Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Chùa Phật Bốn Tay


Chùa Phật Bốn Tay
Cập nhật lúc 10:06:30 PM - 07/01/2011
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

1.jpg

Cổng chùa.


Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, có một ngôi chùa mang tên rất lạ, tên nôm na dân dã: Chùa Phật Bốn Tay. Vùng đất Hậu Giang xưa là của Phù Nam, nên chùa chiền đa số đều ảnh hưởng phong cách chùa Miên. Tên chùa thường bằng tiếng Khmer: Chrui Tim Chás, Kleang, Sàlôn... (1), người Việt cứ theo âm Miên đọc tiếng Việt như ThomMăNiMíth là chùa “Thơ Mít” (2), Hoăïc giả theo nét đặc biệt của chùa mà đặt tên như chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng) do toàn bộ mặt ngoài của chùa (mái, tường, cột…) đều được cẩn miểng chén kiểu (xưa), hay chùa có nhiều dơi gọi là chùa Dơi v.v.. Chùa Phật Bốn Tay là chùa thờ tượng Phật 4 tay. Xưa nay không hề có Phật 4 tay, chỉ có tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn (ngàn mắt ngàn tay, nhưng cũng chỉ 18 tay tượng trưng thôi).
Theo lời truyền tụng thì vào năm 1913, khi người Pháp cho xe ủi đất làm đường và xây bót Ba Thê, người dân tìm thấy được một Pho tượng bằng đá có bốn tay, cao 1m70 còn nguyên vẹn, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 2m. Người Khmer quanh vùng tập họp thanh niên trai tráng khỏe mạnh khiêng tượng về núi để thờ, vì cho đó là tượng Neata Phrom tức Thần Núi (theo tín ngưỡng Niết-Tà của người Cambodia). Nhưng tượng quá nặng, không sao xê dịch nổi. Sau nhờ những người kinh lớn tuổi đứng ra lập hương án khấn vái, lúc ấy pho tượng mới được khiêng đi nhẹ nhàng. Trước đó, hai tấm bia đá bùn cũng đã được tìm thấy. Mỗi bia cao khoảng 1m80, dày khoảng 22 cm, bề ngang khoảng 82 cm. Trên bia có khắc nhiều chữ cổ không ai đọc được. Đặc biệt, khi đặt tượng Phật vào giữa hai tấm bia này thì rất khít khao. Từ đó chùa Linh Sơn được dân chúng chung sức xây dựng để tôn thờ tượng Phật bốn tay, và chùa có tên chùa Phật Bốn Tay đến ngày nay.
Từ chợ Ba Thê qua một hai lối xóm, không hẳn đường làng, đường tráng nhựa, không lớn, cư dân vẫn cuộc sống đạm bạc muôn thuở như nhiều nơi, không có nét gì của kỷ nguyên mới. Chẳng mấy chốc cổng chùa đã hiện ra trên đồi cao trước mặt.

2.jpg

Chùa Chén Kiểu.

Từ dưới đường nhìn lên cổng chùa, tôi có cảm tưởng như sắp bước vào nơi có nhiều điều bí ẩn, như đi tìm cái gì đó mới lạ, khác với những lần đến thăm các ngôi chùa khác. Chùa Long Sơn (Nha Trang), chùa Thầy (Hà Tây), chùa Từ Hiếu (Huế)… lúc thấy cổng chùa là đã hình dung phần nào được những gì bên trong chứ không như ở đây… Từ hai chú sư tử xanh trên đầu hai trụ cổng sắt thành ngoài, đến cổng chính vào chùa và rừng cây sao vắng lặng bên trong, rõ là có sức khêu gợi trí tò mò. Điều khác thường đầu tiên là cổng chùa. Thông thường chùa nào cũng dựng cổng tam quan, lớn nhỏ, một hay hai tầng mái tùy nơi. Chùa Phật Bốn Tay mô phỏng tam quan cổ, nhưng xây theo lối nửa Á nửa Âu. Cửa vòm cách điệu (3 đường cung), cổng có vọng lâu đặt tượng Phật Di Lặc nhìn ra. Hai bên cổng có 4 câu đối và 4 đại tự.

Mặt trong của tam quan cũng nhiều câu đối và thơ. Hai cột ngoài:
Bên trái:
Khuyên nhau tưởng niệm Di Đà,
Hồng danh sáu chữ thật là cao siêu.

Bên phải:
Niệm Phật tương tự tội tiêu,
Sống an thác ổn tiêu diêu Lạc thành.

Hai trụ giữa:
Đèn Tịnh độ soi đường dẫn chúng (trái)
Đuốc Liên tông rọi khắp độ sanh (phải).

Ngoài ra còn 3 bài thơ lục bát khuyến tu tác giả Bùn Sen, được khắc nghiêm chỉnh trên tường tam quan. Bài 4 câu treo ngay trên vòm cửa tam quan:
Cát rơi xuống nước phải chìm,
Đá to tuy nặng không chìm nhờ ghe.
Niệm Phật sức Phật chở che,
Nghiệp to như đá nhờ ghe qua bờ.

Có lẽ Chùa Phật Bốn Tay là ngôi chùa nhiều “văn thơ” hơn hết mọi chùa. Về hình thức, nét chữ màu son trên đá xanh, hay màu xi măng, dễ đọc và đẹp, rất đáng ca ngợi. Đây là cách khuyến khích tu học, chứ không phải mục đích phô diễn thi ca.

4.jpg

Khuôn viên chùa.

Từ tam quan một lối lát gạch đi thẳng vào chánh điện. Trong khuôn viên chùa nhiều cây đại thụ hàng trăm năm tuổi, rợp bóng mát quanh năm... Ngôi chùa na ná căn nhà ở 1 gian 2 chái, không mang nét chùa cổ như chùa miền Bắc hay chùa ở Huế. Vào chánh điện có hai cửa ván hai bên. Mái chùa lợp ngói vảy cá đã cũ đen, chỉ 2 góc mái trước được đắp rồng uốn trang trí đơn giản. Có mái phụ nhỏ, nhô lên như chóp tháp. Cửa chùa đóng kín, không một bóng người, tôi vào cửa hông và lên tiếng gọi, một Ni Cô ra tiếp. Tôi xin phép lễ Phật, Ni Cô hướng dẫn tôi ra trước chánh điện... Cúng Phật xong tôi đến gần bệ thờ quan sát pho tượng Phật 4 tay. Rất lạ! Ngay từ nét mặt cũng đã không có gì giống như tượng Phật thường thấy. Hình thức phốp pháp nét tạc bình dân, màu sắc mộc mạc. Tượng đắp y phái Tiểu Thừa, vai phải không để trần, mắt mở lớn như người thường, ngồi kiết già và mỗi tay cầm một vật nhỏ. Tôi chụp mấy tấm ảnh rồi quay sang hỏi Ni Cô:
- A Di Đà Phật, thưa cô, pho tượng khi tìm thấy nguyên như hiện nay?
- Nguyên thủy tượng bằng đá đen, bán thân, về sau được gia cố thành tư thế ngồi kiết già.
- Thưa ngoài tay phải trên cầm xâu chuỗi, còn các tay kia?
- Tay trái trên bắt ấn, tay phải dưới cầm cái linh (chuông nhỏ), tay kia cầm trái châu.
- Thưa cô, hình như tượng không giống tượng chư Phật xưa nay?
- Theo các nhà khảo cổ thì tượng có nét mỹ thuật của đạo Bà La Môn ở Ấn Độ. - Như vậy chùa có trước khi khai quật pho tượng, thưa cô?
- Chùa do Sư tổ Thiết Ma Nhiên Chánh khai sáng năm 1912, tượng có sau một năm. Chùa được trùng tu năm 1983. Hòa Thượng Thích Thiện Trí trụ trì đã 40 năm nay.

3.jpg

Tượng Phật 4 tay.


Trước Tượng Phật Bốn Tay, Tượng Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Phật Thích Ca Mâu Ni, Hộ pháp, Thổ địa và Thánh tăng… được thiết trí trang nghiêm. Như vậy việc thờ phượng không khác với hệ Bắc Tông (Đại Thừa), còn tượng Phật 4 tay là một di sản văn hóa của địa phương Óc Eo được ký gửi vào chùa Linh Sơn. Các nhà khảo cổ cho đây là di chỉ văn hóa Óc Eo, theo mỹ thuật đạo Bà La Môn gốc Ấn Độ giống như tượng Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc, nơi nổi tiếng linh thiêng, hàng năm thu hút cả triệu người về trẩy hội. Cũng theo nhận định trên, tượng Phật bốn tay là tượng thần Visnu-Ananta có rắn thần Naga 7 đầu tạo thành tán che phía sau.
Về mặt khảo cổ, người ta đã sai lầm khi thêm thắt sơn phết pho tượng. Pho tượng đá đen có trên 2.000 năm tuổi nay trông như tượng đất sét sơn màu. Tôi e rằng tay cầm chuỗi cũng không có từ lúc đầu. Tay “bắt ấn” cũng không giống kiểu bắt ấn của chư Phật. Riêng 2 bia đá chữ khắc chưa được giải mã, nhưng có cùng gốc với chữ Brami của người Ấn Độ, được sử dụng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Loại chữ này cũng được khắc trên những thạch thư thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo. Ngày 24-5-2009, tượng Phật bốn tay và hai bia đá Chùa Linh Sơn được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận và trao danh hiệu “Lâu năm nhất, lớn nhất nước”.
Như nhiều nơi tôi đã đến, cái thiên hạ tán dương ca ngợi thực chất không bao nhiêu, trái lại cái không ai đề cập, đối với tôi là điều lý thú mới lạ. Thăm chùa Phật Bốn Tay, tôi thích quang cảnh tĩnh mịch của chùa, nhất là rừng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm. Lại có dịp qua các làng mạc thôn xóm, gặp nhiều sinh hoạt dân dã đời thường, có những hình ảnh “đặc sản Việt Nam”, sẽ khó tìm trong một tương lai không xa. Chùa Phật Bốn Tay được cái không khí tĩnh lặng linh thiêng. Có nhiều Chùa, Đền rầm rập như hội chợ, dù cúng tiền trăm bạc vạn, công đức cũng khó thành, trái lại còn thêm phiền não.

Trần Công Nhung
09 - 2010


(1). Lễ hội Dolta trang 12 QHQOK tập 10
(2). Bài Sóc Trăng trang 11 QHQOK tập 5
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét