October 08, 2009
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Thông thường, sau thiên tai thảm khốc là thiệt hại nặng nề về người và của. Chưa bao giờ thiên tai lại hào sảng ban lộc cho con người. Ấy vậy nhưng đó là chuyện có thực ở Đà Nẵng, những ngày đầu tháng 10, sau khi cơn bão số 9, tên quốc tế là Ketsana, quét qua.
Cứu người dân còn kẹt trên mái nhà. Hoàng Đình Nam/Getty Images
Cứu dân trong cơn lũ lụt. Hoàng Đình Nam/Getty Images
Đi củi trên bãi cát
Có mặt ở bãi biển Mỹ Khê, không cứ du khách mà ngay người dân Đà Nẵng rất bàng hoàng khi thấy chỉ sau một đêm gió bão điên cuồng, sáng ra, bãi cát mịn màng sạch sẽ đã biến thành bãi củi lộ thiên khổng lồ với hàng ngàn hàng vạn cây gỗ lớn nhỏ đủ loại nằm ngổn ngang. Tranh thủ dịp may trời cho, người dân Đà Nẵng rủ nhau đi hôi củi, tấp nập đông vui. Cụ Sáu Giáo, sống ở quận Hải Châu cho biết đây là hiện tượng hy hữu. Hàng năm, vào mùa mưa bão tháng chín tháng mười, sông biển miền Trung đầy củi. Ngay khi bão còn hoành hành, mưa còn nặng hạt, phụ nữ đã đội mưa ra bờ sông (biển) dùng sào khoèo củi. Đàn ông sức vóc gan dạ hơn thì ngồi ghe, chống bè, lặn hụp kè những súc gỗ lớn vào bờ, bán tại chỗ cũng được vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu nếu gặp danh mộc. Lợi như vậy nên dù biết nguy hiểm tính mạng dân nghèo vẫn rủ nhau đi vớt củi.
Thu nhặt củi trong khi cơn bão vẫn đang hoành hành tại Đà Nẵng. Hoàng Đình Nam/Getty Images
Năm nay, bão số 9 gió to kết hợp với lũ dữ, không cần ra sông (biển) như mọi năm, chỉ ngồi trên bờ trời cũng cho lộc.
Gạt mồ hôi trên gương mặt hốc hác, còn phảng phất nét kinh hoàng vì cơn bão dữ vừa qua, ba người đàn ông ì ạch khiêng một thân cây nói ‘nhà cũng bị tốc mái, nhưng cứ tạm để đó, ra đây kiếm gỗ bán lấy tiền đã’. Một nhóm khác, có cả trẻ em, ý chừng là một gia đình, đang dùng dao rựa róc nhánh cây thành thạo. Vài người khác làm thịt tại chỗ vài chục thân gỗ lớn đường kính trên ba tấc, tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ rít xoen xoét. Không khí lao động trên bãi biển Mỹ Khê hết sức khẩn trương. Niềm vui ‘xí’ được gỗ, bán được tiền khiến mặt ai cũng tươi tỉnh. Tươi nhất phải kể các lâm tặc, trước toàn chui nhủi trong rừng, lúc nào cũng lén lén lút lút, sợ đụng kiểm lâm, nay nhờ bão số 9, được đàng hoàng ngồi giữa thanh thiên bạch nhật, xẻ gỗ bán cho các xí nghiệp, công xưởng làm đồ mộc. Tuy giá chỉ bằng một phần tư so với ngày thường nhưng khỏi nhọc sức hạ cây, vận chuyển lậu, thuế má lôi thôi. Một doanh nghiệp gỗ ở đường Ông Ích Khiêm hoan hỉ cho hay chỉ hai ngày đầu tháng 10, ra ngồi bãi biển này ông đã mua được 1,000 tấn gỗ các loại với giá rẻ mạt 50 triệu đồng.
Lộc trời cho dân Đà Nẵng hậu hĩ là thế nhưng so với bà con dưới huyện Đại Lộc-Quảng Nam vẫn chưa thấm vào đâu. Một đồng nghiệp vừa về từ xã Đại Minh huyện Đại Lộc miêu tả củi gỗ từ thượng nguồn sông Vu Gia dạt về đầy ứ. Vườn ruộng, đường làng chỗ nào cũng rều rác, xác súc vật chen lẫn củi đuốc các loại. Nhà ai cũng đầy củi. Cả làng thành vựa củi. Củi nhiều đến nỗi người ta chỉ lo tìm thân gỗ lớn, bán ra tiền, còn cây nhỏ, cành nhánh coi như rác.
Hiện tượng ‘lên rừng tại chỗ’ cứ vậy diễn ra ở Đà Nẵng-Quảng Nam suốt mấy ngày liền. Cho tới nay, trên bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng vẫn còn lại chừng 5,000 tấn củi rác. Mặc dù Công ty Môi trường Đô Thị Đà Nẵng đã huy động 50 xe chở rác, gần 1,000 công nhân vệ sinh, thuê thêm 400 lao động thời vụ, vận động học sinh sinh viên, quân đội tình nguyện dọn rác, nhưng công việc vẫn tiến triển chậm. Có lẽ phải vài tuần nữa, họa may bãi biển mới phục hồi được hai chữ ‘Mỹ- Khê’.
Thiệt hại khắp nơi
Điểm tiếp nhận tiền-hàng cứu trợ tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3 Sài Gòn. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE
Khắp thành phố Đà Nẵng, chỗ nào cũng có dấu vết tàn phá của bão số 9. Đường Nguyễn Tất Thành dọc bờ biển dài hơn 10 cây số với hệ thống kè chắn sóng bằng bê tông mới được khánh thành sau cơn bão Xangsane ba năm trước, với hy vọng sẽ trụ vững trước cuồng phong bão tố lâu dài, bây giờ bị bão vặn đứt từng đoạn hệt con mãng xà bị chém làm nhiều khúc. Gần 300 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, hơn 3,600 căn bị hư hại, các biển hiệu quảng cáo gẫy gục, dây điện đứt vương vãi trên đường. Chỗ nào cũng thấy người dọn rác, sửa nhà, vá đường. Trong chợ Đà Nẵng, những mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là mì ăn liền, rau tươi và nước tinh khiết. Một phụ nữ đứng chọn mua rau cho biết ‘ngày thường rau cải, rau muống tươi ngon chỉ ba ngàn một bó, bây giờ vọt lên gấp ba bốn lần. Thịt cá cũng đồng loạt tăng, mà cũng phải đi sớm, giành giựt mới có đồ ngon’. Chú Tư Thìn, chủ tiệm sắt ở khu phố trung tâm Đà Nẵng cho biết tuy không phải là thực phẩm nhưng tôn lợp nhà, xi măng, vôi, gạch, sắt thép, dây kẽm, đinh bán rất chạy ‘chủ yếu cho người mua dặm vá, sửa chữa nhỏ thôi, còn muốn cất lại nhà bị sập thì phải từ từ, cả tháng sau’.
Càng đi dài xuống huyện Núi Thành, thị xã Hội An, Tam Kỳ, Trà My dọc bờ biển Quảng Nam hay huyện Tây Giang, Đông Giang tiếp giáp biên giới Lào, càng thấy thương người dân khổ sở trăm bề trong cảnh không điện nước sạch, không tiền, không cơm áo, không phương tiện mưu sinh, không thợ dịch vụ… Các bà các chị tiếc của cắm cúi bới tìm đồ đạc trong vô vọng, mặt cúi gằm xuống đống bùn dầy trước đây từng là nhà cửa sân vườn của họ. Các em nhỏ mất tết trung thu mếu máo, không chỉ tiếc chiếc đèn lồng chưa kịp rước, mà cái chính là tiếc sách vở mới mua ngày tựu trường, chưa dùng được trọn tháng thì đã bị lũ cuốn trôi.
Số người bị chết, số nhà cửa, gia súc, hoa mầu bị tổn hại của Quảng Nam-Đà Nẵng tuy không thảm khốc bằng hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, nhưng cũng không dưới năm ngàn tỷ đồng. Muốn tái thiết Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung chắc chắn không thể một sớm một chiều. Đã vậy, nghe đâu chỉ ngày mai, cơn bão số 10 – tên quốc tế là Parma – có sức tàn phá không kém cơn bão số 9, sẽ đổ bộ vào.
Cứu trợ khẩn cấp
Mì gói được coi là hàng cứu trợ hiệu quả nhất. Hoàng Đình Nam/Getty Images
Ngay từ khi bão số 9 chưa rút khỏi Đà Nẵng-Quảng Nam, dân Sài Gòn đã ‘đánh hơi’ thấy mùi chết chóc, thiệt hại nặng nề. Quả nhiên, qua công điện khẩn từ các địa phương, cộng với hàng loạt phóng sự, video clip nóng hổi từ vùng bão chuyển về, cập nhật liên tục trên tivi, báo chí các loại, người Sài Gòn càng xác tín thêm linh cảm xấu của mình. Tính sơ bộ, hơn 160 người đã chết vì bão. Số nhà cửa, làng mạc, hoa mầu, gia súc bị thiệt hại qui thành tiền là trên 15.000 tỷ đồng. Với tinh thần nhường cơm sẻ áo cho Miền Trung ruột thịt, chỉ trong vòng ba ngày sau bão, Hội Chữ Thập Đỏ thành phố HCM đã quyên góp được hơn 1 tỷ 4, Tổng Công ty Sông Đà 2 tỷ, Mặt trận Tổ Quốc 4,5 tỷ, báo Tuổi Trẻ 2,5 tỷ, báo Thanh Niên, Nguời Lao Động, Phụ Nữ… đều từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ. Chưa kể các công ty, xí nghiệp tư nhân, chùa chiền tu viện, trường học, khu dân cư, hội đoàn thanh niên, phụ lão,… Tại điểm tiếp nhận cứu trợ chùa Vĩnh Nghiêm, một tu sĩ cho biết căn cứ vào số tiền – hàng chùa nhận được hai hôm nay, có lẽ chỉ một hai hôm nữa, sẽ đủ mua 1,000 phần quà – mỗi phần 10 ký gạo, một thùng mì, vài trăm ngàn đồng tiền mặt, lên đường cứu trợ ‘ngoài đó’.
Khi bài viết này đến với bạn đọc, trên quốc lộ 1 A, ngày đêm những đoàn xe tải vẫn nối đuôi nhau, vượt núi đèo xa xôi hiểm trở mang nghĩa tình ấm áp của Sài Gòn đến Miền Trung thương khó. Nhiều nữ doanh nhân liễu yếu đào tơ, cán bộ hưu trí già yếu, thay vì ngồi nhà gửi tiền – hàng nhờ các tổ chức nhà nước đi thay, đã nhất quyết áp tải theo xe để được trao quà tận tay nạn nhân lũ lụt. Một phụ nữ ngồi trên ca bin, phờ phạc vì say xe, giọng khản đặc, vẫn cố giãi bầy với người chung quanh ‘Tổng công ty gửi tặng 500,000 đồng cho một nhà hư hại, hai triệu đồng cho một nhà có người chết vì bão. Không phải sợ bên Mặt Trận người ta ăn bớt, cũng không phải không tin sự chu đáo, chuyên nghiệp của họ, nhưng của một đồng, công một nén, mình cứ phải tự đi mới yên tâm’.[NTLA]
***************
source
Viet Tribune Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét