Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Sài gòn cưới hỏi


August 27, 2010

Sài gòn cưới hỏi

NGUYỆT HẠ/Việt Tribune

Nghe các cụ kể lại, ngoài Bắc, trước năm 1954, cưới hỏi phải qua nhiều “cửa”. Nào là thách cưới, coi mắt, so tuổi, nạp lễ… Mùa nào thức ấy, đi sêu tết mòn đường chết cỏ mới được “đưa nàng về dinh” bằng lễ nghinh hôn trang trọng. (Lắm đoàn khi rước dâu, đến ngõ nhà gái còn bị các em cô dâu chăng dây tơ hồng “đòi tiền mãi lộ”). Đám nào tân thời thì chú rể mặc tây, cô dâu áo dài, ôm bó hoa, có bạn phù dâu, phù rể đi kèm. Cỗ cưới chủ yếu nấu và đãi ở nhà. Nếu là gia tộc lớn, danh giá, chức sắc, cỗ có khi mời cả làng, cả hàng tổng, hàng tỉnh về dự. Cưới thường tránh tháng Bẩy âm lịch vì cho là tháng Ngâu Vầy (tích Ngưu Lang – Chức Nữ bị trời rẽ duyên, mỗi năm chỉ tháng bảy mới cho gặp mặt, vợ chồng khóc thảm thiết, nước mắt rơi xuống thành mưa Ngâu). Thời điểm thuận tiện nhất cho chuyện cưới hỏi là vào cuối năm, thời tiết khô ráo mát mẻ, mùa màng thu hoạch xong, việc buôn bán làm ăn có phần rủng rỉnh

Cưới “đi”, cưới “chạy bầu”

Thời nay, chuyện cưới hỏi nhanh chóng và đơn giản nhiều. Lắm khi cha mẹ, họ tộc bị tước quyền quyết định từ đầu. Thậm chí nhiều vị còn sống sờ sờ nhưng trong đám cưới con phải làm khách mời, ngồi ngậm ngùi xem các “diễn viên” đóng thế. Đó có thể là đám cưới xuyên quốc gia giữa “em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng” với các ông Đài Loan, Hàn Quốc già khú, ngớ ngẩn, bất toàn. Trước cưới hỏi, yêu thương không có, xem tuổi không có, càng không có sêu tết lôi thôi. Cần nói thêm, năm bẩy năm trước phong trào lấy chồng nước ngoài rộ lên ở Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, tới nay vẫn không hề giảm bớt.

Đám cưới của công nhân lò gạch. Nguyệt Hà/Việt Tribune

Muốn thấy các “đôi đũa lệch” Việt- Hàn, Việt- Đài diễn cảnh âu yếm trước ống kính chuyên nghiệp của ê kíp chụp ảnh, chỉ cần đứng trước nhà thờ Đức Bà, đi ngang nhà hàng Chợ Lớn, đến khu du lịch Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên. Đám cưới loại này, thực chất là đám bán con, luôn đãi ở nhà hàng. Đằng trai thường chỉ có chú rể, người thông ngôn, bà mai và đám bảo kê. Đằng gái đông hơn một chút. Ăn uống xong, cha mẹ về xứ, con về khách sạn.. nộp mình. Tiền bạc, vòng vàng phần lớn bị đám cò mồi chặn lại. Cô gái chỉ có hai bàn tay không. Ngôn ngữ bất đồng, không tình yêu, không thông cảm. Mấy ngày ở khách sạn là đủ mấy ngày bị đè, bị đánh dã man. Cho tới ngày ra sân bay, chủ “đường dây” (kiêm môi giới) và đám tay chân luôn kè kè bên cha mẹ cô gái, dọa sẽ có “biện pháp mạnh” nếu cô không chịu lên máy bay. Đó là tâm sự của cô gái quê An Giang, 22 tuổi, tên KH, khai với công an, ngay sau khi trở lại khu làm thủ tục để xin hủy chuyến bay CI 784 của hãng China Airlines đi từ sân bay Tân Sơn Nhất sang Đài Bắc hôm 25 tháng 4 vừa qua. Những lời khai đầy nước mắt của cô gái, một lần nữa cho thấy nạn “chảy máu cô dâu” ở Việt Nam vẫn hết sức đáng quan ngại!

Không thê thảm như những đám cưới xuyên lục địa, chỉ phải mỗi tội nghèo rớt mùng tơi rơi nước mắt, là đám cưới của những đôi bạn cùng lớp, cùng trường, cùng tổ đội sản xuất, cùng ca kíp nhà máy xí nghiệp. Mới lớn lên, đã phải ra đời bương chải, họ không có nhiều cơ hội mở rộng tầm mắt, tìm bạn bốn phương mà dễ dàng chấp nhận “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, có điều “cỏ” phải “khuyến mãi”, cho “trâu” thử trước. Ngon, mới tiến tới, không thì húc như trâu húc mả, rồi biến. Ai không biết thân con gái, “khôn ba năm, dại một giờ”, nhưng biết là một chuyện, giữ được lại là chuyện khác. Nhiều cô, sau khi “dại một giờ, đành phải cưới “chạy bầu” với nhiều thua thiệt, rẻ rúng.

Một quang cảnh về dịch vụ chụp ảnh đám cưới trên đường phố Hà Nội, Việt Nam ngày 26 tháng 8, 2010. HOÀNG ĐÌNH NAM/AFP/Getty Images

Lấy thu bù chi, còn tí ti làm vốn

“Bọn em quen từ hồi đại học. Sau khi “đại đăng khoa”, đi làm dành dụm mấy năm trời, vẫn chưa lo nổi “tiểu đăng khoa”. Cha mẹ hai bên đều thanh bạch, đâu yểm trợ được đồng nào.”
Nghe tâm sự của thầy giáo trẻ Kính Quốc, kẻ viết bài cám cảnh, đọc cho nghe bài thơ “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan với mô hình cưới tiết kiệm tối đa “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới… Tôi ở đơn vị về, đôi giầy đinh bết bùn hành quân.. Cưới nhau xong là đi”.
Quốc xua tay. Sau một tuần nằm “vắt chân lên trán, tư duy”, cuối cùng anh ta quyết định chọn mô hình cưới to, mời đông, “lấy thu bù chi, còn tí ti làm vốn”.

Cách này chẳng mới mẻ gì, vì nhiều người Sài Gòn quen biết rộng, thanh thế lớn cũng hay áp dụng. Một văn sĩ có dịp dự vài đám cưới con chủ tịch huyện, em hiệu trưởng, cháu tổng giám đốc, ca sĩ ngôi sao, đã cho kẻ viết bài bảng giá đám cưới: 20 đô la ở nhà hàng không tên tuổi, gấp đôi nếu ở Phong Lan, Đồi Sao, Hoa Sứ, Đồng Khánh, còn Novotel, White Palace, New World.. thì 500 đôla. Dĩ nhiên, những đám cưới hoành tráng này, chủ nhân chẳng lỗ vốn bao giờ.
Những tưởng mô hình cưới to, mời đông chỉ thịnh hành ở Sài Gòn, không ngờ Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tầu, Long An.. cũng “quán triệt sâu sắc”. Có dịp đi qua “con đường đám cưới” trong khu công nghiệp Sóng Thần, kẻ viết bài đếm được gần chục cặp cô dâu chú rể cùng lúc dàn hàng ngang phía trước nhà hàng Kim Phượng, Đồng Khánh. Anh Vinh, thợ chụp ảnh cưới trong nhà hàng cho biết đó là đám cưới các công nhân ngụ cư. Gia đình đôi bên ở Thanh Hóa, Sóc Trăng, Quảng Ngãi xa xôi, ít khi vào chung vui đông đủ. Có cặp phải nhờ chủ nhà trọ, chủ tiệm, cả chủ xe ba gác đóng vai “người lớn”. Đặt hai chục bàn tiệc, loại bét nhất cũng 800.000 đồng một bàn. Nếu khách đông, mỗi người mừng 100.000 đồng thì “trúng quả”. Nếu khách thưa thớt thì lỗ sở hụi. Bởi vậy, tổ chức cùng ngày, cùng giờ, đãi cùng nhà hàng, cặp nào cũng phải ra “đứng đường” đón khách, tránh cặp khác cướp khách của mình.

Trả lời thắc mắc sao không đãi vào ngày giờ khác, chỗ khác mà “chui” chung một chỗ cho rắc rối, một cô gái, năm ngoái từng khoác áo cô dâu, cho biết do phụ thuộc vào công ăn việc làm trong công ty xí nghiệp, cả tuần chỉ nghỉ được mỗi chủ nhật. Bất kể đó có phải ngày tốt, ngày hợp tuổi hay không cũng phải làm. Làm ngày khác bạn bè không đi được. Trong một khu công nghiệp, thường có vài nhà hàng chuyên tiệc cưới. Ai cũng từng ít nhiều đi dự tiệc cưới tại đó. Tới phiên mình cũng tới đó đặt bàn. Kiếm chỗ xa hơn chưa chắc đã rẻ, mà đâu biết chỗ nào mà kiếm (!).

Cái đinh của tiệc cưới nào cũng vậy, thường tập trung vào sự trẻ đẹp của cô dâu. Biết vậy, nên dù là công nhân lò gạch hay công nhân may túi xách thì trong ngày trọng đại nhất đời mình các cô đều muốn trắng da dài tóc, vóc dáng trang đài. Dịch vụ biến lọ lem thành công chúa do vậy trở thành quan trọng bậc nhất bậc nhì. Một chiếc áo cưới kiểu tây phương bằng voan nhiều lớp, màu trắng, hình chữ A, ở thành thị phải trên một triệu đồng. Mỗi cô dâu cần ít nhất ba áo kiểu đó mặc thay đổi khi đãi tiệc, thêm một áo dài gấm đỏ mặc lúc làm lễ. Chưa kể quay phim, chụp ảnh ngoài trời, tùy bối cảnh mà trang phục, đạo cụ sẽ gia giảm ít nhiều. Nhóm Thanh, chuyên chụp ảnh cưới ngoài trời ở tỉnh Đồng Nai cho biết nhóm nào cũng gồm năm người, một nguời chụp chính, một ngưòi phụ đèn, kéo dây, che dù, hai người xách đạo cụ, trang điểm cô dâu, một người lái xe. Muốn chụp ảnh thắng cảnh, ví dụ thác Giang Điền, anh phải mua vé cổng cho cả đoàn, tính luôn cô dâu chú rể, gần một triệu đồng một lần. Công nhân nghèo không mấy người dám làm album cưới, chỉ nhờ chụp vài chục tấm hình đãi tiệc với giá 7.000 đồng một tấm. Nhiều khi không nỡ lấy tiền, cho luôn.

Theo chân anh Thanh, trong vai thợ phụ, kẻ viết bài đến lò gạch P. Lộc, tỉnh Bình Dương, tận mắt chứng kiến một đám cưới nghèo. Trong sân phơi gạch tạm lấy làm chỗ che bạt đãi tiệc, cô dâu chú rể đứng cùng cha mẹ, bạn bè (cùng làm chung lò gạch). Ai cũng mặc trang phục chắp vá, thuê mượn, mặt mũi đen đúa, dãi dầu. Chú rể mới xong việc chụm lò, xỏ vội đồ cưới, lê dép lẹt quẹt ra đứng cạnh cô dâu. Nhìn cô gái xúng xính áo cưới sang trọng ai biết là áo thuê hai trăm ngàn, cộng một trăm ngàn “đổi trắng thay đen” cho làn da và mái tóc cháy nắng. Khi tiệc tàn, cha chồng móc túi cho “vợ chồng bay” 100.000 đồng (sáu đô la). Không chịu thua sút, cha mẹ vợ cũng dúi tận tay “sắp nhỏ” hai trăm ngàn (hơn 10 đôla) làm vốn. Nhìn bộ hình cưới đủ cảnh ôm nhau tình tứ trên đồi thông Đà Lạt, giỡn sóng ngoài biển Phan Thiết, chèo ghe trên sông nước Bến Tre, kẻ viết bài không khỏi phục tài thợ ảnh. Chỉ vài thao tác chụp, ghép, sửa ảnh, họ đã thực sự mang lại niềm vui to lớn cho những kẻ chẳng biết đâu khác ngoài môi trường lao động cực nhọc hàng ngày của mình.

Sau đám cưới, mọi việc của những người hôm qua còn là tình nhân, hôm nay đã là vợ chồng, thường không đẹp như mong ước. Đối diện với khoản chi đám cưới lớn hơn tiền mừng, những khác biệt trong thói quen sinh hoạt, những âm mưu, thất bại trong chuyện gối chăn.. trăm thứ đau đầu khiến nhiều cặp nhanh chóng keo rã hồ tan, thậm chí ngồi bóc lịch trong tù hay ra nằm nghĩa địa.

Kẻ viết bài, từng biết một tình trạng dở khóc dở cười như vậy. Hai em Nga và Lộc, hồi học phổ thông, vốn “tình trong như đã”, nhưng do Lộc quá nhát, chẳng dám ngỏ lời, đành gửi tình thơ cho mây ngàn bay. Sau gần hai mươi năm, nhờ chương trình phát trên ti vi, họ gặp lại nhau. Nàng nay đường đường là doanh nhân ngành gỗ. Chàng cũng là chuyên viên ngân hàng. Lập tức chàng chữa bệnh nhát gan hồi xưa của mình bằng câu hỏi hữu ý “Bạn cũ rảnh không? Rảnh. Còn anh? Cũng rảnh.” Vậy là hai kẻ rảnh rỗi hè nhau làm… đám cưới, mời thầy cô cũ, bạn bè cũ “làm một trận đã đời”. Bữa tiệc đang vui, bỗng xuất hiện một sư tử Hà Đông, dắt theo thằng nhỏ có gương mặt “sao y bản chánh”. Vậy là….

Bởi thế, hầu hết những người ít nhiều liên quan tới cưới hỏi như cha xứ làm phép cưới, tiệm cho thuê đồ cưới, nhà xã hội học giảng dạy văn hóa cưới, thẩm phán ngồi xử ly hôn.. .đều có chung nhận xét cưới hỏi là chuyện trọng đại nhất đời người, là loại lễ hội đặc biệt, in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Không nên đùa giỡn, coi thường, đi tắt, bỏ qua những quy định pháp luật, những nghi lễ cưới xin. Bất đắc dĩ lắm mới phải cưới nhiều lần hoặc không lần nào, còn nói chung, nên nghiêm túc, cẩn trọng với chuyện chung thân đại sự. Mọi toan tính, biểu hiện lệch lạc như thách cưới, tảo hôn, cưới giùm, cưới tắt, cưới chạy, cưới “đi”… không sớm thì muộn, đều rước lấy hậu quả. Khổ chẳng phải một người mà còn lây cả nhà, cả con cháu đời sau.

Trong ca dao, những bi kịch cưới được diễn tả ý nhị mà vẫn hết sức đắng cay:
Từ khi còn ở với cha.
Cái nón tiền rưỡi, quai ba mươi đồng.
Bước chân về tới nhà chồng.
Cái nón một đồng mà buộc quai mo”.
Cô gái đành chịu cảnh
“Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng” với anh chồng hãy còn thò lò mũi, “mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng”. Cha mẹ nào nghe thấu tiếng con gái khóc than “Tham giầu đã thấy giầu chưa, bữa cơm nước mắt như mưa tháng Mười

Hôn nhân như vậy, quả là ác mộng. Tiếc thay, ác mộng nọ, thời hiện đại vẫn nhiều. Và những “người lớn”, người trẻ sắp cưới nhau, sắp dùng đám cưới làm mồi bẫy nhau, dĩ nhiên đều chẳng thèm một lần dở lại ca dao.[NH]

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét