Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Hoa Tết Sài Gòn



Cập nhật lúc 4:45:34 AM - 24/04/2010

423h1.jpg


Kinh Nhiêu Lộc.


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Hoa là biểu tượng của hạnh phúc tươi vui an bình. Trong lễ lạc hiếu hỷ mà thiếu hoa thì chẳng còn gì ý nghĩa. Với người Việt Nam, ngày đầu năm ai cũng có hoa để chào mừng vận hội mới, một năm thăng tiến, phát đạt và thành công. Thế nên phải am hiểu từng loại hoa, phải phân biệt vẻ đẹp của hoa, hiểu rõ ý nghĩa lời hoa, mua hoa ngày Tết quả thật không đơn giản.

Thông lệ mỗi năm, sau ngày đưa ông Táo về trời, là chợ Tết lên khung, mặt hàng nổi bật là hoa và bánh mứt. Theo truyền thống, Mai là hoa của Tết, một cành mai vàng 5 cánh dù nhỏ nhắn đơn sơ nhưng cắm bình thích hợp, bày đúng chỗ, vẫn sang trọng và ý nghĩa. Chậu cúc vàng vạm vỡ chỉ để thêm rạng rỡ cảnh nhà, để trang trí trước cửa, không sánh được với Mai. Miền Bắc, hoa Tết là Đào, Đào thắm, Đào phai, Đào hạp xứ lạnh, làng Đào Nhật Tân nổi tiếng từ xưa, nay phải dời đi nơi khác cho cao ốc mọc. Dân Hà Nội ai cũng tiếc than, nhưng xã hội đã đổi thay, quốc hồn quốc túy bị phai dần, phải ngậm ngùi chấp nhận.


423h2.jpg


Hoa kiểng trung tâm Sài Gòn


Dân miền Nam trồng nhiều loại hoa quả cho ngày Tết: Mai, Cúc, Mãn Đình Hồng, Thược Dược, Quất, Đào Tiên, Cẩm Chướng, Hồng, Huệ...Đi chợ Tết có nghĩa là đi xem hoa, mua hoa. Năm nay tôi dành mấy ngày cận Tết chụp ảnh “Hoa Tết Sài Gòn”.

Nói “Hoa Tết Sài Gòn”, thực ra hoa từ các huyện ngoại thành nhập về, hoa miền Tây chở lên, hoa tràn đầy các công viên, hoa la liệt bên bờ kinh...và nhiều nẻo phố. Một bạn ảnh trẻ chở tôi từ khu Miếu Nổi qua xa lộ Đông Tây, con đường vắng xe, rộng thênh thang chạy theo con kinh Nhiêu Lộc ra tận Bình Chánh. Đây là một trong những con kinh đen, hôi hám, nhà ổ chuột hai bên bờ đã trăm năm qua, cũng là yếu tố làm ô nhiễm môi trường.


423h3.jpg


Hoa kiểng nằm ụ


Kinh Nhiêu Lộc như mạch máu chính quanh co qua “cơ thể” Sài Gòn, đang được ngoại quốc đầu tư chỉnh trang “nâng cấp”. Tôi hình dung một ngày nào đó, dòng kinh đen sẽ trở nên trong xanh như dòng sông Seine chảy qua kinh thành Paris, lúc ấy Sài Gòn mới đẹp và duyên dáng làm sao! Đó chỉ là ước mơ, từ ước mơ đến sự thực phải thông qua con người, con người Việt Nam trong thời đại mới hôm nay ra sao, rõ ràng ai cũng thấy...vậy thì mơ ước vẫn còn dài.

Qua đến địa phận quận 6, đã có nhiều ghe hoa-kiểng, những chiếc ghe lớn dài như toa tàu mắc cạn phía bờ kinh bên kia. Nước ròng, lòng kinh phơi bùn, ghe nằm nghếch mũi chịu trận. Người bạn trẻ cho hay: “Mọi năm hoa miền Tây đổ đầy lên xa lộ bên này, năm nay có lệnh cấm”. Đã 27 Tết, chỉ còn 3 ngày, hoa kiểng lại phải đưa về vườn hay sao. Công lao vốn liếng một năm đành để úa tàn! Nhiều người cho rằng ở Việt Nam, đời sống rất thoải mái, làm việc, ăn chơi, di chuyển, tự do tùy tiện, tuy nhiên vẫn có luật để khi cần thì “chuyên chính”. Luật lệ Việt Nam vốn đa dạng lại khi ẩn khi hiện, cho nên dễ khó, khó dễ, chẳng biết đâu mà lần.


423h4.jpg


Hoa kiểng dọc bờ sông.


Tôi chọn một vài góc nói lên sự tắc nghẽn của nghề lái hoa trên sông. Dáng dấp và nỗi niềm của ghe là chính, nhất là đôi mắt ghe thao láo nhìn trân trân người qua lại. Ghe miền Nam mắt khác hẳn mắt ghe miền Trung, miền Bắc hình như ghe không có mắt. Mắt ghe trong Nam, to tròn ngây thơ và hiền, trái với miền Trung mắt ghe dài có đuôi và “thâm hơn”. Tôi từ tốn rà máy tìm một hai ảnh, tuy không hoa lá cành nhưng cũng đẹp, đẹp theo đời lao động, đẹp trong nỗi khốn khó của con người. Về nghệ thuật, không nhất thiết chỉ có màu sắc son phấn mới đẹp. Một nụ cười ngây thơ của con trẻ, cái nhìn đăm chiêu của một lão bà, cũng nói lên được điều gì đó trong khoảnh khắc mong manh của cuộc sống, điều quan trọng là người cầm máy thấy hay không. Tôi thích đi tìm đường nét dung dị đời thường. Tất nhiên sự kiêu sa rực rỡ vẫn có vẻ đẹp riêng, vẫn đáng được tôn vinh.

Qua bờ kinh bên kia, Hoa trải dài trên lề đường dọc theo kinh, khách lơ thơ, thiếu cái không khí tấp nập háo hức của chợ hoa ngày Tết. Hoa bờ kinh là hoa bình dân, tuy cũng đủ sắc màu mà nhỏ bé khiêm nhường, giá cả hẳn là hợp với túi tiền con nhà lao động. Tuy hình ảnh hoa không có gì đặc sắc, song lại gặp nhiều cảnh đời thường thuộc loại “quí hiếm” đối với người sống phương xa, với người quen nếp sống “đóng hộp”, một đời sống sạch sẽ trong veo, ngăn nắp trật tự mà người cầm máy đã quá biết. Đứng trên cầu qua con lạch rẽ từ kinh lớn, tôi thấy có nhiều chị đàn bà đang khom người bươi móc tìm “chất sống” giữa một núi rác cạnh chân cầu. “Sống nhờ rác, chết vì rác”, có người đã nói thế. Nhìn xuống con lạch nước đen bóng thành tấm gương phản chiếu hình ảnh im ắng của những chiếc ghe hoa ế khách, cảnh buồn hiu chẳng Tết tí nào.


Tôi bảo Dũng: “Thôi chạy về chợ Bến Thành và đường Nguyễn Huệ”. Đối diện chợ Bến Thành, công viên 29/3 (1) là một làng hoa tập trung toàn hạng “cao thủ võ lâm”. Ngoài màu sắc tươi thắm rực rỡ còn dáng thế kiểu cọ, xem rất thích, chụp ảnh thấy mê. Đây đúng là chợ hoa, khách khá đông. Giá cả từ vài chục ngàn đến vài trăm triệu. Tôi đang chăm chú chụp mấy bông hoa Hướng Dương vàng rực, có ông khách đến hỏi: “Hoa đỏ kia là hoa gì hả ông”. Ông khách có vẻ “Việt kiều”, ông mang chiếc máy Nikon Cooplix nhỏ trước ngực, - “Hoa Mãn Đình Hồng”. – “Tên hay nhỉ, có phải hoa này bên Tàu”? – “Tôi không rõ, nhưng tên thì đúng là Tàu”.

Hoa kiểng ngày Tết cả ba miền đều có Tắc, những chậu tắc quả vàng óng phủ kín cây, biểu tượng của một năm sung túc thịnh vượng. Theo tôi, Tắc Hà Nội sai quả, đầy đặn, bề thế hơn Tắc Sài Gòn. Cái nổi bật của Sài Gòn là hoa Mai. Ngay trong công viên 29/3, Mai chiếm nhiều chỗ hơn hết, những chậu mai nhỏ vừa để bàn, loại mai kiểng này khá công phu, tuy cây nhỏ mà đầy hoa, cành nhánh uốn thế rất đẹp. Tôi không rõ nhà vườn làm cách nào, có lẽ là chiết cành, nhưng cành chiết y như một cây thực thụ. Nếu ương hạt thì làm sao mỗi mùa Tết có hàng ngàn chậu cung cấp đi khắp tỉnh thành trong nước.

Miền Nam những năm sau 75, xuất hiện nhiều giống Mai vàng, ngoài giống Mai cổ truyền 5 cánh, còn Mai 8 cánh , 16, 32 cánh gọi là Cúc Mai. Những loại Mai nhiều cánh, theo tôi chỉ lạ mắt, còn Mai 5 cánh mới đúng nghĩ, đẹp và quí phái hơn. Một khu trưng bày toàn những chậu Mai kiểng lớn phải hai người khiêng, gốc mai to như gốc mít, mỗi cây mỗi thế, công phu uốn nắn cũng phải hàng chục năm. Loại Mai này giá cả không phải để cho giới trung lưu, phải là “đại gia” mới kham nổi, vài trăm triệu trở lên. Người bán cho biết Mai từ vườn kiểng Sáu Mai quận 12, vườn có cả ngàn gốc Mai ghép. Nhưng anh cũng than thở: “Xem thì nhiều mà chẳng thấy ai mua”. Chuyện dễ hiểu, 99% dân kiếm từng đồng, làm sao có bạc triệu mua hoa!

Người mình đến nay vẫn không thay đổi cách cách chơi hoa kiểng, vẫn chậu men, chậu đắp sành sứ màu mè hoa mắt, đã hao tốn lại làm giảm đi nét đẹp của cây. Đặc biệt hoa Tết năm nay có những Rồng, Lân kết trái màu vàng rực. Thoạt nhìn tôi cứ tưởng trái nhựa, hỏi người bán mới biết quả Đào Tiên, từa tựa quả mận (roi). Giá Lân 5 triệu một cặp, Rồng 8 triệu một cặp. Chơi ba ngày Tết mất chục triệu cũng không mấy người. Vừa lúc có hai nhà sư đắp y vàng đến ngắm, tôi chụp mấy tấm, nhà sư mỉm cười như thầm bảo “cứ tự nhiên”. Tôi đến đảnh lễ, sư cô cho biết đây là Sư Ấn Độ đến thăm Việt Nam để tổ chức một tour du lịch qua Ấn. Ngày trước cô tu học bên Ấn, nay đưa vị sư đi xem chợ Tết.


423h5.jpg


Chuẩn bị đường hoa Nguyễn Huệ.


Rảo hết một vòng khu chợ hoa, tôi đi bộ xuống đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, hai con đường chính, trang trí qui mô để đón Tết Canh Dần. Đường Lê Lợi kết toàn lồng đèn trái ấu vàng, lớn nhỏ từng dây dài trên cây cao thòng xuống, làm cho đại lộ sáng hẳn lên. Đại lộ Nguyễn Huệ thì công nhân đang đổ đất làm đồi cỏ, đang đóng giàn trang trí hoa, có vẻ đồ sộ lắm. Tết năm nay, Nguyễn Huệ là đường hoa tiêu biểu của Sài Gòn cho bà con dạo chơi. Công trình đang thực hiện, ngổn ngang lôïn xộn, nên nhân viên gác không cho chụp ảnh, dù vậy tôi cũng bấm một hai tấm. Điều bất ổn là công trình mang tính “văn hóa nghệ thuật” tính cổ kính, mà không khí đời sống thì trái ngược: Hỗn độn, tất bật, ồn ào và ô nhiễm. Nhưng chẳng có vấn đề gì, ai cũng bịt mặt đua nhau chạy, mọi người cùng một cung cách, nên chẳng ai cho đó là điều khác thường. Dọc theo vỉa hè ngoài khu thương xá Tax được trang trí màu sắc hoa lá sinh động, hấp dẫn khách qua đường. Đã có người đưa các em bé đến mượn phông chụp ảnh.

Đời sống ra sao không biết, nhưng chuẩn bị ăn Tết như vậy quả là qui mô tốn kém. Khách ngoại quốc sẽ khó hiểu được lòng hâm mộ lễ hội cổ truyền của dân Việt. Tuy nhiên mặt hình thức tôi thấy mô phỏng cung cách của người Hoa hơi nhiều. Cứ nhìn những lồng đèn đỏ và màu sắc cảnh trí thì y chang. Đã có ý kiến cho là Việt Nam, nên bỏ Tết âm lịch, ăn Tết dương lịch như Nhật và các nước trong khu vực. Nếu xét thấy có lợi cho đời sống và thể hiện được nét văn hóa độc lập thì tại sao không!


Trần Công Nhung

02-2010


(1). Nhà ga xe lửa trước kia. Lối đặt tên đường, công viên, kinh lạch...nhà nước XHCNVN hay dùng những con số “lịch sử” khó hiểu, khó nhớ. Không như các nước phương Tây dùng số học thứ tự (1st ,2nd ,3rd )


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.Từ nay đến hết ngày 31- 5- 2010 độc giả mua nguyên bộ (10 cuốn) chỉ trả 50% (110$+5$ cước phí).

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260 email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
Vien Dong Daily

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Nhớ về Tân Định




Sunday, April 18, 2010





Nguyễn Ðạt/Người Việt

Mặt trước chợ Tân Ðịnh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Có vẻ như người ở phương xa nhớ về nơi chốn cũ, nhưng chúng tôi lại là cư dân Sài Gòn từ thuở nhỏ, tới nay tuổi đã ngoài sáu mươi vẫn sinh sống tại đây. Ðấy là tình cảm của chúng tôi với Tân Ðịnh, một vùng phố xá Sài Gòn, hàng ngày gặp mà vẫn nhớ thương như đã xa rời.

Ðường Hai Bà Trưng chạy ngang qua Tân Ðịnh. Phía xa bên phải là nhà thờ Tân Ðịnh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Sài Gòn vốn có những vùng mang riêng địa danh: Ða Kao, Hòa Hưng, Ngã Ba Ông Tạ, Bà Quẹo, Khánh Hội, Ngã Sáu Chợ Lớn, Ngã Bảy, Thị Nghè... Giữa những vùng có địa danh riêng đó, Tân Ðịnh nổi lên như một gương mặt sáng láng, thị thành nhất. Tân Ðịnh như một trung tâm của Sài thành, từng là “Hòn ngọc Viễn Ðông.” Ðường Hai Bà Trưng, phía bên Chợ Tân Ðịnh thuộc quận 1, phía đối diện có nhà thờ Tân Ðịnh, thuộc quận 3. Con đường Hai Bà Trưng xem như huyết mạch của vùng Tân Ðịnh, và khu vực Chợ Tân Ðịnh là trung tâm điểm của vùng phố thị này.

Tiệm thuốc Cam Hàng Bạc, di cư vào Nam thành Nhà thuốc Nhân Phong Ðường. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Trước 30 tháng 4, 1975, dọc dài hai mươi năm ở miền Nam tự do, người uống cà phê sành điệu chỉ tới Tân Ðịnh để mua cà phê hương vị Pháp: Jean Martin, Meilleur Gout. Phục sức của thanh niên đúng điệu, hợp thời trang, không thể thiếu đôi giày đặt làm ở Trinh'shoes trên đường Hai Bà Trưng. Sau bao biến thiên, vật đổi sao dời, tiệm giày Trinh'shoes đổi chủ, nay cũng là một tiệm giày thời trang, chìm lẫn trong vô số tiệm giày ở Sài Gòn. Thuốc “Cam Hàng Bạc-Hà Nội”, tức nhà thuốc Nhân Phong Ðường, nổi tiếng thuốc hay từ lúc ở Hà Nội, chữa trị sài đẹn cho trẻ em, di cư vào Sài Gòn năm 1954. Nhà thuốc đặt tại Tân Ðịnh, trên đường Hai Bà Trưng, gần khúc rẽ vào đường Yên Ðỗ - đường Lý Chính Thắng bây giờ. Ngôi nhà cũ xưa, mái ngói rêu phong bao nhiêu năm của nhà thuốc Nhân Phong Ðường, mới được xây dựng cao tầng, vừa hoàn thành chừng một tháng nay.

Rạp Văn Hoa từng quen thuộc với nhiều người dân Sài Gòn xưa và nay. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Ðọc một bài nhớ thương Tân Ðịnh của một người hải ngoại trên báo Internet, tác giả là cựu nữ sinh trường Marie Curie ở Sài Gòn, nhắc nhớ quán cà phê Thu Hương, cà phê Văn Hoa-Ða Kao, bánh xèo Ðinh Công Tráng, giò chả Phú Hương... của Tân Ðịnh. Quán cà phê Thu Hương, cả một thời thu hút đông đảo thanh niên nam nữ Sài Gòn, sau biến cố 30 tháng 4, quán cà phê mất tích này là một trong những nỗi tiếc nhớ của nhiều người. Từ đường Hiền Vương - đường Võ Thị Sáu bây giờ, rẽ vào đường Hai Bà Trưng vài trăm mét: quán Thu Hương, cùng phía nhà thờ Tân Ðịnh, với vườn cây rộng rãi sau hàng chắn song sắt thưa. Bây giờ đi qua đó, không ai hình dung được thuở trước có một quán cà phê dễ cảm, mà chỉ thấy những nhà cao tầng chen chúc hôm nay.

Góc nhọn mũi tàu ở đầu đường Trần Văn Thạch và Nguyễn Phi Khanh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Rạp chiếu phim Văn Hoa, quán cà phê ở đó gọi là cà phê Văn Hoa, nay vẫn còn tại chỗ, trên đường Trần Quang Khải, sát khu Ða Kao, hiển nhiên chỉ khác là chủ mới, cà phê mang tên Cát Ðằng, trên lầu của tòa nhà rạp chiếu phim mang tên “Cinéma Văn Hoa.” Giò chả Phú Hương thuở trước thì nay cửa tiệm biến dạng, chia năm xẻ bảy, một căn nhà còn trưng biển hiệu Giò Chả Phú Hương, lại thấy nhiều tủ kính bày trên hè đường, phía trước cửa tiệm, một trong những tủ kính ấy ghi chữ lớn đậm: “Giò Chả Phú Hương chính hiệu.” Ðường Ðinh Công Tráng, con đường nhỏ hẹp, từ nhiều năm được xem như “con đường bánh xèo,” đưa bánh xèo lên làm đặc sản của vùng Tân Ðịnh, vẫn ngày ngày nhộn nhịp khách tới.

Một quán cóc đầu đường Bà Lê Chân, quen thuộc với tác giả. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Chúng tôi thường ngồi uống cà phê tại một quán cóc, bàn ghế bày ra vỉa hè ở khúc đầu đường Bà Lê Chân. Con đường này cũng nhỏ hẹp như đường Ðinh Công Tráng, nối từ đường Trần Quang Khải tới khu Chợ Tân Ðịnh. Chủ quán cóc duy nhất trên đường Bà Lê Chân là anh Thái Kỳ, thứ nam của cố họa sĩ Thái Tuấn - họa sĩ Thái Tuấn mất năm 2007, ở Tân Ðịnh. Con đường Bà Lê Chân mặc nhiên trở thành một nhánh đường của Chợ Tân Ðịnh, đông đảo bà con bán hàng trái cây, các thứ rau củ quả... dọc hai bên đường. Sinh thời, họa sĩ Thái Tuấn định cư tại Pháp, về Sài Gòn ở lâu dài, tới ngày mất. Hàng ngày họa sĩ Thái Tuấn ra ngồi ở quán cà phê của thứ nam. Ông nói, “Tôi thích ngồi ở đây ngó người đi Chợ Tân Ðịnh, nhiều lần gặp lại người thân quen từ bao nhiêu năm trước... Tôi đã sống ở vùng Tân Ðịnh này từ năm 1954 di cư vào Sài Gòn. Thuở thiếu niên, vào những năm 1930, tôi cũng đã vào ở Tân Ðịnh mấy năm, sau đó mới ra Hà Nội. Lúc đó, một người bạn tôi sinh ra tại đây, bảo rằng từ nhỏ đã thấy có Chợ Tân Ðịnh. Nghĩa là Chợ Tân Ðịnh ít nhất đã được lập nên từ những năm đầu thế kỷ hai mươi. Anh đã thấy cái hầm tránh bom của Nhật ở sát bên Chợ Tân Ðịnh không? Cái hầm rất kiên cố, tôi mới vào nhìn lại, thấy mấy gia đình trú ngụ trong đó...” Chúng tôi thì thường gặp người khách hàng Chợ Tân Ðịnh, chị Mộng Tuyền (ca sĩ, diễn viên cải lương) từ hải ngoại về, sáng sáng đi chợ, lần nào cũng ghé quán nói chuyện vui vẻ, nhận lời khen của dân Sài Gòn chúng tôi, “Buổi sáng nào vắng chị Mộng Tuyền đi ngang đây, con đường Bà Lê Chân bớt hẳn vẻ thắm tươi...”

Họa sĩ Thái Tuấn nói về mái-nhà-xưa của ông, sâu trong một ngõ hẻm đường Yên Ðỗ, “Sau lưng nhà tôi ở là Bến Tắm Ngựa, khu đất rộng, dốc thoai thoải xuống con kênh Nhiêu Lộc, chỗ tắm cho ngựa của các mã phu xe thổ mộ. Ðặc biệt, các anh tài xế Taxi Sài Gòn thường tụ tập ở khu đất này, chơi thảy 'boule' - trái bi sắt, trò chơi truyền thống của người Pháp. Ði dọc lên con kênh là gặp ngôi chùa Miên, rồi đến ngôi trường Ðại Học Vạn Hạnh lập nên sau đó, như anh đã biết từ lâu rồi.” Chúng tôi đã biết từ thuở các bác tài xế Taxi còn chơi thảy bi sắt, các bác xe thổ mộ tắm ngựa, có lẽ hình ảnh này chấm dứt vào khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Sài Gòn thưa thớt tới dần hết loại xe ngựa kéo.

Thời gian đó, chúng tôi cũng thường ghé Yễm Yễm Thư Quán ở đường Trần Văn Thạch - đường Nguyễn Hữu Cầu bây giờ - con đường phía sau Chợ Tân Ðịnh. Chúng tôi còn nhớ, những sách do Yễm Yễm Thư Quán xuất bản có hàng chữ tiêu đề: “Góp lại tự bốn phương / Tung ra khắp bốn phương.” Yễm Yễm Thư Quán mất tích, con đường Trần Văn Thạch nới rộng, mất đi vẻ xinh xắn cảm động của một con phố nhỏ. Tân Ðịnh còn một con phố nhỏ xinh xắn cảm động như vậy: đường Nguyễn Phi Khanh. Từ đường Trần Quang Khải mở ra như mũi tàu, hai bên sườn tàu là đường Trần Văn Thạch và đường Nguyễn Phi Khanh. Từ thuở trước, ở đầu kia của đường Nguyễn Phi Khanh có quán cà phê Thái Chi, quán nhỏ và rất sạch sẽ, chủ nhân rất khó tính, luôn cằn nhằn nhắc nhở nếu khách cẩu thả bừa bãi trong việc pha, uống cà phê. Quán không mang biển hiệu, khách gọi tên quán theo tên chủ nhân. Bà Thái Chi đã mất từ lâu, thân quyến của bà tiếp tục đứng bán. Về sau, một dãy quán cà phê cóc mọc lên, bàn ghế bày chật hai bên vỉa hè khúc đường này.

Khi họa sĩ Thái Tuấn, người họa sĩ sống với hoài niệm Sài Gòn - đặc biệt trong đó là Tân Ðịnh - đi về cõi thiên thu, chúng tôi lại càng nhớ về Tân Ðịnh.

source Nguoi-Viet Online

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Võ lãi Miền Tây



Cập nhật lúc 8:59:23 PM - 13/04/2010

volai1.jpg


Võ lãi chở heo đi bán – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Hải Yến/Viễn Đông


Ngoài xuồng ba lá, năm lá có thể bơi, chống và chèo… nhưng do nhu cầu đi lại nhanh hơn nên từ đó Miền Tây có thêm phương tiện võ lãi, võ vọt đặt máy đuôi tôm, máy dầu, có khi đặt cả máy xe hơi chạy như bay trên mặt nước.

Võ lãi, hay võ vọt là phượng tiện giao thông rất tiện lợi và nhanh chóng có thể chở được nhiều, chạy nhanh, dùng vận chuyển bệnh nhân từ những nơi hẻo lánh, xa xôi ra bệnh viện ở thành phố, có thể đưa trẻ đến trường vào mùa lũ, có thể rước dâu và chở nông sản… Sau đây là một vài hình ảnh mà phóng viên báo Viễn Đông muốn giới thiệu quý độc giả tuần này.


volai2.jpg


Lái heo mùa dịch lở mồm long móng – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


volai3.jpg


Vợ chồng thu mua nấm rơm từ nông thôn xa xôi đưa về nhà máy – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


volai4.jpg


Võ lãi mắc cạn mùa hạn hán – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


volai5.jpg


Võ lãi vận chuyển hột vịt ra chợ – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


volai6.jpg


Tàu dạng võ lãi lớn chở vịt chạy đồng mùa cúm gia cầm– ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


volai7.jpg


Võ lãi mini, một phương tiện hữu hiệu trên kinh rạch nhỏ – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông

volai8.jpg

Võ lãi đặt máy xe hơi chở trứng vịt – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông

source

Vien Dong Daily

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Tắm sông mùa nắng nóng


Cập nhật lúc 3:51:56 AM - 07/04/2010

tamsong1.jpg


Bé tắm sông – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông


Vy Vy/Viễn Đông


Vào những ngày này, thời tiết ở Nam Bộ cực kỳ oi bức, nóng nực. Người dân một số nơi thiếu nước sạch để uống và sinh hoạt hàng ngày. Nhiều bệnh dịch cũng bùng phát như dịch tả, bệnh về đường hô hấp và bệnh sởi… mà phần nhiều bệnh nhân là trẻ em. Nhiều bệnh viện quá đông bệnh nhân. Cảnh 2, 3 người nằm một giường là chuyện thường. Môi trường ô nhiễm lại càng khiến cho bệnh dịch dễ có cơ hội lây lan rộng khắp. Mùa này cũng là mùa tắm sông của người dân vùng sông nước Nam bộ, để phần nào giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng kéo dài.


tamsong3.jpg


Nhảy cầu tưng bừng cả xóm – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông


tamsong4.jpg


Gặp nước – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông


tamsong5.jpg


Tập bè trên sông – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông


tamsong6.jpg


Nước sông ở nông thôn Miền Tây đục ngầu như cũng phải tắm – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông


tamsong7.jpg


Bè chuối – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông


tamsong8.jpg


Bè bằng thân dừa nước – ảnh: Vy Vy/Viễn Đông

source

Vien Dong Daily