Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Nhớ thương Khánh Hội



Saturday, July 24, 2010








Nguyễn Ðạt

Trước 30 tháng 4, 1975, người ta thường gọi quận 4 là Khánh Hội. Và nói tới Khánh Hội là nói tới bến cảng Nhà Rồng, nhà thờ Xóm Chiếu cùng bà con xứ đạo miền Bắc di cư, những kênh rạch bến đò, đặc biệt là giới lao động nghèo “tay làm hàm nhai” cơ cực vất vả, hãng sản xuất thuốc lá Bastos lâu đời...


Bến cảng Nhà Rồng. (Hình: Nguyễn Ðạt)

Chúng tôi có một thời tuổi trẻ cư ngụ ở Khánh Hội, để bây giờ, những dịp qua quận 4, lòng dạt dào thương cảm một vùng “cố quận.” Bến cảng Nhà Rồng được lập nên từ khoảng giữa thế kỷ 19, thời Pháp thuộc, do một công ty vận tải đường biển của Pháp xây dựng. Nằm bên sông Sài Gòn, tại khu vực cầu Khánh Hội - thời trước có lúc mang tên là cầu Trình Minh Thế, bến cảng Nhà Rồng lúc đó là thương cảng lớn của Sài Gòn.

Gọi là Nhà Rồng, tòa nhà có nơi ở của Tổng quản lý công ty và chỗ bán vé tàu, vì trên nóc tòa nhà này có gắn hai con rồng bằng đất nung tráng men xanh ở hai bên. Giữa nóc nhà là hình phù hiệu của công ty: đầu ngựa và chiếc mỏ neo.

Nhà thờ Xóm Chiếu. (Hình: Nguyễn Ðạt)
Có người cho rằng, Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long, người Pháp đặt như vậy cho tòa nhà trụ sở bến cảng, để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp. Nhà Rồng, sau biến cố 30 tháng 4, 1975 hiển nhiên (...) để trở thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh,” còn gọi là “Nhà lưu niệm bác Hồ,” do (...) từ nơi này lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Như vậy Nhà Rồng mặc nhiên đã tách khỏi bến cảng 35 năm nay, trụ sở cảng Nhà Rồng hiện nay đặt ở khu nhà khác của bến cảng, lấy tên là “Cảng Sài Gòn/Cảng Nhà Rồng Khánh Hội.”

Cảng Sài Gòn - Cảng Nhà Rồng Khánh Hội trải dài theo nhánh sông, song song với con đường Trình Minh Thế cũ, nay là đường Nguyễn Tất Thành. Cuối đường Nguyễn Tất Thành, bên này cầu Tân Thuận bắc sang Tân Thuận-Nhà Bè, phía bên phải, đường Tôn Thất Thuyết, cuối cùng của vùng đất Khánh Hội, là một con đường dài dặc, chạy song song một nhánh sông Sài Gòn, với những kho bãi thuở trước còn lưu giữ nhiều dấu vết xưa. Ði trên đường Nguyễn Tất Thành dọc bến cảng, bùi ngùi nhìn ngó cơ sở của công ty Ðường Khánh Hội, tòa nhà cũ kỹ, xuống cấp, có vẻ bỏ hoang, chúng tôi không biết hiện nay còn hoạt động hay đã chuyển tới chỗ nào khác. Hãng thuốc lá Bastos lập nên từ thời Pháp thuộc, trên đường Bến Vân Ðồn, con đường địa đầu của Khánh Hội, đã di dời nơi khác từ vài năm nay, cơ sở cũ vẫn bỏ không. Rẽ phía bên phải, vào đường Xóm Chiếu. Góc đường Xóm Chiếu-Nguyễn Tất Thành là ngôi trường Nguyễn Trãi, một trong những trường trung học công lập danh tiếng của Sài Gòn thuở trước. Chợt nhớ những vị giáo sư khả kính của trường Nguyễn Trãi ngày ấy, nay người thì mất, người ở phương xa tít mù.

Người bạn đi cùng, hỏi tôi: “Bạn có còn nhớ, nhà văn Tạ Quang Khôi từng dạy Việt Văn ở đây?” Tôi gật đầu, bùi ngùi, biết ông định cư ở Mỹ, hiện ông sống như thế nào thì tôi chẳng biết. Chắc hẳn có lúc, cơn gió xứ người cũng hiu hắt se lòng, ông và các thầy dạy khác ngùi nhớ nơi chốn mình hàng ngày đứng trên bục giảng, trước những mái đầu xanh cặm cụi... Nhà thờ Xóm Chiếu tọa lạc vững bền từ năm 1826, trong khuôn viên có diện tích 3 héc-ta, ngôi nhà thờ nhìn ra con đường Xóm Chiếu nhỏ hẹp. Người bạn đi cùng vốn là kiến trúc sư, cho tôi biết ngôi nhà thờ có đỉnh cao 30 mét, diện tích xây dựng 500 m2 này được xây dựng rất đặc biệt, là sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Pháp và Nhật Bản. Năm ghi trên tấm biển trước nhà thờ: 1856, là năm thành lập Giáo Xứ Xóm Chiếu, sau khi ngôi nhà thờ đã xây dựng được 30 năm. Chúng tôi đi thăm chợ Xóm Chiếu, một ngôi chợ lâu đời của Khánh Hội, không khỏi buồn lòng vì hiện nay ngôi chợ bị khuất lấp. Ði trên đường Hoàng Diệu, đường phố chính của Khánh Hội, không thể nhìn ra, ngỡ ngôi chợ đã mất tích. Chợ Xóm Chiếu vẫn ở chỗ cũ, ngôi chợ mở ra chung quanh nay bị bó rọ trong tòa nhà lồng chợ, bưng bít như nhà tù.

Phía trước mặt chợ Xóm Chiếu là đường Hoàng Diệu, đường phố duy nhất lớn rộng của Khánh Hội xưa, nay tòa cao ốc to cao ngất trời, trụ sở của Ngân Hàng Ðầu Tư Phát Triển Việt Nam, che khuất hoàn toàn.

Chúng tôi có nhiều kỷ niệm ở con phố này, những lần rủ bạn đi đóng giày “à la mode” đúng điệu ở tiệm giày Gia - Hoàng Diệu, những tối nói chuyện say sưa về văn chương và nghệ thuật thứ 7 với “chàng đạo diễn điện ảnh tương lai” Ðặng Trần Thức, trước thời gian anh du học ngành điện ảnh ở nước ngoài... Tiệm giày Gia ở Khánh Hội, tiệm Trinh' shoes ở Tân Ðịnh, là hai địa chỉ tin cậy, uy tín hàng đầu của giới thanh niên sành điệu Sài Gòn. Sau 30 tháng 4, 1975, hai tiệm giày lừng danh Sài Gòn biến mất. Sau này ở đường Hoàng Diệu có tiệm giày Khánh Hội, cũng là an ủi nỗi niềm hoài xưa.


Chợ Xóm Chiếu. (Hình: Nguyễn Ðạt)

Như nói ở trên, đường Hoàng Diệu là con đường rộng rãi duy nhất thuở trước, nay thì quận 4 có thêm con đường mang tên Khánh Hội, khang trang lớn rộng không kém đường Hoàng Diệu. Thay đổi lớn nhất của Khánh Hội, như câu thơ Tú Xương “Sông kia rày đã lên đồng,” nhiều khu vực sình lầy, ao vũng, kênh rạch,... đã được san lấp để xây dựng nhà cửa đường sá, như khu vực đường Nguyễn Khoái hoang vu xưa, nay trở thành đường phố chỉnh tề. Ðường Ðỗ Thành Nhân, sau này đổi tên là đường Ðoàn Văn Bơ, do bị trận hỏa hoạn lớn, thiêu rụi trọn khu nhà ổ chuột, nay đỡ nhếch nhác với những dãy nhà chung cư cao tầng. Ðường Tôn Ðản, cũng chật chội nhỏ hẹp như đường Ðoàn Văn Bơ, nhưng là một con đường dài dặc, vắt ngang giữa lòng Khánh Hội, nhắc nhở chúng tôi nhiều kỷ niệm. Cũng như ngày trước, sự nhộn nhịp của sinh hoạt dân cư ở đường Tôn Ðản toát lên sức sống mạnh mẽ của người dân lao động. Ðặc biệt thuở trước, đường Tôn Ðản là nơi sản xuất những khung sườn (chassis) để căng “toile” vẽ tranh, chúng tôi thường rủ những người bạn họa sĩ sang đây đặt làm. Bất cứ thanh niên nào ở đâu tới, không phải là dân quận 4 - Khánh Hội, có bộ dạng đặc biệt, bảnh chọe, luôn bị các chàng du đãng Tôn Ðản “hỏi thăm sức khỏe,” thách thức đập lộn tay đôi.


Trường Nguyễn Trãi. (Hình: Nguyễn Ðạt)

Chúng tôi quen thân với Ðiềm Khắc Kim, cư ngụ ở đường Tôn Ðản, một “tướng cướp cô đơn” rất gan dạ, chuyên cướp ngân hàng, ngụy tạo một băng nhóm nhưng sự thật chỉ có một mình Ðiềm Khắc Kim. Cũng vì quen thân Ðiềm Khắc Kim, những người bạn họa sĩ (với bộ dạng nghệ sĩ rất “bắt mắt” các chàng du đãng Tôn Ðản) đi cùng chúng tôi sang Khánh Hội đóng “chassis” không bị “hỏi thăm sức khỏe.” Sau này, trong (...), du đãng Tôn Ðản không thể xuất hiện và tồn tại, vì (...) không cho phép thanh thiếu niên, những “con cháu bác Hồ,” mơ làm người hùng miền Viễn Tây Hoa Kỳ, hảo hán Lương Sơn Bạc Trung Quốc... Chỉ xuất hiện và tồn tại những băng nhóm xã hội đen như Năm Cam, chính Năm Cam và gia đình anh ta cũng cư ngụ ở đường Tôn Ðản. Khánh Hội còn nổi tiếng với nước mắm Liên Thành, hãng sản xuất nước mắm lâu đời nhất tại Sài Gòn, với thứ nước chấm có hương vị thơm ngon đặc sắc, không thua kém nước mắm Phan Thiết hoặc nước mắm Phú Quốc, nay vẫn được đông đảo khách hàng chiếu cố. Lần nào cũng vậy, có việc hoặc sang chơi bên quận 4, chúng tôi không ngăn được nỗi niềm hoài cảm, thương nhớ một thời Khánh Hội. Với chúng tôi, là giấc mơ điện ảnh của người bạn đạo diễn phim “Hè Muộn” đã hình thành tại đây, là bài thơ thuở ban đầu, “Căn nhà miệt Khánh Hội,” cảm nhận từ đây: “...Mái nhà thì đen buồn, tiếng động thì da diết/Con kênh thì nước dâng, ếch nhái kêu la...” Nỗi buồn, nỗi thảng thốt như Tú Xương: “Ðêm nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”

source

NGUOI-VIET Online

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Mùa Thốt Nốt ở... Sài Gòn



Tuesday, July 20, 2010










Văn Lang/Người Việt



Khoảng từ Tháng Giêng cho tới cuối Tháng Tư (Âm lịch), khi tiết trời Sài Gòn còn đang bị “hun” bởi cái nắng như đổ lửa của mùa khô, thì trên hè phố Sài Gòn mấy năm nay xuất hiện những xe đẩy hàng rong bán một loại ‘trái cây lạ’, đó là trái thốt nốt!



Trái thốt nốt được bày bán trong một tiệm giải khát ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Sự thật, khi trái thốt nốt xuất hiện trên hè phố Sài Gòn thì nhiều người cũng chẳng biết đó là trái gì, trừ khi dừng xe hỏi thăm người bán, hoặc người bán khôn khéo tiếp thị bằng một tấm bảng nhỏ ghi “thốt nốt” treo tòn ten nơi đầu xe đấy. Ấy vậy mà khi biết đó là trái thốt nốt thì nhiều người vẫn lầm tưởng đó là... trái dừa nước!

Thốt nốt phiên âm từ tiếng Khmer chỉ cây ‘Thnot’, mà nếu dịch nghĩa ra tiếng Việt lại là cây... dừa nước. Tuy nhiên cây thốt nốt của người Khmer và cây dừa nước của người Việt là hai cây khác nhau, tuy cùng là họ dừa và có cùi (cơm) khá giống nhau...

Trước kia, khi có dịp tiếp xúc với một số bà con Việt kiều bị bắt buộc phải hồi hương về Việt Nam từ năm 1970 khi chính quyền Lon-Non thực hiện chính sách “cáp-duồn” và xua đuổi người Việt sinh sống tại Cambodia, tuy về nước đã lâu nhưng những người Việt kiều này vẫn nhớ không khí thanh bình, trù phú của xứ sở Chùa Tháp thời trước khi Lon-Non đảo chánh và hình ảnh cây thốt nốt chính là biểu tượng của sự thanh bình ấm no đó.


Bán trái thốt nốt trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Với nhiều người, nói tới cây thốt nốt là nói tới xứ chùa tháp, hay chí ít cũng là những vùng biên giới Việt Nam-Cambodia, như là vùng Thất Sơn, An Giang chẳng hạn.

Nhưng vì đã mấy lần nhìn thấy trái thốt nốt bày bán trên hè phố Sài Gòn, qua mấy mùa cũng quen mắt, để rồi một hôm tình cờ ghé thăm lăng của Tả Quân Lê Văn Duyệt nhìn lên hàng cây cao như cây dừa, lá như lá cọ, thấy những chùm trái chín màu tím như màu trái vú sữa, giật mình vì thấy những trái này quen lắm.

Cây thốt nốt bên trong lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Hỏi thăm một bác lớn tuổi cũng đang đi viếng lăng của Tả Quân, bác cười, mà rằng, ‘Trái thốt nốt chớ trái gì !” Ôi, trời ơi! Vậy là chúng tôi đã nhìn thấy cây thốt nốt mà bao lần nghe người ta kể, lại là ngay giữa Sài Gòn, trong lăng của Tả Quân, nơi mà không ít lần chúng tôi đã viếng thăm và chụp hình, nhưng thường là chúng tôi tới thăm lăng vào đêm Giao Thừa cuối năm nên không có dịp nhìn thấy hàng cây thốt nốt trong lăng Tả quân đã có từ đời nảo, đời nào&

Lật tìm những tư liệu xưa về cây thốt nốt ở Sài Gòn, chúng tôi thấy trong cuốn sách “Sài Gòn Tạp Pí Lù” của nhà sưu tầm, nghiên cứu và học giả Vương Hồng Sển, trong phần cây trồng hai bên đường, ông cho biết ở Gia Ðịnh (xưa) có đường gọi thốt nốt vì trồng loại cây này.

Ông còn viết thêm “Những cây nơi đường gần chợ Bà Chiểu và cây nơi trước sân miếu Tả Quân, có từ đời nào, duy biết trồng thốt nốt chung quanh miếu là một ý kiến hay, vì Tả Quân từng nhiều phen che chở bảo hộ vua Miên và biết đất Miên rất nhiều”.

Cũng nhân tìm hiểu về cây thốt nốt ở Sài Gòn, chúng tôi mới biết thốt nốt ở Sài Gòn có tới hai, ba “trào lưu” chứ không chỉ một như thời Gia Ðịnh xưa. Cùng thời với những cây thốt nốt ở khu vực Lăng Ông - Bà Chiểu là mấy cây thốt nốt ở khu vực gần bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh (bệnh viện Nguyễn Văn Học cũ). Sau khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi quân “tình nguyện” Việt Nam rút khỏi đất nước chùa tháp, có một người lính Việt Nam đã đem một cây thốt nốt về trồng tại khu vực gần ga xe lửa Sài Gòn. Và trong những năm gần đây, có một nữ doanh nhân Việt kiều (Mỹ), đã đem một số cây thốt nốt từ Cambodia về trồng trang trí trong một quán cà-phê khá lớn của nữ chủ nhân nằm trên đường Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3.

Với những Việt kiều đã từng sinh sống ở Cambodia cũng như những người lính đã từng có mặt ở Cambodia thì nói tới cây thốt nốt là nói tới thứ nước mật thơm ngọt ngào của cây thốt nốt và loại “bia” được lên men từ loại cây này mà người Khmer gọi là ‘Tuk-Thnot-Chu.’

Tại vùng Thất Sơn, Tri Tôn, An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều như những cánh rừng, từ đây đường thốt nốt đã được làm ra và xuất cảng đi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ðài Loan... Thị trường trong nước thì đường thốt nốt bán ra tới Hà Nội, còn trái thốt nốt thì chẳng những theo xe đò có mặt ở Sài Gòn mà còn ra tới mấy chợ ở miền Trung.

Cây thốt nốt thuộc họ dừa, về phần công dụng hữu ích thì cả cây dừa nước và cây dừa cộng lại cũng không bằng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà (như lá dừa nước), thân thốt nốt dùng làm cột cả trăm năm không sợ mối mọt, ngoài trái và mật thơm ngon thì lá thốt nốt còn dùng để vẽ tranh trên đó (tranh vẽ trên lá thốt nốt của An Giang được nhiều du khách ưa chuộng), hơn nữa lá thốt nốt còn để chép kinh Phật. Một số ngôi chùa Khmer tại miền Tây còn lưu giữ những bộ kinh Phật chép trên lá thốt nốt có từ hơn hai trăm năm nay vẫn không hề bị mối mọt làm hư hại.

Chính vì những đặc tính đặc biệt của cây thốt nốt mà gần đây tại An Giang đã xuất hiện một xưởng chuyên làm tủ, bàn, ghế mỹ nghệ bằng gỗ từ thân cây thốt nốt, mặt hàng này được giới nhà giàu mới ở miền Tây và Sài Gòn rất ưa dùng.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc xuất cảng đường thốt nốt ra thị trường ngoại quốc gặp khó khăn do vậy đường thốt nốt bị rớt giá, nhiều người dân An Giang có khuynh hướng chặt bán cây thốt nốt cho mấy xưởng làm tủ bàn ghế để thu ‘tiền tươi’, mỗi thân cây như vậy bán được khoảng từ ba trăm ngàn tới bốn trăm ngàn đồng Việt Nam.

Ðiều đáng nói là việc trồng cây thốt nốt từ nhỏ cho tới ngày ra trái phải mất từ 15 năm tới 20 năm mới cho vụ thu hoạch đầu, nhưng cho tới khi 100 tuổi thì cây thốt nốt vẫn cho trái và cho mật đều đều rất nhiều, chính vì vậy mà cho tới nay nhiều vị bô lão ở cả Sài Gòn và An Giang vẫn không xác định được tuổi thọ của cây thốt nốt là bao nhiêu năm.

Trong khi xưởng tủ bàn ghế mỹ nghệ chỉ mua những thân cây thốt nốt có niên đại từ vài chục năm trở lên, tức là những cây đang cho thu hoạch mật và trái. Nếu như việc sản xuất tủ bàn ghế mỹ nghệ từ thân cây thốt nốt trở thành thịnh hành trên toàn quốc cũng như xuất đi thị trường ngoại quốc thì có lẽ những rừng thốt nốt ở An Giang - biểu tượng của sự thanh bình và trù phú sẽ không còn nữa.

Thật buồn, nếu như những buổi chiều có dịp đi qua vùng biên giới thấy vắng bóng những cây thốt nốt xa xa trên những cánh đồng lúa xanh. Nơi những hàng cây mà những chàng trai, cô gái người Việt và người gốc Cambodia đã từng hẹn hò trong những buổi tà huy, trong tiếng chuông chiều trầm buông từ những mái chùa Khmer cong vút, tiếng xe bò (cộ) lộc cộc, lộc cộc lăn về nơi xa ngái...

source

Người Việt

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Sài Gòn ‘vé số xổ liền!’



Monday, July 12, 2010






Sài Gòn Cô Nương/Người Việt

Cứ nói đến xổ số, người ta thường nhớ tới bài hát ‘Xổ số kiến thiết quốc gia, quái kiệt Trần Văn Trạch hát vào chiều Thứ Ba mỗi tuần ở rạp Thống Nhất vào lúc bắt đầu và kết thúc buổi xổ số.


Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Ðược nên cửa nhà

Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng

Triệu phú đến nơi
Năm mười đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam

Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số...

gần... đến...


Giải độc đắc rất lớn. Một ông từng mua được nhà in ở đường Phạm Ngũ Lão nhờ tấm số trúng độc đắc.

Trước kia chỉ có thành phố lớn mới có nhưng nay vé số phát hành khắp các tỉnh thành.

Mỗi tỉnh đều xổ số. Miền Trung có Quảng Bình, Gia Lai, Ninh Thuận... Miền Nam có hơn hai chục công ty: Bình Dương, Cà Mau... Ngày nào cũng vài nơi xổ: Thứ Tư Sóc Trăng, Ðồng Nai, Cần Thơ; Thứ Ba: Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu... Xổ số nhiều quá nên có công ty từng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách mang vé số của mình sang tỉnh bên cạnh bán hạ giá.

Bán vé số là công việc cuối cùng được nghĩ tới cho những người chân yếu tay mềm như người già và trẻ em. (Hình: H.A./Người Việt)


Số đề được nhiều người ưa thích vì đánh ít mà ăn nhiều. Tuy nhiên ‘đề’ không công khai, luôn luôn bị nhà nước truy quét. Trúng đề lớn quá cũng dễ bị nhà cái xù. Vì thế để hợp pháp và bảo đảm trúng số lãnh đầy đủ thì hầu hết người dân mua vé số.

Ðó là niềm hy vọng duy nhất mang đến cơ hội đổi đời nhất là người nghèo nên nhiều người dành hẳn ra một số tiền cố định để mua số mỗi ngày.

Ông xe ôm đầu hẻm dù đắt hay ế khách đều đặn một vé, nhà thơ HND vợ phát hai chục ngàn ăn sáng, ông chỉ uống ly cà phê đen, đổi bữa điểm tâm lấy hai tờ vé số... Ngày nào cũng cố gắng đều đặn như thế. Tờ vé số vài ngàn thôi nhưng hy vọng đặt vào đó rất lớn. Chị bán rau sáng sớm đang bày hàng nhưng vé số đi ngang mua liền hai vé.

Hỏi buôn bán lời lóm bao nhiêu mà đã chi hai chục ngàn. Chị phẩy tay rộng lượng, ‘Vô chừng cô ơi, nghèo mua giùm cho nhau đó mà.’

Nhiều người khác không thiếu tiền nhưng vẫn mong trúng mặc dù theo lý thuyết, tỷ lệ trúng số chỉ là 0.01%. Vé số mua đều đặn không vì mục đích tậu nhà đất, có vốn xoay xở, cho con cháu... mà thuần túy theo thói quen, như là máu cờ bạc vậy. Mỗi người một cách mua số khác nhau. Bà bán quần áo ngoài chợ cầm nguyên xấp vé lật lật chọn rút ra hai tờ, nhét vào giữa xấp tiền, cất vào bóp lẹ làng, như tờ vé số là một trong số những tờ tiền.

Người chuyên chơi vé số có nhiều cách mua. Có người chỉ mua vé số phút chót cận giờ xổ thường được coi là giờ may mắn, có người lại mua tờ vé được mời đầu tiên trong ngày, người khác nuôi con số đặc biệt nào đó như người ta nuôi số đề vậy. Mỗi người tìm con số hên riêng cho mình. Mua từ người già hay trẻ con, mua của người lạ hay quen, mua tình cờ hay chỗ cố định... Bàn vé số nào có vé trúng độc đắc hôm sau thế nào cũng có người tới hốt nguyên bàn.

Thật ra vé độc đắc khó trúng lập lại cùng một nơi. Người chơi vé số nay mua chỗ này mai mua chỗ khác vì ông thần may mắn biết ghé chân chỗ nào. Dường như đàn ông mua số nhiều hơn phụ nữ. Người già đâu còn biết kiếm tiền ở đâu nên chăm chỉ mua vé số. Ðó cũng là thú tiêu khiển. Buổi sáng mua tờ vé số, buổi chiều lo dò số. Như thế cũng có chút việc bận rộn trong suốt một ngày quá rảnh rỗi, biết đâu lại trúng số có tiền lo đau ốm, hậu sự và cho thêm cho con cháu, đỡ nhờ vả đến chúng.

Dù sao trước kia vé số giá chỉ một ngàn, hai ngàn, năm ngàn. Sau tăng lên hai loại, năm và mười ngàn đồng. Ðộc đắc cho hai loại này là hai trăm năm chục triệu và một tỉ rưỡi. Giá khá cao nên số người mua giảm đi rõ rệt. Trước kia không chơi vé số nhưng gặp dịp, người ta vẫn có thể mua giúp cho người già hoặc người tàn tật tấm vé số như một sự giúp đỡ, sẻ chia nhưng nay, nhiều người tính toán kỹ lưỡng các món chi tiêu trong nhà, việc mua giúp ấy có phần hạn hẹp lại. Số khác vẫn tiếp tục mua vé số với hy vọng giá cao thì trúng cao. Thật ra, độc đắc ngày xưa tậu được căn nhà in ở thành phố chứ bây giờ chỉ mua được căn nhà nhỏ hay chung cư ven đô thôi.

Nếu trúng số, trừ phi mua dọc đường, còn thì người bán so cùi biết ai trúng tìm tới xin thưởng ngay. Quan niệm Lộc bất khả hưởng tận nên khi trúng độc đắc, bao giờ người trúng cũng phải chia tặng cho những người chung quanh, để ra ít nhiều cho từ thiện để tránh chuyện xui xẻo được cho là hay đi cùng với những may mắn lớn.

Theo lẽ, vé của tỉnh nào trúng thì phải đến tận nơi đó lãnh tiền nhưng vì quá nhiều tỉnh ra vé số, và xem chừng dân thành phố mua nhiều nhất nên một số tỉnh mở văn phòng ở thành phố để người trúng khỏi phải đi xa lãnh.

Trong thực tế, không ai xuống tỉnh lãnh giải cả mà thường mất phần trăm cho đại lý để họ mang tiền đến tận nhà. Bởi vậy có người rửa tiền bằng cách mua lại từ đại lý các vé số độc đắc cặp.

Ðổi số từ đại lý đơn giản và mau chóng, chỉ cần đưa tờ vé số ra là đại lý chung tiền ngay trong khi có lần vé trúng bị công ty xổ số từ chối phát thưởng vì cho là là vé giả gây kiện cáo mãi. Ðại lý chung tiền cho vé trúng bất kể ít nhiều nhưng nếu chỉ vài trăm ngàn, người trúng có thể đổi ngay ở người bán vé số rong. Vì trúng ít nên những người này không ăn công đổi. Bù lại nên mua cho họ ít tờ vé số nữa.

Qua đài phát thanh, giờ xổ số vừa chấm dứt, các bàn vé số bán ngay bản dò số năm trăm đồng một tờ.

Chưa khi nào người bán vé số đông như bây giờ, cứ ngồi quán cà phê vỉa hè một lúc, vé số rong nườm nượp đi qua chìa nguyên tập. Một tờ vé số lời mười phần trăm. Tức là lời năm trăm đồng cho một tờ vé số giá năm ngàn và một ngàn đồng cho tờ mười ngàn. Một người chịu khó đi suốt ngày khoảng mười cây số sẽ bán được một trăm vé lời một trăm ngàn đồng. Ðây là công việc tự do, không chịu quyền hành chủ trên, người dưới. Nếu không muốn ngồi một chỗ với chiếc bàn vé số cố định dưới gốc cây, cạnh cột đèn thì đi bán rong lời nhiều hơn, chỉ cần sức khỏe và đôi chân dẻo dai đi bộ dãi dầu mưa nắng, len vào hàng quán, thả rong khắp đường sá, ngõ hẻm.

Trước cửa các đình miễu nghe đồn linh thiêng luôn tập trung nhiều người bán vé số, kể luôn đám ma, cổng nghĩa trang vào các ngày lễ lớn... là những nơi nếu khấn khứa thành tâm, cõi âm có thể mách cho những con số hên!

Nhất là Mùa Hè, trẻ con nhà nghèo đổ xô đi bán vé số để giúp đỡ gia đình hoặc kiếm tiền đóng học phí, mua sách vở cho niên học mới. Một số người lớn tuổi, con cái trưởng thành không cần lo lắng nhưng vẫn đi bán vé số vì muốn cuộc sống độc lập, khỏi nhờ vả con cháu. Ðây cũng là một cách kiếm tiền đơn giản và chắc chắn vì nếu không bán hết, vé có thể trả lại đại lý thay vì buôn bán thứ gì bây giờ cũng sợ ế chôn vốn hay lỗ vốn.

Người bán vé số không ăn mặc luộm thuộm mà rất gọn gàng. Phụ nữ đứng tuổi mặc đồ bộ nhưng các cô gái thường mặc quần jean, áo thun, áo khoác, tay chân mang vớ, đội mũ rộng vành, che khẩu trang tươm tất. Nhiều cô không phải chuyên nghiệp bán vé số mà có thể là thợ may, bán hàng ăn... Vào lúc nghỉ, nhất là buổi tối, họ mới đi bán vé số như một cách kiếm thêm. Một số trẻ em còn mặc nguyên áo đồng phục.

Dù sao nghề bán vé số cũng sinh biến tướng. Câu “Vé số xổ liền” ám chỉ những cô gái bán hoa giả dạng người bán số rong chào mời lơi lả khách nam giới.

Ông Tuấn ở Ngã Tư Bảy Hiền gần tám mươi mỗi chiều ra quán gần nhà ngồi uống chai bia. Ông lọt vào mắt một cô nên sau thời gian ngắn dốc sạch túi cho cô vé số “xổ liền”, ông về nhà đòi bán miếng đất dưới quê để tiếp tục nuôi dưỡng mối tình vé số.

Bán rong ngoài đường ẩn chứa rất nhiều bất trắc. Người bán vé số bị bắt nạt, bị giật vé, giật tiền, trẻ con bị lạm dụng... Hầu hết người bán vé số đều là người già, trẻ em, phụ nữ, tàn tật, là những người không có khả năng tự vệ trước những tai họa bất ngờ. Dù sao khi không có nghề chuyên môn, không biết làm gì kiếm sống thì bán vé số là công việc cuối cùng được nghĩ tới cho những người chân yếu tay mềm này. Vì thế đội ngũ người bán vé số không ngừng gia tăng.

source

NGUOI VIET Online

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Mưa Sài Gòn, mưa eo xèo trên những phận nghèo




Wednesday, July 07, 2010





Văn Lang/Người Việt

Sài Gòn mới vào đầu mùa mưa, cho nên càng phải... lạy trời mưa. Vì hạn hán khắp nơi, lúa ngoài Bắc, ngoài Trung chết hàng loạt, Sài Gòn cúp điện luân phiên, có tuần cúp tới ba bữa. Nóng le lưỡi, ban đêm tiếng hò reo cổ vũ “Uôn-Cấp” rền trong các quán cà-phê, ban ngày tiếng máy phát điện mini nổ đinh tai nhức óc...


Ðường phố Sài Gòn trong cơn mưa đêm tháng 6. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Nhưng, nếu trời mưa thì điệp khúc ngập đường, ngập xá sẽ lại lập lại, theo dự báo thì năm nay mùa mưa Sài Gòn có khả năng ngập nặng, do hệ thống cống thoát nước đang xây dựng mấy năm nay chưa nối “liên thông” với nhau, nhất là đoạn tại các ngã tư, chính quyền chỉ thị các nhà thầu phải có biện pháp khắc phục khẩn cấp khi mùa mưa về. Nhưng các nhà thầu chỉ lên tiếng hứa là sẽ cố gắng, tức là, “tà tà tới đâu hay tới đó,” vì không có biện pháp chế tài nên chỉ thị suông, chẳng ma nào sợ.

Hệ quả, chỉ mới có mấy cơn mưa tháng 6, đường phố đã ngập lụt như... dòng sông. Cơn mưa như trút nước trưa - chiều ngày 1 tháng 7 làm Sài Gòn ngập nặng, đến nỗi sân bay Tân Sơn Nhất phải tự ngắt nguồn điện gần nửa tiếng đồng hồ để kiểm tra sợ nước tràn vào làm hỏng hệ thống điện. Một số bờ bao tuyến Thủ Ðức bị vỡ, nước tràn vô nhà dân, tái diễn cảnh dân loi ngoi, lóp ngóp vừa “be bờ” trước cửa nhà vừa loay hoay tát nước, y như cảnh chống lụt... năm Thìn.

Mưa đem nước cho ruộng đồng, cho thủy điện, mưa cũng làm cho người ta chạy tán loạn mùa World Cup, vì mấy quán nhậu vỉa hè, mấy quán cà-phê bình dân đem TV ra ngoài trời phục vụ dân ghiền đá banh coi cho mát. Mưa ào xuống, xúm nhau chạy, la chí chóe...

Mưa, khắc sâu thêm nỗi buồn cho những người chiến bại. Ðêm Hàn Quốc là bại tướng dưới tay Argentina với tỉ số 1-4, Sài Gòn mưa như trút nước. Mưa làm não nùng những cổ động viên Hàn Quốc xa quê hương, mưa làm tan tác thêm những hy vọng nhen nhóm trong lòng những cổ động viên Châu Á, mưa rơi trên nỗi buồn Nhật Bản, khi những chiến binh Samurai chỉ đành vẫy tay chào World Cup trong loạt sút luân lưu 11 mét với Paraguay.

Mưa, mưa, mưa... Mưa rơi trên khu tứ giác Eden, với những người Sài Gòn xưa, mưa đã mất thêm một hoài niệm nữa...

Ðời-Mưa-Gió, những Tuyết, những Loan mắt nhung, những Trà Hoa Nữ, những thân phận Thúy Kiều bèo giạt môi trôi, đêm đêm đứng vỉa hè Sài Gòn chào đón khách làng chơi. Mưa đã cuốn người đi theo những chân sút mùa World Cup, mưa chỉ làm nhạt nhòa thêm phận phấn son. Mưa, đêm về, người mỗi lúc một lưa thưa và trời ơi, chỉ toàn mấy cha thua cá độ...


Chỉ một cơn mưa nhỏ đầu tháng 6 là đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, nước đã đóng thành ao. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Tháng 6 mưa, cũng là mùa hoa phượng nở, mùa của thi ca và cũng là mùa... thi cử. Năm nay, nhân vật trung tâm của mùa hè này không chỉ là mưa, là World Cup mà còn là mùa thi cao đẳng và đại học. Hàng triệu lượt thí sinh từ các tỉnh kéo về các thành phố, mà Sài Gòn là nơi sĩ tử cả nước tề tựu đông đảo hơn cả.

Ðã bước qua thế kỷ 21, con người đã tính chuyện đặt chân lên sao Hỏa mà Việt Nam vẫn cứ tới hẹn lại lên tái diễn cảnh lều chõng đi thi chẳng khác gì chuyện vang bóng một thời như ngày xưa Nguyễn Tuân miêu tả. Ðể rồi từ những kiểu học hành chạy đua theo thành tích, mỗi năm báo cáo hàng ngàn ông tiến sĩ giấy ra đời, mỉa mai có ông tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài mà không hề biết một câu ngoại ngữ. Mưa cứ rơi, dù có rơi dầm dề cũng không xóa nhòa được nỗi nhục của những kẻ háo danh, hám lợi. Còn với những kẻ học thật, thi thật thì đôi khi đường không trơn mà lại té vì đạp nhằm vỏ chuối, vậy mới có lời than: “Thi không ăn ớt thế mà... cay!” Mưa thương cho người sĩ tử nghèo co ro nơi phồn hoa đô hội. Mưa thương bà mẹ già tựa cửa ngóng tin con.

Ðến hẹn lại lên, Tháng Sáu dù không lạy trời mưa, trời vẫn mưa, như người tình chung thủy, như chuyện tình ngưu lang-chức nữ, không cần phải ô thước bắc cầu mưa cũng về cùng chốn nhân gian. Mưa không như ngày xưa, mưa không trong veo như giọt nước mắt em tôi ngày con đò đưa em sang ngang. Mưa từ ải Nam Quan tới tận mũi Cà Mau, mưa đâu đâu cũng một màu ô nhiễm, mưa như trong câu hát đồng dao:

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày...

Ruộng tôi rày đã lên đô thị, em tôi thôi đồng áng lên thị thành tiếp khách Ðài Loan. Dòng kênh xanh nay đã hóa dòng kênh đen, mưa như những hạt cườm bảy màu, những cơn mưa a-xít làm nhuộm đỏ mái tranh nghèo, làm thủng những mái tôn nát, mưa eo xèo trên những phận nghèo, nửa đêm trở mình nghe tiếng mưa đau...

source

Nguoi Viet Online

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Nghề vận chuyển cá tra



Cập nhật lúc 4:06:15 AM - 30/06/2010

catra1.jpg


Gánh cá xuống ghe – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Khoảng 6, 7 năm gần đây, phong trào nuôi cá tra ở Miền Tây phát triển mạnh, làm phát sinh nhiều ngành nghề liên quan, trong đó có nghề vận chuyển cá tra. Có khi vận chuyển cá từ hầm xuống ghe, hoặc từ hầm đến nhà máy, đến xe bồn chứa, hoặc để bội cá sau xe gắn máy, chạy thật nhanh xuống ghe kịp cho cá không bị chết, hoặc gánh từ hầm cá xuống ghe. Công việc xem ra rất nặng nhọc và đòi hỏi người làm công phải dầm nước phơi nắng. Nhiều rủi ro cũng thường xuyên xảy ra cho người làm nghề này như bị cá đâm, bị té xe vì trơn trợt, hoặc bị vấp té khi đi đòn dầy… Đa số họ là những thanh niên nghèo không có công ăn việc làm, được thuê mướn khi cần thiết.


catra2.jpg


Mang cá từ ghe lên xe đẩy – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


catra3.jpg


Xúc cá vào bội– ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


catra4.jpg


Xúc cá từ hầm ghe lên – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


catra5.jpg


Có khi phải lặn vào hầm ghe để lùa cá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


catra6.jpg


Vừa cân vừa gánh cá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


catra7.jpg


Gồng tay mỗi phút cân cá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


catra8.jpg


Gánh cá dễ bị té – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

source

Vien Dong Daily