Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Đền thờ Bà Triệu



Cập nhật lúc 7:11:58 PM - 04/02/2011
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

302-H1.jpg

Tam quan đền Bà Triệu.

Rời Lam Kinh tôi chạy xe thẳng về Thanh Hóa theo QL 217; lúc còn cách Thanh Hóa chừng mươi cây số, thấy bên trái QL1A một ngôi đền lớn, cổng tam quan đồ sộ, tường vách màu khói nhang, tôi chậm xe rẽ vào, không ngờ đây là đền thờ Bà Triệu.
Trời đã chiều, tôi mau chân lên Đền quan sát và chụp ít ảnh. Đền Hai bà Trưng, đền Thánh Trần thì nhiều,mà đền bà Triệu tôi mới gặp lần đầu. Đền nằm bên sườn một ngọn núi, phải hai chục tam cấp mới lên tới sân đền.
Lịch sử Bà Triệu, con dân Việt Nam ai cũng biết từ khi cắp sách đến trường. Bà tên thật là Triệu Thị Trinh, nhưng nhân dân quen gọi là Bà Triệu. Bà đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Ngô thế kỷ thứ 3. Bà Triệu người vùng núi Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Bà nổi tiếng là một thiếu nữ có nhan sắc, có sức khỏe và giàu mưu trí. Không cam tâm chịu sống đời nô lệ, năm 19 tuổi, bà đã qui tụ nghĩa sĩ trong vùng luyện tập võ nghệ, chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Khi nghe người thân khuyên bà nên lấy chồng để có cuộc sống bình thường như mọi người, bà đã khẳng khái đáp: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”.

302-H2.jpg

Hồ sen với 4 trụ biểu.

Năm 247, bà cùng người anh là Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực trong vùng, dựng cờ khởi nghĩa. Dân chúng khắp nơi nô nức hưởng ứng. Bà mặc áo giáp, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi ra trận đánh thắng quân Ngô nhiều trận. Nhà Ngô hoảng sợ sai tướng Lục Dận mang binh mã sang phục thù. Sau nhiều trận ác chiến, nghĩa quân phải lui về miền núi Thanh Hóa để bảo toàn lực lượng. Trong trận đánh bên ngọn núi Tùng, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh. Lăng mộ bà được đặt bên chân núi, thôn Phú Điền xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Có truyền thuyết: Sau khi bà qua đời, con voi một ngà thường đưa bà ra trận, nhớ thương chủ cũ cứ nằm phục bên mộ và hóa thành ngọn núi Gai, còn có tên là Tượng Sơn, nơi có đền thờ Bà Triệu hiện nay.
Ban đầu, ngôi đền chỉ là một nếp nhà tranh đơn sơ. Đến thế kỷ VI, vua Lý Nam Đế đi đánh giặc qua đây thì trời tối, ông cho quân lính nghỉ tạm bên Đền. Nửa đêm ông thấy có ánh hào quang vụt qua. Lấy làm lạ, Lý Nam Đế cho gọi dân làng đến hỏi. Khi biết đây là đền thờ Bà Triệu, nhà vua liền làm lễ cầu thắng trận. Sau khi dẹp xong giặc, ông cho xây dựng lại ngôi đền với quy mô lớn hơn. Đến đời nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII), đền Bà Triệu được trùng tu như hiện nay.

302-H3.jpg

Tổng quát đền Bà Triệu.

So với đền Mê Linh thờ hai Bà Trưng (1), đền Bà Triệu có hẹp về khuôn viên, nhưng vóc dáng bề thế uy nghiêm hơn. Từ ngoài Quốc lộ nhìn vào, cổng tam quan hai tầng mái, sừng sững trên cao. Lối kiến trúc đơn giản, mạnh mẽ mà vẫn giữ được nét cổ kính của đền miếu. Thoạt nhìn du khách đã có ngay ý nghĩ trân trọng tôn nghiêm. Chung quanh Đền không có cảnh buôn bán lôi thôi như nhiều nơi khác. Trước mặt Đền là hồ sen, bốn bề kè đá, có 4 trụ biểu đá xanh khắc hoa văn đẹp, một bình phong cũng đá xanh, chắn giữa trụ biểu và hồ sen xanh lá không thấy hoa. Đã mùa hè mà sen chưa nở. Cây đa to nhưng không cao, nhánh nhiều và xòa ra phủ bóng râm từ trong sân ra giữa hồ... Qua một sân lát đá xanh, lên gần hai chục tam cấp mới đến cửa Tam Quan. Sân Đền lát gạch Bát Tràng, chính giữa có một lối đi lát đá xanh rộng chừng 2m, thẳng vào tiền đường có hai voi đá chầu hai bên. Tiền đường gồm 5 gian, cột đá (2) mài vuông cạnh, khắc câu đối bằng chữ Hán. Sau tiền đường là khoảng sân nhỏ còn gọi là thiên tỉnh (giếng trời để đón ánh sáng), hai bên là tả hữu vu, nhà tiếp khách và sửa soạn lễ. Tiếp đến là chánh điện, lên chánh điện bằng hệ thống tam cấp, có bốn hàng rồng đá ngăn thành ba lối, tương tự như rồng đá điện Lam Kinh, nhưng đơn giản hơn. Kiến trúc chánh điện khá cầu kỳ, mái hai tầng rất bề thế. Nóc mái không đắp lưỡng long tranh châu, nhưng đuôi mái trang trí kiểu long đao cong vút, giống mái chùa Tây Phương Hà Tây (3). Tất cả các cột đều bằng gỗ quí, có chạm trổ. Việc thờ phượng cũng lọng che phướn rủ, cờ đuôi nheo… màu đỏ thắm. Bàn thờ chỉ có bài vị và bộ tam sự đơn giản. Đặc biệt có một trống đồng trước bàn thờ. Sau cùng là hậu cung ba gian, cũng hai tầng mái dạng như chánh điện tuy nhỏ hơn. Hậu cung dựa vào vách núi. Theo thế đất các tòa kiến trúc cao cao dần, cách nhau cả chục bậc tam cấp. Đối diện với Đền, phía bên kia quốc lộ 1A là núi Tùng - nơi có lăng Bà Triệu.
Không một khách viếng Đền, cũng không thấy ai trông coi, tôi cặm cụi lo chụp ảnh mãi mới thấy có một bà già đi vào. Tôi hỏi thăm:
- Bác là người trông Đền?
- Không tui bán nước phía trước.
- Đền ít ai tới thăm bác hả?
- Có chi mô mà thăm, tới ngày lễ hội mới đông người.

302-H4.jpg

Bàn thờ trong hậu cung.

Ngày hội Bà Triệu là ngày 22 tháng 2 âm lịch. Thăm đền thờ Bà Triệu (4) để thấy con cháu không bao giờ quên công trạng vì dân vì nước của cha ông, dù thời gian có qua bao lâu chăng nữa. Lịch sử nước nhà cũng có những nhân vật đã không cứu nước mà còn hại dân, như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc… thì đời đời còn bị nguyền rủa. Đó cũng là lẽ công bằng như “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” vậy.
Trời đã hết nắng, tôi vội chạy về Thanh Hóa. Vào đầu thành phố thấy có khách sạn Thanh Thủy bên đường, tôi vào lấy phòng ngay. Trông qua, biết đây chỉ là nhà trọ, tiếp tân giao cho một bé gái 10 tuổi thì không thể là khách sạn được. Trời tối, lạ đường, biết đâu tìm, tôi nhận đại một phòng. Điều không may, khách sạn nằm giữa hai trục lộ giao thông: Đường sắt và QL1A, chốc chốc, tàu qua xe lại, suốt đêm không sao chợp mắt.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, trả phòng đi vào Nghệ An. Nơi đây có nhiều di tích cần tìm: Căn nhà tranh cụ Phan Bội Châu, lăng mộ Mai Hắc Đế, Đền Hồng Sơn, đình Hoành Sơn, đền thờ Nguyễn Biểu, lăng mộ Phan Đình Phùng…

Trần Công Nhung
06 - 2008


(1). Đền Mê Linh đã đăng.
(2). Thanh Hóa là nơi có nhiều núi đá xanh, nên nhiều công trình được làm bằng đá (thành nhà Hồ, điện Lam Kinh, Nhà thồ đá ở Ninh Bình cũng lấy đá từ Thanh Hóa).
Đền bà Triệu được xây dựng trên ngọn núi Gai, cạnh quốc lộ 1, thuộc làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc,
(3). Chùa Tây Phương trang 167 QHQOK 5.
(4). Trong Quốc Sử Diễn Ca, nhà thơ Lê Ngô Cát (thời Nguyễn) có viết:
Vú dài ba thước dắt lưng,
Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra.
Cũng toan gánh vác sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam.
Vua Tự Đức đọc khen hay, nhưng sửa hai chữ “cũng toan” thành “ghé vai”, và nói đùa, “Thế đàn ông nước Nam đâu cả”. (Chín chúa mười ba vua của TT Bình trang 101).
source
Vien Dong Daily

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Đình Hoành Sơn


Đình Hoành Sơn
Cập nhật lúc 6:56:57 PM - 29/04/2011
Bài và ảnh Trần Công Nhung/Viễn Đông

314h1.jpg

Đình Hoành Sơn

Theo lời hướng dẫn của bác nhân viên trực đền Hồng Sơn (1) tôi theo đường 558 đến cuối đường rẽ trái qua câu sắt Yên Xuân đi về xã Khánh Sơn huyện Nam Đàn, nơi tọa lạc đình Hoành Sơn. Đoạn đường không xa, chừng 20km song phải qua nhiều khúc quanh co, lúc chạy qua làng, khi chạy trên đê, phải thăm chừng luôn mới không lạc hướng.
Tôi thầm nghĩ, đình thì nơi nào cũng na ná nhau thôi. Cái thú ở đây là được đến vùng xa lạ, cảnh vật có nhiều sắc thái khác thường, lòng luôn háo hức tìm kiếm khám phá cái mới. Sự đổi thay của cảnh quan lôi cuốn và đánh thức mọi giác quan của người đi đường. Nhờ thế khách lữ hành không hề thấy mệt mõi trái lại lúc nào và nơi đâu cũng đáng biết đáng ghi.
Lúc qua cầu Yên Xuân, nhìn xuống dòng sông Lam, phải nói đẹp lạ lùng dù nước sông màu vàng đục. Ngay hạ lưu mà dòng sông uốn khúc mấy lần, hình ảnh uyển chuyển êm đềm. Những con đò hiền hòa kề bên nhau từng cụm như cùng chuyện trò. Mui đò miền này hơi khác trong Nam, mui bằng tre đan không lợp lá, phía mũi cao hơn và hai ba lớp cơi lên nhau trông như cái mai con trút. Tôi dừng lại một lúc để thưởng thức vẻ đẹp của dòng sông Lam, dòng sông của thi ca không của làng chài. Rất tiếc tôi không là thi sĩ để có đôi câu ngợi ca dòng sông và con đò xứ Nghệ. Con đò nơi đây khác với con đò của cụ Cao Bá Quát khi có ý dèm pha làng thơ xứ Huế: “Ngán cho cái mũi vô duyên. Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”. Những con đò trên sông Lam không có “mùi” mà đầy thi vị.

314h2.jpg

Sông Lam

Sông Lam núi Hồng (Lĩnh) là biểu tượng đã đi vào hồn người xứ Nghệ:
“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh,
nhớ dòng sông La (một nhánh của sông Lam), nhớ biển rộng quê ta...”.
Qua Cầu Yên Xuân tôi men theo đê sông Lam, nhìn xuống dọc dòng sông, nhiều thuyền bôm cát cho ngành xây cất. Qua một đoạn, bãõi bồi từng nhóm người đang nhổ đậu phụng (lạc). Tuy công việc đồng áng mà rất nhàn nhã, chỗ vài ba người, không vội vã như ngày mùa lúa chín. Thuở trước thấy trong sách truyện hay mô tả tiếng hò cô lái đò trên sông, tiếng hát trên đồng của chị đi cấy, ngày nay tuyệt nhiên không thấy gì, kể cả tiếng chim trời, con người lầm lũi với công việc. Cảnh có đẹp và yên bình mà vắng lặng. Có thể do cuộc sống chắt buộc quá nên không mấy ai còn nghĩ đến chuyện hát hò? Ngày nay nông dân từ từ được thị hóa, một số ra đồng bằng xe máy xe đạp, quần jean, màu sắc như đi hội, xuống ruộng mang ủng, không chân trần như ngày xưa. Trên đê một con bò vàng nằm nhai lại cạnh chiếc xe máy đỏ chói, một hình ảnh mới của đồng quê hôm nay.

314h3.jpg

Mùa đậu phụng (lạc)

Lúc đến gần một xóm làng thì sên xe nổi lên “reẹc reẹc” tôi có cảm giác sên muốn đứt. Tôi giảm tay ga, thả xe lăn từ từ xuống đường rồi dắt bộ vào làng. Tôi bắt đầu lo, chỗ quê mùa vầy liệu có ai sửa xe chăng. Mấy phút sau có người đạp xe qua tôi hỏi: “Trong làng có ai sửa xe không chị”? – “Chú vô một khúc nữa có nhà sửa xe”. Tôi thở phào, và nỗi mệt mỏi lo âu tan biến ngay. Tiệm sửa xe là một mái nhà gạch nhỏ, trước sân có dựng tấm bảng “Sửa xe máy”. Dắt xe vào sân tôi gọi to: “Sửa dùm xe đi”, “Sửa dùm xe...”, la to thế mà chẳng ai lên tiếng. Chắc thợ sửa xe đi cuốc đất cũng nên. Gọi thêm mấy lần nữa, không thấy gì, tôi bắt đầu nản và chẳng biết xoay xở sao thì đúng lúc có một anh chàng đi ra, tôi phản ứng ngay: “Sửa xe gì mà kêu muốn chết” – “Dạ nay là ơ rô 82 mà chú”. Tôi bật cười, à thì ra ông này mãi dán mắt vào TV, giải World Cup Euro 82. Thảo nào. Tôi cười giả lả:
- Coi dùm sên xe chú nó kêu quá.
- Dạ được, chú chạy xe trong Nha Trang ra hả?
- Sao cháu biết?
- Số 79 của Nha Trang, cháu trước kia có làm việc trong đó.
- Thế hả, ừ giúp chú tí.

314h4.jpg

Chạm trổ đầu cột

Tự nhiên tôi thấy yên tâm hơn như thể gặp người quen. Anh thợ mang đồ nghề ra và bắt đầu việc kiểm tra “sự cố”.
- Xích chú gần đứt, may chớ đứt là bể máy luôn.
- Vậy hả, giờ sửa được không?
- Dạ, cháu cắt một mắt rồi nối lại, không sao.
Anh thợ loay hoay tháo bánh tháo sên, lâu lâu sai cháu bé 3 tuổi chạy lấy thứ này thứ nọ. Tôi ngạc nhiên thấy con bé hiểu hết công việc của bố. Xích xong đến bạc đạn, tôi bảo thay luôn. Tất cả chỉ 80 nghìn đồng. Tôi đưa anh luôn 100 nghìn (5 đô). Giữa chôn quê mùa hoang vắng mà có người giúp cho như vậy là quá hên. Tôi hỏi đường vô đình Hoành Sơn, anh thợ cho biết còn mấy cây nữa.
Tuy xe đã sửa, tôi cũng không dám chạy nhanh, không lên đê mà chạy dưới đường làng, đường nhựa mát bóng tre xanh. Chỉ mấy phút đã thấy bảng “Đình Hoành Sơn.Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia” cắm trên bờ đê, đối diện cổng đình. Tôi hơi ngạc nhiên, cổng đình mà như cổng nhà ở, tường thì thấp chừng 1 mét, ai leo vào cũng được. Cổng khóa bằng xích sắt. Dưới tàn mấy cây bàng trước sân, mái đình oằn oằn, tường vôi trắng, trông thiểu não, không có vẻ gì là di tích. Lui tới không thấy ai. Lát sau có người đi qua cho hay “Chú vô theo hẻm bên hông đình, ra sau có nhà bác bảo vệ”. Tôi dắt xe luồn ra sau vườn chuối, thấy có bà già đang sàng sảy dưới hiên mái nhà tranh. Tồi lần đến và hỏi nhỏ: “Thưa bác tôi muốn hỏi thăm bác bảo vệ đình”. Bà già ngưng tay nhìn tôi mọât lúc, tôi nói rõ thêm: “Tôi ở xa nghe tiếng đình Hoành Sơn nên đến thăm”. Bấy giờ bà già mới lên tiếng:
- Ông nớ đi khỏi rồi.
- Dạ chừng nào bác ấy về?
- Không biết mô.

314h5.jpg

Sửa xe

Tôi năn nỉ bà già: “Tôi ở tuốt Nha Trang ra đây thăm Đình, bác có cách gì mở dùm cửa cho tôi vào xem ít phút thôi. Vì tôi còn phải chạy vào Đồng Hới hôm nay”. Bà già nghĩ ngợi một lúc rồi vô nhà xách xâu chìa khóa ra giao cho tôi: “Cái ni là khóa cổng, cái ni khóa cửa đình…”. Tôi rất mừng mang chìa khóa đi ngay.
Mặt tiền đình Hoành Sơn hơi tối, chỉ có cửa gỗ bàn khoa gian giữa, trên cửa treo bảng nội qui:
Nội quy
Bảo vệ di tích đình Hoành Sơn
1 Mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ di tích văn hóa đình Hoành sơn đã được nhà nước xếp hạng số 92 ngày 10 – 7 – 80
2 Cấm: Chăn thả gia súc hoặc đưa rơm rạ, vật chất khác vào để trong khu vực đình.
Cấm: khai thác đất đá chặt phá cây cảnh trong diện tích được nhà nước và địa phương qui hoạch quản lý di tích.
3 Khách đến lễ tự, tham quan phải báo cho bảo vệ di tích biết và chấp hành các hướng dẫn của nhân viên bảo vệ không tự tiện chuyển dời di vật của đình.
4 Ai vi phạm nội quy trên phải chịu trách nhiệm theo pháp lệnh.
UBND xã Khánh Sơn
Pháp lệnh số 14 ngày 4.4.1984

314h6.jpg

Bàn thờ trong đình


Hai bên cửa chính, xây tường và trổ thêm 2 cửa “pa nô”â nhỏ. Trông bên ngoài, đình không có gì đặc biệt. Mở cửa vào trong tôi càng ngạc nhiên hơn, mấy gian trống trơn, không trống không cờ, bàn thờ là bệ xây trơ trọi có mấy pho tượng Phật lớn nhỏ bày biện lộn xộn, một bát nhang sơ sài. Tất cả bụi phủ một lớp dày. Tôi có cảm tưởng như đình bỏ hoang. Nhưng, xem kỹ thì thấy đình có mấy điểm đặc biệt:
- Cột đình bằng gỗ lim, có 32 cột, đường kính trên 40 phân, 12 cột cái cao trên 5 mét. 20 cột con cao gần 4 mét.
- Các đầu kèo và cột đều có chạm trổ công phu tỉ mỉ, lối chạm của đình Hoành Sơn khá đặc biệt: Không chạm thẳng tròn cột mà chạm riêng và gắn vào, do đó trông rất mạnh mẽ và uy nghiêm.
Vì không gặp người bảo vệ nên không biết Thành Hoàng của đình là vị nào, và nguồn gốc ban sơ của đình do ai xây dựng. Về sau tìm hiểu qua sử liệu được biết đình Hoành Sơn là một kỳ công trong kiến trúc và cũng có giai thoại rất lạ trong thời kỳ tạo lập.

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
Tháng 6 - 2008


(1) Đền Hồng Sơn đã đăng
source
Vien Dong Daily