Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Cảnh biển Cam Ranh


Cam Ranh ngày nay
(VienDongDaily.Com - 28/10/2011)
Cam Ranh tiếng là thành phố (loại 3) nhưng xe cộ không bao nhiêu, chỉ trục lộ chính, QL 1A thỉnh thoảng có xe đường dài chạy qua, gây ồn ào chốc lát.
Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Cảnh biển Cam Ranh

Hôm sau tôi dậy sớm, chạy vào cầu Trà Long phía nam thành phố Cam Ranh. Sáng tinh mơ, thành phố nào cũng tương đối yên tĩnh mát mẻ. Cam Ranh tiếng là thành phố (loại 3) nhưng xe cộ không bao nhiêu, chỉ trục lộ chính, QL 1A thỉnh thoảng có xe đường dài chạy qua, gây ồn ào chốc lát. Tôi dừng nơi cầu, chụp mấy tấm ảnh của xóm chài bên hữu ngạn (nay một số biến thành quán nhậu) rồi quay lại rẽ xuống con đường nhỏ về hướng biển. Hình ảnh chung chung sinh hoạt buổi sáng, nơi nào cũng giống nhau: Cà phê ăn sáng. Đa số quán lề đường, hoặc hàng gánh bày trên vỉa hè: Bún riêu, bún bò, cháo… Dân cà phê thì dài dài hai bên hàng phố. Phải phục người mình, điểm tâm bát bún, uống ly cà phê mà nửa ngày chưa dứt, nhưng ngả tư đèn đỏ còn 10 giây đã nhấn còi giục nhau chạy. Thế giới ít có dân tộc nào nhàn nhã như người Việt Nam. Ăn uống, buôn bán, từ trên lề xuống lòng đường, họp chợ ngay bảng cấm, chẳng ai nói gì. Nếu có chú công an cảnh sát nào rắn mắt đi qua thì người dân lại “dấm dúi” tí ti là xong. Luật pháp Việt Nam “linh động dễ sống” chứ không rạch ròi cứng ngắc như xứ tư bản.
Ra đến mé biển mới thấy hết những sinh hoạt của dân chài, nhà cửa chống đỡ xiêu vẹo, bến bãi chẳng ra bến bãi, vừa bến thuyền vừa bến rác. Nhưng tách ra, cảnh vẫn đẹp nhờ “chất liệu” đơn sơ mộc mạc của đời sống. Một góc nhà sàn soi bóng lung linh, đôi ghe câu neo nghỉ gần bờ, ngoài xa vài ba tàu đánh cá, đến hậu cảnh dãy đảo xanh, nền trời mấy vệt mây mỏng dài chéo góc. Nghệ thuật không cần cao sang, đơn sơ mà gợi cảm.
Đi lần về phía có một bãi đóng tàu, trông lộn xộn không chuyên nghiệp tí nào. Đây là bãi đóng tàu tư nhân: Bà Né. Nhiều tàu đánh cá nằm ụ mà không thấy thợ thầy làm việc. Ra phía ngoài nữa là cầu tàu, loại tàu 8 máy đậu san sát. Bạn đánh cá phần lớn là trai tráng khỏe mạnh, họ đang túm tụm trên mui tàu uống cá phê. Tôi hỏi chuyện một thanh niên:
- Tàu Cam Ranh có đánh cá xa bờ?
- Dạ có, xa bờ mới có cá.
- Có khi nào bị “tàu lạ” bắt chưa?
- Dạ, không ra Hoàng Sa nên không bị. Tàu Quảng Ngãi bị nhiều vì họ đánh sát Hoàng Sa.
- Tàu mình thường đánh cá gì nhiều nhất?
- Cá chuồn, cá thu.


Bến cá mồi

Nhìn tàu đánh cá lớp lớp hàng hàng tôi không nghĩ Cam Ranh lại nhiều tàu như thế mà toàn tàu lớn. Thì ra có cả tàu Quảng Ngãi vào neo. Tuy nhiều tàu cập bến nhưng không có cảnh mua bán như ở cầu tàu Cửa Bé hay Lương Sơn (Nha Trang). Tôi trở lên QL1A ra xem cảng Cam Ranh. Trên đường ra cảng lại gặp một bến cá khá tấp nập ồn nào, ngay trên đường Nguyễn Trọng Kỷ. Tôi lấy làm lạ, không phải bến tàu sao cá đâu tuôn về nhiều thế mà toàn cá nhỏ. Xe ba gác, xe máy thồ, xe đạp, xích lô…bạn hàng xúm nhau cân mua đưa lên xe, họ chen nhau, mặc cả, la lối huyên náo. Màu sắc những vỉ nhựa đựng cá vàng đỏ thật vui mắt. Ngay đó có nhà máy xay nước đá để cung cấp cho con buôn ủ cá trước khi chở đi. Tôi quan sát, chụp ảnh chẳng ai để ý, tôi hỏi người đứng cạnh:
- Sao đây không phải bến tàu, cá đâu nhiều vậy, mà không thấy cá lớn.
- Đây là cá tạp nham các tỉnh chở về bán cho những nhà nuôi cá.
- Họ nuôi cá gì?
- Cá chẻm, cá mú, cá rô Phi, cá lóc.
Cam Ranh ngày nay có hẳn một ngành nuôi cá công nghiệp. Nhưng nuôi cá cho ăn cá thế cũng tốt hơn thức ăn tăng trọng. Bây giờ nhà chăn nuôi nào cũng dùng thực phẩm tăng trọng thúc ép heo, gà, cá lớn nhanh. Người ăn vào cũng gián tiếp ảnh hưởng, cứ nhìn những trẻ con mới 8, 9 tuổi mà thân hình đã mập phì là biết.

Phố Đá Bạc

Trước khi rẽ qua đường vào Cảng Cam Ranh, có phố Đá Bạc, tôi không ngờ con phố vắng vẻ buồn hiu như vậy, cứ như đường phố thời chiến tranh. Vắng đến rợn người, tôi chỉ chạy một đoạn rồi quay lui ra Cảng. Vào cổng tôi bị “bảo vệ” chận lại. Người ngoài không được phép vào. Tôi hỏi đây không phải khu quân sự sao cấm? Có bảng cấm đâu? Người gác cổng gầm gừ “Cảng sản xuất cấm vào”. Nhớ mấy tên gác siêu thị (Sài Gòn) đánh học sinh mềm xương, tôi im lặng lui xe. Biết đâu trong đó không sản xuất, mua bán thứ quốc cấm. Tránh cho yên thân.


Quán “Gà Chỉ”

Tôi đi tìm quán “gà chỉ”. Lời đồn “gà chỉ” là món gà đặc biệt của Cam Ranh. Thực tình thì tìm cho biết chứ không hẳn chuyện ăn uống. Mấy năm trước, tôi đã đi tìm thưởng thức món gà nấu lá giang ở tận xã Ninh Quang huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đi để biết cảnh biết người chứ món ngon thì chưa chắc đã có gì hấp dẫn. Do lời đề nghị của một tay văn nghệ địa phương, tôi cứ tưởng chỉ hai người, anh lại kéo thêm cô bồ. Lúc ghé trạm xăng anh nói nhỏ vào tai tôi: “Đổ cho cổ bình xăng cho cổ vui”, ra quán Gió gọi thêm một bạn, ra Ninh Hòa rủ thêm hai ông (ngành văn hóa) kéo vào quán cà phê. Ra đi 2 người giữa đường thành 6, đến nơi không biết sẽ bao nhiêu. Đây cũng là kiểu “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhưng gà lá giang cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ thêm vị chua chua của lá rừng mà thôi. “Gà Chỉ” Cam Ranh không biết ra sao. Hỏi đường một ông xe ôm, ông đòi 10 nghìn dẫn đi. Chẳng phải kỳ kèo, nhanh cho được việc. Chạy theo xe ôm chưa được 5 phút, đã thấy quán “Gà Chỉ”. Một đoạn dài trên đường Lê Duẩn, con đường như đất đồi mới khai hoang lại nhiều quán nhậu. Hầu như các quán đều chung món gà chỉ. Tôi vào quán Hai Lễ, quán vắng khách, mỗi bà già ngồi dưới góc xoài. Nghe tiếng tôi hỏi, có chị đàn bà trong nhà bước ra, chị cho biết thế nào là “Gà Chỉ”. Chị đưa tôi ra xem chuồng gà vườn sau, chị nói “Gà nuôi thả trong vườn, mỗi ngày bắt nhốt chuồng mươi con, cho ăn thóc. Khách tùy thích lựa, chỉ con nào bắt làm thịt con đó”. Tôi cười: “Gà chỉ nghĩa là chỉ con gà mình thích”.


Xóm chài

- Rồi nấu những món gì?
- Vài món đơn giản như gà hấp, nướng, nấu lá giang, luộc, bóp gỏi, chiên mắm, nấu cháo, rang muối… Tùy khách yêu cầu.
- Thời gian làm lâu mau? Giá cả thế nào?
- Từ 20 đến 30 phút. Con 1kg 500g làm thành món giá 195 ngàn.
- Nhanh vậy làm sao kịp?
- Mỗi người một khâu, nhanh thôi.
- Như vậy, muốn ăn gà phải vài ba người?
- Dạ.
- Chị biết quán nào có món gà làm bán sẵn chỉ dùm.
- Chú ra quán Vui ngoài QL 1 có cơm gà cũng ngon. Quán nớ đông khách.
Nghe người đàn bà nói giọng Huế, tôi hỏi thêm trước khi đi:
- Chị vô đây từ hồi nào?
- Đây nhà người em, nó vô từ năm 75.
- Một nhà mà đất rộng quá vậy?
- Hồi đó rừng rú có ai mô. Muốn khai hoang mấy không được.
- Người Huế quanh đây nhiều không?
- Không nhiều, họ vô cả Long Khánh, lên Buôn Mê Thuộc. Ở Huế thì mần chi sống nổi.


Tàu đánh cá

Quán Vui phía ngoài khách sạn Thạnh Mỹ một đoạn. Quán không lớn, đông khách. Dĩa cơm, một phần tư con gà giá 85 nghìn, ăn được nhưng tính theo giá “gà chỉ” thì hơi đắt. Cam Ranh là phố biển mà nổi tiếng lại là món gà. Tiếc là chưa có dịp thực sự nếm món “gà chỉ” xem ra sao. Đôi khi thiên hạ ưa đồn đãi cho có chuyện chứ ngon thì đã chắc gì. Có điều tuy đã nâng lên “thành phố loại 3” nhưng Cam Ranh chưa thoát ra khỏi nếp sống của làng chài, nhất là vấn đề vệ sinh. Nhà cửa lem nhem đường phố rác bẩn bụi bặm rất tệ. Phố Đá Bạc là hình ảnh tiêu biểu. Dẫu sao, đến Cam Ranh, có nơi để tìm xem, có món để thưởng thức cũng là điều thú vị rồi.

Tháng 7 - 2011

Sách mới: QHQOK tập 12, đã phát hành đầu tháng 10-2011.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách (discount 50% 10 tập đầu, 126 Mỹ kim luôn cước phí gửi), xin liên lạc: Tran Cong Nhung, P.O. Box 254, Lawndale, CA 90260.
Điện thoại: (310) 978-4182 - Email: trancongnhung@yahoo.com - Website: www.ltcn.net
source
VienDongDaily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét