“Cải…cải…cả…i…” Tôi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng rao của thằng cha bán cải. Hồi mới dời nhà từ dưới tỉnh lên, về khu phố nầy, sáng nào tôi cũng bị “ sốc” bởi tiếng rao cộc cằn, khó ưa của thằng chả. Đàn ông gì mà đi bán cải, mà cũng không biết cất tiếng rao sao cho có cảm tình với người mua. “Cải..Cải..” nghe cụt ngủn cụt ngẳn như nạt nộ ai. Có bữa bực mình quá, xuống đường dòm mặt coi thằng chả bán thứ gì? Cải bẹ xanh, bẹ trắng, bó xôi, tần sạy.. được chất sạch sẽ, tinh tươm trên cái sàn bằng cây gát ngang chiếc xe ba bánh. Tôi thấy người ta bu vô mua, hỏi giá bao nhiêu tiền một ký cải bẹ xanh, mấy bà mua nói có 5.000đ trong khi ngoài chợ 8.000đ mà không được tươi như cải của thằng chả. Thằng chả cân luôn tay, nụ cười luôn nở gương mặt xạm đen vì nắng gió. Một bà lối xóm vừa lựa cải vừa nói nhỏ bên tai tôi:” Ông nội nầy giỏi lắm, bán xe cải một chút là hết, thằng chả còn về đi chợ nấu cơm nuôi bà mẹ với đứa con nhỏ xíu, vợ mới mất, bị ung thư tử cung”. Không hiểu sao, nghe hoàn cảnh đáng thương của thằng chả tôi cũng bớt ghét phần nào. Mỗi khi cần nấu món cải tôi thường mua giúp thằng chả rồi lần lần tiếng rao ấy đã gọi tôi mỗi sáng thức dậy tập thể dục đúng giờ.
Sáng nào tập thể dục xong, tôi thường đi chợ. Vừa ra khỏi ngõ đã nghe mời “bánh mì Sài Gòn 1000 một ổ! Mua bánh nóng dòn đi cô ơi!” Tôi định làm lơ đi luôn nhưng nghe cái mùi bánh thoang thoãng của bột mì và bơ tôi quành lại, chưa kịp nói, cậu nhỏ đã nhanh miệng: ”Mấy ổ cô?” “Một thôi!” Thằng bé dở hé cái bao dựng trong cần xé lấy ổ bánh nóng hôi hổi đưa cho tôi, lấy tiền xong, cậu ta leo lên xe vọt đi ngay, cậu ta đi cho kịp cái nóng của ổ bánh sáng và đi cho kịp giờ đi học. Cầm ổ bánh, tôi vừa đi vừa ăn “ điểm tâm”, ăn để thưởng thức vị ấm nồng của buổi sáng mà cậu bé vừa trao. Ra tới chợ, ổ bánh cũng vừa ăn hết, vào tới đầu chợ tôi nghe tiếng gọi khàn khàn, têu tếu: “Quẹo lựa cô ơi! Hàng Hồng Kông bên hông Chợ lớn mới nhập về, một cặp có 30. Hà…hà…cô nào chồng bỏ chồng chê, mặc vô chồng thấy là mê tới già…à..Quẹo lựa, quẹo lựa..!“ Mấy bà, mấy cô sà xuống, mỗi người lựa một cái áo ướm thử lên người rồi cười chọc ghẹo bà bán hàng: ”Bà nói mặc áo nầy vô chồng mê mà sao chồng bà bỏ bà vậy?”. Thử hết cái nọ tới cái kia rồi họ cò kè trả giá, mỗi bà mua 4, 5 cái vì giá rẽ mà kiểu cọ cũng tương đối “bắt mắt”.
Những ngày chủ nhật tôi thích nấu món gì đặc biệt cho gia đình nên đi thẳng tới dãy bán thịt, cá. “Tép bạc, ếch đồng đây! Ghé mua cô ơi!” Tôi nhìn đám ếch đồng vàng hượm bị cột chùm từng xâu để trên rổ, hỏi: “Bao nhiêu một xâu ?”... Chàng thanh niên nhanh nhẹn cân xâu ếch rồi thành thạo “cắt đầu, lột da”. Trong giây lát, cậu ta đưa cho tôi mấy con ếch với những cặp đùi nỏn nà, loại ếch ruộng bắt trong những đêm mưa, thịt chắc mà ngọt chớ không bở rệu như ếch nuôi. Tôi mua thêm phụ liệu để nấu cho đủ nồi cà ri ếch rồi bươn bả về nhà.
Về đến nhà, chặt thịt ếch để ướp gia vị mà cái dao nhậm nhầy, đang nhăn nhó... thì chợt nghe tiếng rao: ”Mài dao mài kéo đây..ây..Mài.. dao ..mài..” Tôi sai thằng con chạy theo kêu ông già. Bốn cái dao vừa lớn vừa nhỏ, ông già cặm cụi mài bằng cái “máy mài dao” tự chế rồi liếc lại bằng đá mài. Sau nửa giờ, bốn lưỡi dao bén ngót, sáng rỡ như dao mới, chặt thịt gọn bân, nhẹ nhàng làm sao. Mài bốn cái dao chành mà tính tất cả có 10.000đ. Đọc báo thấy có người làm nghề mài dao, nuôi được con đi Đại học, một ngày họ mài được bao nhiêu tiền mà nuôi con học Đại học không biết?
Đang nằm thiu thiu nghỉ trưa thì nghe: ”Ai bán đồng hồ cũ, ra-dô cũ, tiền cũ, quạt máy, nồi cơm điện, hộp quẹt Díp-pô hôn….?“. Mua bán cái giống gì vô duyên vô dùng, giấc trưa không để cho người ta nghỉ ngơi, rao om xòm như chỗ không người. Ở dưới quê đâu có cảnh nầy, người ta rao xa xa vừa đủ nghe, tiếng rao cũng thánh thót êm đềm hơn chớ đâu ồn ả, vội vàng như ở đây. Mà nhà có cái đồng hồ cũ mà họ mua rẻ rề bán làm gì, để sữa lại rồi cho mấy người dưới quê còn có nghĩa hơn. Vậy là mất toi giấc ngủ trưa.
“Chí mè phủ…Chí..mè…phụ…” . Tối nào cũng vậy, cơm nước xong một lúc là nghe tiếng bà già Tàu rao bán món chè mè đen . Những tối mưa lành lạnh tôi hay gọi mua, chén chè nóng hổi được bà cụ ân cần múc ra từ cái nồi đặt trên lò than hực đỏ. Bên chén chè béo thơm, ngọt lịm mà nhớ cái áo xá xẩu và chiếc lưng còng xuống vì gánh chè của người bán. Có khi còn có tiếng rao "Bánh bò... nước dừa... hôn"...
“Lốc cốc…lốc cốc..lốc..cốc..” Không phải tiếng rao mà là tiếng gõ giữa đêm khuya của cậu bé phụ bán hủ tiếu gõ. Tô hủ tiếu bình dân với vài miếng thịt mỏng như lưỡi lam, giá chỉ từ 2000 đến 3000đ cũng giúp cho người lao động ấm lòng giữa đêm khuya. Đêm nào cũng vậy, khi tiếng xe trên đường đã bớt ầm ì thì tiếng gõ quen thuộc lại vang lên. Tiếng gõ dường như đã hiện hữu trên các ngõ phố từ lâu lắm, đã ghi vào tiềm thức của người Sài Gòn dấu ấn thân quen cho nên có người Sài Gòn xa xứ nói họ nhớ tô hủ tiếu gõ đến cồn cào ruột gan. Có lẽ, họ nhớ tiếng gõ thì chính xác hơn.
Còn biết bao tiếng rao của những người dân lao động với những nghề nghiệp khác nhau, họ luôn phục vụ tận tâm người tiêu dùng mà phía sau những gánh hàng rong là nổi trôi bao cảnh đời long đong vất vã. Họ là dân ở những miền quê bị thất bát mùa màng, bị lũ lụt thiên tai tàn phá, là những người thuộc” lớp nghèo thành thị” còn muốn sống lương thiện bằng chính sức lực của mình. Họ tụ hội giữa thành phố hoa lệ để tìm kế sinh nhai nuôi bản thân mình và tháng tháng cố chắt chiu chút tiền còm gửi về cho gia đình ở chốn quê xa. Sài Gòn nhộn nhịp, Sài Gòn phồn hoa nhưng Sài Gòn cũng còn quá nhiều những gánh hàng rong với những tiếng rao chất chứa bao nỗi niềm u uẩn.
"Lúc ở Sài Gòn thì thấy những tiếng rao là chuyện bình thường đôi khi còn bực bội. Nhưng bây giờ, khi đã định cư ở một nơi không phải là Sài Gòn, bỗng thèm nghe tiếng nói quê mình, bỗng dưng nhớ lắm nhưng tiếng rao, thương lắm những cuộc đời còn nhọc nhằn khốn khó. Sài Gòn ơi! Nhớ quá!". Nhận thư của một người bạn xa xứ chợt thấy nao lòng. Hình như mình cũng đang nhớ...
**************************************
source
http://www.saigonmagazine.net/catenews.php?Article=3702
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét