Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Núi Thần Đinh (2)


Cập nhật lúc 3:31:27 AM - 27/02/2010

253h1.jpg


Đường lên núi Thần Đinh


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Ngay chân núi có một vài nhà dân, cũng bán nhang đèn vừa giữ xe cho khách. Trước khi lên bậc tam cấp đầu tiên, tôi nhìn xuống một vùng ruộng nương hoang vắng chẳng khác gì cảnh vật lúc tôi còn nhỏ. Núi đồi xứ mình không như xứ người, lam nham đủ thứ cây cối, ở Mỹ, những quả đồi trơn tru rõ nét, rải rác điểm vài ba cây ôốc (oak) già (6), trông thật mát mắt, đẹp và nghệ thuật, tưởng như do bàn tay người tạo nên.


253h2.jpg


Miếu cổ


Nhìn những bậc đá chẻ thẳng thớm cao dần thoai thoải, tôi yên tâm, “vầy thì đi mấy cũng chẳng sao”. Chừng vài chục bậc, độ dốc đứng dần, được 100 bậc thì không những dốc đứng mà bậc đá cũng dày hơn, 20cm vừa tầm bước, lên 25cm, hai chân phải tăng sức gấp đôi, mệt thấy rõ. Đến bậc thứ 200, dừng lại nghỉ và mừng thầm, “nửa đường rồi”. Đưa máy ảnh ngắm xuống một vùng ruộng đồng đồi núi nơi đây, khác hẳn cảnh trong miền Nam. Một cụm núi bên tay phải, máy xay đá nhả khói lẫn với bụi đá do nổ mìn, làm mờ một góc trời, một vài mái nhà ngói rải rác ven đồi bạch đàn. Người bạn chỉ cho tôi, phía xa tít vùng nước bạc là phá Hạc Hải (huyện Lệ Thủy). Đi tiếp chừng tiếng đồng hồ, đến bậc 400, nhìn xuống xóm làng thăm thẳm, nhìn lên đỉnh núi còn đâu đâu. Anh bạn lại khích lệ: “Gần tới rồi, lên chỗ cây kia là đường bằng dễ đi”. Nghỉ lấy hơi đi tiếp, cứ mỗi 50 bậc, 100 bậc lại có một khoảng trống bằng phẳng chừng 5m vuông, có lẽ tương lai sẽ là quán hàng cho khách dừng chân. Mỗi khi tôi tỏ vẻ nản, lại nghe điệp khúc “Tới chỗ cây kia...”. Lúc lên đến đỉnh thì ngay bậc cuối cùng có số 995 bằng sơn đỏ.


253h3.jpg


Niệm hương


Tôi không ngờ mình đã lên cao như vậy. Cô bán nhang và anh bạn nhà thơ cũng “bí mật”, không cho tôi biết trước số 995, sợ tôi ngại mà bỏ cuộc chăng. Hít thở bầu không khí của núi rừng nguyên sinh một lúc, tôi có cảm giác như người khỏe hẳn ra và có chút chút tự hào.

Đứng giữa một một vùng vài trăm mét vuông, cây cối xác xơ, cảnh hoang tàn do cơn bão số 9 đi qua mấy hôm trước. Một hai mảng tường của chùa xưa, gạch vữa rã nát theo tháng năm bám rêu đen cháy, cạnh một ngôi miếu nhỏ bị bể toang một góc chơ vơ. Phía xa có hai nấm đất đầy chân nhang như mộ hoang.

Đấy là những gì còn lại của ngôi chùa Kim Phong mấy trăm năm trước (7).

Anh bạn châm lửa đốt nhang, mỗi người một nắm, chúng tôi tùy tâm khấn vái. Trong ánh nắng chan hòa của giờ Ngọ, trên đỉnh Thần Đinh, trời im gió, không gian lặng như tờ, tôi có cảm tưởng lời khấn của mình vang vọng thật xa, một cảm giác nằng nặng khó tả: Vừa bồi hồi tiếc thương, vừa cảm động sung sướng. Tôi không bao giờ nghĩ mình có dịp đến một nơi linh thiêng lạ lẫm như vầy, ngay nơi mình sinh đẻ.


253h4.jpg


Dấu tích còn lại


Quê Hương thường được ngợi ca do mang lại lợi nhuận vật chất “Rừng vàng biển bạc” mà bỏ quên hồn thiêng sông núi, chứng tích còn khắp nơi trên dải đất chữ S từ mấy nghìn năm qua. Chùa Kim Phong núi Thần Đinh chỉ mới một.

Chúng tôi cắm nhang một vùng chung quanh ngôi miếu cổ, lặng yên mặc niệm. Được nửa tuần nhang, tôi theo tam cấp xuống phía bên kia, nơi có giếng Tiên, trước đây nước rất trong và không bao giờ cạn. Xuống một đoạn, tôi sực để ý đến một khối đá xanh đường kính đến 5m, màu sắc giống loại đá chung quanh nhưng tạo hình thì rất lạ. Chân chia nhiều khía bè ra như gốc một đại thụ, mỏm bị gãy ngang như thân cây bị chặt. Da đá bị băm khứa hoặc nứt kiểu vỏ cây. Tôi sanh nghi và tự hỏi “Không lý đây là một dạng mộc hóa thạch?” Tôi dừng lại xem thật kỹ và thấy đúng là cây hóa đá. Bởi những tảng đá chung quanh đều tròn trịa, không có tảng nào bị nứt nẻ và chân đá đầy đặn chứ không chia thành cạnh như gốc cây. Kỹ hơn nữa, có một mảng dày 2cm, lớp này bị rạn nứt như vỏ cây, trong khi phần ruột thì nhẵn mặt. Tôi gọi anh bạn lại giải thích và nhờ phụ kéo cây cỏ phủ ngoài để chụp ảnh. Đây là loại cổ thụ lớn nhất đã hóa đá, có lẽ nơi này nhiều nghìn năm trước bị chôn vùi, sau khi hóa thạch đất bị xói mòn lòi cây ra. Tôi hỏi anh:

- Trước giờ anh chưa nghe ai nói chuyện này sao?

- Đây là lần đầu, nếu anh không nói rõ tôi cũng không sao biết. Mà đúng là gốc cây chứ đá thì không như ri.

- Anh biết bây giờ giới sưu tầm và buôn đá rất ham thứ này, nếu không khéo họ đào và xeo đi từng mảng thì mất hết ý nghĩa và phá luôn giá trị của di tích. Vấn đề làm sao báo cho TTVH tỉnh biết để có cách đề phòng.

- Tôi sợ cũng khó, với lại phải người am hiểu và có tấm lòng mới được.

- Núi Thần Đinh nếu giữ nguyên phần tường lở của chùa, ngôi miếu bể một góc, và gốc cây hóa đá này, thì chắc chắn nơi đây sẽ là điểm du lịch sinh thái hiếm có và đắt giá. Có thể nói độc nhất vô nhị, du khách sẽ không ngại khó khăn để được thấy dấu vết ngôi chùa xưa mấy trăm năm, và gốc cây từ nghìn năm hóa đá. Chỉ thế thôi không cần phải rườm rà bày vẽ kiểu sân khấu làm sai lạc ý nghĩa, khách họ lại cười cho.


253h5.jpg


Cây hóa đá


Anh bạn nghe tôi thuyết giảng hăng quá, cứ trầm ngâm, tôi cũng không buồn vặn hỏi và chợt quay lại mình, đặt ra những nghi vấn tình tự quê hương, sơn hà xã tắc. Xưa kia, tổ tiên biết tôn vinh xứ sở, biết ca ngợi non sông, ngày nay con cháu đã làm được gì, và đang làm gì đây! Cứ nhìn cảnh xẻ núi phá rừng, không tô bồi đất tổ, để cho ngày một hao mòn, thế nhưng khi cần thì vẫn hát vang với niềm tự hào “ Ôi quê hương ta đẹp tuyệt vời”.

Trần Công Nhung

10 - 2009


6) ÔỐc, đây là cách ghi âm của người dân miền Trung, như ôông mệ (ông bà) có người viết ôn, nếu đọc đúng thì thành “ôn” (dịch) chứ không phải âm ôông như khi nghe. Cũng thế, boong tàu, leeng keeng, loong coong, người Bắc người Nam không có âm này nên nhiều lần bài tôi bị sửa hai nguyên âm thành 1 đọc sai và nghĩa cũng sai. Nhà Thơ Lê Đình Ty (Đồng Hới) đang soạn cuốn tự điển phương ngữ Quảng Bình có giải rõ điểm này.

(7) Truyền thuyết kể rằng: Thầy Ân Khả đã tu ở chùa Kim Phong từ năm 1694 (đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy bên Trung Quốc), thầy là người đức độ tài trí, được tăng ni phật tử trong vùng yêu mến. Trước khi viên tịch, thầy cắt một ngón tay út bỏ vào tráp để lại cho chùa. Lạ thay ngón tay tươi mãi không hề bị thối rữa. Sau này thầy đầu thai vào một gia đình bên Trung Quốc và tái sinh trong hình hài vua Càn Long (1736-1796),tương truyền vua Càn Long cũng bị thiếu mất một ngón tay út).
Vua Càn Long linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt nên đã gửi một quả chuông sang tặng, chuông có khắc mấy chữ “Thần Đinh chung”. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này một ngư dân quê ở huyện Bố Trạch tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đã bắt được quả chuông và đem cúng vào chùa Non trên núi Thần Đinh.
Huyền thoại về quả chuông đồng do vua Càn Long tặng có thật hay không, chỉ biết rằng hiện nay quả chuông chùa Non trên núi Thần Đinh đang được treo ở chùa Phổ Minh, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới.


QHQOK tập 10 sẽ phát hành trung tuần tháng 3 – 2010

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 9, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260, email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
VienDongDaily

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Ở đây. Xuân cũng đang về


February 13, 2010


BÙI VĂN PHÚ/Việt Tribune

Hằng năm, theo nếp văn hoá Mỹ tôi gửi thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới đến người thân, bạn bè gần xa trong tháng Mười Hai dương lịch. Qua Giêng gia đình tôi thường nhận được Thiệp Tết từ quê nhà với nét thân quen của mai vàng, đào hồng, của cụ đồ nho, câu đối đỏ, của bánh chưng, bánh tét. Hình ảnh pháo Tết dường như đã không còn trên những cánh thiệp xuân ở quê hương. Những cánh thiệp còn chuyên chở theo nét chữ thân quen mà trong thời đại nối mạng toàn cầu chúng gần như đã thành đồ cổ. Quý lắm.

Tuần trước nhận thiệp và thư quê nhà, bạn hỏi Tết bên đó gia đình và cộng đồng có sinh hoạt gì không? Tôi chưa biết trả lời sao vì không chắc thời tiết trong những ngày Tết Việt ở đây sẽ như thế nào. Nắng ấm hay mưa tuôn. Nhắc đến Tết trước tiên phải chú ý đến dự báo thời tiết.

Hoa hậu trước giờ cắt băng khai mạc.Foto Bui van Phu

Hội Xuân Canh Dần ở Little Saigon, San Francisco .Foto Bui van Phu

Năm nay mưa nhiều ở cả hai miền Nam Bắc California. Vùng Vịnh San Francisco mây đen kéo về mỗi ngày đem theo những trận mưa lạnh. Nhưng không băng giá như bên miền đông. Bên nhà nếu bạn theo dõi thông tin từ Mỹ chắc cũng đã biết miền đông Hoa Kỳ từ Thủ đô Washington lên đến New York, Philadelphia mấy ngày qua tuyết đổ ngập tràn. Ngoài đường chỉ trơ trọi những hàng cây khô bọc tuyết, không người qua lại thì làm gì có không khí xuân với Tết phải không bạn. Tuyết đổ cao cả thước và gió buốt từ phía bắc thổi xuống khiến chính phủ phải đóng cửa trường học và công sở. Hội Tết cộng đồng chắc cũng khó thực hiện được. Còn lại chăng là không khí đón Tết quây quần trong gia đình, quanh bên lò sưởi. Hay Tết chỉ còn trong lòng mình thôi. Đã có lần tôi đón Tết như thế.

Mùa đông năm nay gợi nhớ cho tôi cái lạnh của năm 1976, là mùa đông đầu tiên của những người Việt rời bỏ đất nước ra đi trong biến cố 30.4.1975. Chân ướt chân ráo đến Mỹ, chưa biết Cali nắng ấm như thế nào thì đã trải qua một mùa đông lạnh buốt ở đây. Ngồi trong lớp học ESL, ngó ra cửa sổ thấy tuyết lất phất rơi. Cô giáo nói đã bao nhiêu năm rồi nay mới thấy tuyết rơi ở đây. Không nhiều. Chỉ thoáng một lớp mỏng rồi tan ngay.

Chọn nhánh đào về đón Xuân. Nguyễn Đạt

Cụ Nguyễn Phú Biên, bên trái, và cụ Đặng Tân đang chỉnh lại áo quần và nơ trước giờ khai mạc hội xuân. HÌNH BÙI VĂN PHÚ

Trẻ em Việt với quốc phục trong Hội Xuân Canh Dần. HÌNH BÙI VĂN PHÚ

Tết ở quê người nhưng không thiếu bánh tét, mứt kẹo. HÌNH BÙI VĂN PHÚ

Năm 1976 miền đông Hoa Kỳ cũng đã trải qua những trận bão tuyết kéo dài như năm nay. Hết mùa đông băng giá, nhiều người Việt ở đó đã tây tiến. Rủ nhau về miền Cali nắng ấm.

Năm nay San Francisco cũng lạnh hơn. Những ngọn đồi quanh đây đã có nhiều ngày lất phất tuyết rơi trên cao độ dăm bảy trăm mét. Nhưng tuyết chưa xuống thấp như năm 1976.

Gần như cả tháng Giêng tây và đầu tháng Hai trời cứ mưa suốt. Nhưng đến Chủ nhật 7 tháng 2 thì lại nắng ráo. Thật là điều may mắn cho cộng đồng vì hôm đó cũng là ngày có Hội Tết Canh Dần San Francisco, tổ chức ngay khu Little Saigon góc đường Larkin và Ellis.

Ban tổ chức vui với ánh nắng, còn quan khách đến dự không phải mang theo ô dù. Trên sân khấu có bàn thờ Quốc Tổ. Bô lão lên đọc bài văn khấn “Bảo toàn đất tổ.”

Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước non
Con cháu Hồng Lạc giữ giang sơn
Noi gương anh hùng cùng liệt sĩ
Mê Linh nổi sóng Trưng Nữ Vương
Ngô Quyền quyết dành lại biên cương
Bạch Đằng Giang vang danh Hưng Đạo

Đồng hương hồ hởi tham quan hội chợ, ăn uống, nghe nhạc. Tôi theo đoàn người du xuân, có đến vài nghìn người, vào giờ cao điểm là giấc trưa.

*

Chiều về anh em quây quần bên chiếc màn hình khổ 1 mét, vừa nhậu vừa coi trận vô địch bóng cà-na của nước Mỹ giữa đội Colts và Saints. Ăn nhậu, coi thể thao cùng đánh cá luôn làm cho buổi họp mặt sôi động hơn, có khi từng phút giây. Nói thiệt với bạn, xem những trận đấu banh cà-na tôi thấy có nhiều hồi hộp hơn coi bóng đá. Hồi hộp trong từng giây khắc. Kết quả đội Colts thua. Tôi cũng thua cá.

Sau đó anh em tụ lại đánh bài. Đúng là vui như Tết. Dù ở đây đang là giữa mùa đông của xứ người.

Gửi bạn ít hình ảnh đón Tết của cộng đồng ở đây. Một tấm hình bằng nghìn lời viết. Bạn đồng ý chứ. [BVP]

source

Viet Tribune Online

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Dỡ chà ở Miền Tây



Cập nhật lúc 3:28:17 AM - 20/02/2010

docha2.jpg


Dỡ chà – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


David Nguyễn/Viễn Đông


Khi có dịp đi xuống Miền Tây sông nước Cửu Long, người ta thường bắt gặp những đống chà lớn nhỏ ven sông. Mặc dù những đống chà ít nhiều cản trở dòng chảy, nhưng nó là cái hồn của sông nước Cửu Long. Nghề chất chà, dỡ chà tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mang lại nguồn cá thiên nhiên cho các bữa ăn trong gia đình người dân Nam bộ. Phần lớn người tham dự dỡ chà hay làm chung với nhau. Một đống chà lớn từ 10 đến 20 thước vuông là nơi ăn ở của nhiều loại tôm cá. Tôm cá thích trú ẩn nơi đây vì được “chủ nhân” cho ăn thường xuyên. Trước những ngày dỡ chà vài ba tuần, thức ăn còn dồi dào hơn nữa để tôm cá rủ nhau tớ ngày một nhiều. Để tạo vẻ tự nhiên, chủ chà còn mang lục bình, rau muống thả trong đống chà để dụ cá đến ở… rồi sau đó dùng lưới bao quanh để dỡ chà bắt cá.


docha1.jpg


Treo lưới lên cao cho cá không nhảy được ra ngoài – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Có khi trúng, thu hoạch được cả trăm ký cá. Còn trước đây 10, 15 năm khi trúng mùa, một đống chà dỡ có khi được vài tấn cá là chuyện bình thường.


Nghề lặn chà

Hồi còn nhỏ, tôi cũng từng đi lặn mò cá, có khi dỡ chà, nên trong tiềm thức hễ Tết đến là nhớ chuyện bắt cá cùng với đám bạn trong xóm khoảng vài chục thằng. Có lúc chúng tôi bơi xuồng đến cặp bên ngoài lưới bao quanh đống chà, chờ cá bên trong nhảy ra rơi vào xuồng mình thì được xem như là cá của mình. Còn bên trong hàng chục thanh niên ở trần trùng trục lặn xuống lấy chà lên chất lại bên ngoài lưới. Cứ như vậy họ lặn hụp từ sáng sớm đến xế chiều mới xong chà. Các tay lặn thay phiên nhau, người nầy lặn thì người kia lấy chà và ngược lại.


docha3.jpg


Người lặn đưa cây chà ra ngoài lưới – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Đặc biệt trong lúc dỡ chà có một vài người chuyên lặn gài đăng. Gài đăng là để cá không ra được bên dưới, lưới được thu nhỏ lại từ từ, lúc nào cũng sôi động và hối hả. Khi miệng đăng vừa khép kín cũng là lúc các chú cá to nhỏ đua nhau phóng lên loạn xạ, táo bạo nhất là cá cốc, cá chài, mè vinh, cá ngựa, cá bông…


docha4.jpg


Người ở trên ghe chất lại chà mới – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


docha6.jpg


Những người dỡ chà hằng ngày ở trần ngâm mình dưới nước rồi lại phơi nắng – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Một số con bạt mạng rơi trúng phóc vào lưới hoặc xuồng, vùng vẫy. Thỉnh thoảng, một vài con thuộc hàng “vô địch nhảy cao” bay vút lên không, vượt qua “cửa tử” khiến mọi người ngẩn ngơ tiếc nuối.


docha7.jpg


Dỡ chà cần 15, 20 thanh niên – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Vài năm gần đây chuyện chất chà không còn là một nghề kiếm sống khá giả nữa, vì cá dưới sông rạch bây giờ cũng ít hơn trước, nên cá thu được không còn mang đi bán kiếm được nhiều tiền như lúc trước. Ngày nay, người dân chất chà là vì yêu nghề và cá thu được thường chia nhau ăn mấy ngày Tết. Những người làm nghề lặn chà thường là những người có hơi dài, họ lặn rất giỏi nên trong vùng hễ có ai bị chìm xuống, rớt đồ vật xuống sông là được mời đến lặn nhờ, có khi cũng chỉ lấy vài chục ngàn mua rượu để bạn nhậu uống. Bí quyết của nghề chất chà là chọn nơi sông sâu, nước xoáy, có dòng chảy mạnh để dọn nền chất chà. Chất xong, bà con bắt đầu thả lục bình hoặc rau muống để tạo sự yên tĩnh. Gần Tết, muốn dụ cá về nhiều, bà con thường rải mồi nhử cá và giữ cho dòng nước không bị khuấy động.


docha5.jpg


Một người chờ cá nhảy ra ngoài – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Theo tín ngưỡng dân gian, những người làm nghề hà bá cũng có ông tổ. Do vậy mà hằng năm, những người sống nghề sông nước đều cúng Bà Cậu và binh tôm tướng cá. Ngoài ra, dân dỡ chà cũng có những điều kiêng cữ. Chẳng hạn như đang lúc hành nghề, những người trong cuộc không được nói những điều xui xẻo như “coi chừng cá nhảy, coi chừng cá đâm”. Hoặc như gặp cá ngát, dân chài lưới thường gọi là “sư phụ” vì ngạnh cá này rất độc, ai mà bị đâm đều đau nhức suốt mấy ngày liền, phải nấu chè ăn cho đỡ nhức. Họ tin rằng “có kiêng ắt có lành”.


Dỡ chà tưng bừng cả xóm

Dỡ chà bắt cá khiến cả xóm náo nức. Người đến lặn bắt hoi, người đến xem la ó, người đến chờ mua cá lớn, người bơi xuồng đến cặp lưới chà bên ngoài chờ cá phóng ra ngoài vô xuồng mình… và vui nhất là khi lưới được kéo lên (rạng) cá nhảy tứ tung, phải dùng đến rổ lưới lớn mới xúc cá bỏ vào rộng cá.


docha8.jpg


Gần đến giờ bắt cá – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Dỡ chà vô cùng vất vả, gặp những hôm sương mù gió lạnh, nhiều người phải cởi áo và hớp một ly rượu trắng hoặc một chén nước mắm trước khi xuống nước cho đỡ lạnh. Tuy vậy, làm xong công việc, niềm vui lớn nhất của họ là được ngồi bên nhau chia cá, nhận tiền thù lao, và bắt cá lên làm một bữa nhậu linh đình.

source

VienDongDaily

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Tết Sài gòn


February 19, 2010


NGUYỄN THỊ LAN ANH/Việt Tribune

Mùng một Tết, Sài gòn rất ít xe. Đường phố vào buổi sáng yên tĩnh, sạch sẽ và tràn ngập hoa xuân. Sau những ngày vất vả lo Tết, sáng mùng một, người Sài Gòn hầu hết dậy muộn, ra đường còn muộn hơn, thậm chí nhiều người còn hoàn toàn bế môn để được tự do… bế nhau.

Ngày Tình Nhân
Nói vậy vì mùng một Tết trùng với Ngày Tình Nhân 14 tháng 2 khiến nhiều hoạt động mua bán hoa quà, du ngoạn, ăn uống, vui chơi ngoài trời dành cho những kẻ trúng mũi tên của thần Cupid – thần tình yêu – bị tết cổ truyền “lấn sân” hết. Tuy thế, thống kê sơ bộ cho thấy, trường hợp tìm “cõi riêng” tại gia không phải là đa số. Vì ngay trên đường Nguyễn Du, kẻ viết bài chứng kiến và kịp ghi hình cảnh một ông tây già mua hoa âu yếm trao tặng bà đầm (cũng già) của mình. Trong Hội Hoa Xuân Tao Đàn cũng không ít cặp vợ chồng sắp hàng chờ đến lượt mình chui vào trái tim kết bằng lá xanh, nhờ kẻ viết bài “chụp một tấm cho thật tình tứ vào”. Không chọn biểu tượng trái tim, không tặng chocolate hay hoa hồng để thay lời muốn nói vì “xưa lắm rồi”, hai bạn trẻ đứng xem viết thư pháp ở nhà văn hóa Thanh Niên đã chọn áo cặp. Chàng có công mua. Nàng có công mặc. Mùng một, rủ nhau dung dăng dung dẻ chốn đông người trong một mầu áo chung như muốn tuyên bố với thiên hạ về “nỗi chung, chung cả đến tình riêng”của mình.

Biểu tượng đường hoa xuân Canh Dần (đầu đường Nguyễn Huệ) Photo NTLan Anh/Việt Tribune

Xuất hành đầu năm
Coi hướng, chọn giờ xuất hành, đối với người lớn tuổi, người làm ăn buôn bán, là rất quan trọng vì quyết định vận hạn cả năm. Để biết hướng tốt, giờ tốt nhiều người tới các “shop” tử vi trước chùa Vĩnh Nghiêm, bỏ ra một ngàn đồng mua tờ tử vi photocopy lem nhem. Tùy theo tuổi gì, nam mạng hay nữ mạng, tờ tử vi sẽ cho biết phải đi hướng nào, giờ nào để nghinh đón tài thần, phúc thần. Người không tin bói toán lại có cách xuất hành khác- đi chùa lễ Phật vào giờ giao thừa, trở về tự xông đất lấy. Chùa Phổ Quang – Tân Bình năm nay đặc biệt đông khách giờ giao thừa do có tượng Quan Âm tạc bằng ngọc thạch lớn nhất, công phu nhất, quý nhất Việt Nam, mới được cung nghinh về cho Phật tử chiêm bái (trước khi đưa ra Đà Nẵng an trú luôn). Khuôn viên đồ sộ của chùa Phổ Quang ngày thường rất thanh tĩnh, trang nghiêm, từ khi “chứa” tượng Phật, chưa được một ngày, tính từ giữa đêm ba mươi tới sáng ngày mùng một, đã biến thành chợ bán kinh sách, nhang, hoa, tượng ảnh, chim chóc, thêm đội quân hành khất, giữ xe, móc túi…Tất cả thi nhau hành nghề, tạo nên sự nhếch nhác, bẩn thỉu, và bất an cho chốn thiền môn. Trước cảnh này một Phật tử có tuổi ngao ngán nhận xét “Lễ Phật mà không thấy Phật, chỉ thấy chen lấn chụp giật. Đúng là cõi Ta Bà!”

Nhiều cái để xem
Mùng một, mùng hai, mùng ba đi trên đường phố Sài Gòn ai khó tính nhất cũng phải khen sạch sẽ và nhiều hoa tươi. Không có cảnh kẹt xe, không có bụi mù mịt và những bộ mặt cáu gắt, căng thẳng. Rạp xi nê chiếu các phim phù hợp với tuổi teen như Những nụ hôn rực rỡ, Khi yêu đừng quay đầu lại, Công chúa teen và ngũ hổ tướng…Giá vé hơi cao-70.000 đồng – nhưng một nhóm học sinh lớp chín, đứng chờ mua vé ở rạp Tân Sơn nhất đã cười toe toét nói “tết có tiền lì xì, lo gì”. Cũng tâm trạng “tết có tiền lì xì, lo gì” người tiêu dùng ít cò kè, thắc mắc khi sử dụng dịch vụ tráng phim, rửa hình, giữ xe, mua “cafe togo”, ăn vặt vỉa hè, ủng hộ nghệ sĩ đường phố. Nói tới “nghệ sĩ đường phố” trong ba ngày tết, người ta hiểu là đám múa lân. Hiểu thế đúng nhưng chưa đủ vì năm nay, ngoài đám múa lân còn thêm đám múa…”Thượng”- người Kinh gọi người thiểu số là người Thượng. Ngay mùng một tết, trước nhà thờ Đức Bà, xuất hiện một đám múa Thượng như thế. Họ từ tỉnh Bình Phước đem xuống Sài Gòn đầy đủ một dàn chiêng, một dàn nữ vũ công thiểu số chính hiệu (không rõ thuộc tộc nào, Stiêng hay Mạ?) thu hút rất đông khách xem, trong đó hầu hết là người nước ngoài. Một chiếc gùi được ông trưởng đoàn đặt phía trước. Khách đứng xem tự động bỏ tiền vào đó. Đến gần, tò mò nhìn vào gùi, kẻ viết bài thấy bất nhẫn vì trong lòng gùi rộng lớn chỉ lác đác vài tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng (50 cent), 20.000 đồng (1đôla) trong khi người đứng xem đông dễ đến năm bảy chục người. Đoàn múa Thượng, dù sao cũng còn may, vì kiếm được tiền. Chứ đoàn thần tài chúc xuân mới thật là dị hợm. Thấy nhiều nhà làm ăn hay mời lân đến múa lấy hên, múa khai trương đầu năm rồi thưởng tiền hậu hĩnh, năm nay, nhiều người nảy ra sáng kiến: qui tụ dăm bảy đứa tiểu yêu, cho mặc áo đỏ, bịt khăn đỏ, đánh trống đi rong, thấy nhà nào mở cửa là xông vào. Một anh thần tài đội mão, mang râu chúc tết gia chủ trong tiếng trống rộn ràng. Chủ biết điều lì xì. Chúng cám ơn, đi ngay. Nếu không sẽ đứng lì nện trống cho rách màng nhĩ cả xóm. Nói về loại “nghệ sĩ mới” này, các thành viên của hai đội lân danh giá nhất Sài Gòn là Nhơn Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường chỉ nhún vai, cười im lặng với nghĩa “miễn bình luận”.

Biểu tượng đường hoa xuân Canh Dần ( đầu bến Bạch Đằng) Photo NTLan Anh/Việt Tribune

Một điểm thu hút nhiều khách tham quan trong ngoài nước nhất, “đốt” nhiều phim của giới quay phim chụp ảnh nhất, phải kể tới đường hoa Nguyễn Huệ. Từ năm Ất Dậu 2005 đến nay, năm nào cũng vậy, cứ quãng 28 Tết tới mùng ba Tết, Sài Gòn lại hình thành một đường hoa ngay địa điểm trước đó nhiều năm liền từng là chợ hoa Nguyễn Huệ. Có tiệm bán tranh thêu ngay khu vực Nguyễn Huệ, vô hình trung là giám khảo tất cả những lần diễn ra đường hoa các năm Dậu – Tuất – Hợi – Tý – Sửu, và bây giờ là Dần, anh L. nhận xét “Năm nào cũng mấy cái lu gốm, chong chóng, đèn lồng, cầu tre, ao sen, ruộng lúa, cũng đủ thứ hoa chi chít chằng chịt từ đầu tới đít con đường. Coi lần đầu còn thấy lạ, thấy đẹp. Coi riết ngán”. Nói như anh L.có vẻ “mất lập trường, sai đường lối”, phải nói là đường hoa mỗi năm mỗi đẹp hơn, hoành tráng hơn, chứng tỏ đất nước nói chung, Sài gòn nói riêng, luôn phát triển, phồn vinh năm sau cao hơn năm trước. Đối tượng được chụp ảnh nhiều nhất trên trục đường hoa, đồng thời là linh hồn đường hoa, chính là con vật cầm tinh của năm mới tính theo âm lịch. Năm trước là trâu đất bằng gốm, trang điểm theo kiểu tranh Đông Hồ. Năm trước nữa là chuột đan kết bằng mây tre, lục bình. Năm nay là đôi hổ bằng sơn mài, vàng choé. Có lẽ vì nhằm minh hoạ chủ đề Xuân Bình Minh, đôi hổ con đứng con nằm đều không có vẻ dũng mãnh mà ngược lại hết sức đù đờ, kiểu hổ giấy (!). Nhiều du khách đến từ Châu Âu (lúc này đang giá rét) tỏ ra bị choáng ngợp vì bạt ngàn hai màu vàng – đỏ của hoa cúc, hoa mào gà và hoa mai, những loại hoa tiêu biểu của phương nam quanh năm nắng nóng. Họ phơi trần da thịt đến mức tối đa, giữa giờ Ngọ, đi chơi đường hoa, thản nhiên cười nói, chụp ảnh, trong khi người bản xứ trùm áo lên đầu, trú nắng bằng bất cứ phương tiện gì có được. Hỏi chuyện các trẻ bán bong bóng đang ngồi núp dưới đám bong bóng sặc sỡ khổng lồ, các em cho biết mỗi cái bong bóng từ mười tới hai chục ngàn. bán mỗi buổi lời bằng hai ba ngày thường. Tết, đối với các em là rong ruỗi ngoài đuờng, “vừa bán vừa coi người ta ăn Tết”.

Bán hoa khổ lắm! “Coi người ta ăn Tết”, câu nói này khiến kẻ viết bài nhớ lại ngày 29 Tết, đã nghe nhiều chủ ghe hoa kiểng đậu bến Bình Đông nói tương tự- “Tết này có môn coi người ta ăn Tết chứ mình đừng hòng có Tết mà ăn”. Một cô gái lui cui tưới mai trên ghe cho biết “Tụi em ở Bến Te (Tre) lên. Mấy năm trước ghe cặp bến này, lên thẳng Chợ Lớn bán rất tiện. Năm nay chỗ đó là đại lộ Đông Tây, cấm lên. Phải lên bên phía quận 8. Mà bên quận 8, lề đường quá nhỏ, người bán dưa hấu, quần áo…ngồi chật hết. Mình đâu có chỗ…” Vậy phải làm sao? Chết ngắc chứ làm sao! Câu trả lời của người Bến Tre phản ánh một thực tế đau lòng. Ghe bầu lớn hai tầng, tầng trên tầng dưới chật kín tắc kiểng, mai vàng, bon sai. Bị nhốt dưới ghe hầm hơi, tất cả hoa kiểng đều rũ đầu, xuống sắc. Thương cây, xót của, chủ ghe đành bắc ván lên bờ, mua từng thùng nước ngọt xuống tưới. Người mua (đứng phía bên Chợ Lớn) theo đó xuống coi hàng, trả được giá xong đi lên. Chủ ghe canh chừng đội bảo vệ (đóng trên bờ) ngó lơ sẽ khiêng cây lên sau. Trả tiền, buộc cây đều hối hả sợ sệt như đi ăn trộm. Đứng xa xa, một khách chỉ chậu mai vàng uốn thế “phản phong hồi đầu” rất đẹp, hỏi giá. Ở dưới ghe, vọng lên tiếng đáp “Năm chục ngàn. Thương thì mua giùm, đừng trả giá”.

hôi hoa bằng xe ba gác. Photo NTLan Anh/Việt Tribune

Cũng cùng cảnh bi đát với đồng nghiệp bán hoa ở bến Bình Đông là dân Hải Dương bán đào ở công viên Hoàng Văn Thụ và dân Sa Đéc, Gò Vấp, Cái Mơn bán hoa cúc hoa mai ở công viên Lê văn Tám. Trước Tết, nhà vườn nào cũng kêu oai oái vì thời tiết ấm lạnh thất thường, thêm nhuận một tháng khiến hoa lớp nở sớm, lớp bị “lạc quẻ”. Họ dự đoán thị trường hoa sẽ ít ỏi, và hoa sẽ cao giá, người Sài Gòn sẽ không có hoa mà chơi. Nào ngờ, giờ chót hoa ùn ùn đổ về Sài Gòn. Trăm người bán mới có một người mua. Ba mươi Tết, vào 12 giờ trưa, khi ban quản lý các công viên yêu cầu người bán hoa trả lại mặt bằng cho công nhân vệ sinh quét dọn thì số phận của muôn hồng ngàn tía ngay lập tức rơi vào vòng bi thảm. Chứng kiến cảnh hôi hoa bằng xe hơi, xe ba gác, xe gắn máy, thậm chí khiêng chạy bộ, ở công viên Lê Văn Tám, nhiều Việt kiều đã bụm mặt quay chỗ khác vì thương hoa, thương người trồng hoa, bán hoa. Chị Tuyết, chủ một quầy hoa cúc, khản đặc tiếng, khua tay ngăn cản trong tuyệt vọng mấy người đàn ông đang lao vào ôm, xách, lôi kéo hết sức thô bạo các chậu hoa cưng của chị – một giờ đồng hồ trước đó còn có giá 70.000 đồng/chậu. Cảnh hôi hoa giữa lòng Sài Gòn được tiếng là giầu có, hào hoa, chịu chơi, quả là một sự tàn nhẫn, khó coi hết sức. Càng khó coi hơn khi “lễ hội hôi hoa” chấm dứt, thiên hạ đi hết, để lại chiến trường toàn chậu hoa đỗ ngã, bông hoa lăn lóc, cành hoa bị quăng quật, giầy xéo tan nát. Kỳ lạ thay, trong ba ngày Tết, ở Hội Hoa Xuân Tao Đàn hoa được chiêm ngưỡng bằng con mắt nhà nghề, được chấm điểm, tôn vinh; ở đường hoa Nguyễn Huệ hoa được trình bầy, xếp đặt thành biểu tượng văn hóa thành phố, thì ở các chợ hoa công viên, hoa lại bị thẳng tay cướp bóc chà đạp. Té ra hoa cũng có số phận! Cũng là Thúy Vân, Thúy Kiều! Và Tết Canh Dần, ở Sài Gòn, hình như không chỉ có toàn mặt phải, niềm vui, và lẽ công bằng![NTLA]
source
Viet Tribune Online

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Năm Dần nói chuyện Cọp


Cập nhật lúc 2:06:03 AM - 16/02/2010

LTS: Khác với loạt bài phóng sự hiện thực của tác giả Trần Công Nhung, bài viết của ông Lê Thanh Sơn có thể được coi như một chuyện vui đầu năm, giúp quí độc giả giải trí đầu năm Canh Dần.


coph1.jpg


Hang thờ cọp.


Bài: Lê Thanh Sơn

Ảnh: Trần Công Nhung

Vài dòng giới thiệu

Thông thường, báo Xuân mỗi năm đều có những chuyện về con giáp của năm đó. Năm Tỵ nói chuyện rắn, năm Mão chuyện mèo, năm Dần chuyện cọp. Trên phim ảnh người ta hay nhắc đến cọp, sư tử, tê giác... ở các nước châu Phi. Thực ra dã thú ít nhiều, nước nào cũng có. Riêng cọp ở Việt Nam thì Khánh Hòa nổi tiếng từ lâu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”.

Cọp nổi tiếng đến độ người ta lập miếu thờ : “Miếu ông cọp” trong xã Phước Đồng, sông Lô. Sông Lô hay Diamond Bay là khu du lịch lớn nhất nhì ở Khánh Hòa. Theo người dân địa phương cho biết, trước đây khu vực này có hai miếu, miếu ông Cọp và miếu Cậu. Khi phá núi, phóng đường xây dựng Diamond Bay, chủ nhân khu du lịch đã dời miếu ông Cọp về chung với miếu Cậu. Hiện nay miếu nằm trong khuôn viên khu lịch, ít ai biết. Khách qua đường chỉ thấy một tảng đá cao, trên có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là miếu Cậu. Vào trong (phải xin phép, phải giải thích đủ điều, người gác mới cho chụp hình) mới thấy ngôi miếu nhỏ mới cất,. bên cạnh có hang đá thờ mấy tượng cọp. Để biết thêm nhiều chuyện vui về cọp, xin giới thiệu quí độc giả: “Năm Dần nói chuyện cọp” của một bạn văn trong nước: Anh Lê Thanh Sơn.


Trần Công Nhung


Trước khi đặt chân đến Nha Trang, tôi có tìm đọc một quyển địa phương chí. Theo nhà thơ Quách Tấn, ban đầu ông đặt tên tập sách này là “Nước non Khánh Hòa”, song sợ trùng tên với nơi này nơi khác và xét thấy: “Khánh Hòa có nhiều trầm hương nhất của các tỉnh miền Trung nên ông lấy tên sách: Xứ Trầm Hương”.

Trong Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn đã dành nhiều trang viết về cọp, về ma. Có lẽ thuở xa xưa ở Khánh Hòa cọp nhiều vô kể, “cọp ở Ổ Gà lại nhiều hơn các vùng sơn lâm trong tỉnh. Truyền rằng cọp kéo ra từng đoàn như đoàn bò”. Các cụ lão thành ở Đồng Nhơn, nhớ lại: “Những ngày hè, khi mặt trời sắp lặn xuống núi, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau trèo lên cây me cổ thụ ở ven làng nhìn vào bìa rừng xem cọp. Một hôm có 2 con cọp đi qua, đùa giỡn vờn nhau rồi ra bờ rộc uống nước”.


coph2.jpg


Miếu ông Cọp.


Thuở Nha Trang – Khánh Hòa còn hoang sơ ‘núi liền núi, sông liền sông’ chưa có đô thị, phố xá đông đúc, cọp đi rông cả ngày lẫn đêm – gặp trâu, bò, heo, gà, vịt đều ‘xơi’ tất. Mùa Hè nắng, nóng cọp thường xuống biển, xuống sông bơi lội, bắt cá, bắt tôm ăn cho lạ miệng. Cọp rất khoái các món hải sản tươi sống. Ở khu rừng sát dưới chân núi Cù Hin (Nay là khu du lịch 4, 5 sao mang tên Diamond Bay). Cù Hin ngày ấy là một dãy rừng nguyên sinh ngập mặn – cây bần, cây đước dày đặc, rễ nó đan xen chằng chịt như mắc võng, cọp thường leo lên đó ngồi rình mồi. Gặp gió nồm hiu hiu, cọp ngủ quên, nước từ từ dâng lên, cua tôm kéo tới, trong đó có một con cua huỳnh đế, thấy hạ bộ của cọp lòng thòng dưới nước, giương càng sắc lẻm thiến đứt luôn. Đau như hoạn, cọp vùng vẫy, cào cấu, gầm thét rồi cắm đầu chạy một mạch lên rừng.


coph3.jpg


Phòng hội nghị của Diamond Bay.


Cũng tại nơi đây, có những đêm trăng, khi thủy triều rút xuống, cọp kéo từng đoàn ra bãi cát diễn hành. Thấy ốc tai tượng (Có con to như cái cối xay đá, nặng đến vài tạ) há miệng phục kích, nhìn thấy “bộ lòng” đỏ hỏm như tảng thịt bò, cọp thèm nhỏ dãi nên thò tay vào, liền bị ốc ngậm chặt. (Hai hàm răng ốc tai tượng rắn hơn hai thanh sắt). Do vậy, dù cọp có cố vùng vẫy đến mấy cũng không tuột ra được, đành phải nằm xụi lơ như bị sụp hầm. Đến khi thủy triều dâng lên, cọp bị chết ngộp. Một thời gian, xác cọp bị trương phình rồi thối rữa, biến thành thức ăn cho loài hải sản. ‘Cá ăn kiến, kiến ăn cá’, là qui luật muôn đời của thế giới động vật, chứ đâu phải chúa sơn lâm là không bị kẻ yếu xé xác? Và khi đói, cọp còn mò vào làng bắt trộm heo, bị người ta lập mưu bắt sống thường xuyên. Nhưng bắt cảnh cáo để dạy cho nó một bài học rồi thả ra, chứ không có chuyện giết thịt, lột da, nhồi bông, hoặc đem xương nấu cao như quân đồ tể ngày nay. Nhờ không bị con người sát hại,

cũng không bị nguy cơ tiệt chủng, lại đẻ như gà, nên giống cọp phát triển rất nhanh. Có thể nói, trong số động vật hoang dã, chỉ có cọp là hung hăng trong chuyện giao phối hơn hết.

Chuyện kể rằng từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, ở làng Đồng Nhơn, Vĩnh Trung, Nha Trang, có cha con ông Sáu Bô từng cất chòi cao trong rẫy để nằm quan sát cọp làm tình. Ông nói trước khi làm chuyện ấy, nó gầm rống, cào cấu đến phát sợ. Và mỗi lần nó “xáp lá cà” thì dù đất rung trời sập cũng không thả. Các nhà nghiên cứu về loài dã thú cho biết, khả năng tình dục của loài cọp rất cao, cứ 5 phút chúng có thể “chiến đấu” một lần. Nhiều khi cọp cái bắt cọp đực “làm việc” hơn 100 lần mỗi ngày. Do vậy dân gian mới truyền nhau uống rượu “pín” cọp, thì bản lĩnh đàn ông chẳng thua gì cọp. Người ta nói rằng, nếu cọp thuần chủng ở Khánh Hòa thì rất hiền, thậm chí còn giao du thân thiết với người, “ở các nơi gần núi rừng, cọp thường ra chơi cùng các em mục đồng. Đôi bên coi nhau như người trong tứ hải, có gì ngon đều đãi nhau. Một hôm một em bé chơi nghịch lấy tay bóp dái cọp chúa đau điếng, cọp thét lên một tiếng, bỏ chạy về núi một hơi. Cả bầy thất kinh, ùn ùn chạy theo hết, từ đó không dám làm thân cùng người nữa, và hễ thấy người thì nguýt một cái rồi tránh xa”. Nhưng từ khi khai thông tuyến đường sắt Bắc – Nam, có một đoàn tàu lửa chạy chầm chậm ngang qua địa phận PY (lối chắn Hảo Sơn dưới chân Đá Bia), một bầy cọp đói nghe tiếng heo kêu, chó sủa trên tàu, đã ùa tới chiếm cả một toa tàu, bám vào tận ga Nha Trang. Sau đó không lâu, giống cọp này sinh sôi nảy nở, bành trướng khắp nơi và trở nên hung ác, thao túng khắp nơi, đôi khi còn tấn công cả người.

Tương truyền rằng trong thời kỳ chống Pháp, tại vùng chiến khu Đá Bàn ở Ninh Hòa có tổ trinh sát, sau một ngày hành quân mệt mỏi, tối lăn ra ngủ như chết. Có người sợ muỗi đốt, cẩn thận lấy chăn xi-ta cuộn tròn kín mít. Nửa đêm, có một ông cọp nhảy vào vồ gọn người nằm trong chăn. Hai người còn lại hoảng hốt giương súng bắn đuổi theo. Sau một lúc căng thẳng, lại nghe có tiếng khua nước, rồi tiếng lá khô sột soạt, hai người tưởng con cọp khi nãy quay trở lại, liền lên đạn rom róp “không phải, đừng bắn, đừng…”. Sau đó, ông bạn bị chết hụt quýnh quáng nói trong hơi thở, “nhờ, nhờ tiếng súng và tiếng la hét truy đuổi của các cậu, lúc con cọp ôm tớ vượt qua suối, tớ vùng vẫy, choài đạp thí xác, nó hoảng quá đánh rơi “con mồi” xuống nước.


coph4.jpg


Miếu Cậu


Ngoài Vạn Ninh, dưới chân Đèo Cả, có vợ chồng anh nông dân thường hờn giận nhau, đêm đêm bà vợ bỏ chồng con chui vào bụi rậm nằm ngủ. Nửa đêm, cọp ra động cát ngắm trăng, thấy người nằm co ro một mình, nó không bỏ lỡ cơ hội, liền cõng bà ta lên Đèo Cả. Từ khi bị cọp tha mất vợ, anh chồng rất hối hận, đau buồn, thỉnh thoảng cũng đến nơi vợ ông bị cọp vồ trước đó than khóc - một thời gian sau thì người đàn ông này cũng đổ bệnh chết thảm thiết – dân trong làng chôn cất ông ngay chỗ bà vợ ông nằm khi xưa, và đặt tên cho động cát này là đồi Cô Đơn. Đã từ bao đời nay, “đồi Cô Đơn” là nơi hò hẹn của biết bao cặp tình nhân – hằng năm hễ đến ngày tình yêu, hoặc ngày lễ, ngày Tết, là từng đôi trai tài, gái sắc từ các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh, đưa nhau lên đồi Cô Đơn...

Cọp Khánh Hòa là “chuyện dài nhiều tập” kể mãi không hết. Và ở Khánh Hòa thời xa xưa nơi nào cũng có cọp, có ma. Cọp và ma còn nhảy vào văn học:


Mã Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt,

Phước Hải Xuân về cọp thưởng mai.”

Giá được gặp lại nhà thơ Quách Tấn, tôi sẽ mạnh dạn đề nghị có thể đổi tên “Xứ Trầm Hương” thành Xứ Cọp Ma”.

source

VienDongDaily

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Muôn mặt Tết Sài Gòn


February 13, 2010


NGUYỄN THỊ LAN ANH/Việt Tribune

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Canh Dần. Ba con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi ở khu vực trung tâm thành phố đã được trang hoàng đèn hoa lộng lẫy. Đặc biệt đoạn đường Nguyễn Huệ dài gần một cây số, từ bùng binh trước toà Đô Chính cũ dài xuống bến Bạch Đằng đang được thi công gấp rút để đến ngày 28 tết [thứ Năm 11/2/10], Sài Gòn có được một con đường hoa mang chủ đề Xuân Bình Minh, nơi mọi người có thể dạo chơi, ngắm nhìn những loài hoa đẹp nhất, trưng bày theo các tiểu cảnh tiêu biểu cho ba miền đất nước.

Những sạp bán cờ xí, bao lì xì, đồ trang hoàng cây mai...mọc lên rất nhiều trên đường phố. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Hoa và quà biếu

Sự sống động của các loại chợ đêm họp vào những ngày cận tết không chỉ mời gọi ống kính du khách nước ngoài mà ngay cả dân bản địa cũng bị cuốn hút. Đối với người lớn tuổi, yêu hoa cảnh thì không đâu thú vị bằng các công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, 23 tháng 9, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng, Gia Định, nơi qui tụ hơn 6,000 ngàn gian hàng hoa đến từ các tỉnh thành khác nhau. Nếu khu vực Tao Đàn qui tụ đủ loại lan hiếm quí trong và ngoài nước, công viên 23 tháng 9 mạnh về hoa mai hoa cúc thì công viên Hoàng Văn Thụ lại được coi là thủ đô của hoa đào miền Bắc. Tại đây, từng gốc đào được chằng dây, quây nilon, xếp sát vỉa hè sạch sẽ thoáng mát, rất tiện cho khách đi xem, đi mua. Gặp một liền anh quan họ Bắc Ninh ngồi canh hàng trăm gốc đào. Anh than mấy hôm liền chỉ toàn người hỏi giá, chê đắt rẻ, chứ không mua. Đã vậy gặp cái nóng trên 34 độ của Sài Gòn, nhiều cây đào đã bung hết nụ. Được hỏi về thị trường mai tết năm nay, nghệ nhân Dương Đức Thành từng sống chết với nghề hoa kiểng hơn hai chục năm qua cũng lắc đầu chán nản. Năm ngoái trời lạnh, mai không nở dù đã đốt bóng đèn hơ ấm cả đêm. Năm nay, vừa nhuận một tháng lại lũ lụt, mưa nắng thất thường khiến gần 40% mai nở trước tết, 20% chưa thấy nụ. Công xá cả năm, chưa kể phân tro, bón tưới coi như đổ sông đổ biển. Chỉ một chậu mai vàng “coi được”, cao hơn thước rưỡi, ông Thành nói năm ngoái bán 800.000 đồng coi như đã có lời, năm nay khách trả 1.200.000 vẫn chưa đủ vốn, không bán được.

Chợ hoa đào ở công viên Hoàng Văn Thụ. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Chở giao quà tết. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Mua hoa trang trí tuy đẹp nhưng không phải là yêu cầu bức thiết nhất khi so với thực phẩm tết và quà biếu tết. Thị trường quà biếu năm nay, theo chủ sạp bánh mứt Thanh Xuân chợ Tân Định thì 80% trà, cà phê, nho khô, bánh bơ, đâu phụng, hạt điều… là hàng Việt (riêng mặt hàng hạt dưa sau khi báo đăng tin có trộn nhớt thải để tạo độ bóng, trộn hóa chất công nghiệp tạo mầu đỏ thì hầu như khó tiêu thụ). Rượu vang các loại dao động từ 80.000 đồng tới 400.000 đồng, Whiskey Mỹ trên 400.000 đồng, Cognac Pháp từ 500.000 đồng tới 2.000.000 đồng. Anh Hà, nhân viên giao hàng của siêu thị Big C, vừa lúi húi chất quà lên xe vừa nhận xét “năm nay lượng khách tặng giỏ quà tết với đơn giá 500.000 đồng trở lên rất nhiều. Hình thức biếu xén của người Sài Gòn càng ngày càng lịch sự. Không còn lỉnh kỉnh tay xách nách mang cặp rượu, con gà, hay trái dưa hấu mà cứ ngồi tại cơ quan xem catalogue, chọn hàng rồi gọi điện tới siêu thị đặt hàng”. Trong các chợ truyền thống như chợ Bến Thành, Đa kao, Bà Chiểu, Tân Định…các sạp bán tôm khô, dưa kiệu, mứt tết, quần áo, đồ cúng…bắt đầu phong trào “ngủ sạp”. Không gian các chợ ngày thường vốn đã nhỏ hẹp, trong tuần lễ sát tết càng chật chội. Chỗ nào cũng đông đúc người đi chơi, đi mua. Người bán mạnh dạn trữ thêm hàng, mở thêm quầy. Người mua cũng mạnh dạn móc hầu bao với tâm lý mua sớm giá còn nới. Đợi sát tết thùng bia Heinekein 330.000 đồng, ký mứt dừa 70.000 đồng, sẽ tăng cao mà chưa chắc muốn mua đã có.

Người nghèo chờ tết

Những mặt hàng gạo, mì gói, dầu ăn…tuy không đáp ứng trực tiếp nhu cầu tết nhất nhưng cũng được tiêu thụ mạnh. Một Việt kiều Úc, học trò kẻ viết bài, sau chục năm làm ăn khấm khá ở “Meo Bờn” năm nay về quê nhà đón tết. Việc làm đầu tiên của anh chàng, không phải là mở tiệc liên hoan theo lệ thường, mà là mua ngay 800 kí gạo, bốn thùng dầu ăn, đường, bột ngọt…đi làm từ thiện. Anh ta bảo sang sớt chút đỉnh cho người nghèo để tết của họ tươm tất hơn. Nhóm bạn trẻ trường Đại học Marketing cũng cùng chí hướng đó. Một em sinh viên kể “Tết, đối với tụi em, ngoài việc đi làm kiếm thêm tiền thì còn tiết mục…đi xin ăn – xin họ hàng, trường học, bà con khu phố, các công ty quen biết, nói chung gặp đâu xin đó, cho gì lấy đó, rồi đem phân phát cho trẻ em bán báo, đánh giầy, người ăn xin tật nguyền, người nghèo neo đơn…

Khu trung tâm quận 1 đã trang hoàng lộng lẫy đèn hoa, đón tết Canh Dần. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Mở thêm quầy bán tết.

Nhân nói tới người nghèo neo đơn, kẻ viết bài liên tưởng tới 13.000 gia đình nghèo ở Sài Gòn đang nóng lòng chờ nhận quà tết của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể. Những gia đình này đều có thu nhập từ 6 triệu tới 12 triệu đồng/năm, nhà cửa tuềnh toàng, gia cảnh khó khăn. Đồng tiền bát gạo từ thiện đến với họ vào những ngày cuối năm rất cần thiết. Mà chả cứ người nghèo Sài Gòn, người nghèo sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên…đâu cũng vậy. Còn nhớ (...), kẻ viết bài đến thăm buôn Bkẻ của tộc người Mạ – Lâm Đồng, ông trưởng buôn K’Thanh chỉ bãi đá khô cằn ven suối Tiên cho biết năm truớc đây còn là nương rẫy xanh tốt. Sau lũ chỉ còn trơ đá sỏi, muốn trỉa bắp phải qua bên kia suối, vào núi phát nương mới. Ông nói “Thiếu ăn nhiều. Thiếu nước còn nhiều hơn. Ai cũng nghèo”. Đi trên con đường nhựa duy nhất chạy giữa buôn, qua 40 nóc nhà xơ xác, già làng K’Sór 89 tuổi, tưởng kẻ viết bài là (...), níu lấy nói thẳng “(...) xuống, đừng cho ý kiến nữa, cho gạo đi, để buôn mình ăn Tết”. Hỏi lương bổng, trưởng buôn bảo mỗi tháng được 150.000 đồng (chưa tới 10 đôla!). Già làng không có lương, bù lại “chết được khiêng to”. Vào chơi nhà trưởng buôn, thấy trên là mái tôn, dưới là bàn thờ Thiên Chúa, ngoài ra chẳng có của nả gì. E chừng ngoài 150.000 đồng lương tháng, ông K’Thanh không biết cách cào cấu, bóp nặn dân như các đồng nghiệp dưới xuôi. Ông bảo “Xã kêu đi họp bàn việc tết, mình không có xe đạp, đi bộ 10 cây số, xuống nơi người ta về hết rồi. Mình cũng về”.

Tầu xe về tết

Một trong những khu vực có mầu sắc tết nhất Sài Gòn phải kể đến sân bay, bến xe, bến tầu. Bến xe Miền Đông trong tuần lễ cuối năm, luôn quá tải với hàng vạn hành khách quây quanh dẫy quầy vé, đa số là người buôn bán, đi làm đi học quê Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Hai vợ chồng anh thợ hồ tên Trung đùm đề hành lý chen vào quầy vé Ninh Bình. Một tên cò mồi sấn tới vỗ vai hỏi “Ninh Bình hả, lấy đúng giá 800.000 đồng. Ra xe đi luôn. Xếp hàng làm quái gì cho lâu lắc”. Nhìn đôi vợ chồng đi như chạy theo tên cò mồi, anh bảo vệ bến xe cười thương hại. Anh cho biết “trung bình một buổi sáng, chúng nó bắt khách ngay trong khu vực bán vé cũng được vài chục người. Ra ngoài bến, dài theo quốc lộ 13, thêm vài chục nữa. Vợ chồng nhà kia sẽ phải ngồi dài cổ trên xe vài tiếng. Đến trưa chưa chắc xe đã ra khỏi Sài Gòn. Cái giá 800.000 đồng đến nửa đường sẽ thành 1.000.000 đồng. Không chịu thì xuống”.

Ga “xe đò bay” Tân Sơn Nhất ngày 25 tết cũng đông người, hầu hết chờ đón thân nhân từ nước ngoài. Ai cũng bồn chồn đi lại quanh những bảng điện tử báo chuyến bay. Điện thoại reo liên tục, chuyện nở như ngô rang. Ngồi bên cạnh nghe thiên hạ sự, kẻ viết bài cảm nhận được hết những chuyển động muôn mặt của Sài Gòn. Bà này than đi nhuộm tóc, sắm hai cái áo, thêm đôi giầy hết có 300.000 đồng, về bị chồng chửi “già mất nết”. Ông nọ u sầu vì bác sĩ phán gan “có vấn đề”, tết cấm đụng tới đồ uống có cồn. Chị kia kể đi tảo mộ ở Bình Hưng Hòa – bước vào cổng, đầu nậu thu 100.000 đồng. Muốn quét mộ, phải thuê chổi 10.000. Muốn rửa mộ, mua hai gáo nước 10.000 đồng. Muốn đốt tiền âm phủ, cúng trái cây… đều phải thuê 10.000 đồng vì “nếu không thế, khi mình về, tụi nó sẽ phá mộ”.

Trên đường dẫn từ ga “xe đò bay” Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố, con đường Nam Kỳ Khởi nghĩa dài 4 cây số, qua ba quận Tân Bình – Phú Nhuận, quận 1 đã phong quang hẳn. Nhiều lô cốt đã biến mất, xe cộ lưu thông dễ dàng hơn, trong đó có cả xe ba gác, loại xe đã chính thức bị cấm lưu thông từ ngày 1 tháng 1 vừa qua. Một anh lái ba gác chở cây cảnh thuê, trong khi chờ mối, đã cảm thán “Tết là chỗ này đi, chỗ kia đến. Chỗ này tiêu tiền, chỗ kia thu lãi. Là đổ xô mua những thứ không thật cần. Mời mọc nhau ăn nhậu những thứ không thật hợp khẩu. Rủ nhau chơi những trò không thật thú vị, đua nhau nói những điều không thật cần thiết. Cứ như vậy, hết chục ngày (công chức, học sinh nghỉ tết 10 ngày ), hết sức khoẻ, hết tiền bạc, lại hùng hục đi cày cho đến tết năm sau. Ai cũng khổ sở, mệt mỏi, lo lắng vì chạy tết, mà bảo thôi tết, dẹp tết, lại chẳng ai nghe. Thế mới kỳ!”[NTLA]

******************

source

NGUYỄN THỊ LAN ANH/Việt Tribune

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Đường hoa Nguyễn Huệ nghẹt thở ngắm hoa


Thứ Năm, 11/02/2010, 20:08 (GMT+7)


TTO - Đúng 19g ngày 11-2 (28 tết), đường hoa Nguyễn Huệ đã chính thức khai mạc đón du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm.

Tượng hổ ở một góc đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trước khi lễ khai mạc chính thức bắt đầu các con đường đổ về đường hoa Nguyễn Huệ đã chật kín người, một số bãi giữ xe không còn chỗ. Mọi người đổ dồn về khu bùng binh cây liễu trước cửa UBND TP.HCM, đường Lê Lợi... ngóng chờ đường hoa mở cửa.

19g phần khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ bắt đầu. Mở màn là phần trình diễn múa của Nhóm thiếu nhi Sido trong trang phục áo dài truyền thống, tóc thắt kiểu tiểu đồng, nhảy múa trên phần nhạc bài Ngày tết quê em của cố nhạc sĩ Từ Huy.

Chia sẻ cảm xúc của mình tại buổi khai mạc Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Trưởng ban chỉ đạo Lễ hội Tết Canh Dần 2010 - Nguyễn Thành Tài tuyên bố: "Đêm nay mọi người đang có mặt ở sự kiện này trong niềm vui hạnh phúc của sự sum vầy, với bao yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, với nỗi khát khao chờ đón được đắm mình trong giây phút được đắm mình trong không gian lễ hội, trong không gian đường hoa xuân Canh Dần với tên gọi xuân Bình Minh".

Theo ông, Xuân Bình Minh không chỉ là ước vọng, nỗi khát khao mà còn là ý chí, niềm tin vào tương lai tiền đồ tươi sáng của dân tộc là sự lạc quan yêu đời, vững vàng trước những gian lao thử thách, là ý chí, là niềm tin của tất cả mọi người.

Trong không khí đó, đường hoa không chỉ là nơi hội tụ của ngàn hoa tươi thắm, của sắc hoa hé lộ của mùa xuân tới mà còn là thông điệp gửi gắm với biết bao yêu thương, ý chí, quyết tâm của tấ cả mọi người xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, TP.HCM văn minh hiện đại và giàu nghĩa tình.

Đúng 19g17, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, thứ trưởng bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, Giám đốc sở Văn hóa thể thao du lịch TP.HCM Nguyễn Thành Rum, Ông Lê Văn An - chủ tịch HĐQT Saigontourist, ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổng giám đốc Saigontourist, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, và đại diện các nhà tài trợ cùng tiến lên sân khấu, đặt tay vào cánh cửa, tiến hành nghi thức mở cửa trong tiếng đếm ngược từ 10 đến 1 và tiếng trống rộn ràng…

Đường hoa Nguyễn Huệ đã mở cửa cho mọi người tham quan.

Bà Lê Vân Mây đi cùng gia đình từ quận 2 - một trong hàng ngàn người dân đầu tiên tham quan đường hoa Nguyễn Huệ - chia sẻ: "Tôi hồi hộp, náo nức và cảm thấy không khí mùa xuân đang đến rất gần".

Anh Quang Việt từ quận Gò Vấp kể anh đến đường hoa rất sớm sau một thời gian đi công tác ở Hà Nội: "Háo hức mong muốn trở về TP.HCM thật sớm để có thể tham quan đường hoa. Tôi cảm thấy tự hào, đường hoa năm nay đẹp hơn mọi năm và quy mô rất lớn”.

Hàng ngàn người bước vào con đường Nguyễn Huệ giờ đã trở thành một rừng hoa rực rỡ với hàng trăm ngàn chậu hoa đang khoe sắc.

Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa 7 ngày, từ nay đến 22g ngày 17-2 (mùng 4 tháng Giêng Âm lịch).

Một vài hình ản đường hoa Nguyễn Huệ trong đêm khai mạc:

Tiết mục múa hoa Xuân và trống hội khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ (Ảnh chụp tối 11-2 tại Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Các lãnh đạo TP.HCM vui vẻ mở cánh cửa khai mạc đường hoa từ tối 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Lãnh đạo TP.HCM tham quan đường hoa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hình tượng Bạch Hổ xuân Canh Dần giữa đường hoa - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Người dân TP.HCM tham quan, vui chơi sau giờ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đường hoa Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

LÊ NAM - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Thứ Năm, 11/02/2010, 22:28 (GMT+7)

Nghẹt thở ngắm hoa

TTO - Sau lễ khai mạc lúc 19g tối 11-2 (28 tết), đường hoa Nguyễn Huệ trở nên nghẹt thở với hàng ngàn du khách ào ạt tràn vào ngắm hoa.

Thay vì được ngắm hoa, du khách phải chịu cảnh chen lấn, xô đẩy. Nhiều người già, em bé chịu không nổi phải tìm lối thoát ra ngoài. Nhiều người nô nức đứng đợi khá lâu trước giờ khai mạc để được vào ngắm hoa nhưng cuối cùng cũng ngán ngẩm quay về.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online:

>> Đường hoa Nguyễn Huệ tưng bừng sắc xuân

Toàn cảnh đường hoa Nguyễn Huệ sau giờ khai mạc

Một em bé thay vì được tung tăng ngắm hoa cùng gia đình thì bị mắc kẹt giữa đám đông
Dòng người ào vào đường hoa Nguyễn Huệ sau lễ khai mạc
Phải chịu cảnh chen lấn nên cũng chẳng mấy du khách còn tâm trạng thưởng ngoạn những cảnh đẹp của đường hoa nữa
Du khách chỉ còn chụp hoa chứ không còn không gian để chụp hình kỷ niệm cùng hoa
Nhiều gia đình có con nhỏ phải nhảy lên vỉa hè tránh cảnh chen lấn
Hy vọng sau những háo hức ban đầu, người dân TP.HCM có không gian thoáng đãng cả ngày để thưởng thức vẻ đẹp của đường hoa Nguyễn Huệ

Chùm ảnh của THUẬN THẮNG

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=363737&ChannelID=10