tránh sát sanh, thực hiện lòng quí trọng sinh mạng vạn vật của Phật giáo. Người khác nữa thì ‘thấy khoẻ, giảm cân, người nhẹ nhàng hẳn nên ăn luôn’. Mỗi người một nhu cầu, một cách thức ăn chay. Nghiêm nhất là các Phật tử thuần thành. Nghêu ngao và buồn cười nhất là các vị ‘chay đụng’ trẻ tuổi. Vái thi đậu, ăn chay nhưng ăn được vài lần thấy đuối, bèn ‘nhờ má ăn giùm con cho đủ tháng’. Vái hết bệnh, ăn chay nhưng Chủ nhật phải đi cái đám cưới có gà quay, lẩu cá, tôm hấp. Đành phá giới, hôm sau ăn chay bù. Không thiếu kẻ lý sự cùn kiểu ‘đi tu thì phải ăn chay. Thịt chó ăn được, thịt cầy mới kiêng’ để phá bỏ hợp đồng ăn chay đã ký với Phật tổ.
Trong tâm trí người ngoại đạo, thực đơn chay của nhà Phật rất đạm bạc, nghèo nàn. quanh đi quẩn lại chỉ chao tương, đậu hũ, dưa leo, nấm rơm. Nghĩ vậy đúng, nhưng lạc hậu rồi. Vì hiện nay ẩm thực chay Sài Gòn đã được nâng cao, mở rộng thành trường phái ẩm thực chay, đối chọi ngang ngửa với trường phái ẩm thực mặn. Ngoài hệ thống quán chay bình dân, hàng loạt nhà hàng cao cấp thi nhau mọc lên, phục vụ món chay quanh năm. Khách vào nhà hàng khá đông người nước ngoài, người ngoại đạo. Hai chị em gái ngồi trong quán chay Thuyền Viên cho biết ‘đơn giản tụi em bệnh, bác sĩ khuyên nên ăn nhiều rau củ, tránh thịt, mỡ động vật’. Quán Thuyền Viên tọa lạc ở đường Nguyễn Văn Đậu – Phú Nhuận. Nhân viên hơn 30 người chạy như con thoi vẫn không đáp ứng xuể nhu cầu của khách ăn tại chỗ, mua mang về, mua qua điện thoại. Thực đơn phong phú gần 50 món, giá lại rẻ – 3.000 đồng một cuốn gỏi cuốn, 15.000 đồng một tô bún, hủ tiếu, mì các loại, 25.000 đồng một dĩa mì xào, gỏi ngó sen, 100.000 đồng một cái lẩu thập cẩm… nên hơn chục năm lại đây, địa chỉ Thuyền Viên luôn ‘cháy chỗ’ suốt tháng chay.
Một hình thức chay khác, đang được giới trẻ Sài Gòn ưa chuộng, là hình thức buffet chay. Người sành ăn rất ‘kết’ buffet chay của nhà hàng Vân Cảnh – đường Phạm Ngũ Lão – đối diện chợ Bến Thành. Anh Maurice, nhân viên văn phòng ở cao ốc Nguyễn Huệ, cho biết từ 7 năm qua, Vân Cảnh năm nào cũng tổ chức bán vé buffet chay nguyên tháng. Và anh là một trong số thực khách trung thành của Vân Cảnh. Lý do? ‘Gần chỗ làm, ban trưa ban chiều đều ăn đó. Ăn ba chục ngày không hề đụng món cũ. Món nào cũng ngon miệng, đẹp mắt. Hết một tháng chay, xuống được bốn kílô mà người có vẻ trẻ khoẻ hẳn ra.’ Gia đình ông Phú năm người, ngồi thành một bàn riêng. Ông nhận xét ‘100.000 đồng/ vé ăn trưa, 120.000 đồng/ vé ăn chiều. Đây đắt, nhưng nêm nếm hết sức sắc sảo. Nấu nướng sạch sẽ, phòng ăn rộng, mát mẻ. Coi như nhất Sài Gòn!’
Một địa chỉ khác, vừa bán món chay, vừa phục vụ buffet chay, cũng rất được khen ngợi, là nhà hàng Việt Chay. Từ một cơ sở khiêm tốn, hiện Việt Chay đã phát triển thêm vài chi nhánh miền Bắc, miền Trung. Ở Sài Gòn, Việt Chay nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm quận 3. Trong nhà hàng trang trí nhiều thư pháp, tranh ảnh Phật giáo. Bàn ghế, đồ dọn ăn, người phục vụ… đều khá bài bản. Lượng thực khách của Việt Chay là tăng ni sinh trường Phật học (cũng đặt trong chùa Vĩnh Nghiêm) và khách nước ngoài, khách hành hương mỗi dịp lễ tết.
Buffet chay của Việt Chay chất lượng bình thường. Số món cũng kém phong phú, giá cả lại không hề rẻ nhưng nhờ chỗ ngồi tiện nghi, sang trọng nên khách vẫn đổ xô đến trước khi thở dài ‘chắc không có lần hai’. Ngồi một bàn trong góc, nhóm bạn già nhìn thực đơn, tấm tắc khen ‘Cửu niên diện bích (gỏi) Niêm hoa vi tiếu (sa kê xắt lát chiên mè), Kiến Phật kiến tâm (súp), Thưởng nguyệt luyến hoa (rau câu) toàn Phật tích, Phật điển. Thực là sâu sắc, trang nhã’. Và họ thi nhau ‘trang nhã’. Đứng dậy, bấm bụng trả hơn 300.000 đồng. Có chuyện vui vui không thể không kể. Là trước khi về, các vị rủ nhau ‘thăm’ toa lét. Đứng trước hai tấm biển gắn trên hai toa lét, thay vì ghi ‘nam-nữ’rõ ràng như thường lệ, thì thay bằng hình vẽ lá sen, búp sen, các vị phân vân rồi đùn đẩy nhau ‘thám hiểm’. Một vị gào nho nhỏ (!) ‘đàn ông- đàn bà, biết ai là lá, ai là búp, hả trời!
Một ngày rong ruỗi Sài Gòn trong mùa Vu lan mưa ngâu nho nhỏ, se lạnh, cảm giác để lại cho khách phương xa là ‘rất vui, rất ngon, rất hay’. Kẻ viết bài chỉ tin họ 50%. Căn cứ vào cái lắc đầu kín đáo khi nhìn cảnh rác rến bát nháo trong chính điện Vĩnh Nghiêm và nét mặt ngạc nhiên lúc chứng kiến không ít người ăn buffet chay kiểu ‘rừng’ – thi nhau chuốc hàng đống đồ ăn về bàn, nếm qua loa rồi bỏ mứa, tiếp tục tha lôi thêm thứ khác… Người ta tế nhị không nói ‘rất dở, rất tệ, rất kỳ cục’, nhưng không phải vì thế mà ‘văn hóa rằm tháng Bảy’ của ta không có nhiều sạn cần phải loại trừ.[NTLA]

********************

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét