Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Hoa Tết Sài Gòn



Cập nhật lúc 4:45:34 AM - 24/04/2010

423h1.jpg


Kinh Nhiêu Lộc.


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Hoa là biểu tượng của hạnh phúc tươi vui an bình. Trong lễ lạc hiếu hỷ mà thiếu hoa thì chẳng còn gì ý nghĩa. Với người Việt Nam, ngày đầu năm ai cũng có hoa để chào mừng vận hội mới, một năm thăng tiến, phát đạt và thành công. Thế nên phải am hiểu từng loại hoa, phải phân biệt vẻ đẹp của hoa, hiểu rõ ý nghĩa lời hoa, mua hoa ngày Tết quả thật không đơn giản.

Thông lệ mỗi năm, sau ngày đưa ông Táo về trời, là chợ Tết lên khung, mặt hàng nổi bật là hoa và bánh mứt. Theo truyền thống, Mai là hoa của Tết, một cành mai vàng 5 cánh dù nhỏ nhắn đơn sơ nhưng cắm bình thích hợp, bày đúng chỗ, vẫn sang trọng và ý nghĩa. Chậu cúc vàng vạm vỡ chỉ để thêm rạng rỡ cảnh nhà, để trang trí trước cửa, không sánh được với Mai. Miền Bắc, hoa Tết là Đào, Đào thắm, Đào phai, Đào hạp xứ lạnh, làng Đào Nhật Tân nổi tiếng từ xưa, nay phải dời đi nơi khác cho cao ốc mọc. Dân Hà Nội ai cũng tiếc than, nhưng xã hội đã đổi thay, quốc hồn quốc túy bị phai dần, phải ngậm ngùi chấp nhận.


423h2.jpg


Hoa kiểng trung tâm Sài Gòn


Dân miền Nam trồng nhiều loại hoa quả cho ngày Tết: Mai, Cúc, Mãn Đình Hồng, Thược Dược, Quất, Đào Tiên, Cẩm Chướng, Hồng, Huệ...Đi chợ Tết có nghĩa là đi xem hoa, mua hoa. Năm nay tôi dành mấy ngày cận Tết chụp ảnh “Hoa Tết Sài Gòn”.

Nói “Hoa Tết Sài Gòn”, thực ra hoa từ các huyện ngoại thành nhập về, hoa miền Tây chở lên, hoa tràn đầy các công viên, hoa la liệt bên bờ kinh...và nhiều nẻo phố. Một bạn ảnh trẻ chở tôi từ khu Miếu Nổi qua xa lộ Đông Tây, con đường vắng xe, rộng thênh thang chạy theo con kinh Nhiêu Lộc ra tận Bình Chánh. Đây là một trong những con kinh đen, hôi hám, nhà ổ chuột hai bên bờ đã trăm năm qua, cũng là yếu tố làm ô nhiễm môi trường.


423h3.jpg


Hoa kiểng nằm ụ


Kinh Nhiêu Lộc như mạch máu chính quanh co qua “cơ thể” Sài Gòn, đang được ngoại quốc đầu tư chỉnh trang “nâng cấp”. Tôi hình dung một ngày nào đó, dòng kinh đen sẽ trở nên trong xanh như dòng sông Seine chảy qua kinh thành Paris, lúc ấy Sài Gòn mới đẹp và duyên dáng làm sao! Đó chỉ là ước mơ, từ ước mơ đến sự thực phải thông qua con người, con người Việt Nam trong thời đại mới hôm nay ra sao, rõ ràng ai cũng thấy...vậy thì mơ ước vẫn còn dài.

Qua đến địa phận quận 6, đã có nhiều ghe hoa-kiểng, những chiếc ghe lớn dài như toa tàu mắc cạn phía bờ kinh bên kia. Nước ròng, lòng kinh phơi bùn, ghe nằm nghếch mũi chịu trận. Người bạn trẻ cho hay: “Mọi năm hoa miền Tây đổ đầy lên xa lộ bên này, năm nay có lệnh cấm”. Đã 27 Tết, chỉ còn 3 ngày, hoa kiểng lại phải đưa về vườn hay sao. Công lao vốn liếng một năm đành để úa tàn! Nhiều người cho rằng ở Việt Nam, đời sống rất thoải mái, làm việc, ăn chơi, di chuyển, tự do tùy tiện, tuy nhiên vẫn có luật để khi cần thì “chuyên chính”. Luật lệ Việt Nam vốn đa dạng lại khi ẩn khi hiện, cho nên dễ khó, khó dễ, chẳng biết đâu mà lần.


423h4.jpg


Hoa kiểng dọc bờ sông.


Tôi chọn một vài góc nói lên sự tắc nghẽn của nghề lái hoa trên sông. Dáng dấp và nỗi niềm của ghe là chính, nhất là đôi mắt ghe thao láo nhìn trân trân người qua lại. Ghe miền Nam mắt khác hẳn mắt ghe miền Trung, miền Bắc hình như ghe không có mắt. Mắt ghe trong Nam, to tròn ngây thơ và hiền, trái với miền Trung mắt ghe dài có đuôi và “thâm hơn”. Tôi từ tốn rà máy tìm một hai ảnh, tuy không hoa lá cành nhưng cũng đẹp, đẹp theo đời lao động, đẹp trong nỗi khốn khó của con người. Về nghệ thuật, không nhất thiết chỉ có màu sắc son phấn mới đẹp. Một nụ cười ngây thơ của con trẻ, cái nhìn đăm chiêu của một lão bà, cũng nói lên được điều gì đó trong khoảnh khắc mong manh của cuộc sống, điều quan trọng là người cầm máy thấy hay không. Tôi thích đi tìm đường nét dung dị đời thường. Tất nhiên sự kiêu sa rực rỡ vẫn có vẻ đẹp riêng, vẫn đáng được tôn vinh.

Qua bờ kinh bên kia, Hoa trải dài trên lề đường dọc theo kinh, khách lơ thơ, thiếu cái không khí tấp nập háo hức của chợ hoa ngày Tết. Hoa bờ kinh là hoa bình dân, tuy cũng đủ sắc màu mà nhỏ bé khiêm nhường, giá cả hẳn là hợp với túi tiền con nhà lao động. Tuy hình ảnh hoa không có gì đặc sắc, song lại gặp nhiều cảnh đời thường thuộc loại “quí hiếm” đối với người sống phương xa, với người quen nếp sống “đóng hộp”, một đời sống sạch sẽ trong veo, ngăn nắp trật tự mà người cầm máy đã quá biết. Đứng trên cầu qua con lạch rẽ từ kinh lớn, tôi thấy có nhiều chị đàn bà đang khom người bươi móc tìm “chất sống” giữa một núi rác cạnh chân cầu. “Sống nhờ rác, chết vì rác”, có người đã nói thế. Nhìn xuống con lạch nước đen bóng thành tấm gương phản chiếu hình ảnh im ắng của những chiếc ghe hoa ế khách, cảnh buồn hiu chẳng Tết tí nào.


Tôi bảo Dũng: “Thôi chạy về chợ Bến Thành và đường Nguyễn Huệ”. Đối diện chợ Bến Thành, công viên 29/3 (1) là một làng hoa tập trung toàn hạng “cao thủ võ lâm”. Ngoài màu sắc tươi thắm rực rỡ còn dáng thế kiểu cọ, xem rất thích, chụp ảnh thấy mê. Đây đúng là chợ hoa, khách khá đông. Giá cả từ vài chục ngàn đến vài trăm triệu. Tôi đang chăm chú chụp mấy bông hoa Hướng Dương vàng rực, có ông khách đến hỏi: “Hoa đỏ kia là hoa gì hả ông”. Ông khách có vẻ “Việt kiều”, ông mang chiếc máy Nikon Cooplix nhỏ trước ngực, - “Hoa Mãn Đình Hồng”. – “Tên hay nhỉ, có phải hoa này bên Tàu”? – “Tôi không rõ, nhưng tên thì đúng là Tàu”.

Hoa kiểng ngày Tết cả ba miền đều có Tắc, những chậu tắc quả vàng óng phủ kín cây, biểu tượng của một năm sung túc thịnh vượng. Theo tôi, Tắc Hà Nội sai quả, đầy đặn, bề thế hơn Tắc Sài Gòn. Cái nổi bật của Sài Gòn là hoa Mai. Ngay trong công viên 29/3, Mai chiếm nhiều chỗ hơn hết, những chậu mai nhỏ vừa để bàn, loại mai kiểng này khá công phu, tuy cây nhỏ mà đầy hoa, cành nhánh uốn thế rất đẹp. Tôi không rõ nhà vườn làm cách nào, có lẽ là chiết cành, nhưng cành chiết y như một cây thực thụ. Nếu ương hạt thì làm sao mỗi mùa Tết có hàng ngàn chậu cung cấp đi khắp tỉnh thành trong nước.

Miền Nam những năm sau 75, xuất hiện nhiều giống Mai vàng, ngoài giống Mai cổ truyền 5 cánh, còn Mai 8 cánh , 16, 32 cánh gọi là Cúc Mai. Những loại Mai nhiều cánh, theo tôi chỉ lạ mắt, còn Mai 5 cánh mới đúng nghĩ, đẹp và quí phái hơn. Một khu trưng bày toàn những chậu Mai kiểng lớn phải hai người khiêng, gốc mai to như gốc mít, mỗi cây mỗi thế, công phu uốn nắn cũng phải hàng chục năm. Loại Mai này giá cả không phải để cho giới trung lưu, phải là “đại gia” mới kham nổi, vài trăm triệu trở lên. Người bán cho biết Mai từ vườn kiểng Sáu Mai quận 12, vườn có cả ngàn gốc Mai ghép. Nhưng anh cũng than thở: “Xem thì nhiều mà chẳng thấy ai mua”. Chuyện dễ hiểu, 99% dân kiếm từng đồng, làm sao có bạc triệu mua hoa!

Người mình đến nay vẫn không thay đổi cách cách chơi hoa kiểng, vẫn chậu men, chậu đắp sành sứ màu mè hoa mắt, đã hao tốn lại làm giảm đi nét đẹp của cây. Đặc biệt hoa Tết năm nay có những Rồng, Lân kết trái màu vàng rực. Thoạt nhìn tôi cứ tưởng trái nhựa, hỏi người bán mới biết quả Đào Tiên, từa tựa quả mận (roi). Giá Lân 5 triệu một cặp, Rồng 8 triệu một cặp. Chơi ba ngày Tết mất chục triệu cũng không mấy người. Vừa lúc có hai nhà sư đắp y vàng đến ngắm, tôi chụp mấy tấm, nhà sư mỉm cười như thầm bảo “cứ tự nhiên”. Tôi đến đảnh lễ, sư cô cho biết đây là Sư Ấn Độ đến thăm Việt Nam để tổ chức một tour du lịch qua Ấn. Ngày trước cô tu học bên Ấn, nay đưa vị sư đi xem chợ Tết.


423h5.jpg


Chuẩn bị đường hoa Nguyễn Huệ.


Rảo hết một vòng khu chợ hoa, tôi đi bộ xuống đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, hai con đường chính, trang trí qui mô để đón Tết Canh Dần. Đường Lê Lợi kết toàn lồng đèn trái ấu vàng, lớn nhỏ từng dây dài trên cây cao thòng xuống, làm cho đại lộ sáng hẳn lên. Đại lộ Nguyễn Huệ thì công nhân đang đổ đất làm đồi cỏ, đang đóng giàn trang trí hoa, có vẻ đồ sộ lắm. Tết năm nay, Nguyễn Huệ là đường hoa tiêu biểu của Sài Gòn cho bà con dạo chơi. Công trình đang thực hiện, ngổn ngang lôïn xộn, nên nhân viên gác không cho chụp ảnh, dù vậy tôi cũng bấm một hai tấm. Điều bất ổn là công trình mang tính “văn hóa nghệ thuật” tính cổ kính, mà không khí đời sống thì trái ngược: Hỗn độn, tất bật, ồn ào và ô nhiễm. Nhưng chẳng có vấn đề gì, ai cũng bịt mặt đua nhau chạy, mọi người cùng một cung cách, nên chẳng ai cho đó là điều khác thường. Dọc theo vỉa hè ngoài khu thương xá Tax được trang trí màu sắc hoa lá sinh động, hấp dẫn khách qua đường. Đã có người đưa các em bé đến mượn phông chụp ảnh.

Đời sống ra sao không biết, nhưng chuẩn bị ăn Tết như vậy quả là qui mô tốn kém. Khách ngoại quốc sẽ khó hiểu được lòng hâm mộ lễ hội cổ truyền của dân Việt. Tuy nhiên mặt hình thức tôi thấy mô phỏng cung cách của người Hoa hơi nhiều. Cứ nhìn những lồng đèn đỏ và màu sắc cảnh trí thì y chang. Đã có ý kiến cho là Việt Nam, nên bỏ Tết âm lịch, ăn Tết dương lịch như Nhật và các nước trong khu vực. Nếu xét thấy có lợi cho đời sống và thể hiện được nét văn hóa độc lập thì tại sao không!


Trần Công Nhung

02-2010


(1). Nhà ga xe lửa trước kia. Lối đặt tên đường, công viên, kinh lạch...nhà nước XHCNVN hay dùng những con số “lịch sử” khó hiểu, khó nhớ. Không như các nước phương Tây dùng số học thứ tự (1st ,2nd ,3rd )


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.Từ nay đến hết ngày 31- 5- 2010 độc giả mua nguyên bộ (10 cuốn) chỉ trả 50% (110$+5$ cước phí).

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260 email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét