Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Áo dài Sài gòn


October 23, 2009


NGUYỄN THỊ LAN ANH-Việt Tribune

Nếu có dịp chứng kiến những cuộc thi hoa hậu nước trong nước ngoài vài năm gần đây, chắc chắn mọi người sẽ lóa mắt vì vẻ sang trọng cực kỳ của bộ áo dài Việt Nam, cụ thể là bộ quốc phục với chủ đề Rồng Việt do cô Hoàng Yến mặc dự cuộc thi Miss Universe năm 2009. Chưa tính công xá, chỉ riêng tiền vải và phụ liệu đã hết 2000 đôla. Trước khi đạt tới trình độ thẩm mỹ hoàn hảo trên đấu trường quốc tế như vậy, áo dài Việt Nam đã chịu biết mấy thăng trầm.

Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2009 Võ Hoàng Yến lộng lẫy với áo dài Rồng Việt tại cuộc thi Miss Universe 2009 tại Bahamas. AP Photo

Áo dài xưa Tiền thân của chiếc áo dài hai vạt điệu đàng bây giờ là chiếc áo tứ thân, rồi áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ đầu thế kỷ XX. Suốt trăm năm kế tiếp, hai miền Nam- Bắc Việt nam lúc tan lúc hợp, chiếc áo dài cũng tan hợp đủ trò. Hết xẻ vạt trước thành hai vạt, hạ cổ lưới cao năm bảy phân thành cổ thuyền (do bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu lăng xê nên kiểu cổ này còn được gọi là kiểu cổ Trần Lệ Xuân), nâng eo lên cao, thu hẹp bề ngang vạt áo, cắt ngắn vạt áo, vẽ vạt áo, thay vải cặp tay bằng ren, cắt rời phần tay, sau đó may nối lại với thân áo bằng một đường xéo. (kiểu may này do nhà may Dung ĐaKao sáng chế, gọi là áo tay Raglan). Đi kèm với áo dài là chiếc quần dài. Dù chỉ hai màu đen trắng nhưng quần dài cũng đổi thay liên tục- hết ống túm hai tấc lại chân voi ống xéo thùng thình. Hết gấu lá hẹ lại gấu lớn, thêu hoa. Hết ngắn tới mắt cá chân lại dài lê thê quét đất. Hết lồng thun lại cài nút…

Nữ sinh Đà Lạt trong tà áo trắng tinh khôi-Photo Nguyễn Đạt

Áo dài cách điệu.Tường Linh/Việt Tribune

… Dù sao cũng phải công nhận rằng chính nhờ những cải biến đó vẻ đẹp hình thể của người mặc được tôn lên nhiều. Chẳng vậy mà dòng thơ ca ngợi áo dài, nhất là áo dài nữ sinh- của thi sĩ Sài Gòn lại nhiều và hay đến vậy. Hỏi thăm nhiều bà cụ sáu bảy mươi tuổi về ký ức thời Gia Long, Đồng Khánh ‘áo trắng đơn sơ mộng trắng trong’, mặt cụ nào cũng tươi hẳn. Các cụ kể vanh vách, những là ‘em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ…tóc dài, tà áo vờn bay’, những là chàng X, chàng Y đánh nhau, tranh nhau bám đuôi ‘anh theo Ngọ về, chân anh nặng nề, lòng anh nức nở.’

Áo dài nay
Thời ‘mõm chó mực’ nhất của áo dài, nói trộm vía nhà nước xã hội chủ nghĩa, là sau năm 75, kéo dài hơn chục năm liền. Áo dài bị coi là không hợp thời đại mới, bị treo bán rẻ rúng ngoài đường, bị cắt phăng hai vạt lấy vải may áo ngắn. Dịp hội họp, lễ lạc quan trọng, kể cả cưới hỏi, các bà các cô cứ ‘đánh’quần đen áo bà ba, áo kiểu, đi guốc dép nhựa (thậm chí dép cao su, dép lốp cải cách). Những tấm hình hồi đó, gửi cho bạn bè nước ngoài, hay cất giữ trong album gia đình, giờ xem lại thấy rất…lịch sử (!). Mãi tới đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhiều nét đẹp văn hóa mới hồi sinh, trong đó có nét đẹp tà áo dài. Nhờ thế đường phố mới lại dập dìu áo trắng nữ sinh, áo tếch- ních- cô- lo nữ giáo viên, nữ viên chức…

Áo đỏ Vân Anh.Tường Linh/Việt Tribune

Áo Trắng.Tường Linh/Việt Tribune

Áo Vàng Vân Anh.Tường Linh/Việt Tribune

Áo Xanh Y Lan.Tường Linh/Việt Tribune

Có thể nói thập niên 90 chính là thời kỳ vàng son của áo dài Việt Nam. Với bộ sưu tập ‘Mười khúc biến tấu áo dài’ của Minh Hạnh và ‘Mười hai áo dài vẽ’ của Sỹ Hoàng, người Sài Gòn được chứng kiến sự cách tân hết sức ấn tượng của vải may áo dài, kiểu may áo dài, các loại phụ liệu đính lên áo dài. Nhờ ‘dịch’ thi hoa hậu các loại nở rộ, nhà thiết kế, nhà may áo dài thả sức sáng tạo, cho ra đời những chiếc áo dài ‘đẹp cực’.

Còn nhớ năm 2007, trong chương trình ‘Duyên dáng Việt Nam’ lần thứ hai mươi tổ chức tại Anh Quốc, khi chứng kiến ‘rừng áo dài’ Việt Nam diễu qua sân khấu, khách quốc tế nào cũng xuýt xoa khen ngợi. Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Miss World. Tối 24/6, tại rạp hát Hoà Bình, khách xem được một bữa rửa mắt cực kỳ ấn tượng khi chiêm ngưỡng 80 hoa hậu đến từ các nước đẹp lộng lẫy, nẩy lửa trong trang phục áo dài của bốn nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, Thuận Việt, Liên Hương, Võ Việt Chung (hoa hậu Venezuela, cô Dayana Mendoza đạt danh hiệu người mặc áo dài đẹp nhất). Liên tục từ bấy đến nay, cùng chiếc nón lá, tà áo dài đã đàng hoàng đại diện sắc đẹp Việt Nam trong tất cả cuộc thi trong và ngoài nước. Đàn ông Việt Nam, và cả đàn ông nước ngoài, khi được hỏi đều trả lời rất thích, rất vui nếu ‘người ấy’của mình, ngoài những trang phục tây phương, trang phục đời thường, còn biết diện trang phục áo dài trong ngày lễ tết cổ truyền. ‘Một không gian văn hóa thích hợp, kết hợp một tà áo dài đẹp, là cả một bài thơ’, anh Tick, chàng trai người Mỹ có vợ Việt Nam đã nói rất sâu sắc như vậy.

Các thiếu nữ với Áo dài và chợ Bến Thành Sàigòn .Tường Linh/Việt Tribune

Mặc áo dài không dễ
Áo dài, đành là rất ‘hoàng hậu’, rất gợi cảm nhưng với nhiều thiếu nữ Việt Nam, phải xỏ tay vào áo dài là cực hình. Các em phân bua ‘Thời tiết Sài Gòn càng ngày càng khó chịu. Nóng cực kỳ mà mưa lụt cũng cực kỳ. Mặc áo vô mồ hôi nhễ nhại. Tan học mưa tầm tã, phải thắt vạt, nhét vào lưng quần để lội nước’. Kẻ viết bài từng trông thấy điều đó, nơi các cổng trường cấp ba, giờ tan học. May mà ông Nguyên Sa đã mất chứ nếu còn sống sẽ lên máu mà chết không chừng. Vì ngoài những nàng Ngọ dáng đẹp, còn vô khối những nàng Dần đi hùng hổ như cọp, nàng Sửu đi ục ịch như trâu – khuy cổ, khuy eo mở ra cho mát, vạt áo dắt vào cạp quần, tay áo xắn lên, không phải để lội nước mà để khỏi vướng khi ‘choảng mấy con ngựa phe kia’. Nhiều nàng lướt qua, ‘hương thơm’ toát ra từ lưng áo, nách áo khiến cây si khoẻ mạnh nhất cũng viêm mũi viêm họng, héo hắt dần mòn. Thời ông Trịnh Công Sơn, không biết các nàng ăn gì để được ‘gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xăm’. Ngày nay, số ‘vạc’ đó giữ nguyên trong khi số ‘không vạc’ lại tăng đáng kể. Có lẽ nhờ siêng ăn fastfood, không chít chát, chơi game, thì vùi đầu vào sách vở thi cử hoặc lăn ra ngủ nên từ eo’vạc’hóa thành…bụng sửu cũng nên!

Dù đang thời khủng hoảng, suy thoái nhưng năm nay vải may áo dài không hề ế ẩm. Tháng Ba có ngày Quốc tế phụ nữ. Tháng Tám học sinh nữ chuẩn bị tựu trường. Tháng 11 Tết Nhà giáo. Ba tháng cuối năm âm lịch là mùa cưới (chưa kể Việt kiều ào ào về nước ăn tết). Bao nhiêu lễ lạc là bấy nhiêu tấm áo dài được chọn mua. Không cần vào những tiệm VIP, nơi vải áo dài tính bằng tiền đô, chỉ ghé sạp chợ Soái Kình Lâm, Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Tân Bình hoặc các siêu thị lớn, các cửa hàng đại lý của công ty Thái Tuấn, các tiệm vải tư nhân đường Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu……khách dù khó tính bằng trời cũng phải hoa mắt chóng mặt vì hằng hà sa số kiểu vải mới lạ, hoàn toàn made in Vietnam. Giá trung bình hai mươi đôla một bộ cả quần lẫn áo. Vải tơ tằm, vải voan (voan giấy, voan kính) hai lớp, một lớp rưỡi (một vạt ngoài dài, một vạt trong ngắn ngang eo), vải gấm (gấm nội, gấm Tầu), vải nhung (nhung Thái, nhung Tầu, tuyết nhung)… có thể tới 100 đôla một bộ. Người bán đa số đều có địa chỉ tiệm may ruột. Khách mua vải xong, đưa may chừng hai tuần là đã có áo mặc. Công xá thì tùy vải, tùy mặt. Tiệm Như Hảo, đường Trường Sơn, chuyên áo dài cho tiếp viên Hàng Không, giá hai trăm ngàn một bộ. Tiệm Tuyết Thu, đường Lê văn Sĩ, nhận áo dài học sinh, 90.000 đồng một bộ. Các tiệm Thiết Lập đường Pasteur, tiệm Liên Hương đường Ba tháng Hai, tiệm Võ Việt Chung đường Nam Kỳ Khỏi Nghĩa, tiệm Sỹ Hoàng đường Lý Tự Trọng…thì lại đông nghệ sĩ, doanh nhân cao cấp, hoa hậu, Việt kiều, vợ quan chức lớn.

Một tà áo dài là nguồn hứng khởi cho các nghệ sĩ .Tường Linh/Việt Tribune

Đối với đại đa số phụ nữ Sài Gòn, có năm bảy chiếc áo dài trong tủ áo là đủ. Chỉ các MC, diễn viên, giáo viên…mới mớ bảy mớ ba. Nhưng dù áo nào, rẻ tiền hay đắt giá, mới hay cũ, đẹp hay xoàng thì quan trọng không phải là tấm áo, mà chính là người mặc áo. Áo không chỉ che thân, chống nóng lạnh, mà áo còn là bề dầy văn hóa, bề sâu nhân cách. Mong phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam – luôn nhớ vậy, để biết trân trọng quốc phục và quốc sỉ, đừng ‘chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan’[NTLA]

**************************************************

source

Viet Tribune Online

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Lộc trời sau bão miền Trung


October 08, 2009


Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune

Thông thường, sau thiên tai thảm khốc là thiệt hại nặng nề về người và của. Chưa bao giờ thiên tai lại hào sảng ban lộc cho con người. Ấy vậy nhưng đó là chuyện có thực ở Đà Nẵng, những ngày đầu tháng 10, sau khi cơn bão số 9, tên quốc tế là Ketsana, quét qua.

Cứu người dân còn kẹt trên mái nhà. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Cứu dân trong cơn lũ lụt. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Đi củi trên bãi cát

Có mặt ở bãi biển Mỹ Khê, không cứ du khách mà ngay người dân Đà Nẵng rất bàng hoàng khi thấy chỉ sau một đêm gió bão điên cuồng, sáng ra, bãi cát mịn màng sạch sẽ đã biến thành bãi củi lộ thiên khổng lồ với hàng ngàn hàng vạn cây gỗ lớn nhỏ đủ loại nằm ngổn ngang. Tranh thủ dịp may trời cho, người dân Đà Nẵng rủ nhau đi hôi củi, tấp nập đông vui. Cụ Sáu Giáo, sống ở quận Hải Châu cho biết đây là hiện tượng hy hữu. Hàng năm, vào mùa mưa bão tháng chín tháng mười, sông biển miền Trung đầy củi. Ngay khi bão còn hoành hành, mưa còn nặng hạt, phụ nữ đã đội mưa ra bờ sông (biển) dùng sào khoèo củi. Đàn ông sức vóc gan dạ hơn thì ngồi ghe, chống bè, lặn hụp kè những súc gỗ lớn vào bờ, bán tại chỗ cũng được vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu nếu gặp danh mộc. Lợi như vậy nên dù biết nguy hiểm tính mạng dân nghèo vẫn rủ nhau đi vớt củi.

Thu nhặt củi trong khi cơn bão vẫn đang hoành hành tại Đà Nẵng. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Năm nay, bão số 9 gió to kết hợp với lũ dữ, không cần ra sông (biển) như mọi năm, chỉ ngồi trên bờ trời cũng cho lộc.
Gạt mồ hôi trên gương mặt hốc hác, còn phảng phất nét kinh hoàng vì cơn bão dữ vừa qua, ba người đàn ông ì ạch khiêng một thân cây nói ‘nhà cũng bị tốc mái, nhưng cứ tạm để đó, ra đây kiếm gỗ bán lấy tiền đã’. Một nhóm khác, có cả trẻ em, ý chừng là một gia đình, đang dùng dao rựa róc nhánh cây thành thạo. Vài người khác làm thịt tại chỗ vài chục thân gỗ lớn đường kính trên ba tấc, tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ rít xoen xoét. Không khí lao động trên bãi biển Mỹ Khê hết sức khẩn trương. Niềm vui ‘xí’ được gỗ, bán được tiền khiến mặt ai cũng tươi tỉnh. Tươi nhất phải kể các lâm tặc, trước toàn chui nhủi trong rừng, lúc nào cũng lén lén lút lút, sợ đụng kiểm lâm, nay nhờ bão số 9, được đàng hoàng ngồi giữa thanh thiên bạch nhật, xẻ gỗ bán cho các xí nghiệp, công xưởng làm đồ mộc. Tuy giá chỉ bằng một phần tư so với ngày thường nhưng khỏi nhọc sức hạ cây, vận chuyển lậu, thuế má lôi thôi. Một doanh nghiệp gỗ ở đường Ông Ích Khiêm hoan hỉ cho hay chỉ hai ngày đầu tháng 10, ra ngồi bãi biển này ông đã mua được 1,000 tấn gỗ các loại với giá rẻ mạt 50 triệu đồng.

Lộc trời cho dân Đà Nẵng hậu hĩ là thế nhưng so với bà con dưới huyện Đại Lộc-Quảng Nam vẫn chưa thấm vào đâu. Một đồng nghiệp vừa về từ xã Đại Minh huyện Đại Lộc miêu tả củi gỗ từ thượng nguồn sông Vu Gia dạt về đầy ứ. Vườn ruộng, đường làng chỗ nào cũng rều rác, xác súc vật chen lẫn củi đuốc các loại. Nhà ai cũng đầy củi. Cả làng thành vựa củi. Củi nhiều đến nỗi người ta chỉ lo tìm thân gỗ lớn, bán ra tiền, còn cây nhỏ, cành nhánh coi như rác.

Hiện tượng ‘lên rừng tại chỗ’ cứ vậy diễn ra ở Đà Nẵng-Quảng Nam suốt mấy ngày liền. Cho tới nay, trên bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng vẫn còn lại chừng 5,000 tấn củi rác. Mặc dù Công ty Môi trường Đô Thị Đà Nẵng đã huy động 50 xe chở rác, gần 1,000 công nhân vệ sinh, thuê thêm 400 lao động thời vụ, vận động học sinh sinh viên, quân đội tình nguyện dọn rác, nhưng công việc vẫn tiến triển chậm. Có lẽ phải vài tuần nữa, họa may bãi biển mới phục hồi được hai chữ ‘Mỹ- Khê’.

Thiệt hại khắp nơi

Điểm tiếp nhận tiền-hàng cứu trợ tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3 Sài Gòn. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Khắp thành phố Đà Nẵng, chỗ nào cũng có dấu vết tàn phá của bão số 9. Đường Nguyễn Tất Thành dọc bờ biển dài hơn 10 cây số với hệ thống kè chắn sóng bằng bê tông mới được khánh thành sau cơn bão Xangsane ba năm trước, với hy vọng sẽ trụ vững trước cuồng phong bão tố lâu dài, bây giờ bị bão vặn đứt từng đoạn hệt con mãng xà bị chém làm nhiều khúc. Gần 300 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, hơn 3,600 căn bị hư hại, các biển hiệu quảng cáo gẫy gục, dây điện đứt vương vãi trên đường. Chỗ nào cũng thấy người dọn rác, sửa nhà, vá đường. Trong chợ Đà Nẵng, những mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là mì ăn liền, rau tươi và nước tinh khiết. Một phụ nữ đứng chọn mua rau cho biết ‘ngày thường rau cải, rau muống tươi ngon chỉ ba ngàn một bó, bây giờ vọt lên gấp ba bốn lần. Thịt cá cũng đồng loạt tăng, mà cũng phải đi sớm, giành giựt mới có đồ ngon’. Chú Tư Thìn, chủ tiệm sắt ở khu phố trung tâm Đà Nẵng cho biết tuy không phải là thực phẩm nhưng tôn lợp nhà, xi măng, vôi, gạch, sắt thép, dây kẽm, đinh…bán rất chạy ‘chủ yếu cho người mua dặm vá, sửa chữa nhỏ thôi, còn muốn cất lại nhà bị sập thì phải từ từ, cả tháng sau’.

Càng đi dài xuống huyện Núi Thành, thị xã Hội An, Tam Kỳ, Trà My dọc bờ biển Quảng Nam hay huyện Tây Giang, Đông Giang tiếp giáp biên giới Lào, càng thấy thương người dân khổ sở trăm bề trong cảnh không điện nước sạch, không tiền, không cơm áo, không phương tiện mưu sinh, không thợ dịch vụ…… Các bà các chị tiếc của cắm cúi bới tìm đồ đạc trong vô vọng, mặt cúi gằm xuống đống bùn dầy trước đây từng là nhà cửa sân vườn của họ. Các em nhỏ mất tết trung thu mếu máo, không chỉ tiếc chiếc đèn lồng chưa kịp rước, mà cái chính là tiếc sách vở mới mua ngày tựu trường, chưa dùng được trọn tháng thì đã bị lũ cuốn trôi.

Số người bị chết, số nhà cửa, gia súc, hoa mầu bị tổn hại của Quảng Nam-Đà Nẵng tuy không thảm khốc bằng hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, nhưng cũng không dưới năm ngàn tỷ đồng. Muốn tái thiết Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung chắc chắn không thể một sớm một chiều. Đã vậy, nghe đâu chỉ ngày mai, cơn bão số 10 – tên quốc tế là Parma – có sức tàn phá không kém cơn bão số 9, sẽ đổ bộ vào.

Cứu trợ khẩn cấp

Mì gói được coi là hàng cứu trợ hiệu quả nhất. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Ngay từ khi bão số 9 chưa rút khỏi Đà Nẵng-Quảng Nam, dân Sài Gòn đã ‘đánh hơi’ thấy mùi chết chóc, thiệt hại nặng nề. Quả nhiên, qua công điện khẩn từ các địa phương, cộng với hàng loạt phóng sự, video clip nóng hổi từ vùng bão chuyển về, cập nhật liên tục trên tivi, báo chí các loại, người Sài Gòn càng xác tín thêm linh cảm xấu của mình. Tính sơ bộ, hơn 160 người đã chết vì bão. Số nhà cửa, làng mạc, hoa mầu, gia súc bị thiệt hại qui thành tiền là trên 15.000 tỷ đồng. Với tinh thần nhường cơm sẻ áo cho Miền Trung ruột thịt, chỉ trong vòng ba ngày sau bão, Hội Chữ Thập Đỏ thành phố HCM đã quyên góp được hơn 1 tỷ 4, Tổng Công ty Sông Đà 2 tỷ, Mặt trận Tổ Quốc 4,5 tỷ, báo Tuổi Trẻ 2,5 tỷ, báo Thanh Niên, Nguời Lao Động, Phụ Nữ……đều từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ. Chưa kể các công ty, xí nghiệp tư nhân, chùa chiền tu viện, trường học, khu dân cư, hội đoàn thanh niên, phụ lão,…… Tại điểm tiếp nhận cứu trợ chùa Vĩnh Nghiêm, một tu sĩ cho biết căn cứ vào số tiền – hàng chùa nhận được hai hôm nay, có lẽ chỉ một hai hôm nữa, sẽ đủ mua 1,000 phần quà – mỗi phần 10 ký gạo, một thùng mì, vài trăm ngàn đồng tiền mặt, lên đường cứu trợ ‘ngoài đó’.

Khi bài viết này đến với bạn đọc, trên quốc lộ 1 A, ngày đêm những đoàn xe tải vẫn nối đuôi nhau, vượt núi đèo xa xôi hiểm trở mang nghĩa tình ấm áp của Sài Gòn đến Miền Trung thương khó. Nhiều nữ doanh nhân liễu yếu đào tơ, cán bộ hưu trí già yếu, thay vì ngồi nhà gửi tiền – hàng nhờ các tổ chức nhà nước đi thay, đã nhất quyết áp tải theo xe để được trao quà tận tay nạn nhân lũ lụt. Một phụ nữ ngồi trên ca bin, phờ phạc vì say xe, giọng khản đặc, vẫn cố giãi bầy với người chung quanh ‘Tổng công ty gửi tặng 500,000 đồng cho một nhà hư hại, hai triệu đồng cho một nhà có người chết vì bão. Không phải sợ bên Mặt Trận người ta ăn bớt, cũng không phải không tin sự chu đáo, chuyên nghiệp của họ, nhưng của một đồng, công một nén, mình cứ phải tự đi mới yên tâm’.[NTLA]

***************

source

Viet Tribune Online

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Saigon xưa


3rd of December 2008

Saigon xưa

Không những dòng xe tải khói nghi ngút trời, không những tiếng còi xe inh ỏi, đường xá thẳng tăm tắp, vespa, jeep, cup chạy ngập phố phường… Sài Gòn ngày xưa mang một nét đẹp lạ thường, thật cổ điển, nhưng cũng thật gần gũi, và vô cùng quyến rũ. Những bức hình sưu tầm của Sài Gòn những năm 70-80, có thể nói, đã lột tả được phần nào Sài Gòn ngày xưa, hòn ngọc viễn đông theo đúng nghĩa của nó.

Đường Nguyễn Huệ

Nguyễn Huệ và Tòa Đô Chánh

Cũng đường Nguyễn Huệ, đứng từ bờ vườn hoa trước rạp Rex nhìn ra hướng bến Bạch Đằng. Cái nhà trắng ngay góc tay phải là tiền thân của Thương Xá Tax. Bờ rào dựng lên có lính Cộng Hòa gác là do Tòa Đô Chánh có…họp.

Trước cổng Sở Thú . Đi qua phía bên tay trái của anh xích lô là “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” đó

Chính danh Chợ Lớn rồi. Nguyễn Trãi thì phải?

Hình mới, thập niên 90. Có xe Honda dream, có bảng hiệu nhà thuốc quốc doanh “Hiệu thuốc số 1”.

Hàm Nghi. Những năm đầu 70

Có sẵn tên đường…Hai Bà Trưng. Ngã tư Hiền Vương, quẹo phải có tiệm cơm tấm Hiền Vương ngon nổi tiếng

Còn dấu đường ray dẫn vào ga Sài Gòn cũ: Đường Lê Lợi đoạn trước chợ Bến Thành. Cái nhà trắng là hiệu sách Khai Trí?

Petrus ký

Hình chụp Tòa Đô Chánh Sài Gòn ngày 26/10/1955. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý truất phế cựu hoàng Bảo Đại, chính thức từ xã hội phong kiến trở thành thể chế cộng hòa với tổng thống Ngô Đình Diệm

Những chiếc phi cơ của Hàng Không Việt Nam (Air Viet Nam) tại phi trường Tân Sơn Nhất

Công viên Sài Gòn

Sông Sài Gòn

Giáo dân tham dự thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn

Bưu điện Sài Gòn

Xe hoa ngày cưới

Cup, Vespa xếp hàng thẳng tắp. Hihi…


*********************************
source
http://leopham.tumblr.com/post/62750965/saigon-x-a