12:09 26-09-2008
Do nguồn gốc lịch sử, hoàn cảnh sống và tác động của môi trường thiên nhiên đã hình thành nên tính cách người Nam Bộ. Ngoài tính hiếu khách, tính bộc trực, mạnh mẽ , hào phóng và đôn hậu, người Nam Bộ còn biết bao nét đẹp truyền thống đáng trân trọng như tính nghĩa khí hào hiệp, tấm lòng nhân hậu, bao dung, tư chất thông minh và giàu nghị lực. Đặc biệt phụ nữ miền Nam rất đỗi vị tha, dịu dàng lại khéo tay, chiều chồng nhưng đáng quý nhất là sự hy sinh cho chồng con, cho quê hương, đất nước. Điều đó đã được minh chứng suốt quá trình hơn 300 năm lịch sử của Nam Bộ. Miền Nam đã trải qua chiến tranh, bom đạn ác liệt nhưng miền Nam kiên cường, bất khuất và miền Nam xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng của Tổ quốc". Dưới ánh sáng của (...), chúng ta đang phát huy nội lực nhằm làm dân giàu, nước mạnh, miền Nam sẽ cùng cả nước tiến lên tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tính bộc trực Trong dân gian còn lưu truyền câu "Ăn mặn nói ngay" để nói lên tính cách người miền Nam. Lý giải cho câu thành ngữ này phải dựa trên cơ sở lịch sử và đời sống thực tế Nam Bộ. Như đã nói, họ là những lưu dân đến đây chủ yếu bằng đường biển, suốt hành trình lênh đênh giữa sóng to gió lớn để chống lại giá rét, chống lại những cơn cuồng nộ của biển cả... buộc họ phải tìm cách đảm bảo mạng sống và sinh tồn. Để lặn sâu dưới nước, thường người ta hay uống nước muối; giữ cá được lâu thì muối hoặc làm mắm... Dần dần mà khẩu vị của người đi biển trở nên mặn mà hơn so với người ở đất liền. Trong bữa ăn truyền thống của người miền Nam không bao giờ thiếu được món kho như: thịt kho, cá kho, mắm kho hoặc cá muối chiên hay khô mặn, ba khía... Đặc biệt bất kỳ nhà giàu có hay nghèo hèn, dù bữa ăn bình dân hay tiệc tùng lễ lạt giữa nhà hàng sang trọng đều có chén nước mắm trong mâm thức ăn dùng làm nước chấm. Tính mạnh mẽ Người miền Nam trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ là những người luôn luôn đương đầu với nghịch cảnh, bởi thế họ không có thì giờ để con cà con kê, nếu cần diễn đạt thì nói một cách dứt khoát, ngắn gọn, trực tiếp và rõ ràng. Vì lênh đênh giữa biển, sóng vỗ ì ầm, trời nước mênh mông nên tiếng nói của con người bị át đi. Cho đến khi lên bờ khai khẩn thì đất rộng người thưa, cây cối um tùm, phương thức lao động không phải tập đoàn hay hợp quần mà thủ công - riêng lẻ, khi cần gọi nhau để trao đổi thì phải hét to hoặc dùng tiếng động lớn làm ám hiệu cho nhau, bởi vậy mà người miền Nam cho tới sau này vẫn còn ăn to nói lớn. Tính đôn hậu Người miền Nam luôn chân tình, cởi mở và dễ hòa mình. Xét trên góc độ khoa học, đó là sự hội nhập giao lưu và hòa đồng giữa cộng đồng các dân tộc. Khi người Kinh đặt chân đến Nam Kỳ thì ở đây đã có người Khmer, người Hoa sinh sống. Tuy phong tục mỗi dân tộc mỗi khác nhưng tất cả như có một mẫu số chung là tinh thần nhân ái. Trong ngôn ngữ miền Nam hiện nay vẫn còn tồn tại những tiếng có nguồn gốc Khmer và Hoa như: mình ên, cà tha, xiêm lo, xích xái, lì xì, thèo lèo, xí muội, thò lò... Còn địa danh ở Nam Bộ có những tên đi vào lịch sử như: Sa Đéc, Sóc Trăng, Bãi Xáu, Chắc Cà Đao... Thông thường mỗi khi giỗ chạp, Tết nhất hay mỗi khi bày cỗ cúng kiến, người miền Nam ngoài việc dọn cỗ trên bàn thờ ông bà, cha mẹ... còn có một mâm riêng được bày lên trước cửa nhà để cúng gọi là "mâm đất đai". Mâm thức ăn này để cúng các bậc tiền hiền đã có công khai phá vùng đất hiện tại cùng những người khuất mặt khuất mày đã bỏ mạng nơi đây mà không nơi nương tựa. Trước khi khấn vái ở bàn thờ gia tiên thì gia chủ phải thành tâm trước "mâm đất đai", xem như một thủ tục trình báo với "sở tại". Điều này nói lên tấm lòng người miền Nam nhân ái, vị tha, giàu tình người mà bà con ta gói gọn trong hai tiếng "biết điều". Những người dân hiếu khách Những cư dân Đàng Ngoài từ chỗ có làng xã, sinh hoạt lề thói nhiều đời đến nơi ở mới tứ cố vô thân lại thêm phong thổ khắc nghiệt... đã làm cho họ trở nên bản lĩnh và đặc biệt là rất hiếu khách. Hiếu khách có lẽ là nét đặc trưng, là cá tính độc đáo của người miền Nam, bởi họ rất cần người để tâm sự, để giãi bày những nỗi niềm sâu kín hoặc để uống với nhau ly rượu giải sầu - cái sầu ly hương - hay để hàn huyên chuyện xứ sở Đàng Ngoài, nơi quê cha đất tổ. Trong sinh hoạt láng giềng Nam Bộ hiện tại, ta thấy có nhiều tiệc tùng, nhậu nhẹt, đám cưới, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, tân gia... mà người được mời ít khi từ chối, mặc dù hiểu rằng "ăn bữa giỗ lỗ bữa cày". Họ đến đó không phải vì rượu thịt, vì miếng ngon vật lạ mà vì "phải quấy" - nói theo tiếng bà con miền Nam hay nói. Ai không đi, không dự được thì gởi bao thư, lễ vật và xin cáo lỗi; còn nếu như làm thinh, không có "phản hồi" gì hết là "có vấn đề"! Từ những bàn tiệc này mà đôi khi nảy sinh những quan hệ tình cảm mới như: kết nghĩa thông gia, kết nghĩa tri âm tri kỷ hoặc kết nghĩa anh em... Nguồn: saigon.nguoihanoi.net
******************************
source
http://www.saigonmagazine.net/catenews.php?Article=3909
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét