Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Về Châu Đốc


Về Châu Đốc
Cập nhật lúc 5:05:10 PM - 08/12/2009

242h1.jpg


Nước thốt nốt


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Thói đời hễ cái gì mình sẵn có thì coi thường, nhưng khi mất đi lại nhớ tiếc. Tôi cũng mang tâm trạng đó khi biết mình sắp đến ngày đi Hoa Kỳ định cư. Xưa nay vì điều kiện đời sống không cho phép, hoặc vì lười biếng nên ở đâu cứ ở một chỗ. Giờ mới sực nhớ: Mình chưa biết gì về Quê Hương cả. Hơn nửa đời người mà chỉ có Nha Trang - Sai Gòn - Đà Lạt thì yếu quá. Phương chi mình lại là người chơi ảnh. Chơi ảnh mà không biết đất nước đẹp xấu ra sao thì đáng chê trách.

Dịp may đã đến, trong lúc đi tìm ngoại cảnh cho một bộ phim, đạo diễn Hồ Quang Minh (Việt kiều Thụy Sĩ) ghé qua nhà tôi chơi. Thấy tôi treo biển bán nhà, ông ta hỏi:

- Anh bán nhà rồi đi ở đâu?

- Có lẽ gia đình tôi đi Mỹ vào cuối năm nay.

Ông ta đứng yên một lúc, đưa mắt đảo quanh sân kiểng của tôi rồi chợt hỏi:

- Thế cây kiểng của anh?

- Ai mua tôi bán luôn.

- Anh bán bao nhiêu?

- Ba cây (vàng).

Ông lại làm thinh và như đang nhẩm tính đắt rẻ. Tôi nói thêm:

- Còn cả vườn sau nữa, ít ra cũng gần hai trăm chậu lớn nhỏ.

Sau khi ra xem vườn, nhà đạo diễn lên tiếng:

- Tôi không biết vàng bao nhiêu, tôi đưa anh 1.200 Mỹ kim, và anh chở về Sài Gòn giùm tôi.

Tất nhiên là tôi chịu, giá mà ông ta bảo 500 thôi, cũng đã quí rồi. Dầu vậy, đâu phải ra đó. Tôi đáp:

- Anh là người thích cây kiểng, giao cho anh là điều may mắn, hơn thiệt chút đỉnh chẳng sao. Cốt chỗ điệu nghệ với nhau, chứ mọi sự ở đời chẳng có gì bền lâu. Riêng chuyên chở ...

Tôi nói chưa hết câu ông ta đã tiếp lời:

- Tôi gởi anh thêm triệu rưởi để thuê xe và công chở vào Sài Gòn. Nếu anh đồng ý, tối nay mời anh ra khách sạn Hải Yến tôi gởi trước anh một ít.

Bàn tính mọi việc xong, khi người khách ra về, tôi mới sực nhớ mình đã hơi “đại ngôn”, bán mua cứ sòng phẳng chuyện gì phải “triết lý, thuyết giảng”…

Tôi có một người em định cư ở Mỹ, đã hơn 10 năm, khó khăn lắm mới gửi về cho 50 Mỹ kim, với số tiền trên phải nói là quá lớn đối với tôi. Năm trước, khách mua “trâu rừng” (1), tôi tưởng đã hào hoa, nay lại gặp người còn hào sảng hơn. Tôi tính ngày nhà đạo diễn quay về Sài Gòn, sẽ đưa cây vào ngay.

Chỉ mấy ngày sau, tôi đã đưa hết cây kiểng vào Sài Gòn cho nhà đạo diễn. Cây phải bê lên sân thượng chật hẹp trên lầu 3. Về sau mới biết, anh có cơ ngơi lớn trên La Ngà, nơi rất thích hợp cho số cây này.

Mọi chuyện xong xuôi, tôi làm một bài tính cho cuộc du hành Nam Bắc. Du lịch như Việt Kiều thì với số tiền này chẳng thấm vào đâu. Phải tính theo kiểu dân nội địa. Tôi mượn chiếc Cub 70 của người con rể, thay dầu nhớt, kiểm tra máy, hành trang gọn nhẹ, tôi chuẩn bị lên đường. Có thể làm một chuyến xuyên Việt. Chặng Nha Trang - Sài Gòn tôi đi suốt bằng xe lửa. Từ Sài Gòn đi Châu Đốc bằng Honda. Điều cần là làm sao để có hình ảnh qua từng chặng.


242h2.jpg


Rắn Đồng Tâm


Đến Mỹ Tho tôi vào thăm trại rắn Đồng Tâm. Ở đây nuôi đủ thứ rắn độc, dùng chế dược liệu. Có những loại rắn chưa bao giờ thấy, nhất là các giống rắn hổ. Rắn nuôi dưới những hầm sâu chừng một mét hoặc trong các chuồng lưới sắt. Xem để cho biết chứ thấy ghê lắm. Hổ báo cũng là thú dữ nhưng không ghê bằng. Thân hình của rắn làm cho ta nghĩ đến sự thâm độc. Truyện cổ có nhiều huyền thoại về rắn. Trong văn học có chuyện vụ án Lệ Chi Viên cũng được thần thoại hóa thành chuyện “Rắn Báo Oán”: Thị Lộ hiện thân của rắn hại ba đời công thần Nguyễn Trãi!

Trại có một trạm xá chữa rắn cắn mà bệnh nhân toàn là những người nuôi rắn. Đúng câu “Sinh nghề tử nghiệp” (Sống nhờ nghề, chết cũng vì nghề). Điều cũng dễ hiểu. Hai bên lối đi trong trại có trồng một loại cây trang trí, lá như lá răm. Nhân viên trại bảo đấy là cây thuốc trị rắn cắn. Có người bảo đó là cây khỉ, khỉ mẹ thường nhai làm thuốc cho khỉ con mỗi khi khỉ con bị thương tích. Một lần tôi về thăm quê Quảng Bình, người bà con đi trầm kể cho nghe:

- Đi trầm cực lắm, nhiều chuyến đi cả 10 ngày mà có được chi mô. Có bận đi tuốt qua biên giới Lào, chút nữa là bỏ mạng.

- Sao vậy anh, gặp cọp à ?

- Có mô, đụng ong.

- Đụng ong mà chết?

- Rứa mới sợ, ong chi không biết, nó chích tui một phát là mặt sưng liền. May trong bạn trầm có người biết, chạy hái cho tui một thứ lá, nhai nuốt là xẹp ngay. Tui tởn tới tra (tôi sợ đến già)

Tiếc là đời sống thôn quê gặp chăng hay chớ. Một loại thần dược như vậy mà không ai nghĩ cách nuôi trồng phòng khi hữu sự. Trong thiên nhiên còn bao nhiêu điều kỳ diệu mà con người chưa hề biết.

Rời trại rắn Đồng Tâm, tôi chạy về hướng Cao Lãnh. Cảnh đồng quê Nam Bộ nhìn cứ phẳng lì. Ruộng cò bay thẳng cánh. Làng mạc xa xa và rời rạc chứ không quần cư như Miền Trung. Tuy vậy trên sông lạch, sinh hoạt ghe thuyền rất hấp dẫn, tôi không còn cảm thấy đường xa hay mệt nhọc nữa. Trái lại, khám phá ra muôn vàn vẻ đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống của giới bình dân lam lũ. Nếu không đi, khó mà biết được. Lúc dừng chân trên cầu Cao Lãnh để ngắm cảnh trời mây, tôi chợt thấy ba chiếc xuồng thi nhau chạy rẽ nước.


242h5.jpg


Trên sông Cao Lãnh.


Vừa chuẩn bị đưa máy lên chụp thì không hiểu sao, lúc gần đến cầu, ba chiếc xuồng bỗng quay một vòng đổi hướng. Cả mặt sông nhăn lại, dưới ánh sáng ngược, váng nước nổi lên thật tuyệt vời. Tôi chỉ kịp bấm một tấm là tất cả ra ngoài tầm máy. Một tác phẩm nhờ may mắn, bình thường không biết đâu tìm. Nhẩn nha vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, đến chiều tối, chúng tôi vào thị xã Châu Đốc.


242h3.jpg


Đường đi Châu Đốc


Thành phố Châu Đốc không lớn, không có công trình xây cất gì mới mẻ. Chợ Châu Đốc làm từ thời Pháp còn lại nét hay hay. Phương tiện di chuyển phổ thông ở Châu Đốc là xe đạp, xe lôi. Một chiếc xe gắn máy kéo một bình thùng phía sau chở năm sáu người, chở thêm hàng hóa, rất dễ bị lật. Xe lôi đạp thì phần dành khách ngồi tương tự như thùng xe kéo thời trước, chỉ chở hai người, trông lịch sự và an toàn hơn.


242h4.jpg


Xe lôi


Mặt trời chưa lên, tôi đã rời quán trọ. Vòng xe ra chỗ công viên, trung tâm thành phố, chợt gặp một hoạt cảnh rất lạ, khiến tôi vội dừng lại: Những người đàn bà gánh những bó ống tre dài, từ các nẻo, đến tụ họp phía bên kia đường. Không hiểu họ bán gì, tôi hỏi một người đang tập thể dục nơi công viên:

- Mấy người kia bán gì vậy hả bác?

- Họ bán nước thốt nốt.

- Nước thốt nốt là...

- Là nước lấy từ cây thốt nốt.

Thật sự tôi chẳng hiểu gì, vì đã thấy cây thốt nốt bao giờ đâu, tôi hỏi thêm:

- Vậy họ họp chợ bán ở lề đường?

- Không, chút xíu mặt trời lên, mỗi người đi mỗi ngả.

Nghe vậy tôi vội lôi máy ảnh ra, không kịp cảm ơn bà khách. Tôi leo lên trụ rào công viên và đưa máy đóng khung một đám gánh thốt nốt. Tôi thầm nghĩ, một hình ảnh đặc biệt của đời sống Miền Nam, mà sao lâu nay không ai chụp. Nhưng rồi chợt hiểu, hễ có mặt trời thì họ đã tản ra như sương gặp nắng thì ai còn thấy gì. Trong điều kiện ánh sáng yếu như vậy, tôi phải cố gắng lắm mới bấm được một tấm.

Sáng sớm sinh hoạt thành phố Châu Đốc không có gì đặc biệt, không nghe tiếng thức dậy của quán hàng. Nhà nhà kín cửa, đường vắng hoe, cảnh thật yên tĩnh.


Trần Công Nhung

05-1992

(1) Bán Trâu Rừng trang 111 BVNCCK

*******************************************
source
Vien Dong Daily

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Cái Mơn Chợ Lách



Cập nhật lúc 10:05:55 PM - 12/09/2008

bt-3.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Đã một thời mê say với nghề cây kiểng, đã nghe đồn nhiều về Quê Hương Cây Kiểng Cái Mơn, nhưng cũng chỉ “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.

[Đại lộ vào thị xã Bến Tre]


Lần này tôi quyết đến tận nơi, xem thực hư ra sao. Dựa theo bản đồ và lời chỉ dẫn của người biết chuyện thì đường đi không khó, một nơi tiếng tăm như vậy sẽ dễ tìm.

Tôi khởi hành sớm từ một làng quê huyện Tân Trụ (Long An) về Mỹ Tho. Hành trang gọn nhẹ, một túi máy, và một túi vải ít đồ dùng cần thiết. Chạy chiếc xe máy mua năm trước, tôi như một người đi chơi, chỉ khác thiên hạ chiếc áo Jacket.

Năm giờ sáng, trời còn tối, các loa công cộng đã vang điệu nhạc quân hành, để mở đầu câu chuyện nông nghiệp. Mùa nào cũng bấy nhiêu tin, vụ mùa đạt năng suất, cải tạo đất, vận dụng nhân công, dùng phân hợp lí, v.v. Thôn quê sáng sớm rất hợp với đề tài này. Chỉ tội con trẻ học bài, phải ráng sức gào cho hơn tiếng loa vang, may ra mới nhớ phần nào bài học.

Ưu điểm ở miền quê là bầu không khí trong lành, gió lồng lộng, nhất là lúc sáng tinh mơ. Vừa chạy xe vừa hít thở thật sâu, cố bơm đầy hơi hai buồng phổi, người tôi tỉnh táo nhẹ nhàng, ung dung sảng khoái. Chỉ một lát tôi đã ra quốc lộ 14, con đường huyết mạch về Miền Tây. Thừa lúc tối trời chưa có CSGT, các loại xe đua nhau chạy ào ào, đường rộng hai chiều, bờ bê tông ngăn giữa, có làn dành cho xe hai bánh. Mấy xe máy trước mặt tôi chạy khá nhanh, tôi cố vượt qua một hai chiếc, chạy trước nhỡ gặp “sự cố” có người giúp. Tôi yên tâm có bạn đồng hành, xe nào cũng hai người, còn thêm em bé, bao bị trước sau, chứng tỏ họ là người đi xa.

Đến ngã ba Trung Lương, thẳng theo con đường Ấp Bắc, qua một chiếc cầu nhỏ, rẽ phải là con đường Nguyễn Thị Thập về Bến Tre. Đường đang được đào xới mở rộng, trụ Km cho biết Bến Tre cách 18 cây số. Hết khu phố, đường tốt bình thường. Vận tốc 40km giờ và đường như vầy, tôi nghĩ chạy đến đâu cũng được. Điều đáng lo là xe đò, họ chạy không phải vì không kịp giờ mà để vượt nhau tranh đón khách dọc đường. Nhiều tai nạn thảm khốc xẩy ra chỉ vì thế.

Lúc trời sáng hẳn thì trước mặt tôi hiện ra mấy vài cầu đang dở dang. Dạng cầu thiết kế như cầu Mỹ Thuận, thân cầu uốn cong lên trông mảnh mai rất đẹp. Đến đây tôi mất hướng đi Bến Tre. Tôi đứng trước một ngã ba: Rẽ trái vào Mỹ Tho, rẽ phải đi Bình Đức. Tôi quay xe hỏi một người đi đường:
- Nhờ bác chỉ giùm lối nào đi Bến Tre?
- Ông rẽ trái, chừng 2 cây số có phà qua Bến Tre.

Đúng như lời, khách đang xuống phà. Xe và người 5000 đồng. Điều đáng mừng là ngày nay không còn cảnh chụp giựt hành khách của giới bán rong. Hai bên đường xuống phà hàng quán sạch sẽ sáng sủa, “thể hiện nét văn minh”. Chưa đầy 10 phút chiếc phà nặng nề gầm gừ rời bến. Phà rời bến không còi hụ chẳng nhả khói, hành khách tỉnh bơ không cảm xúc, khác với ngày xưa, con tàu nhổ neo mang bao người đi, để bao người ở lại:
“Biệt ly sống trên dòng sông, ôi còi tàu như xé đôi lòng.
Và mây trôi, nước trôi ngày tháng trôi cùng lướt trôi...”
(Biệt Ly của Doãn Mẫn)

Dù chưa sống trong cảnh biệt ly, nhưng âm hưởng của bài nhạc cũng làm cho người nghe nao nao buồn buồn.

Phà ra giữa sông mới nom rõ hai trụ cầu chính cao vút, tôi hỏi chàng thanh niên đứng cạnh:
- Cầu đang làm tên gì hả anh?
- Cầu Rạch Miễu, qua sông Tiền.

Phà Rạch Miễu, cầu rạch Miễu, chắc là một thời nào đó có ngôi miễu linh thiêng lắm nên dân chúng mới lấy làm tên, như khu chung cư Miếu Nổi trên Sài Gòn, bây giờ là một làng cà phê, suốt ngày hàng nào cũng đông khách.

Phà chạy lài lài về phía trái, vòng qua cù lao trước mặt, thấy hai chữ Cồn Phụng, tôi nhận ra đây là nơi ông Đạo Dừa tu ngày trước. Kỹ sư Nguyễn Thành Nam tốt nghiệp bên Pháp, về nước trong cảnh “Nam Bắc phân tranh” nên “bức xúc” vì thời cuộc mà lập ra Đạo Dừa.

bt-2.jpg[Cồn Phụng (Đạo Dừa)]

“Trời hanh nắng tôi đi thăm Cửu Trùng Đài của ông Đạo Dừa, cách đó không xa. Vé vào cửa 5000 đồng. Nói vào cửa nhưng thực ra chẳng cổng ngõ, không ai soát xét gì cả. Mấy nhân viên ở dãy nhà bên cạnh để thu tiền. Công trình ông Đạo tuy không qui mô vĩ đại nhưng lạ mắt. Trên một sàn đúc khá chắc từ trong bờ ăn rộng ra sông, kỹ sư Nguyễn Thành Nam (tục danh ông Đạo), xây một giả sơn cao chừng 5m trên đỉnh dựng một tháp 9 tầng, và ông ngồi trên đó để tu luyện. Trước tháp chín tầng là một “Sân Rồng”. Tám trụ cao, hoa văn chạm trỗ mỗi trụ có một Rồng Thăng, quấn từ dưới lên. Trong sân có nhiều chậu kiểng gọi là trang trí chứ không xuất sắc. Có một nhà chuông một lư nhang cao 3m, trên lư khắc mấy dòng về ông Đạo: “ Cậu Hai Nam Nguyễn Thành 1928-1935 du học Pháp, trường đại học Hóa Chất tại Caen. Sau 3 năm tranh tài để làm gì, về xứ lên Thất Sơn Huyền Bí tìm giải pháp hòa bình, Thiên Định theo lý số Âm Dương, bất chiến bất bạo động”.

Tôi không hiểu ai ghi những điều mù mờ khó hiểu như vậy. Hỏi xem có tài liệu gì khác về ông Đạo thì ai cũng nói chỉ có bấy nhiêu. Tôi có cảm tưởng bộ phận coi ngó thu tiền không “mặn mà” lắm với cơ ngơi mình khai thác”. (1)

Phà cập bến, con đường chạy thẳng, sạch sẽ và cây trồng hai bên cũng lạ. Lề bên phải toàn cây dầu thân trắng cao vút, bên trái toàn phượng vĩ. Tôi chưa biết đường về đâu, tuy có nhớ mấy câu thơ ai đó:
Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
Về
Cái Mơn, Lương Hòa hay là, về Sơn Đốc, Ba Tri?

Lại phải hỏi thăm:
- Thưa bác, đây là đường gì, về thị xã Bến Tre đi lối nào và bao xa nữa bác?
- Đây là QL 60, ông chạy chừng 3km, đến cuối đường rẽ trái, đó là đường vào thị xã.

Từ ngã ba rẽ trái là đại lộ hai chiều, có bồn cây phân cách, đèn cao áp tăm tắp mấy hàng, sạch đẹp. Mỗi trụ đèn gắn một tấm bảng hình thoi sơn màu xanh, tạo nét trang trí hay hay.

Phần nhiều đường vào các thành phố trên cả nước ngày nay mở rộng và trang trí thành đại lộ khang trang mới mẻ. Điều đáng phàn nàn là đa số người dân không gìn giữ “bộ mặt” của mình, coi đường cái, công viên như thùng rác. Hễ có rác là cho ra đường.

Đại lộ vào thành phố chừng vài cây số, cuối đường là ngã ba: Rẽ trái, đường Đồng Khởi vào thị xã, rẽ phải đi Mõ Cày. Đồng Khởi là phố chính của thị xã Bến Tre, nhà cửa còn đơn sơ, có chỗ còn nguyên chái tôn tạm bợ kiểu nhà ổ chuột. Xuống gần bùng binh tượng đài, phố xá khang trang hơn, nhưng không tấp nập. Không tiếng còi, ít bụi bặm, không thấy du khách, không một bóng Tây, Đầm. Chạy một vòng cố tìm quán phở mà thấy toàn hủ tiếu bánh canh, bún cua... Tôi hơi lạ, dường như dân thành phố không ai đi ăn ngoài, ít quán ăn, nhiều tượng đài. Tôi phải dừng xe, nhắm tướng hỏi một người đi đường: “Xin bác mách cho một quán phở”. Ông khách nhìn tôi cười rồi đưa tay vẽ một vòng vừa nói: “Ông chạy bọc lại con đường này, xuống gần dưới chợ mới có phở ngon, trên này dở lắm”.

Vòng qua mé đường bên kia, chạy một đoạn tôi thấy có tiệm phở rất đông khách. Không phải đắn đo, tôi dựng xe vào quán, đang liếc tìm một chỗ thì chị bưng phở chỉ tôi ngồi chung bàn với một thiều nữ đang ăn. Trong khi đợi tô phở lên tôi làm quen người đối diện. Tôi hỏi một câu bâng quơ:
- Hình như Bến Tre ít quán phở phải không cô.
- Dạ.
- Và nhiều tượng đài.
- Đây là gốc cách mạng mà chú.
- Cô chắc ở đây từ nhỏ, tôi muốn hỏi thăm đường về Cái Mơn, cô biết chỉ giùm.
- Dạ chú hỏi mấy xe ôm họ rành, cháu chỉ nghe nói thôi.

Mỗi địa phương có thói quen riêng. Tôi gọi tái nước trong, tô phở bưng lên như phở bò kho, có cả cà rốt. Cũng ăn được, một lát họ cho thêm chén tái, tôi cười, nghĩ là cô hàng đã bê nhầm. Cô bồi bàn như đoán được ý, nói cách tự nhiên: “Sao cười chú, kiểu ở đây, một phần, một tô một chén”. Nhìn quanh thấy ai cũng thế. Tô phở 15 nghìn vậy là rẻ lắm.

Cái Mơn là nguồn cung cấp giống cây trồng cho hầu hết các tỉnh trong Nam kèm thêm nghề tạo cây kiểng. Trước đây tôi đã có thời cộng tác với cơ sở Hoa Kiểng Sáu Quí (2) ở Sài Gòn, mỗi mùa Tết, Sáu Quí chở từng ghe cây miệt Cái Mơn lên Sài Gòn bán lại cho các vựa. Hồi ấy tôi chỉ mường tượng trong trí: Cái Mơn là miền nào đó tít tịt heo hut dưới Miền Tây. Cái tên nghe cũng đã quê mùa cô quạnh rồi.

Một anh xe ôm chỉ cho tôi đường đi:
- Chú chịu khó đi xa một chút mà êm, đi đường Mõ Cày xấu và bụi lắm. Chú lấy viết tui vẽ bản đồ chú đi dễ thôi.

Tôi đưa anh cây bút, cuốn sổ, anh vừa hí hoáy vẽ vừa nói:
- Đây chú xuống đường bờ sông chạy miết, gặp phà Hàm Luông, qua phà chạy về Chợ Lách, Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách.

Đường bờ sông là đường Hùng Vương, sạch đẹp, có cây trang trí, tương tự như đường Trưng Vương Mỹ Tho, Bạch Đằng, Đà Nẵng. Mốt của hầu hết các thành phố bây giờ là thế. Dừng nghỉ một lúc, nhìn xuôi ngược dòng sông, bấm vài tấm ảnh. Sông nước trong Nam không phải để cho văn nhân thi sĩ sáng tác, tuy đã có những nhạc phẩm như Dòng An Giang; với tôi, sông nước miền Nam là nguồn sống của con người. Mỗi năm bao nhiêu phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, bao nhiêu tôm cá cho dân chúng. Lại còn là huyết mạch giao thông chẳng khác gì đường sá trên bộ.

Trần Công Nhung
4 - 2008

(1) Trích một đoạn trong QHQOK tập 4 của tác giả viết về ông Đạo:
(2) Đọc Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng của tác giả.

**********************************************************

source

Vien Dong Daily

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Chùa Bà Thiên Hậu


Cập nhật lúc 12:15:51 AM - 24/04/2009

206-h2.jpg

(Chùa Thiên Hậu)
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Đã là dân nhiếp ảnh không ai không biết Chùa Bà, một trong những ngôi chùa lớn của người Hoa ở Chợ Lớn. Ngôi chùa tọa lạc tại 710 đường Nguyễn Trãi, quận 1 Sài Gòn.


Thật tình tôi cũng không rõ lắm về gốc tích ngôi chùa này. Có người gọi Chùa Bà Thiên Hậu. Chùa kiến trúc và thiết trí thờ phượng theo lối người Hoa. Chùa có chuông đồng đúc từ năm 1830. Đặc điểm của ngôi chùa ngoài công trình kiến trúc đồ sộ còn hình ảnh những giây nhang vòng xoắn trôn ốc, treo đầy khoảng sân phía trước Chánh Điện. Nắng lên cao, soi bóng những vòng nhang xuống nền gạch, tạo những hoa văn lạ mắt. Ngày vía lễ, khói nhang tỏa đặc, làm cho hình ảnh các giây nhang ẩn hiện mờ tỏ đượm vẻ linh thiêng.

206-h3.jpg

(Nhang vòng trong chùa)

Chùa thờ bà Thiên Hậu là chính. Bà được người Quảng Đông gọi là “A Phò” (Đức Bà). Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là "Đạo Mẫu". Bà có tên thật là Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044) ở Phước Kiến (Trung Quốc). Theo truyền thuyết thì một hôm cha Bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ, xuất thần biến đi cứu cha và hai anh. Trong lúc Bà đang dùng răng cắn áo cha, hai tay nắm hai anh kéo vào bờ thì nghe tiếng mẹ gọi, ép Bà trả lời, Bà vừa mở miệng thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó những ai đi biển gặp nạn, đều khấn vái Bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho Bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu". Những nơi có đông người Hoa cư ngụ thường có chùa Bà, như chùa Bà trên đường Chi Lăng gần bến đò Cồn (Huế), Chùa Bà Bình Dương… đến ngày vía lễ không những người Tàu mà cả người Việt cũng đi lễ rất đông.

Sáùch Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ "điền", nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hán, người Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức, ở bên sông Nam và Bắc không thiếu món gì, đầu phía Bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía Tây đường lớn có chùa Thiên Hậu...

Kiến trúc Chùa Bà hoàn toàn theo đặc trưng của người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói nhang. Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, thường là màu đỏ, vàng, tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi hình thú thuộc "tứ linh". Chùa có gắn các phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường... do 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908. Kiến trúc độc đáo này được nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển khen ngợi như sau:

...Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở sang đây, đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu, gạch xây liền mí không tô hồ, đếm rõ từng tấm một, lằn hồ thẳng đường thẳng lối khít rịt và ngay bon như vẽ, thiệt là rất khéo và tưởng chừng thợ kim thời khó làm sắc sảo hơn được nữa. Truy ra chùa nầy trùng tu năm 1860 (Hàm Phong năm thứ 10). Ngày nay đứng sân chùa ngắm lên các cảnh chưng trên nóc bằng đồ gốm nung bên Tàu là biết được những phong tục Trung Hoa cổ thời, thưở vua chúa còn trị vì: Đả võ đài, thi đậu vinh quy, công chúa tuyển phò mã, v.v., những vật này đáng được liệt kê vào sổ cổ tích vậy.

Trong chánh điện còn 2 đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Trong tủ kính lớn ở chánh điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D'Ariès (1860) cấm các binh sĩ Pháp và Y Pha Nho phá phách. Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt, dành rước Bà vào ngày vía với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu Bà. Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, gồm nhiều tượng gỗ, tượng đá, bia đá, chuông nhỏ, lư đồng, lư đa, hoành phi câu đối, tranh đắp nổi… Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.

Đối với giới nhiếp ảnh thì Chùa Bà hấp dẫn nhất là trong ngày lễ hội, nhang vòng treo dày đặc trong chánh điện, khói hương mịt mù ánh sáng trời xuyên qua vẽ từ vùng hào quang lung linh giữa đám người lễ bái. Đã có nhiều tác phẩm trúng giải quốc tế nhờ chủ đề Chùa Bà.

206-h1.jpg

(Lễ chùa – ảnh Lê Nguyên Anh)

Mấy năm trước tôi có ghé qua Chùa Bà Thiên Hựu, và trong khi đi tìm “đề tài” tôi đã đã gặp một người “thầy thuốc”. Chuyện người “thầy thuốc” tôi có viết trong cuốn QHQOK 2. Do chưa đủ thời gian kiểm chứng tôi đã ngộ nhận lúc đầu và đã làm cho không ít độc giả tin theo (1). Xin trích một đoạn:

“Chiều hôm sau Khánh (người thầy thuốc) gọi hỏi thăm, không hiểu trao đổi với anh như thế nào mà anh biết tôi có bệnh tiểu đường. Anh hỏi cặn kẽ rồi kết luận:

- Bệnh của chú như vậy là nhẹ, mới chớm, nhưng nên chữa dứt từ đầu. Sáng mai chú đến cháu bắt mạch làm thuốc cho chú….

Đúng hẹn, tôi mang ảnh đến cho Khánh, anh ở tại 55 Lương Nhữ Học P10, Q5-Sài Gòn. Đến nơi tôi thấy trước nhà có treo bảng hiệu “An Ngươn Đường”... Khánh bảo tôi ngồi nghỉ một lúc rồi xem mạch. Anh nói:

- Tiểu đường là do Tụy Tạng yếu, không đủ lượng insulin để tiêu thụ đường. Phải chữa ngay tụy tạng.

Lối chữa của Đông Y là chận ngay từ gốc. Tây Y thì phát đâu đánh đó. Gãy tay gãy chân, mổ xẻ, là phần việc của Tây Y. Ngày nay không ai chối cãi "quyền thay tạo hóa" của Y Khoa. Những trường hợp thay tim, thay thận...

Tôi hỏi dò để biết thêm:

- Ngoài cháu còn ai làm thuốc nữa không?

- Ông nội cháu, truyền lại cho ba cháu, nhưng ba cháu không thích lắm. Cháu thì thấy hay, phụ việc cho ông nội và ba cháu, học nghề luôn từ nhỏ.

- Làm sao mà cháu phải ngồi xe lăn?

- Cách nay tám năm, cháu chạy Honda đi giao thuốc và bị tai nạn...

- Lúc nãy cháu bảo dùng thuốc rồi thì ăn uống bình thường, đường không trở lại?

- Dạ đúng vậy. Có những người bệnh nặng, bị lở lói mà cháu chữa vẫn lành.

Tôi đồng ý để Khánh làm thuốc. Thuốc Bắc, tán thành bột, uống 2 tháng. Trước khi ra về tôi nói :

- Cảm ơn cháu, nhưng có điều này chú nói trước: Nếu quả thật thuốc tốt như lời cháu, chú sẽ viết một bài báo cho mọi người biết để bà con tùy nghi. Ngược lại, chú cũng viết để mọi người biết mà tránh.

Qua mấy năm sau, tôi nghiệm ra công hiệu của thuốc không như lời “thầy” đã cam kết (1). Có người bảo “đấy là do thuốc không hạp với ông”, cũng có thể như thế, nhiều điều tốt cho người này mà xấu cho người kia là chuyện thường. Nếu độc giả nào dùng thuốc mà lành bệnh, người viết xin chúc mừng, ngược lại xin thông cảm thứ lỗi cho. Vấn đề chính là mình đi vãn cảnh chứ không đi chữa bệnh. Đây chẳng qua là chuyện không may, nhưng không có gì (side effect) xẩy ra, vậy cũng là điều đáng quí.

Trần Công Nhung
7 - 2008

(1) Sau khi uống hết thuốc tôi thử máu theo chu kỳ khám, cứ 6 tháng 1 lần, thời gian đầu chừng hơn năm, không thấy đường lên, nhưng rồi thấy đường trở lại 130, tôi đến bác sĩ chuyên tiểu đường, BS bảo bệnh chưa có gì, có người còn lên 4-5 trăm, khi được giảng về cách đo đường trong máu lúc đói và lúc no, tôi mới hiểu lâu nay kết quả thuốc “thầy Khánh” là không thực. Đã thế làm cho bệnh tăng thêm vì ỷ y không uống thuốc. Những người bị nhẹ như tôi thì lúc đói (sau 20 giờ không ăn) bao giờ đường cũng thấp, trái lại ăn xong sau 2 giờ đo máu sẽ thấy đường cao 170-200. Tôi dùng máy cá nhân đo thấy đúng. Báo cho anh Khánh biết, anh hứa sẽ điều lại thuốc và gửi qua cho tôi. Thuốc lần hai (miễn phí) tôi theo dõi vẫn không ăn thua, tôi nghi trong thuốc có chất gì đó chỉ tác dụng tạm thời mà thôi. Trở lại tây y, tôi phải dùng thuốc hàng ngày ( liều nhẹ mỗi bữa ½ viên Stalic trước khi ăn), kèm theo chế độ ăn uống, cốt giữ quân bình lượng đường. Lúc đói 105, lúc no sau khi ăn 2 tiếng, 140 hay trên dưới chút đỉnh là tốt.

Một bạn bác sĩ ở Nha Trang cho biết, trong y dược có một chất (tôi không nhớ tên), tán trộn vào cao đơn hoàn tán là trị bá bệnh, nhưng có thể hại sức khỏe do liều lượng không đúng. Tôi rất lấy làm tiếc đã vô tình gây ngộ nhận cho một số độc giả. Thành thật cáo lỗi và mong được thông cảm

***********************************************

source

Vien Dong Daily

Thác Mai Định Quán


Thác Mai Định Quán (kỳ 1)
Cập nhật lúc 2:56:41 AM - 24/03/2009

ThacMaiDinhQuan201-h1.jpg

Định Quán ngày nay - (Bài và ảnh: Trần Công Nhung)

Trước 75, một đôi lần tôi đi xe đò từ Sài Gòn lên Đà Lạt, cách Sài Gòn khoảng 110 km, có một nơi mà hầu như xe nào ngang qua cũng dừng nghỉ chốc lát, đó là Định Quán, giống như qua đèo Hải Vân (1), ai cũng đỗ xe trên đỉnh đèo để làm cốc cà phê, ngắm cảnh trong không khí lành lạnh sương mù.


Quán hàng trên đèo đơn sơ hiền lành, thiên nhiên không bị phá, đây là điểm đẹp nhất của đèo. Thời ấy Định Quán chỉ có vài ba hàng giải khát, những cụm khối đá đen khổng lồ, có chỗ chồng lên nhau, tạo thành cảnh đá đặc biệt nổi hẳn trên gò đất cao. Khách dừng chân chụp ảnh và mua hoa quả, đặc biệt trái bơ (avocado) rất rẻ (2), không nghe nói gì về du lịch. Bây giờ sau nhiều năm trở lại quê nhà, Định Quán đã là khu du lịch sinh thái lớn, có Thác Mai thơ mộng, một nơi không thể bỏ qua. Chuyến đi này có người bạn tháp tùng nên tôi càng yên tâm. Chương trình đi về trong hai hôm, nếu có những “phát sinh” hấp dẫn thì kéo thêm một vài ngày chẳng sao.

Khởi hành thật sớm từ quận tư, chúng tôi dự tính ra ngoài thành phố rồi điểm tâm để tránh kẹt xe. Kẹt xe là một vấn nạn mà hiện nay (...) không cách nào giải quyết nổi. Hàng tiếng đồng hồ đứng hít khói xe thì phổi voi cũng phải bệnh.... Không ít người còn lợi dụng khoe của, chốc chốc rồ ga cho khói phun vào mặt (ống bô xỉa lên) người sau, muốn mọi người chú ý chiếc xe đắt tiền (3). Ai cũng biết chuyện chạy xe, nhất là xe máy, các thành phố lớn như Sài Gòn Hà Nội, người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông” (4) không những cẩn thận mà còn lanh tay lẹ mắt vì rủi ro ập tới không biết lúc nào. Đường sá ngày nay đã tốt hơn, nhưng xe chạy rất đáng ngại, nhất là xe khách, họ dành đường chạy cho kịp giờ để bù lại những đoạn chạy chậm (sợ bắn tốc độ). Luật giao thông cắm nhan nhãn dọc đường, nhưng chẳng ai đọc, đọc cũng chẳng hiểu nói gì. Có nhiều chỗ chỉ cần một dấu hiệu (sign) thì nguyên một bài văn dài lê thê: “...người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hạ quyết tâm tuân thủ luật giao thông đường bộ để không gây tai nạn, vì tai nạn là thù. An toàn là hạnh phúc của mọi người..."v.v. và vv.. Cho dù xe chạy với vận tốc 40km (chậm nhất thế giới) tài xế cũng không tài nào đọc hết bảng cáo thị dài lê thê như sớ ông táo! Có lẽ vì phải đọc những thứ nhăng nhít ấy nên tai nạn xẩy ra dài dài. Ở Việt Nam ai cũng thích nổi tiếng văn chương chữ nghĩa, diễn văn quan chức đành một lẽ, bảng chỉ đường cũng một bài văn. Hàng ngày phát sinh vô số từ mới, và luôn cãi biên cách viết (5). Con trẻ khổ do cải cách giáo dục triền miên.

Qua Biên Hòa Hố Nai, gặp những hình ảnh quen thuộc một thời, các bà cụ Bắc 54 áo dài khăn quấn đi lễ. Nhà thờ hai bên đường sáng sủa ngăn nắp và đông người. Đến gần Dầu Giây, tôi ghé vào quán nước hỏi thăm đường. Một đoạn nữa thôi là gặp QL 20 đi Định Quán. Qua khu rừng cao su, làng “quán võng” dài dài, từng dãy lều lá nối tiếp, mắc võng cho khách nghỉ giải lao, nghỉ đỡ mệt chứ không phải nghỉ “thư giãn” kiểu thành phố. Gọi là quán nhưng tài sản chỉ một thùng đựng đá, một quầy dừa, vài ba chai nước ngọt, dăm bảy gói thuốc lá. Chiều, tất cả cuốn dọn về, bỏ lại lều không, chẳng còn gì cho kẻ cắp. Đơn sơ vậy nhưng cũng sống qua ngày. Tại VN lắm khi lại dễ sống cho người ít vốn, tất nhiên bấp bênh vô định...

Đường lên Định Quán tương đối ít xe đò, lúc qua chỗ rẽ vào hồ Trị An, tôi muốn vào thăm cho biết, nhưng sợ không kịp sẽ gặp cơn mưa chiều, miền Nam đang vào mùa mưa. Qua Thị trấn Gia Kiệm không có gì lạ, đến La Ngà thì buộc phải dừng chân. Làng nổi nay đông hơn, đường nét hay hơn. Ngày trước làng chỉ phía sông trên cầu, nay thêm một làng phía dưới, nhưng xa tít trông như những con đò lúp thúp của dân chài. Trời đã kéo mây báo hiệu sắp có mưa. Chụp vội mấy tấm ảnh rồi tăng tốc độ, không còn xa mấy song gặp mưa giữa đường dễ bị cảm cúm. Từ La Ngà lên Định Quán, cảnh núi dồi lên xuống tiếp tiếp nhau, đất đai màu mỡ thấy rõ, những đồi chè xanh um mà cư dân thì thưa thớt.

201-h2.jpg

Chợ

Lên đến đầu dốc thị trấn, chỗ chùa Thiện Chơn, đúng lúc cơn mưa ập tới. Chúng tôi vào ngay quán bên đường kiếm thứ ăn trưa vừa tránh mưa luôn thể. Quán không bao nhiêu người khách mà chờ mãi chẳng thấy ai hỏi. Tôi phải đến quầy nhờ làm giùm mấy quả trứng chiên ăn bánh mì. Ăn đơn giản vầy cũng là cách tránh bớt rủi ro ngộ độc. Ngớt cơn mưa, việc đầu tiên đi tìm chỗ trọ. Thị trấn Định Quán dài theo quốc lộ hơn cây số, phố xá không đồng đều, sầm uất có lẽ chỉ quanh chỗ chợ và bến xe. Chạy mấy vòng, tìm mãi không thấy nhà nghĩ nào, rẽ vào các ngõ hai bên, vài chục mét là hết phố, dạng phố nghèo.

Biểu tượng của Định Quán là những cụm đá sát bên đường, nay bị nhà cửa vây quanh, chỉ còn thấy thoang thoáng đầu chõm, nét đẹp khoáng đạt oai vệ của ngày xa xưa đã mất. Riêng cụm Đá Voi, cụm đầu tiên từ hướng Biên Hòa lên, cạnh chùa Thiện Chơn còn giữ được vị thế. Cụm đá này bình dân gọi “Đá Ba Chồng” (ba tảng chồng lên nhau). Tôi không hiểu sao khi lập thị trấn huyện, chính quyền không thấy ưu thế của Định Quán là quần thể đá nổi để khai thác du lịch, không nữa cũng tạo cho thị trấn bộ mặt có “văn hóa” đặc biệt hơn. Giả sử lợi dụng vị thế của đá, dành một diện tích vừa phải, tạo một hoa viên, tôi tin du khách sẽ ngạc nhiên thích thú dừng chân. Nhiều địa phương khác cũng đã đánh mất lợi thế của mình chứ không riêng gì Định Quán, nghĩa là chẳng ai thấy giá trị danh lam kỳ tích mà chỉ biết khai thác cái lợi nhỏ nhặt trước mắt. Đến khi thấy thì sự đã rồi (6).

Chạy lui tới mấy vòng, trời lại mưa, may tìm ra được khách sạn Lucky, có lẽ khách sạn duy nhất của thị trấn. Khách sạn chỉ mấy phòng, vắng hoe, tôi hỏi chị tiếp tân:

- Định Quán không mấy khách sạn chị nhỉ?

- Dạ, chỉ khách sạn này thôi, ít ai dừng chân ở đây, thường người ta đi thẳng lên Đà Lạt, hoặc về luôn Sài Gòn.

- Quanh đây có tiệm ăn nào không?

- Chú lên phía trên chợ, có quán cháo vịt ngon mà bình dân.

Thị trấn chỉ có dãy phố chạy qua khu chợ và bến xe là sáng sủa, nhưng im lìm. Chúng tôi vừa tìm ra quán cháo thì trời đổ mưa to. Trước hiên quán có lò bánh xèo, chị bán bánh liền tay phục vụ khách. Bánh xèo là món hợp với cảnh trời mưa gió. Bánh xèo Định Quán lại giống bánh khoái Huế, bánh nhỏ bằng chiếc đĩa con chứ không lớn kiểu bánh Sài Gòn. Người bạn đề nghị thử bánh trước rồi cháo thịt vịt sau. Hai chiếc bánh vàng rụm, nóng thơm, nước mắm rau sống, mùi thật hấp dẫn. Tôi không dám đụng đến rau, dù vậy, bánh cũng ngon không kém bánh Điện Biên Phủ Huế. Đến món vịt thì không chê được, vịt mềm và ngọt làm sao. Có nhiều nơi bán vịt già, thịt dai và khô như bã mía. Nói đến các món vịt, tôi không quên vịt Cầu Dứa (Nha Trang) nhất là món vịt nướng, được tẩm bằng thứ gia vị riêng, chỉ nghe mùi thơm đã thèm (7). Mưa vẫn nặng hạt nên thực khách nhiều người còn nấn ná chưa về, thấy có ông già đang ngồi nhâm nhi, tôi qua làm quen:

- Chào bác, xin phép hỏi bác vài điều.

Ông già nhìn tôi như không nghe và tiếp tục nhắm rượu. Tôi cứ hỏi:

- Xin lỗi, bác ở đây bao lâu rồi bác?

- Từ khi lập huyện Định Quán, năm 91 (8). Ông hỏi chi vậy?

- Không có gì đâu bác, tôi ở xa đến muốn hỏi thăm thôi, nghe nói Thác Mai đẹp lắm, đi thế nào bác chỉ giùm.

- Đẹp gì, đường đất đỏ đang cày xới, mưa này ai mà đi. Ông muốn đi, xuống phía dưới có bảng chỉ đường vô thác.

- Từ ngoài quốc lộ vào thác xa không bác?

- 20 cây.

- Xe máy chắc chạy được?

- Chạy được chừng mười mấy cây, còn lại là sinh lầy...

Nghe qua tôi hơi rụt chí, sực nhớ có người thắc mắc ý nghĩa Định Quán, tôi hỏi ông già:

- Còn tên Định Quán nghĩa là sao bác?

- Người ta nói hồi xưa chúa Nguyễn vào Nam, ngang qua đây cho quân nghỉ lại, kêu là định quân, riết đọc thành Định Quán.

- Hay quá, vậy mà tôi hỏi nhiều người họ bảo Định Quán là ngày trước đây có đình thờ Thần Hoàng dân buôn bán biến thành quán gọi là “quán đình” rồi Định Quán! Đây lên Đà Lạt bao xa nữa bác?

- Hai trăm cây.

Được ít thông tin sơ khởi, tôi quay về khách sạn, trời chiều càng lạnh thêm, mưa vẫn rả rích. Sáng mai đi thác rồi về luôn Sài Gòn, nếu Đà Lạt còn chừng trăm cây có khi làm một vòng lên Đà Lạt, xuống đèo Ngoạn Mục về Phan Rang cũng hay. Chương trình dự tính thế nhưng mai mưa to chắc phải ở lại thêm một ngày.

201-h3.jpg

Đá Ba Chồng

Khoảng nửa đêm không còn nghe tiếng mưa rơi, bầu trời từng vùng sao lấp lánh, dấu hiệu nắng ngày mai, tôi yên tâm nối tiếp giấc ngủ. Trời mờ sáng đã dậy, nhắc bạn thu dọn các thứ, đi sớm xuống quán dưới chùa Thiện Chơn điểm tâm. Quán nằm ngay đầu đường vào thác. Thị trấn miền núi, quán hàng tương đối êm đềm yên tĩnh, ngay cung cách ăn uống cũng khác, ở đây không ồn ào, không nhẩn nha như ở thành phố. Chúng tôi lại cũng bánh mì trứng chiên như hôm qua. Trời sáng hẳn nắng lên theo, quang cảnh tươi sáng ấm áp, đúng thời tiết cho một cuộc đi rừng. Con đường nhựa có trụ km ghi khoảng cách đến thác: 15, 14, 13...đến lúc thấy : Thác Mai 7km, thì gặp một trạm kiểm soát, cây chắn ngang đường. Khách phải dừng mua vé. Thấy chúng tôi, một người đàn ông bước ra chào.

- Tôi nghe nói đường vào thác đang làm, khó đi phải không anh?

- Một vài chỗ chịu khó đẩy xe cũng qua được.

- Anh cho hai vé.

- 5000 đồng một vé.

- Đường chưa làm xong sao đắt vậy?

- Đắt gì, giá từ năm 2002 chưa tăng.

Tôi chuyển qua hỏi một câu ngoài lề:

- Anh à, tôi thấy suốt mười mấy cây số, hai bên đường toàn đất hoang, kiếm một miếng được không?

- Thấy vậy chớ đất có chủ cả. Rờ vô không nổi đâu.

(còn tiếp)

Trần Công Nhung - 7 - 2007

(1) Thời xa xưa, đường đèo hẹp, xe lên đèo một lúc cả hai bên, dừng nghỉ trên đỉnh đèo, chờ người gác chân đèo báo không còn xe lên mới cho “xổ đèo”. Về sau đèo mở rộng đủ cho hai xe tránh nhau thì chuyện dừng nghỉ trên đỉnh đèo không còn là chuyện bắt buộc. Bây giờ lại có đường hầm xuyên đèo, dành cho xe ô tô, xe máy vẫn phải đi đèo.

(2) Trước 75 miền Nam trồng hai loại trái cây Bơ, Trứng gà như để chơi, không ai ăn. Sau 75 thì bán có giá, nhưng cho đến nay (2008) bơ vẫn là thứ rẻ nhất. 1kg/ 8000 đồng, Buôn Ma Thuột chỉ 3000$. Bơ đắt nhất ở Mỹ, quả bằng nắm tay 90 cent.

(3) Cái tính cố hữu của người Việt là ưa khoe, khoe kiến thức, khoe địa vị, khoe gia tài. Nhiều trường hợp thật lố bịch, tôi biết một ông mua ve chai, rác nylon ở Đồng Bò (Khánh Hòa), nhà ở như chòi chăn vịt nhưng ông in danh thiếp: “Giám Đốc công ty TNHH thu mua phế liệu…”

(4) Chữ của “quan chức lục lộ VN”

(5) Báo Tuổi trẻ viết: “Duy tu đường biến thành sông”, chắc độc giả ít ai hiểu. Thời gian gần đây, các MC Radio hải ngoại, có lẽ do nghề nghiệp, họ học những “chữ Việt mới” khá nhanh, không khác gì người trong nước, cũng “tuyến đường, phong cách (?) hàng hóa, ấn tượng... nghe như đài Hà Nội (đây là sự thành công lớn của “Ban TVVH”). Trong một “cuộc hội thoại” (quảng cáo) của hai luật sư Th và D, nghe họ dùng những chữ: Hộ gia đình, tình huống, chủ yếu, khả năng... mà phục hết sức. Nếu đây là luật sư du sinh thì không có gì lạ.

(6) Nhà của BS Yersin ở xóm cồn Nha Trang phá làm nhà nghỉ bộ nội vụ.

(7) Về lại Nha Trang (QHQOK tập 1)

(8) Gồm 1 thị trấn (Định Quán – huyện lị) và 13 xã (Thanh Sơn, Phú Tân, Phú Vinh, Ngọc Định, La Ngà, Phú Lợi, Phú Hoà, Gia Canh, Phú Ngọc, Túc Trưng, Phú Cường, Phú Túc, Suối Nho).

Trước kia Định Quán là quận trực thuộc tỉnh Long Khánh; từ ngày 10 tháng 4 năm 1991, huyện Định Quán được tái lập trên cơ sở các xã của huyện Tân Phú tách ra, thuộc tỉnh Đồng Nai.

Thác Mai Định Quán (tiếp theo)

Cập nhật lúc 3:53:34 AM - 10/04/2009

202-h1.jpg

Đường vào thác
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Sau khi có vé, cây chắn giở lên cho chúng tôi qua. Từ đây đường rải đá dăm, khô ráo xuyên qua rừng hoang. Rừng đủ loại cây tạp nham chứ không phải rừng cây nguyên sinh. Nói về rừng nguyên sinh, tôi thấy có hai nét đẹp riêng biệt, một là tàng lá, hai là thân cây.


Nếu độc giả có dịp đi thuyền trên lòng hồ Nà Hang Tuyên Quang (8) hay hồ Ba Bể Bắc Cạn (9) sẽ thấy vẻ đẹp của rừng nguyên sinh khác hẳn với rừng cây thường thấy. Tàng lá rừng nguyên sinh được kết cấu xếp đặt nhịp nhàng từ đường nét đến màu sắc, tôi có cảm tưởng như đang xem một chậu kiểng (bonsai) vĩ đại, do bàn tay tài tình của Tạo Hóa chăm sóc cắt tỉa. Tách ra bất cứ một cây nào cũng thấy cành nhánh xếp đặt hợp lý gọn gàng và hài hòa với cây đứng cạnh. Không vươn tua tủa tranh nhau, có lẽ trải qua thời gian dài, nắng gió và môi trường đã tạo dáng cho cây. Đặc biệt cây rừng nguyên sinh lúc nào cũng thẳng đứng, cây có khuynh hướng lên cao để hứng ánh sáng mặt trời. Nếu xuyên qua rừng nguyên sinh bằng xe máy, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cây đại thụ có vóc dáng rất kỳ lạ. Một mảng vỏ của cây có thể là một tác phẩm của họa sĩ phái trừu tượng (10).

Đoạn đường rải đá chưa tới cây số là bắt đầu lầy lội; có chỗ, nước lên nửa bánh xe. Chạy một khoảng lại dắt xe lội bì bõm, cực nhất là sình đất đỏ, chân cắm xuống bùn nhổ lên rất khó, có lúc mất thăng bằng ngã cả xe. Đúng như lời ông già trong quán cháo, chẳng có ma nào đi Thác Mai ngoài chúng tôi. Chuyện đã lỡ, ráng xem thế nào. Chỉ còn hy vọng tới nơi xem ra sao, chứ dọc đường thì chẳng có gì để nói ngoài chuyện vất vả mất thì giờ. Qua một đoạn, xe múc đất như một tảng đá khổng lồ nằm chắn ngang, phải tự tìm cách mà qua, chẳng ai để ý đến khách đi đường nơi này. Tuy cực nhọc thế nhưng là tự mình chuốc lấy chứ có phải vì cơm áo đâu, trong lúc người đàn bà một mình lái xe hủ lô cán đường giữa rừng mưa gió để có cơm áo cho gia đình, tự nhiên tôi thấy mình chẳng có gì phải than thở cả, nhất là khi thấy chị tài xế mỉm cười nhìn vào ống kính máy ảnh. Hì hục hơn tiếng đồng hồ chúng tôi qua được quãng đường “trần ai” để vào thác. Sự thực hết đoạn đường sình lầy là vào một khu đất trống trãi có nhiều cây cao và một dòng sông. Bên trái có gian nhà nhỏ bán giải khát vắng người, cạnh một nhà mát dưới tàng cây cổ thụ. Sau lưng quán giải khát là một con lạch nhỏ có cầu gỗ qua mấy nhà sàn bờ bên kia, nhà cho du khách nghỉ lại. Có thể nói đây là một nơi du ngoạn, cắm trại... Nếu khách cá nhân chẳng ai ở lại làm gì, thậm chí ngồi giải lao ăn uống cũng không lấy gì làm thú vị. Cảnh tiêu sơ bình thường quá, nhìn qua chả có gì để dừng lâu.

202-h2.jpg

(Thác Mai)

Thác Mai, một dòng sông lặng lờ nước đục, một chiếc cầu cây thấp lè tè bắc qua mấy mỏm đá ngoài xa, có lẽ để làm cảnh chơi. Ngay trong bờ một đoạn cầu chừng vài mét, bắc qua chỗ nước sâu, để từ đó du khách nhảy từng mỏm đá ra cầu giữa sông (?). Nhà chức trách cẩn thận có bảng cảnh cáo: “Khu vực nước xoáy rêu trơn trợt nguy hiểm”. Nếu thác như vầy thì con sông Lô ở Hà Giang thác muôn trùng và còn đẹp gấp mấy. Đá sông Lô là loại đá phong hóa, có đường nét nghệ thuật chứ không trơn lu kiểu đá cuội Thác Mai. Hay là đây cũng là một dạng thác? Nếu thế thì không thể xếp Thác Mai chung với thác Dray Sáp (11), thác Prenn, thác Bản Giốc (12), ngay như thác Yang Bay (Khánh Hòa) chưa phải là thác cũng còn hơn xa Thác Mai.

202-h3.jpg

(Đặc biệt của Thác Mai)

Thác Mai theo sự tích là thác giữa rừng mai, tôi không tìm thấy cây mai nào chung quanh khu trung tâm, chỉ có cây hoang, một số cây còn sót lại (cây chặt xuống chưa mang đi hết) của rừng già. Thác Mai có lẽ tên gọi từ thời xa xưa, bây giờ mà có mai tôi nghĩ chỉ một mùa Tết thôi là không còn một cây. Ấy thế mà đã cĩ “nhà văn” viết về Thác Mai như sau:

“....Thác Mai hiện lên đầy kỳ bí, gây ngỡ ngàng cho những ai xưa nay vẫn nghĩ Đồng Nai chỉ có những rừng cao su ngút ngàn. Ngay từ ngã ba rẽ vào lâm trường Tân Phú, bạn đã có cảm giác như đang lạc vào khu rừng Amazon hoang sơ, mát lạnh. Hãy thả lỏng người sau chặng đường gió bụi, hít căng lồng ngực không khí trong lành ấy và lắng nghe tiếng chim rừng xao xác vọng về".

Đúng là văn chương, nghe kêu như đại hồng chung. Tôi chưa được hân hạnh đi trong rừng Amazon, nhưng nếu rừng Amazon giống như rừng hoang Tân Phú thì đến cũng uổng công. “Tiếng chim rừng xao xác vọng về” thì rõ là một sự tưởng tượng phong phú, tôi đã qua nhiều rừng, kể cả 20km rừng nguyên sinh Cúc Phương, nhưng hiếm khi nghe được tiếng Chích Chòe hay Chóp Mào (Chào Mào) có đâu mà “xao xác vọng về”. Lý do tại sao vắng bóng chim, có người bảo do môi trường ngày càng độc hại, do người săn bắn... Súng hơi là phương tiện sát hại chim muông rất phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Trong thành phố không còn một bóng chim sẻ, nhà điểu học Võ Quí, bảo toàn miền Bắc chỉ còn 18 con Quạ (1990)... “Đất lành chim đậu” ai cũng biết, nhưng vùng đất mà người còn bỏ đi thì chim đậu vào đâu!

202-h4.jpg

(Nơi nghỉ lại)

Tôi đi quanh tìm xem có gì đặc biệt, có hai hình ảnh đáng chú ý: Một gốc cổ thụ tên Konia, dạng rất lạ, gốc như được kết bằng những tai voi to bành ra đâm dần xuống đất. Có lẽ phải qua hàng mấy trăm năm mới có bộ gốc như thế. Thân cây tưởng như biểu bì đã rã mục, đồi mồi rêu xanh loang loang từ dưới gốc lên tuốt trên cao. Bên cạnh còn có một gò mối to rêu xanh mướt, rêu này khác với rêu nghệ nhân bonsai thường cấy lean non bộ, rêu có lá mịn. Thoạt trông gò mối như một hòn núi đá xanh um. Nếu biết lợi dụng trồng lên đó vài cây đúng tỉ lệ, gò mối sẽ thành một Thái Sơn, chung quanh tạo làng mạc cư dân... Một tiểu cảnh đặc biệt cho du khách ngắm, tại sao không? Một người có tài gia chánh, chỉ với thịt cá, mắm muối tầm thường cũng có thể làm thành món ăn ngon, khoái khẩu thực khách, không cứ phải sơn hào hải vị.

Thác Mai chỉ là cái đích cho mình vượt khó, còn giá trị du lịch có lẽ phải chờ vài năm nữa, đường sá và hạ tầng xây dựng xong mới có thể gọi là nơi đi chơi vào những tháng hè cần xa cái oi bức ở thành phố. Tuy nhiên nếu thích thiên nhiên sông núi thì vẫn tìm được cái hay cái đẹp lẩn khuất khắp đó đây. Chỉ qua một đêm gió thổi, sáng hôm sau đồi cát đã biến dạng hoàn toàn, rừng cây mỗi mùa mỗi khác. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tổng thể của vạn vật dưới nhiều góc cạnh tùy người, hoặc đi sâu vào chi tiết bằng phương tiện “close up” sẽ khám phá nhiều điều thú vị không ngờ. Con người tất già nua với tháng năm, thiên nhiên thì đổi thay mới mẻ mãi theo thời gian bất tận. Sống như thế nào, sống làm sao để thế giới chung quanh lúc nào cũng đẹp lại là vấn đề riêng của mỗi người.

Trần Công Nhung

7-2007

(8) Đọc “Hành trình về chợ tình Khâu Vai”
(9) Hồ Ba Bể (QHQOK tập 3)
(10) Rừng Cúc Phương ( QHQOK tập 9)
(11) QHQOK tập 8
(12) QHQOK tập 3

(13) Danh họa Daly (Spain) giữ lại bức tường rêu phong của căn nhà cũ ông mua, những tác phẩm trứ danh của ông từ đó mà ra.

***************

source

Vien Dong Daily

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Biển nghêu Gò Công


Biển nghêu Gò Công (kỳ 1)
Cập nhật lúc 12:08:43 PM - 17/01/2009

194-h1.jpgi và ảnh: Trần Công Nhung

Một đất nước suốt mấy nghìn năm sống nhờ nương rẫy ruộng đồng, sống nhờ hai bàn tay bươi móc kiếm ăn từng ngày, thì cho dẫu thế giới văn minh tới đâu mình vẫn không sao rời hẳn được tay hái tay liềm.

[Thành phố Gò Công Đông]


Ngày ngày hai bàn tay vẫn phải quơ quào kiếm sống. Cuộc sống càng thấp càng cần đến hai bàn tay, bàn tay trọn vẹn 5 ngón. Ngược lại trong xã hội văn minh, khoa học đã đi vào mọi ngành sinh hoạt, thì con người chỉ dùng tay bấm nút, điều khiển máy móc làm thay cho mình. (...) trong thời kỳ “quá độ lên (...)”, con người còn vất vả nhiều. Có những việc làm nếu không thấy không thể tin. Hai bàn tay đi moi giun bốc dế (1) đi bươi rác kiếm đồ thừa chất thải đổi lấy miếng ăn... Hai bàn tay phải làm việc từ tuổi còn thơ, thật kham khổ mà đầy can đảm. Trong một xã hội cơ cực như thế, con người đã không ngần ngại sử dụng hai bàn tay mình vào bất cứ việc gì, miễn có tiền.

Trong lần đi với anh em nhiếp ảnh nhóm Đồng Cảm (Q.Bình Thạnh) về Gò Công Đông, tôi đã có dịp chứng kiến sự vất vả của hai bàn tay, vất vả nhưng trong lành và đầy lương thiện: Hai bàn tay cào nghêu.

Vùng biển Gò Công Đông, những tháng 3,4,5,6, lúc thủy triều xuống, biển cạn như ruộng khô. Biển phủ một lớp bùn dày chừng 20cm, dựa vào đặc tính này người ta nuôi nghêu. Trên rừng khai hoang phá rẫy, tự tạo cuộc sống của mình (2), nhưng ở biển thì chẳng tốn một công nên phải trả tiền thuê mặt bằng cho chính quyền địa phương. Mỗi mẫu tiền thuê 700 nghìn đồng. Người dân bình thường không ai có tiền đem bỏ biển một cách bấp bênh như thế vì ngoài tiền thuê biển, tiền vốn mua giống cũng không phải ít. Chỉ những nhà tiền nhiều mới đầu tư nuôi nghêu. Việt Nam ngày nay có nhiều nghịch lý, người làm còng lưng không đủ ăn, bệnh không tiền thuốc, người vốn chỉ có cái mồm, thậm chí học hành chưa đến đâu, bằng cấp mua qua bán lại, thế nhưng tiền của dư dả tràn ra nước ngoài.

Một vài bạn ảnh cho biết, cảnh cào nghêu rất hay mà chụp không ra (nghệ thuật), họ muốn đưa tôi đi thử một chuyến. Chưa biết thế nào, song nghe mô tả hàng trăm con người ngồi cào nghêu trên biển cũng lạ lắm. Và tôi giục anh em nên đi sớm, chỉ còn vài hôm tôi phải quay về Cali. Cái khó là nắm cho chính xác lịch thủy triều lên xuống. Thăm dò mãi mới có tin: “Nước xuống lúc 3 giờ chiều”. Một cuộc họp mặt tại cà phê Phúc Âm đường Trần Bình Trọng (Bình Thạnh, Sài Gòn). Quán không hẳn cà phê vườn nhưng cũng cây cối mát mẻ, buổi sáng có hàng cơm tấm phía trước nên anh em văn nghệ quanh vùng thường tụ họp. Thông lệ đặc biệt của quán là bao giờ cũng có dĩa trái cây đãi khách trước khi ra về.

Tin con nước do anh Điển thông báo, anh là giáo viên mãn mùa song người còn hăng hoạt động nên đi tìm thú vui qua nghệ thuật nhiếp ảnh. Hôm họp mặt anh lại vắng và cho biết không đi được lúc này do công việc nhà. Thanh là người thay thế anh Điển sắp xếp chương trình và lo chuyện ăn uống dọc đường cho anh em. Đúc kết, sáng đi chiều về, sáng chụp ảnh dọc đường đến 3 giờ xuống biển, 5 giờ về lại Sài Gòn. Một ngày rất gọn.

Sáng hôm sau 7 giờ Thanh đã qua khách sạn Vỹ Hà 2 đường Cù Lao (Phú Nhuận) đón tôi, anh em tập họp điểm tâm tại Phúc Âm trước khi lên đường. Giờ chót có mấy bạn kẹt không đi được, chúng tôi 5 người 3 xe, anh em địa phương rành đường, chọn ngõ tắt ra khỏi thành phố rất nhanh. Qua đến xa lộ Nam, tức khu chung cư Phú Mỹ Hưng thì đường rộng thênh thang và mới hoàn toàn, đây là đoạn đường đẹp nhất của Sài Gòn sau 75... Khu phố mới này nghe đâu do Đại Hàn, Đài Loan đầu tư, nhà cửa xây theo tiêu chuẩn tiện nghi như ở Mỹ, mỗi nhà đều có garage, đường vuông theo lối bàn cờ Đông Tây Nam Bắc. Sài Gòn về miền Tây nếu đi theo ngã Phú Lâm thì sẽ khổ vì nạn xe ùn tắc. Trên xa lộ Nam có mấy chiếc cầu một nhịp cong sơn đỏ, màu đỏ nổi bật giữa nền cây xanh mới đẹp làm sao. Hết xa lộ Nam theo QL14 rẽ trái đến ngã ba Gò Đen đi Cần Đước. Năm ngoái tôi đi tìm Nhà Trăm Cột (3) cũng theo lối này. Hai bên đường bà con đang cấy lúa, cũng cùng công việc mà trong Nam có vẻ rôm rả tấp nập hơn ngoài Bắc. Ngoài Bắc từng nhóm năm ba người, trong Nam hàng hàng lớp lớp, ruộng đồng bao la. Cùng vất vả tay chân nhưng hai nơi khác nhau nhiều. Không hiểu do lẽ gì mà nhìn người lao động miền Bắc tôi vẫn có cảm tưởng họ khổ hơn. Và trong thực tế, người Bắc bỏ quê hương vào Nam làm ăn chứ ít ai bỏ Nam ra Bắc mặc dù miền Nam bao nhiêu năm sống dưới chế độ cũ, “thiếu văn hóa, thiếu cơm ăn, thiếu cả chén bát”(4).

194-h2.jpg[Khu du lịch Tân Thành]

Anh em tha hồ chụp cảnh đồng ruộng đầu mùa. Lao động thời nay cũng màu sắc lắm, không thấy tận mắt cứ tưởng giả tạo. Trong nhiều chuyến đi tôi đã gặp những chiếc áo đỏ thắm trên con thuyền câu, trên cánh đồng muối, trên nương khoai, trên đồi chè. Chính sự cực nhọc của người dân lao động mang đến cho nghệ thuật nhiều yếu tố thú vị bất ngờ, trong đó có màu sắc. Anh em rỉ rả kiếm hình dọc đường về đến bến phà Mỹ Lợi trời cũng vừa trưa. Phà qua sông Cầu Nổi, hỏi nguồn gốc tên sông, không ai biết. Sông khá rộng nếu làm được cầu nổi thì hóa ra trước đây lại khoa học hơn bây giờ!

Có người đề nghị qua phà ghé quán cơm, nhưng trời đang mưa lâm râm mà quán thì sơ sài nên cùng nhau chạy ráng về Gò Công, chỉ còn 12 cây số thôi. Việc gì cũng vậy cố thêm một tí, khi đạt được, sự sảng khoái sẽ tăng hơn nhiều. Vào thị xã trời bừng nắng, bạn Lê Nguyên Anh dẫn anh em vào một quán cơm trên đại lộ Nguyễn Trung Trực, quán cơm bình dân mà ngon và sạch sẽ mát mắt. Cô đầu bếp trẻ đẹp lại vui tính hỏi nhiều chuyện và cứ đòi chụp ảnh làm mấy anh trai trẻ chỉ thích đứng ăn bên quầy chứ không muốn vào bàn.

Đại lộ Nguyễn Trung trực chỉ một đoạn và cuối đường có tượng cao lớn màu đen. Thành phố vắng hoe, xe máy không nhiều, xe hơi càng ít, đời sống có vẻ trật tự ngăn nắp. Nhìn chung cảnh quan như trước 75, nếu không có những câu khẩu hiệu và cờ xí căng treo ngang đường.

Anh em ra đến bờ biển vừa đúng 1 giờ trưa, ai nấy tự động đi tìm đề tài. Một cầu tàu (Pier) ra tít ngoài biển có vẻ hấp dẫn, như kiểu cầu tàu bãi biển Bạc Liêu, song ở Bạc Liêu có quán để khách ngồi giải lao ngắm trời mây sóng nước, đây chỉ là chiếc cầu dài ngoằng khô khan trơ trụi, chẳng ai muốn ra xa hứng nắng.

Ngày nay nơi nào có bãi biển đều được biến thành khu du lịch. Biển Gò Công chưa có gì để lôi cuốn du khách ngoại trừ màu sắc của cổng chào dựng tạm: “Khu Du Lịch Biển Tân Thành”. Hai bên cổng vài ba người che dù bán cua sò ốc hến. Bãi biển có kè đá sạch sẽ mà nước đục ngầu, quanh năm phù sa từ Mekong đổ về nên không phải bãi tắm như bãi biển các tỉnh miền Trung, mà bãi bùn. Nhờ vậy Gò Công có hàng nghìn sân nghêu, một nguồn lợi thiên nhiên cho địa phương.

Thấy đã 2 giờ mà nước vẫn mênh mông, hỏi ra, nước rút lúc 7 giờ sáng, bây giờ nước đang lên. Thông tin không chính xác vậy là mất thêm một ngày. “Vỡ kế hoạch”, chúng tôi đi thăm dò kỹ xem sáng mai sân nghêu nào cào trước và chính xác mấy giờ bắt đầu, công nhân tập họp ở đâu. Tôi hình dung cảnh người đi làm ùn ùn xuống biển lỉnh kỉnh với đồ nghề sẽ là đề tài lý thú. Lại có tin, sân trong quán Cây Bàng cào trước.

Chúng tôi đi tìm quán Cây bàng, theo con đường dọc bờ biển chạy về hướng Đèn Đỏ (5) vài trăm mét có cụm rừng phi lao, có mấy túp lều giải khát, lều trống chung quanh, vài ba chiếc bàn nhựa, mấy chiếc ghế, có cả võng treo dọc treo ngang. Khách có thể nằm hoặc ngồi, nếu muốn cứ di chuyển bàn ra ngoài xa, tha hồ tâm sự. Tôi xí phần chiếc võng “thư giãn” chốc lát. Không có cà phê, anh em mở mấy chai bia để có cớ thăm dò chuyện “Nghêu sò ốc hến”. Bà quán cho biết sáng mai không cào ở đây mà phía ngoài một chút, chỗ con đường nhỏ xuống biển.

Chuyện đơn giản hàng ngày ở địa phương mà đối với người phương xa cứ loanh quanh mù mờ. Cuối cùng cũng biết được chính xác, nhờ gặp anh Luyến, người giữ sân nghêu.

Anh cho biết rõ giờ thủy triều lên xuống và những chuyện chung quanh nghề nuôi nghêu. Công việc của anh là lên chòi canh khi nước cạn và về nghỉ khi nước cao, nước cạn phải coi chừng người cào trộm. Hỏi anh lội ra biển chụp ảnh có gặp gì bất trắc, chẳng hạn có “ổ voi ổ trâu” như trên bộ, lỡ sụp hầm là tiêu đời máy móc. Anh bảo chỉ một lớp bùn non chừng 10 đến 20 phân, dưới là nền cát dẽ bằng phẳng. Chỉ sợ lội ra xa quá, khi nước lên chạy vào không kịp, lúc ấy phải leo lên chòi rồi nhờ ghe ra rước.

Chúng tôi tiếp tục săn ảnh, vào chừng cây số thì bên tay phải nguyên cánh đồng vàng nhiều đụn khói đặc ùn lên cuồn cuộn, rất hấp dẫn, mấy năm trước lên Điện Biên Phủ, tôi cũng đã gặp cảnh tương tự, có lẽ còn hay hơn nhờ hậu cảnh núi non xanh thẩm. Anh em tìm lối về hướng cánh đồng đang bốc cháy. Phải gửi xe, đi bộ men theo bờ ruộng rồi qua một cầu khỉ. Mương nước không rộng nhưng cầu quá bấp bênh, mấy cây gỗ tròn bằng bắp chân gác lên nhau, tay vịn đã muốn xiêu, phải qua từng người. Một nhu cầu cần thiết hàng ngày, và chẳng tốn kém bao nhiêu, vậy mà xóm làng chẳng ai để ý. Nhưng mọi việc khó dễ do thói quen, mình chỉ mang túi máy nhỏ gọn, mà tưởng không qua được, trong khi người dân với gánh lúa nặng trĩu trên vai, lại qua dễ dàng.

Ngày nay ruộng đồng canh tác quanh năm, vừa gặt xong là đốt rơm rạ, cày bừa (máy) làm đất để sạ hay cấy ngay. Đôi khi đám ruộng cấy liền bên đám ruộng gặt, một hình ảnh không hề có thời xưa. Ngày trước, lúa gặt về chất đống ngoài sân, thuê người đạp, hạt phơi mấy nắng mới đổ bồ hay lẫm. Bây giờ lúa phóng (6) tại ruộng, vào bao tải chở về nhà có khi bán luôn tại chỗ.

Chừng tiếng đồng hồ tôi trở lại đường lộ, anh em còn mãi tít bên kia cánh đồng. Mỗi người khi bấm máy đã sẵn dự tính trong đầu, chụp cái gì, để làm gì, do vậy công việc cũng nhanh. Một vài người thì chụp ảnh như ngư dân đi “dã cào”, biết là vùng có cá thì cứ thả lưới cào tất, về nhà tính sau.

Nắng đã dịu song trời vắng gió, nóng hầm hầm. Tôi đợi hơn tiếng mới thấy anh em quay lại. Sống mãi trong thành phố nay gặp cảnh ngày mùa, ai nấy mãi mê “sáng tác”. Mọi sinh hoạt lắng dần theo bóng chiều xuống, thôn quê ngược với phố phường, phố phường về đêm mới tưng bừng náo nhiệt.

194-h3.jpg

[Ngày mùa xã Tân Thành]

Chúng tôi về Gò Công ăn tối rồi tìm khách sạn. Bà chủ quán cơm cho biết nay là ngày lễ (2-09), đi ra ngoài một chút khách sạn rẻ hơn. Khách sạn Hoa Hồng, trên đường ra biển Tân Thành rất tiện cho công việc sáng hôm sau. Khách sạn “ven đô” yên tĩnh giá phải chăng. Thực tình đi chơi đôi khi cần những mục linh tinh, nhưng là đi chơi kiểu vô sự, còn như bọn chúng tôi thì hơi khó vì phải tính toán thời gian và giữ gìn sức khỏe, nếu mục nào cũng xả láng thì hỏng hết công việc.

Tối hôm đó duyệt lại chương trình xong, ai nấy đi ngủ sớm để hôm sau dậy trước khi mặt trời mọc. Miền biển đẹp nhất là những giây phút đầu ngày, những vùng đông dân chài, cảnh ghe thuyền ra khơi trong ánh bình minh là chủ đề hấp dẫn đối với người cầm máy. Riêng tôi trong lần này, hình ảnh những đám người cào nghêu trên biển mới là đáng lưu tâm. Chờ xem ngày mai như thế nào.

Trần Công Nhung

8 – 2008

(1) Phải làm để sống đã đăng.

(2) Khi rừng hoang đã thành rẫy ruộng thì nhà nước lại đặt “vấn đề”, vì luật VN đất đai không thuộc sở hữu người dân.

(3) Nhà Trăm Cột đã đăng

(4) Bạn đồng nghiệp của tôi là CVD có người chú Tướng CVK sau 75 đã từ Hà Nội vào Nha Trang thăm anh là Cao văn Tường (Dân Biểu), mang theo một chục bát sành, mấy xâu củ tỏi biếu anh.

(5) Địa danh, trước đây có đặt hải đăng(?)

(6) Máy tách hạt lúa chảy ra máng bên hông, rơm phóng ra ngoài. Miền Nam lúa bán theo “dạ” mỗi dạ giá (8-2008) 80 nghìn, bán tại chỗ lúa tươi còn nặng được giá hơn đưa về nhà.

Thư Độc Giả

Thưa quí độc giả thân mến,

Có lẽ “Thư độc giả” đã vắng bóng gần một năm qua. Nhiều bạn đọc cho biết mỗi thứ bảy, khi cầm tờ báo Viễn Đông, là tìm đọc “Thư độc giả” trước khi vào bài chính của mục Quê Hương Qua Ống Kính. Đây là ly rượu khai vị, là mấy cung mở đầu, là nhịp cầu nối giữa người đọc và người viết để đi vào chuyện Quê Hương.

Tại sao lại ngưng?

Xin thưa, thực sự thì không một lí do nào rõ rệt cả, nghĩa là không có lí do. Đời người như một dòng sông, “Sông có khúc, người có lúc”, có con sông nào thẳng thớm êm xuôi đâu, giả dụ có, tôi tin dòng sông đó cũng chẳng lấy gì làm đẹp. Nếu bạn đọc có dịp lên Hà Giang, các bạn sẽ thấy Lô Giang đẹp như thế nào! Đoạn nào khúc nào cũng đẹp, nhờ dòng sông quanh co thác ghềnh.

Một bạn đọc ở Magic Mountain, anh Ng. K. Hiền, khi hay tôi lay hoay đi tìm chỗ ở đã ngạc nhiên: “Oh my God, ba tháng mà anh dọn hai lần nhà! Xa quá chứ không tôi cho anh tá túc”. Trong hoàn cảnh như vậy thì nhất định không “an cư” rồi. Đã vậy làm sao “lạc nghiệp”, làm sao yên tâm để nhâm nhi “khai vị” hay tâm tình chuyện đó đây. Tôi phải cố gắng giữ đều đặn sự hiện diện của mình trên QHQOK để khỏi phụ lòng người đọc, để mỗi tháng có được “chút đỉnh lì xì”.

Tuy thế thỉnh thoảng vẫn có những niềm vui nhỏ bay về, tưởng như một hơi gió nhẹ giữa trưa hè, giúp cho mình vui vui và thêm hứng khởi: Độc giả Ng.S ở San Diego, tặng bạn nguyên bộ QHQOK, không chịu với giá giảm lại còn thêm gấp đôi tiền cước, một độc giả ở Australia, đọc trên Viendongdaily.com, thích thú chia sẻ với người viết bao nhiêu điều và order nguyên bộ để tủ sách có thêm màu sắc quê hương...

“Đến hẹn lại lên”, mọi năm thời gian này sách mới đã in, thư thông báo đã gửi, năm nay bài vở hình ảnh sẵn sàng rồi nhưng còn nằm yên trong ngăn kéo. Không nói, độc giả cũng hiểu, không riêng gì sách vở mà tất cả mọi thứ đang trong đà đi xuống (down). Nhưng, chắc chắn QHQOK, vẫn còn tiếp tục đến với người đọc, sớm hay muộn mà thôi. Nhân tiện xin nhắn cùng những độc giả đã gửi trước ấn phí như thế.

Chỉ còn không mấy ngày nữa, Chuột đi Trâu đến, dù thân nào thì cũng biểu hiện một năm mới hoàn toàn. Chúng ta có quyền hy vọng nhiều điều trong năm mới.

Quê Hương Qua Ống Kính xin chúc quí Độc Giả và Thân Hữu: Một Năm Mới Kỷ Sửu An Khang - Hạnh Phúc và Thành Công.

Trân Trọng,

Trần Công Nhung

******************

Biển nghêu Gò Công (kỳ 2)

Cập nhật lúc 3:15:11 PM - 24/01/2009

195-h1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Khách sạn Hoa Hồng thuộc vào loại khá mà cũng không mấy khách, ban đêm cả vùng yên tĩnh không khác vùng Lawndale tôi ở bên Cali. Nước Mỹ ngoại trừ dọc hai bên Freeway, khu da đen, khu Mễ... ồn ào bát nháo, còn thì rất trật tự ngăn nắp, mọi người biết tôn trọng nhau, không có gì thái quá trong cuộc sống.

[Đặc sản Tân Thành]


Không có cảnh 2 giờ sáng mà Karaoke vang dậy phố, quán hàng rầm rập bán mua, coi thường sự nghỉ ngơi của mọi người (1). Miền quê Việt Nam đêm xuống là nghỉ ngơi, suốt ngày vất vả tay chân, một giấc ngủ no rất cần cho sức khỏe.

Nhờ thói quen nên tôi không cần để alarm phone như các anh em khác. Bên này hay bên kia, 3 giờ sáng tôi dã dậy làm công việc thường lệ, ghi chép những điều thu thập trong ngày cùng những dự tính mới, mọi thứ trong Laptop, thiếu đi là người trống rỗng, thời gian trở nên nặng nề (2). Lúc thấy bầu trời hừng sáng, tôi nhắc mọi người chuẩn bị ra biển.

Tôi hình dung nếu trời có mây đỏ, cảnh biển sẽ rực rỡ, kết hợp với dãy quán bên trái và cầu tàu, một đề tài khá lạ. Biển Gò Công, biển bùn nên không người tắm, cũng là yếu tố hay cho một bình minh êm đềm.

Khách sạn cách bãi biển 7km, mười phút chạy xe, chúng tôi đã thấy chân trời ưng ửng, mặt trời đỏ đang lên. Tiếc là mây cuộn và đặc quá, nếu được mây dải trải dài thì hay hơn. Tôi vào quán giải khát còn vắng tanh, đợi mặt trời lên vừa tầm, lấy diềm quán làm khung đóng lại một vùng “Bình minh của biển”. Mặt trời, diềm quán, cầu tàu, chất liệu đơn giản quá, thay đổi góc nhìn thì cảnh vật vẫn thế, có khác chăng là sắc hồng đậm nhạt của trời mây. Tôi đi dần ra xóm chài phía Bắc, dãy nhà chòi chênh vênh bên bờ biển, yên lặng, hiền lành, tưởng như không người ở.

Suốt bãi biển Tân Thành không thấy dấu hiệu gì của đời sống dân chài. Mãi đến lúc mặt trời lên hẳn mới có một hai ngư dân vác lưới lội ra biển, biển cạn nên chẳng cần thuyền. Vài cô cậu chạy xe ra quành một vòng rồi đi, mấy nhà sàn giải khát phía trong, sơ sài trống rỗng làm cho cảnh lặng lẽ thêm...

Cả một miền biển êm đềm có phần quạnh hiu. dân địa phương quá quen chẳng ai màng, các nơi khác như Cửa Lò, Nha Trang thì cảnh tấp nập người, tắm hay tập dưỡng sinh, thấy rõ sức sống bừng lên đầu ngày.

Tại cổng khu du lịch có phần nhộn nhịp, nhưng cũng chỉ hàng quà buổi sáng, hoặc mua bán hải sản kiểu bỏ túi, vài ba chiếc xe thồ chở hàng vặt... sinh hoạt của một địa phương hiền hòa dễ dãi. Tôi loanh quanh tìm một ít hình ảnh trong khi chờ đi sân nghêu. Màu sắc nơi thôn dã khá lạ mắt, áo quần vật dụng, họ dùng cách hồn nhiên, không cần theo nguyên tắc nào cả. Trong đám màu lao động nghèo khó lại nổi lên màu áo vàng rất vương giả hay màu đỏ chót rất xa hoa. Người hay lý lẽ cho đó là phản ứng của cuộc sống bị ức chế. Cũng có thể, quanh năm vất vả, kiếm được chiếc áo “thời đại” cho dù kiểu gì màu gì cũng mặc cho sướng tấm thân, chẳng cần hợp cảnh hợp người. Ẩn ức lắm khi bung ra bằng mọi cách bất chấp dư luận chung quanh.

Anh em đã qui tụ, một người mới từ Sài Gòn xuống, anh chạy lúc 4 giờ sáng, qua những đoạn đường vắng đêm khuya chứng tỏ cũng khá đam mê. Chúng tôi đi tìm quán điểm tâm. Ngay đầu lối ra biển có quán hủ tiếu, nhanh gọn mỗi người một tô, quả dừa tươi là có thể yên tâm chiến đấu đến trưa. Quán hàng ở thôn quê thật bình dị, chỉ có bàn và ghế, muốn có tiêu, chanh, ớt, mắm, phải gọi, mà gọi đâu đã có ngay. Một người lo cho cả 5, 7 bàn, đôi khi phải gọi mấy lần mới có. Đất lề quê thói, chẳng ai than phiền chuyện hàng ngày như vậy. Điều đáng nói là hầu như người mình buôn bán chẳng có nguyên tắc nào, thêm bớt tùy thích, trước sau tùy tiện, lắm khi người đến trước mà không chen không kêu thì cứ đứng mãi. Việt Nam nổi tiếng văn minh nhưng là thứ văn minh “miệt vườn”. Người ngoài muốn học không phải dễ, nhất là trong việc làm ăn, càng lớn càng phức tạp. Thế mới có câu “Nói vậy mà không phải vậy”. Luật pháp rõ ràng thế nhưng làm theo luật có khi rước họa vào thân. Cứ xem những chuyện tòa án thì biết. (3)

Dân đi cào nghêu kéo hàng dài trên đường, người nào cũng thụng thện áo quần, mang giỏ nhựa hoặc thau chậu bên hông, họ lầm lũi đi như một thói quen lâu ngày. Đàn bà, con gái, có cả trẻ em, người ngoại quốc thấy sẽ không hiểu họ là gì, nếu không là tù nhân. Cả trăm người dồn lại kéo nhau ra biển, hình ảnh lạ lắm, tôi giục anh em nhanh chóng lên đường... Đến nơi mới thấy biển đã biến thành đồng, nước cạn chỉ còn trên mắt cá, từng đoàn người lũ lượt ra tít ngoài xa, một vùng người trải dài mênh mông. Vài khuỷnh (sân) đã bắt đầu cào, người ngồi lúp thúp, áo màu nổi bật trên biển nước phù sa, những chiếc chòi canh cao lêu khêu một hai chiếc ghe nằm cạn. Đúng là cảnh lạ ít thấy, và chưa biết chụp thế nào.

Ghé vào nhà quán ngay bến gửi xe, tôi hỏi thăm anh chủ nhà cào nghêu đến mấy giờ thì nghỉ, anh cho biết chừng vài tiếng, 11 giờ nước bắt đầu lên. Một người hỏi:

- Ra sân nghêu có phải theo đường hay cứ đi băng ngang?

- Đi theo đường.

195-h2.jpg

[Biển nghêu]

Đúng là có một “lối mòn” thường đi nên không còn bùn, một rãnh nước lên nửa ống chân. Phải theo “lối mòn” nếu không sẽ giẫm chết nghêu. Ranh giới sân nghêu cũng đơn giản, cắm cọc, căng vài mảng lưới rách hoặc dây nhợ tượng trưng. Người mình có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, đúng thế thật. Tôi thong thả tiếp sau mọi người, tuy bùn cạn nhưng có chỗ cũng trơn, không quen có thể ngã. Ngã trên khô còn lấy thân đỡ máy, ngã dưới nước thì ô hô. Lúc còn cách sân nghêu một khoảng vừa tầm, thấy có chiếc ghe bỏ không, tôi tạt vào, leo lên. Mạn ghe ngang đầu nên phải cố lắm mới lên được. Điều rất bậy là ghe sạch sẽ, chén bát đang phơi, nghĩa là ghe có người ở, vậy mà tôi bê bết bùn tùm lum. Có muốn làm sạch lại cho chủ cũng không biết cách nào. Đành chịu lỗi. Nhóm nhiếp ảnh đã đến gần đám người cào nghêu đầu tiên. Họ loay hoay chụp ra điều hăng hái lắm. Người chỉa máy hướng này, kẻ hướng kia, trông họ tách biệt hẳn với những người đang hì hụp mò nghêu chung quanh.

Không hiểu sao trời nắng tươi mà bầu trời phía Bến Tre lại xám xịt như sắp có dông. Màu xám làm cho phong ảnh trong trường hợp này hóa hay. Nhờ nền xám mà những chi tiết cả một vùng sân nghêu nổi hẳn lên. Nếu trời có mây lỗ chỗ thì hỏng. Chụp phong cảnh, trời cần mây, nhưng đôi khi mây lại thừa. Tôi quan sát tính toán rồi bắt đầu “khai hỏa”. Ống kính với tiêu cự 70-300mm tha hồ lấy ảnh từ gần đến xa, đứng trên cao nên có tầm nhìn rộng, ghi được nhiều góc ảnh đẹp.

195-h3.jpg

[“Bàn tay ta...”]

Hàng trăm con người đội nón lum khum, nối tiếp nhau khắp một vùng nước bạc bao la, gần thấy rõ nhân dáng, xa chỉ là những hạt đậu đỏ đậu đen. Có chỗ họ ngồi theo hàng, có nơi không. Giữa đám đông li nhi lít nhít, sừng sững một chòi canh như ông khổng lồ đứng gác, một chiếc ghe mắc cạn như con khủng long nằm chờ... Hai chi tiết tưởng dư thừa lại là yếu tố tương phản cần thiết để nổi bật sự nhỏ nhoi lam lũ của con người. Chuyện đời thường mà lại rất mới đối với người chơi ảnh, nó khơi dậy cảm quan, nó bắt người cầm máy xoáy sâu từng góc cạnh của đề tài. Cảnh trước mặt có vẻ tĩnh mà lại động không ngừng. . Tôi rà máy qua lại, từ gần đến xa, chụp tất cả những gì trong tầm nhìn. Bấm máy thật đã tay, tôi không ngờ lại có dịp biết một vùng quê lạ lẫm như vầy. Tôi ngưng giây lát để nhận ra điều bất ngờ hôm nay, nếu cứ đường trường rong ruổi thì làm sao gặp được cảnh đặc biệt này. “Nước ta” không chỉ nổi tiếng “anh hùng”, không chỉ tự hào về những “chiến công thần thánh”, mà còn tự hào về nhiều thứ mà các nước khác không thể có.

Quê hương sách vở lúc nào cũng giàu đẹp cao sang, vào hàng cùng ngõ cụt mới thấy rõ thân phận dân nghèo. Với dân nghèo, hai bàn tay là phương tiện duy nhất để kiếm cơm. Kiếm cơm từng bữa thật sự chứ không như hai bàn tay của nhà thơ(...): “Bàn tay ta làm nên (...)”. Bàn tay vàng của nhà thơ hiếm lắm chỉ có trên “thiên đình”, hạ giới đốt đuốc tìm cũng chẳng ra...

(còn tiếp)

Trần Công Nhung

9 - 2008

(1) Trước đây tôi thường ở KS Hà Nội Sao, 2 nhà Karaoke đối diện rầm rầm suốt đêm, đồn công an chỉ cách 50m không hề có tiếng nói.

(2) Đêm nghe tiếng Cuốc in QHQOK tập 7


Biển nghêu Gò Công (kỳ 3)

Cập nhật lúc 7:47:58 PM - 31/01/2009

196-h1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Tôi để lại mấy chục nghìn đồng vào mâm chén bát, coi như tiền nhờ lau chùi bùn bẩn trên ghe và như một lời xin lỗi, rồi đi dần đến từng sân nghêu để chụp cận cảnh. Công việc cào nghêu xem có vẻ nhàn nhã, người ngồi chồm hổm, nước ngập mông, liềm (1) tay phải cào bùn, tay trái mò hốt nghêu cho vào giỏ, họ lần từng tấc, cho đến khi đầy giỏ mới mang đến chỗ cân, hoặc có người đi gom.

[Chuẩn bị ra biển]


Tôi đã từng chụp ảnh đám đông dân chài nơi bến cá, hay ở bãi chợ miền quê, cũng chi chít người nhưng hình ảnh và cảm xúc khác hẳn. Kia chỉ là sinh hoạt bình thường của đời lao động, còn hình ảnh đám người cào nghêu lại gợi cho tôi sự nhẫn nại chịu đựng kiên trì. Trên nắng dưới nước, họ làm việc trong thầm lặng, di chuyển chầm chậm như sên bò, cào từng bụm, bắt từng nắm, cứ thế một buổi mấy cân nghêu, tiền công đủ nuôi sống gia đình. Ngày này qua ngày khác, người với nghêu nuôi nhau, không cần biết biến động của thế giới bên ngoài.

Hầu hết nhân công là phụ nữ, quả thực nơi bùn lầy con người sống cách đơn giản và chấp nhận mức sống ngang phận mình, không ai đòi hỏi gì hơn. Ở xa đến mới thấy sự cách biệt, mới thấy sự thiệt thòi của người dân xứ mình. Và điều tất nhiên trong cuộc sống như vậy khó mà tìm thấy những đóa hoa kiểu “Trong bùn gì đẹp bằng sen”. Chuyện hoa sen không thể có nơi con người đồng quê Việt Nam. Ngày nay, hoa đồng quê, bông nào coi được đã sớm chấp cánh bay xa, không bay cũng có môi giới đón về thành phố để vào nhà hàng, khách sạn, cà phê giải khát...hay ban đêm ra đứng các ngã tư đường để thản nhiên trả lời những câu hỏi của khách làng chơi : “Đi nhanh hay đi qua đêm, nhanh trăm rưởi, đêm 500”. Mặc cả mua bán bình thường như chuyện ở chợ. Mấy ai còn nhớ câu “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng, Không cầm cho vững lại dày cho tan”. Người phụ nữ Việt ngày nay được “giải phóng” nên phạm vi hoạt động của họ đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Báo chí trong nước đưa tin, hàng trăm cô gái son trẻ trình diễn điệu bộ dáng dấp cho những đàn ông Hàn Quốc chọn vợ, thậm chí còn trần truồng phơi nguyên thân hình để khách xem tì vết trên từng vùng da thịt. Nếu được “trúng tuyển” sẽ có cơ bay đi Đài Loan, Đại Hàn, Singapore... Chưa có thời nào người phụ nữ Việt Nam đa năng đa dụng như bây giờ. Họ cam phận và hy sinh cho gia đình cho chồng con. Có những người cho vợ đi làm “Ô Xin” (2) để gửi tiền về sửa nhà cửa hay chạy thuốc khi con đau. Ai bảo đảm “Ô Xin” không mở rộng ra nhiều “ô” khác, lúc bấy giờ có biết cũng đành “Nhắm mắt đưa chân”.

Khoảng 9 giờ nắng khá gắt, đã ghi đủ mọi góc cạnh của đề tài, tôi quay vào, anh em tiếp tục lội. Những sân nghêu ngoài xa cũng không có gì khác, công ra vào không phải ít, chưa kể lúc nước lên nhanh, phải chạy. Chạy trên bộ vài ba cây số đã thở dốc, thử tưởng tượng chạy dưới bùn được mấy hơi. Trở vào, tôi gặp một nhóm du khách trẻ, có vẻ “Việt kiều”, ai nấy tươi vui như đang tham gia trò chơi. Người dẫn đầu cho biết bà con ở Mỹ về muốn ra xem sân nghêu.

Lác đác vài nhóm người đã ra về. Bây giờ thì ai cũng bê bết bùn, áo quần dính sát vào người, họ xuống vũng nước đầu bờ để rửa ráy. Bây giờ mới nghe tiếng cười nói rộn rã, niềm vui chân chất quê mùa, không ai nghĩ họ sống đời lam lũ nhọc nhằn. Tôi vào quán gửi xe ban sáng, chị chủ quán đang loay hoay mua nghêu của những người đi làm về, một người đàn ông trong nhà bước ra vui vẻ mời tôi ngồi nghỉ. Vừa nói anh vừa lấy chiếc võng mắc lên cột:

- Chú nằm nghỉ cho khỏe. Chụp được nhiều không chú?

- Cũng nhiều, lần đầu tôi được biết Gò Công có nghề đặc biệt này. Quán anh chỉ giữ xe chứ không bán gì sao?

- Dạ không, tụi em giữ xe miễn phí cho bà con đi cào nghêu, lúc về có nghêu họ bán lại cho.

- Đi làm công sao có nghêu?

- Thực ra công không đủ, bà con “cải thiện” người vài kí bù vào.

Trong khi trò chuyện tôi nghe hai bên mặc cả, khoảng 7 nghìn rưởi một kí. Tính theo giá thị trường chưa bằng nửa, tính theo giá nghêu bán quán thì lời gấp mấy. Ở Sài Gòn, quán lề đường bán cho bạn nhậu, một đĩa nho nhỏ 10 nghìn đồng. Một lát, anh chủ quán bê ra một đĩa nghêu luộc to tướng mời tôi. Thật bất ngờ, tôi mời anh cùng ngồi, anh từ chối, nghêu vừa hấp xong, còn bốc hơi, con nghêu đặc biệt, mọng như một quả vải bóc. Ăn vào mới biết nghêu tươi có khác, thịt đầy, nước ngọt, cảm giác ngon rõ rệt, thịt nghêu không khô xốp, không dai như nghêu bán quán. Anh chủ nhà giải thích đó là sự khác nhau giữa nghêu ăn tại chỗ và nghêu chợ. Nghêu đưa về thành lại càng nhạt càng khô. Tìm hiểu thêm về nuôi nghêu anh cho biết:

- Sân nghêu trước đây xã cho mướn 700 (nghìn) một năm, thời gian gần đây nghêu bị chết vì nước bị ô nhiễm, nhiều người bỏ nên giá hạ xuống còn 300 (nghìn).

- Nước biển sao lại ô nhiễm?

- Sợ nhứt dầu tràn, không biết dầu ở đâu đóng bợn đen cả bờ biển. Hai là nhà máy tẩy màu vỏ cua ghẹ trong? Đèn Đỏ xả hóa chất ra biển (3), nghêu hả miệng chết trắng bãi... Dân địa phương phản ánh khiếu nại mãi mà cũng chưa dứt điểm.

- Bà con đi làm là người địa phương hay chủ sân thuê nơi khác đến?

- Nghề này hoàn toàn có tính cách địa phương, và cũng không phải thuê mướn, hầu hết bà con cứ tự động xuống cào rồi cân kí tính tiền. Mỗi kí từ 2000 đến 5000.

- Tại sao có giá sai biệt vậy?

- Sân cào lần đầu nhiều nghêu, giá công hạ. Sân cào những lần sau ít nghêu giá công cao hơn.

- Vậy không ai làm công ngày sao?

- Công thì thường 10 ngàn một giờ.

- Nghêu giống mua ở đâu và nuôi lâu mau thì thu hoạch?

- Nghêu mua của nông nghiệp, thả giống hai năm bắt đầu cào. Hàng năm cứ đến rằm tháng mười (âm lịch), mùa gió chướng biển sạch bùn, là mùa thả giống, nghỉ cào.

196-h3.jpg

[Trở về từ biển nghêu]

Vừa hỏi chuyện vừa thưởng thức món nghêu tươi, vừa quan sát những “chân dung về từ biển cả”, không phải chân dung rạm nắng mà những chân dung mặt nạ, bịt bằng đủ các loại vải màu, chỉ chừa đôi mắt. Dù chỉ thế tôi cũng thấy rõ nụ cười nơi ánh mắt khi họ biết tôi chụp ảnh. Đây là một dạng chân dung lao động của người Việt ngày nay.

Đã một giờ trôi qua mà anh em nhiếp ảnh vẫn chưa về, tôi trả tiền nghêu, anh chủ nhà nhất định từ chối. Theo giá thị trường thì võng nằm 5 nghìn, nghêu 20 nghìn, trà đá 1 nghìn... Tôi thực áy náy, phải tìm cách nào mới được. Đợi lúc người chồng qua nhà bên cạnh tôi móc tiền trả cho chị vợ, anh lại đoán biết nên la lớn “Không được lấy”. Câu nói như một mệnh lệnh, chị vợ cười dễ dãi như người nhà: “Không sao đâu chú, mấy khi chú về đây... coi như cây nhà lá vườn”. Nói cho văn vẻ thôi, mọi thứ chị cũng bỏ tiền mua chứ có ra vườn hái vào đâu. Nhưng, tôi nghĩ đây cũng là dịp hiếm để người ta bày tỏ cảm tình, dọc đường tôi đã gặp nhiều “ca” như vậy, tôi nghiệm ra một điều, bon chen vì cuộc sống nhưng cũng cần những lúc sống với tình người. Và chính những giây phút thoáng qua ấy là gia vị cho cuộc sống thêm đậm đà.

Thủy triều bắt đầu lên, mấy nhà nhiếp ảnh đang quay về, người làm cũng về gần hết. Lúc nghe tôi quảng cáo món nghêu hấp, anh em “order” ngay 5 kg, đồng thời nhờ mua mấy chai bia, một bữa tiệc mừng thắng trận diễn ra rôm rả. Mỗi người một nhận xét về sinh hoạt của nghề nuôi cào nghêu, nhiều hình ảnh lạ lùng ít ắt gặp, anh em chụp mỏi tay, có người chụp hết luôn 2GB card. Điều lý thú nhất là cuộc đua xe ngoài biển, chuyện hiếm có. Từng bao tải nghêu được đưa vào bờ bằng xe máy. Mấy anh xe thồ thấy một đám chụp hình chỉa máy chụp, họ hứng chí đua nhau nước rẽ sóng tung tóe lên theo tiếng la ó cổ vũ, cứ như một cuộc đua thật sự.

Rổ nghêu to tướng vơi dần, xem chừng chưa đã, lại thêm 2 kí. Ai cũng bảo lần đầu được ăn thứ nghêu tươi quá ngon. Anh chủ nhà cho biết nghêu mùa này không ngọt bằng mùa mưa. Sau màn nghêu đã lưng bụng, anh em có ý chạy luôn về Sài Gòn để tránh cơn mưa chiều.

Bây giờ biển đã trắng xóa dưới cơn nắng chói chang. Trên mặt biển mênh mông chỉ còn mấy chòi canh trơ trọi, một vùng yên tĩnh như chưa hề bị hàng trăm con người khuấy động. Thủy triều lên, biển được nghỉ ngơi để hôm sau nước xuống lại phơi mình cho hàng trăm bàn tay cào cấu, ngày này qua ngày khác mà không một lời than thở. Không hiểu có ai đã nói lời cảm ơn biển chưa. Riêng tôi, vô cùng biết ơn biển, biển đã cho tôi nhiều hình ảnh hiếm có, hình ảnh đẹp lành mạnh và lương thiện. Cảm ơn biển Gò Công, cảm ơn những bàn tay lao động Gò Công, cảm ơn một ngày đẹp như hôm nay.

Trần Công Nhung

9 - 2008

(1) Dụng cụ cắt lúa, cắt cỏ.

(2) Nói nôm na là đi ở đợ.

(3) Tin cho biết, các cơ sở tẩy vỏ ghẹ, cua, tôm, mỗi tháng dùng trên 20 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm, chất thải đổ ra biển. Sân nghêu Tân Thành, có tổng diện tích trên 2.000ha bãi bồi, hiện nay chỉ có hơn 1.300ha đang thả nuôi nghêu. Hiện tại mỗi hecta nuôi nghêu đầu tư tối thiểu 200 triệu đồng, nếu không có điều gì bất trắc đến khi thu hoạch sẽ đạt năng suất khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 15 triệu đồng/tấn, thu nhập khoảng 450 triệu đồng/ha.

************************************

source

Vien Dong Daily