Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Tà Áo Trắng


Hoàng Nhã

Tà Áo Trắng


... Nhớ ngày nao áo trắng
Trên nắng mai thướt tha
Ửng hồng đôi gò má
Khi anh nhìn người ta

Trưa nào anh lại đón
Đưa ra ngoài công viên
Nắng trưa chạm vào nón
Che trước ngực làm duyên

Buổi chiều anh đưa về
Muốn đường dài thêm ghê
Mắc cỡ em chẳng nói
Đường dốc cũng gồ ghề

Mẹ chẳng cho đi tối
Chúng mình ngồi trước nhà
Trăng tình soi ngập lối
Quỳnh đêm ấy nở hoa

Em vẫn áo dài trắng
Trăng đêm vẫn chiếu hòa
Quỳnh hương vẫn nở hoa
Còn anh sao lại vắng?




Được bạn: ND đưa lên
vào ngày: 14 tháng 12 năm 2011
source
Việt NamThư Quán
See More

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Đền thờ công chúa Huyền Trân



(VienDongDaily.Com - 02/12/2011)
Từ ngoài nhìn vào chính diện: Cổng, Đền và Điện thờ một hàng thẳng cao dần theo thế đất, cân đối với toàn cảnh, uy nghiêm trang trọng.
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Ngay chỗ ngả ba rẽ vào khu di tích Chín Hầm, đi thẳng là đến khu Trung Tâm Văn Hóa Huyền Trân (1), nơi có đền thờ Công Chúa và điện thờ Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Khu Đền và Điện thờ xây dựng trên một diện tích rộng 28 hecta. Tổng số vốn đầu tư khoảng 6,8 tỷ đồng
Lên Đền qua 4 trụ biểu cao lớn, chân có Lân chầu, chóp đắp hoa búp. Phối trí mẫu trụ đơn giản, chỉ có câu đối và chóp trụ thếp vàng còn toàn bộ màu xám xi măng, trông trang nhã và nghệ thuật. Hai trụ giữa có hai câu đối chữ Hán, hai trụ ngoài dịch âm:

Ô châu hoang địa biến tác Thuận Hóa thần kinh nhất cõi sơn hà cẩm tú
Nhân Tông doãn hứa thành vi đạo tái quyết sách thiên trùng ân nghĩa khắc minh.


Nguyễn Quan Hà dịch:
Cảm nghĩ Ô Lý đất xa, giờ đã kinh thành Thuận-Hóa, non sông một dải,
Ghi lòng Nhân Tông hứa cũ, thoắt hóa non sông kế sách, ân nghĩa muôn đời!


Hai câu đối trên hai trụ biểu

Bốn trụ biểu chia làm ba lối đi lát gạch đỏ, có dải bồn hoa ngăn cách, lối giữa rộng gấp mấy lần hai bên. Một lư hương sơn vàng cao cả mét đặt ngay lối đi chính. Từ ngoài nhìn vào chính diện: Cổng, Đền và Điện thờ một hàng thẳng cao dần theo thế đất, cân đối với toàn cảnh, uy nghiêm trang trọng. Sau lưng khu Đền là núi Ngũ Phong, rừng cây mượt mà với bầu trời xanh phơn phớt mây.


Đền thờ Công Chúa

Cảnh trí êm đềm lắng đọng, không bị bất cứ thứ gì quấy rầy (2), đây là giây phút thú vị dành cho những ai đi tìm danh lam thắng tích, tìm ánh hào quang của lịch sử nghìn năm. Tôi có một cảm giác thật lạ, như hãnh diện chứng kiến trang sử đẹp lung linh, trang sử mở rộng quê hương bằng một mối tình. Tôi bồi hồi lắng mình vào quá khứ để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của đền đài trước mặt và tự hào về một khúc sử ca bi tráng của tiền nhân. Nhưng chỉ trong giây lát, khi quay về với thực tại không khỏi buồn cho đất nước hôm nay. Ngày nay phụ nữ Việt Nam nổi tiếng khắp nơi nhưng vinh thì ít, nhục thì nhiều. Nhiều chị em không vì quốc gia đại sự mà chỉ vì miếng cơm manh áo, vì cha già mẹ ốm phải “hy sinh” làm một món hàng trao đổi kiếm sống để rồi không có ngày trở về. Lỗi vì ai!


Trụ biểu trước Đền

Qua sân ngoại Đền khá rộng, có bồn cỏ hoa hai bên nhưng chưa được cắt tỉa đúng cách, cây trang trí hoa viên còn non chưa thành hình, trước cổng vào Đền hai bên đặt mấy chiếc ché (lu) gốm nung, phải chăng muốn gợi lại đôi nét về Chế Mân? Nếu thế, tưởng nên sử dụng sản phẩm gốm Champa Ninh Thuận (3), thích hợp và ý nghĩa hơn.
Lên đền thờ công chúa Huyền Trần qua hai cổng. Cổng đầu tiên là Phước Sơn Môn, xây kiểu vọng lâu (cách điệu) hai tầng 8 mái, hoa văn họa tiết rất tinh tế do tay nghề của bậc thầy nghệ nhân cung đình thuở trước truyền lại. Vòm cổng cũng như những ô trống thượng lâu đều đắp Rồng Lân trang trí hài hòa. Nhìn kỹ chi tiết vảy rồng, móng rồng, râu rồng, toàn bộ được chăm chút vô cùng cẩn thận, không như những nơi khác tạc khắc tùy tiện cho có. Mặt tiền cổng vào là cả một tác phẩm nghệ thuật cổ điển. Nổi bật là sự kết hợp giữa màu sắc các công trình, màu khói nhang làm nền cho những nét cần tô điểm bằng màu vàng của nhà Phật, một phong cách trang nhã không khuấy động tâm tưởng người xem, trái lại đưa dần du khách vào cõi tĩnh lặng Thiên Thai, xa hẳn thứ màu sắc lòe loẹt xanh đỏ, thứ nghệ thuật đồng quê dân dã ồn ào.
Trong cổng là con đường lát đá lục lăng nhiều màu, hai hồ nước hai bên (chưa thả sen súng) có thành lan can. Tại sao lại lát đá màu, đủ hình dáng, đang ngang bằng đứng đắn nghiêm trang lại chen vào hình dáng xiên xẹo méo mó, làm hỏng sự nhịp nhàng về đường nét, màu sắc, của cấu trúc tổng thể. Thiết nghĩ, cứ dùng gạch thường hay gạch Bát Tràng mà hay. Năm 2008 công trình xây dựng Đền còn dang dở, trên thành lan can đặt nhiều chậu hoa đủ loại: Sống đời, bông giấy, bông trang, lá màu, thần tài, v.v., trang trí như ở một nhà hàng. Nay đã dẹp bỏ, theo tôi, nên đặt một số kiểng vừa (medium bonsai) sẽ tạo được nét cổ kính trầm mặc, sẽ mang lại cho du khách nhiều cảm xúc thi vị nhẹ nhàng hơn (4), phản ảnh nét văn hóa Á Đông.


Tam Quan

Tam Quan chính lên đền, rộng lớn, cũng dạng vọng lâu có 3 lối đi như thường thấy, ngoài nhìn vào có bốn chữ Hán: Huyền Trân Công Chúa Điện, trong nhìn ra cũng bốn chữ này viết bằng quốc ngữ. Trước Đền là sân lát gạch Bát Tràng, trưng bày nhiều cây cảnh tuy có lớn nhưng bình dân. Ở một khía cạnh nào đó không tăng thêm vẻ tôn nghiêm của ngôi đền. Việc trang trí một câu đối, một bức hoành phi hay một chậu kiểng đòi hỏi nhiều yếu tố nghệ thuật chuyên môn mới không làm hỏng giá trị đại thể của công trình.


Bàn thờ Công Chúa

Trong Đền thiết trí bàn thờ đầy đủ tam sự ngũ sự, liễn đối hoành phi, chạm khắc tinh xảo, sơn thếp rỡ ràng oai nghi đúng mức, không quá rườm rà (nhiều đền thờ miền Bắc thường phạm lỗi ôm đồm). Tượng Công Chúa trong trang phục áo dài, đầu đội khăn, nét mặt hiền từ, và đúng độ tuổi khi Công Chúa sang Chiêm Thành (nhiều nơi tạc tượng chỉ để cho có, đã vô hồn còn không đúng tuổi). Thông thường tượng thờ sơn son thếp vàng, tuy nhiên theo tôi, ở đây nếu được một nhà điêu khắc có tâm hồn (cỡ Lê Thành Nhơn làm tượng cụ Phan Bội Châu) tạc tượng Công Chúa bằng một khối gỗ thị đen tuyền, có lẽ thể hiện sâu sắc hơn về ý nghĩa cuộc đời và sự nghiệp của Công Chúa. Bởi sau khi hoàn mãn sứ mạng, Công Chúa đã trở thành vị Bồ Tát, không còn lưu luyến cõi Ta Bà, lẽ nào lại ham “lầu son gác tía”! Trên bàn thờ có bài vị chữ Hán, anh Thanh Dần trông coi Đền đọc cho tôi ghi:
“Phụng vị Khai Quốc An Dân, Huyền Trân Công Chúa Trai Tĩnh Trung Đẳng Tôn Thần”. Hai bên có hai câu đối chữ Hán thếp vàng:

Bồ liễu cô thân Nam hướng Đồ Thành mã đầu chướng vụ trùng hồi thủ
Cơ đồ vạn cổ Bắc cố phụng khuyết nhãn đề giang sơn tái cứu tham


Việt ngữ (Nguyễn Quang Hà):
Một thân sang chốn Đồ-bàn, đất cũ mãi nhìn về, mù che đầu ngựa
Muôn thuở mệnh vâng Bắc-khuyết, nước xưa luôn nhớ lại, lệ chắn lòng người.


Sau Đền thờ có đài lục giác, đặt một tượng Công Chúa trong bộ áo nhà tu màu trắng, dáng hiền từ đạo hạnh, tay phải cầm hoa sen búp, tay trái lần tràng hạt, như ngài Bồ Tát Quán Thế Âm (chỉ khác hoa sen thay vì thủy bình).
Đền thờ Huyền Trân Công Chúa tại thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế có thể nói là một công trình lịch sử xứng đáng với công trạng của Công Chúa. Nghệ thuật kiến trúc thời Trần được thể hiện khá rõ nét. Hy vọng với ngày tháng, Đền sẽ sáng đẹp hơn, thu hút du khách mỗi năm mỗi nhiều, hài hòa với bao nhiêu đền đài lăng tẩm cố đô, những chứng tích lịch sử văn hóa nước nhà tồn tại hàng trăm năm qua. Tuy thời cuộc có thịnh suy nhưng giá trị lịch sử vẫn không thể bị xóa nhòa chối bỏ, nhất là đối với người con xứ Huế. Đến chiêm ngưỡng đền thờ Công Chúa Huyền Trân, tôi cảm thấy hãnh diện về một trang sử của nước nhà. Mong sao đừng để Đền đi vào vết xe đổ của những di tích khác, xây dựng chỉ để khai thác kinh doanh, vô tình làm phai mờ nét son lịch sử, thiệt thòi cho con cháu mai sau.

Tháng 9 - 2011

(1) Người làm tuyên truyền hay dùng chữ nghĩa lòe thiên hạ. Đã không ít người nhận xét về điều này. Văn hóa và nghệ thuật đôi khi bị cưỡng bức, lợi dụng cách quá đáng. Biểu ngữ văn minh, văn hóa, thân thiện… căng đỏ đường nhưng cứ nhìn lối chạy xe, sinh hoạt đường phố thì biết như thế nào. Một người bị tai nạn, người đi đường xúm hôi của, không ai giúp nạn nhân một tay (tin báo). Như vậy gọi là văn hóa?
(2) Thường các điểm du lịch người bán hàng rong chèo néo quấy rầy khách rất khiếm nhã.
(3) Làng gốm Bàu Trúc đã in.
(4) Có lẽ do trở ngại trộm cắp không thực hiện được (dù đã được tiếng một nước “đạt chuẩn văn hóa”).
Bia Ký: Đền Công Chúa Huyền Trân
Thường nghe: Người có công đức lớn thì được phong thần, thờ phụng. Công đức càng lớn, đẳng thần càng cao. Sống tận lực vì nước, thác hiển thần hộ quốc an dân. Người như vậy, thần như vậy ắt được lập đền, dựng bia đá ghi công tích đặc biệt, lưu truyền việc tốt đời sau.

Công chúa Huyền Trân sinh năm Đinh Hợi, 1287, là ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu, quê làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định. Từ lúc thiếu thời đến tuổi cài trâm, Công chúa nổi tiếng thiên hương, tư chất thông minh, hiếu nghĩa vẹn toàn, ví như huyền ngọc quốc bảo.
Mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ, 1306, thực hiện lời hứa của vua Nhân Tông, lấy hòa hiếu với lân bang làm căn bản, Huyền Trân sang Chiêm quốc làm dâu, trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Đáp lại mối thâm tình ấy, trước đó mấy tháng, vua Chế Mân đã cắt đất hai châu Ô, Lý dâng lên nhạc phụ Thượng Hoàng làm lễ dẫn cưới. Kể từ đấy, hai châu này được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, tức vùng đất phía nam sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị, đến bờ bắc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. (1)
Mùa hạ, tháng 5 năm Đinh Mùi, 1307, Chế Mân qua đời. Tháng 9, người Chiêm sang nước ta dâng voi trắng, báo tang. Theo tục của Chiêm Thành “hễ vua chết thì hoàng hậu phải vào đàn thiêu để chết theo”. Vua Anh Tông biết vậy, sợ Công chúa bị hại; tháng 10, vua sai đại thần sang Đồ Bàn viếng, mong cầu giải cứu Huyền Trân.
Mùa thu, tháng 8 năm Mậu Thân, 1308, Công chúa về tới Thăng Long.

Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, năm sau Công chúa xuất gia đầu Phật ở núi Trâu Sơn, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Dưới sự ấn chứng của Quốc sư Bảo Phác, Công chúa thọ Bồ tát giới, được ban pháp danh Hương Tràng.
Cuối năm Tân Hợi, 1311, thừa mệnh Bổn sư, Hương Tràng xuống núi, cùng người thị nữ trước đây, bấy giờ đã qui y, đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, nay thuộc tỉnh Nam Định, lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Thấm thoắt mấy hạ, duyên lành phổ độ chúng sinh, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộn Sơn, tên chữ Quảng Nghiêm Tự.
Trụ trì chùa Nộn Sơn, Ni sư khiêm nhẫn chăm lo Phật sự, tạo lập ruộng vườn, giáo hóa cho lớp đồng ấu, làm thuốc cứu chữa dân lành. Những lúc nhàn rỗi, Ni sư thường đến tận các thôn ấp trong vùng, khuyến dân thực hành phép tu Thập thiện... Công đức vô lượng của Ni Sư được nhân dân hết lòng kính ngưỡng.
Mấy chục mùa kiết hạ, đến khi đắc pháp, mọi sự viên thành. Ngày 9 tháng giêng năm Canh Thìn, 1340, Ni sư xã báo an tường, thảnh thơi trở về cõi Tịnh. Dân chúng vô cùng thương tiếc, tôn làm Thần Mẫu, lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.

Một đời Công chúa tận sức với nước, khi thác hiển linh phò trợ giúp dân. Chính vì vậy mà các triều đại sau đều sắc phong Công chúa làm thần hộ quốc. Vào đầu thế kỷ XX, các vua nhà Nguyễn lại ban cho Công chúa chiếu báu nâng bậc tăng thêm là “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”.
Nay vừa gặp vận: Mùa xuân Bính Tuất, 2006, kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, nhớ ơn công đức của Huyền Trân năm xưa dấn thân ngàn dặm đi mở nước; thừa lệnh chính quyền, hợp sức lòng dân, Công ty Du lịch Hương Giang đã khởi dựng đền thờ Công chúa, vừa đúng một năm thì an vị tượng thần.
Ngôi đền tọa lạc về phía nam sông Hương, cách kinh thành Huế chừng vài dặm, tương truyền là nơi danh thắng phước địa. Kiến trúc theo lối truyền thống: trụ biểu vươn cao, nền móng kiên cố, lương đống vững chắc, điện thờ tôn nghiêm. Phía sau, thế núi Ngũ Phong trấn giữ. Phía trước, dòng tiểu khê quầy thành hồ Trường Xuân soi bóng nhật nguyệt, sơn mạch tả hữu trườn xuống như hai bức trường thành. Nội điện đặt tượng Huyền Trân, hậu điện phối thờ các bậc công thần mở nước. Sân sau xây lầu bát giác, dựng tượng Ni sư, mở vườn Bồ Đề; sau nữa là điện Trúc Lâm, nhà đọc sách, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thủy thần, gác chuông Hòa Bình… tất cả tạo thành một trung tâm văn hóa tâm linh ở chốn Thiên Thai…
Ngẫm lại, thời gian tạo lập ngôi đền không thể sớm chiều. Nhờ uy lực của thần và cũng nhờ ở sức người tỏ niềm tri ân mới làm nên.
Thì ra, từ xưa đến nay, bậc hiền nhân dày công nghiệp với đất nước ắt được phụng thờ, chưa hề bị lãng quên bao giờ.
Những lần đến dâng hương, nghe chuyện nhiệm mầu ở chốn Bồng Lai này khiến nhiều người lấy làm lạ. Phải chăng: Núi không cần cao, có tiên ắt thiêng. Sông không cần sâu, rồng chầu thành nổi tiếng. Có lẽ nơi đây, Thần nữ đã thị hiện. Bởi vậy, ngôi đền mới dựng mà đã linh ứng lan truyền.
Nghĩ rằng thần thiêng vốn do tú khí tinh anh của đất trời hun đúc, ngầm phò giúp cho cơ đồ xã tắc, giữ nền phúc lớn, ngày mỗi thêm xán lạn vững bền.
Trước đền Công chúa Huyền Trân, kẻ hậu sinh nguyện trọn lòng thành, đốt nén tâm hương, kính soạn bia ký này.


Ngày tốt, trọng thu Đinh Hợi
Phụng soạn Phụng lập

Dương Phước Thu Công Ty Du Lịch Hương Giang

(1) Không hiểu tại sao bia ký lại ghi địa danh 2 châu Ô, Lý từ Quảng Trị vào tận sông Thu Bồn Quảng Nam? Trong khi các nguồn sử liệu khác đều ghi Quảng Trị và Thừa Thiên (!)



Bia ký và Lễ hội


Bồ Tát Hương Tràng

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách nguyên bộ 12 tập (discount), xin liên lạc:

Tòa soạn Nhật Báo Viễn Đông, 14891 Moran Street, Westminter, CA 92683.
Điện thoại: 714-379-2851.
Những sách khác, liên lạc tác giả qua P.O. Box 254, Lawndale, CA 90260. Website: www.ltcn.net

source
VienDongDaily